Trời rét mướt, tôi có thể ngồi lỳ bên bếp lửa hàng tiếng đồng hồ, thả hồn mê mải vào những ngọn lửa đủ sắc màu, luôn thay đổi hình dạng mà ngẫm ngợi về lẽ hưng phế tồn vong, cái chập chờn mê ảo của thế sự, đời người. Khoái cả tiếng củi nổ lép bép vui tai, tiếng lửa reo phần phật và khói cay điếc mũi....
Không khí ẩm thấp, những ngọn gió lạnh lẽo cuối đông làm dậy lên những ký ức bùi ngùi về một thời đã xa. Tuổi thơ tôi đi qua những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh. Cái dữ dằn khốc liệt của cuộc chiến chỉ còn mờ dấu vết nhưng những ký ức đượm buồn của một thời đói rét thì hình như chỉ đâu mới hôm qua.
Đôi lúc, tội tự nghĩ, mình đã qua được cái thời ăn đói mặc rét ấy là nhờ lửa. Có ai đó cho rằng, lửa đã sinh ra vạn vật, là quà tặng cho Tạo hoá để biến lũ vượn thành người. Đó là chuyện của thời vạn cổ buổi hồng hoang. Với tôi, đứa trẻ được sinh ra ở một vùng quê nghèo cạnh dòng sông La thì lửa được coi là mẹ, là bạn, là niềm hi vọng. Tôi đã lớn lên từ những ngọn lửa cháy lên trong rất nhiều kiểu bếp: ba hòn gạch chụm vào nhau, hai thanh sắt gác lên hòn đá, dùng đất sét đắp lò giữ nhiệt...rồi đến kiềng sắt ba chân, bốn chân...Bếp nấu cũng như nồi niêu xoong chảo cứ phải thay dần cho hợp thời hợp mốt, nhưng vật tạo ra ngọn lửa ở các làng quê dân dã thì muôn đời này hình như vẫn thế: củi gỗ, rơm rạ, lá lay...
Xong vụ gặt, rơm rạ chất thành đụn, thành cồn dành cho trâu bò mùa lũ lụt và dùng để đun nấu. Lửa rơm cháy đượm nhưng chóng tàn. Tôi chả thích đun bếp bằng rơm một tẹo nào cả. Khói mù trời, lại phải luôn tay tiếp mồi rơm giữ lửa. Mẹ tôi chọn đoạn ống nứa to bằng cổ tay cắt rỗng hai đầu làm ống thổi. Vừa để tiếp khí để làm bùng lên ngọn lửa khi đã liu điu, vừa làm que cời lửa cho đều, chòi tro than ra ngoài bếp. Những nồi cơm được đun bằng lửa rơm, vùi ủ trong tro nóng chín đều lại còn cho một lớp cơm cháy vàng hươm. Cơm cháy mà chấm muối vừng đen thì ngon tuyệt.
Thời ấy, việc dùng củi gỗ để nấu nướng được xem là hoang phí. Mẹ tôi thường ca cẩm vì tôi không chịu khó đun rơm mà cứ chực rút củi để dành trên gác bếp. Hồi đó, bên lâm sản người ta bán củi rừng, gỗ phế liệu theo từng yến, từng tạ hay đo theo xít-te. Mua chở về, đem phơi nắng rồi bó lại gác lên chái bếp dùng dần. Để đỡ tốn tiến, bố mẹ thường giao cho lũ trẻ chúng tôi đi kiếm củi. Thiếu củi đốt có lúc được xem như thiếu gạo. Chị em tôi gồng gánh đi dọc bờ hói để cào lớp lá phi lao khô màu nâu sậm, chui lủi vào các lùm tre bụi hóp bóc vỏ măng khô xâu lại thành chuỗi như người ta xâu cá lóc, nhặt nhạnh những que củi khô thành bó thành đùm.
