Kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ( 20/11/1982- 20/11/2012), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài tản văn của tác giả PHẠM ANH XUÂN ( Bố Trạch, Quảng Bình) mới gửi về cho toà soạn.
Mỗi một con người được sinh ra và nhìn thấy ánh mặt trời đã là một niềm may mắn lớn. Hạnh phúc hơn khi những năm tháng tuổi xuân lớn lên trong yên bình. Rồi bỗng dưng tai họa ập đến cùng một cơn bạo bệnh, hãi hùng mường tượng đến những ngày cuối cùng của đời mình thì mới thấy sự quý giá vô cùng của những năm tháng đã qua. Chợt những kỷ niệm của tuổi học trò từ nơi nào xa lắm ùa về trong ta làm ấm lại cõi lòng tan nát, như những dòng nước mát lành tinh khiết diệu kỳ có thể hàn gắn những vết thương tinh thần tưởng chừng như chẳng bao giờ lành nổi.
Những ký ức ấy vẫn thao thức hằng đêm cứ tưởng như chỉ là mới hôm qua…
Nhà ở sát trường học nên thấy mấy đứa cùng trang lứa kéo nhau cắp sách tới lớp là háo hức lắm, cũng vô tư xin cha cho đi học, cha cười và đồng ý liền. Thế là vào ngay lớp Một mà không cần qua Mẫu giáo. Vẫn trở thành học sinh giỏi đứng vào tốp đầu của lớp như thường. Đã 21 năm trôi qua rồi nhưng vẫn còn nhớ như in cái cảm giác rất khó tả khi cất tiếng xin cha cho đi học cái chữ. Vừa hồi hộp vừa thích thú đến là lâng lâng. Chắc chắn khi ấy là không hề có niềm đam mê học hành rồi, mới có 7 tuổi đầu thì đào đâu ra, chỉ thấy bạn bè trong xóm lẽo đẽo theo mẹ tới trường ghi danh nên đâm ra cũng…muốn, như kiểu thấy thằng kia có cái áo mới là mình cũng về nhà vịn gấu áo mẹ kỳ kèo đòi mua cho bằng được vậy. Thế mới biết khi con người ta biết yêu thích điều gì đó thì đừng ngần ngại trải lòng mình ra. Rất có thể một niềm đam mê sẽ đến từ niềm thích thú ấy. Bản thân mình đã bén duyên với nghiệp con chữ từ sau dạo đó.
Nhưng mới vào những ngày đầu của lớp Hai tiểu học mà đã biết ăn trộm cây thước gỗ của bà cô ruột làm nghề thợ may để đem cho cô giáo vì thước cô bị gãy, để rồi ngay ngày hôm sau bị bà ấy tìm tới trường nộ cho một trận ngay giữa lớp làm cô giáo sượng đỏ cả mặt. Cô giáo hỏi tại sao lại nói dối là thước của nhà mình thì chỉ biết cười ngô nghê trong khi toàn thân cứ nổi da gà, không biết giải thích vì sao. Ngay cả bây giờ, tức là hơn hai mươi năm sau cũng không biết vì sao lại làm thế. Chỉ biết rằng lúc đó thấy vui ơi là vui vì cô giáo có thước để giảng bài, cả lớp sẽ học thuộc lòng những bài tập đọc nhờ những tiếng thước gõ bài của cô sau mỗi câu cô đọc, nhưng sướng nhất là được nở mày nở mặt trước lớp vì đã giúp cô được một việc “tốt”. Ngớ ngẩn thế đấy, không hề nghĩ rằng hành động lấy cắp là chẳng tốt đẹp một chút nào, lại còn nói dối, vơ của ta làm của mình nữa chứ, thật là đáng xấu hổ. May thay, con người ta lớn lên cùng nhận thức cũng lớn theo đủ để răn mình rằng không bao giờ trở thành một tên đầu trộm đuôi cướp, ăn dối nói gian. Chí ít cũng phải làm người có ích thì mới xứng với cơm Cha - áo Mẹ - chữ Thầy.