Mùa rét đậm, lúc thả trâu trên đồng, lũ trẻ trong làng thường bện rơm con cúi để chống đỡ cái rét cóng mặt giữa đồng không mông quạnh. Nhiều đứa còn đào lỗ ở chân đê, gò hoang làm bếp. Cả bọn túa nhau đi tìm củi đốt, bới trộm khoai lang về nướng. Những củi khoai lang cháy lem nhem được bẻ chia từng mẩu nhỏ cũng đủ làm ấm bụng những đứa trẻ nghèo.
Trong cái rét se sắt của mùa đông, chúng tôi kéo nhau đi thành từng tốp để tìm kiếm, chặt đào củi gộc. Kiếm được gốc cây đã mục, cả bọn xúm vào đào bới, chặt bửa, xắn từng đoạn rễ còn lấm lem bụi đất. Xong buổi, dồn đống gộc lại chia phần cho từng đứa mang về. Thứ gỗ gộc này thường ít dùng vào việc đun nấu mà chủ yếu dành để sưởi ấm vào mùa giá rét.
Đã thành lệ, cứ vào tối 30 tết, cả nhà tôi lại ngồi quây quần bên bếp lửa, nấu bánh chưng và họp gia đình. Sau lúc thắp cây hương trầm, pha một ấm trà đặc sánh, bố tôi trịnh trọng làm cái việc tổng kết một năm và nêu những dự tưởng cho năm tới. Đủ thứ chuyện của người xa kẻ gần, từ chuyện văn nghiệp của bố, nghề y của mẹ, cho đến cái sự học hành chơi nhởi của bọn con cái chúng tôi. Câu chuyện cứ rì rầm trong tiếng lục bục sôi của nồi bánh và kéo dài cho đến tận lúc đón giao thừa, cúng cỗ đêm. Ngồi cạnh bếp lửa, ai cũng tự tìm thấy việc cho mình. Bố giúp mẹ tôi trong việc lấy thêm củi. Mẹ ngồi bỏm bẻm nhai trầu luôn tay tiếp nước, săn sóc cái nồi bánh chưng đang nấu dở hay tranh thủ ngồi bóc mớ lạc. Chị em chúng tôi ngồi ngắm nhìn những ngọn lửa đang nhảy múa, hó háy chọc chòi mấy củ khoai, củ sắn vùi nướng trong bếp lửa.
Tôi vốn là người khoái ngồi bếp. Trời rét mướt, tôi có thể ngồi lỳ bên bếp lửa hàng tiếng đồng hồ, thả hồn mê mải vào những ngọn lửa đủ sắc màu, luôn thay đổi hình dạng mà ngẫm ngợi về lẽ hưng phế tồn vong, cái chập chờn mê ảo của thế sự, đời người. Khoái cả tiếng củi nổ lép bép vui tai, tiếng lửa reo phần phật và khói cay điếc mũi.
Những năm sau này, nhà tôi đã sắm cái bếp ga. Cứ thế, vắng dần đi ngọn lửa của củi gỗ, rơm rạ trong cuộc sống hàng ngày. Khi đang còn sống, cứ vào dịp tối 30 tết, dẫu không còn phải nấu bánh chưng vì đã đặt mua ngoài chợ, mẹ tôi vẫn cứ soạn một chậu lửa củi để tạo không khí cho việc nhóm họp gia đình. Bếp lửa như là cái nhà rông của cả nhà, là nơi châu tuần của bao suy nghĩ, những ước vọng, buồn vui. Phải vì thế mà tôi từng mê đắm, và bây giờ vẫn đang tiếc nuối cái thời lửa còn nguyên là lửa. Rồi cha tôi, sau đó lạị là mẹ tôi lần lượt về với cõi tiên mang theo đi bao kỉ niệm buồn vui của một thời. Trong bập bùng ký ức, chợt len lỏi trở về trong tôi một câu hát thuở nào: "Ta đốt lửa cho đời thêm ấm mãi..."
Cuối đông 2018
Ảnh: Internet