Càng lớn càng thấy sự quý giá của cơm Cha - áo Mẹ - chữ Thầy, vì thế mà nỗ lực phấn đấu nhiều thêm, dù rằng không được thỏa sức chơi đùa cùng bạn bè trên sân bóng sau những buổi chiều tan học. Nhà đông anh em lại nghèo khó nên phải biết tận dụng những giờ nghỉ, ngày nghỉ để giúp đỡ gia đình, nào ra biển mò nghêu bắt cá, nào vào rừng hái củi về đun, nào tranh thủ xách nước gạo cho mẹ nuôi heo, nào gánh nước, giặt giũ… nói chung là không thua kém gì con gái, cũng hơi vất vả nhưng không phải vì thế mà chán mình và ghen tị với những đứa nhà giàu ham chơi. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, phải biết vui vẻ với những gì mình có, phải biết làm tốt công việc của mình trước đã. Đôi khi sự vất vả khó nhọc cũng giống như sự thử thách vậy, biết vượt qua nghĩa là mình đã chiến thắng, như thế là hạnh phúc lắm. Lại càng thấy thương những đứa bạn vì hoàn cảnh quá khó khăn mà đành bỏ học sớm. Thế là tự nhủ lòng mình rằng không những phải học cho mình mà còn phải học cho cả phần dở dang của bạn nữa, vậy là cố gắng gấp đôi.
Nhưng nào ngờ, ước mơ lập thân lập nghiệp từ học hành chưa kịp thực hiện thì lâm bệnh nặng. Không những thế mà còn có thể một ngày không xa sẽ bỏ cõi tạm này mà đi vì vô phương cứu chữa. Phải mất gần vài năm để có thể lấy lại bình tĩnh và đủ nghị lực để sống tiếp. Bỗng nhận ra mình cũng có một khoảng trời trên đầu như ai vậy. Mình cũng phải sống cho ra một con người, mà phải là một con người có ích. Phải biết tận dụng nốt những gì còn lại dù rằng cơ thể sắp tàn tạ. Niềm đam mê viết lách vẫn còn đây, nó vẫn theo ta trong từng hơi thở. Và còn thở thì còn viết, viết để trải lòng, âu đó cũng là biết đền ơn cuộc sống tươi đẹp đã cho ta được hít thở và làm những điều mình thích. Đó là niềm vui sướng khôn tả của một con người biết nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu mai chết đi thì cũng thỏa nguyện mà vui thay vì đã có dấu ấn của mình giữa đời này. Biết đâu những tác phẩm của mình cùng lòng thành tâm sẽ ở lại với thế gian. Thế thôi. Thật nhẹ nhõm!
Đời mỗi người mỗi khác nhưng tựu chung thì ai cũng phải tự tìm lấy hướng đi cho chính mình sao cho không thấy hổ thẹn với cơm Cha - áo Mẹ - chữ Thầy và vùng trời xanh có mặt trời ở trên đầu. Có người rất may mắn việc gì cũng suôn sẻ. Có người gặp rất nhiều trở ngại trong đường đời nhưng rồi cũng thành công. Có người chẳng những không được như thế mà còn nằm đau với những dự định của mình còn đang dở dang. Nếu bạn rơi vào nhóm người không may này thì bạn sẽ thế nào? Có thể bạn sẽ làm tốt hơn tôi rất nhiều đấy, vì biết bình tĩnh để suy tính thì bạn sẽ tìm được cái gì phù hợp với khả năng và niềm say mê của bạn, vấn đề còn lại là hãy dành hết tâm huyết và nghị lực để thực hiện nó!
Bạn sẽ cảm thấy tiếc lắm những tháng ngày tuổi trẻ ra đi không bao giờ trở lại, tuổi xuân xanh cũng chỉ có một lần trong đời, vậy tại sao không dốc hết sức lực để vui sống, học tập và làm việc một cách có hiệu quả nhất. Một ngày kia nhìn lại chặng đường đã qua sẽ không thấy buồn tủi với lương tâm và biết mỉm cười tự an ủi mình rằng đã sống hết mình, chiến đấu hết mình. Trong mỗi người đều có nhiều trận chiến, nhưng quan trọng nhất vẫn là trận chiến với chính mình. Bạn chiến thắng nghĩa là bạn làm chủ được mình. Nó khác hẳn với sự hiếu thắng của trẻ con. Nhưng với miền trẻ thơ thì ta yêu biết nhường nào.
Không ai bán vé về lại tuổi thơ đâu, cũng chẳng thể nào trở lại những ngày thơ bé, xa vời thật đấy nhưng cũng gần lắm thay vì ngay ở trong tim mỗi người ai cũng có. Miền tuổi thơ ngát xanh ấy với những con sóng dịu dàng vẫn vỗ về sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người xanh mãi xanh. Con người biết yêu từ đấy, biết ghét từ đấy, biết lớn lên từ đấy và quan trọng hơn hết là biết sống làm người từ những ký ức đẹp đẽ ấy.