Huệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Mùa hè với những trận gió Lào, cái nắng thiêu rụi cả cây cối, cỏ dại còn mùa đông lại rét cắt da cắt thịt.
Huệ là chị cả trong một gia đình có sáu người con. Tuổi thơ của cô lớn lên bằng bữa no bữa đói, quanh năm khoai sắn qua ngày. Hôm nào sang thì có thêm nắm gạo mà những hạt cơm chỉ đủ bám lấm tấm xung quang những củ khoai, củ sắn. Chỉ những ngày gia đình có việc quan trọng mới có một nồi cơm không độn khoai. Những hôm đó, lũ em của Huệ mặc dù chân tay còn lem lấm không cần chờ chị gọi chúng đã hớt hơ hớt hải chạy vào ngồi quanh mâm cơm. Gọi là mâm cơm cho sang nhưng thực ra đó là cái mẹt đan bằng nứa mà ngày thường mẹ của Huệ vẫn dùng nó để làm những việc đồng áng. Em của Huệ đứa nào đứa nấy mắt chữ O miệng chữ A. Dường như chúng ngạc nhiên lắm vì những bữa cơm không độn khoai, độn sắn đã trở thành xa xỉ và quanh năm chỉ đếm được bằng đầu ngón tay.
- “Chị ơi, hôm nay có cơm hả chị?”
- “Ừ. Các em ngồi ngoan vào để chị chia phần nhé”
Lũ em Huệ không ai bảo ai, chúng ngồi ngay ngắn chờ đến lượt mình. Nhưng khi chia đến phần cơm cuối cùng cũng là lúc nồi cơm sạch nhẵn không còn hạt cơm nào trong khi mỗi phần cơm chỉ được non bát. Nhìn lũ em ăn ngấu nghiến, ngon lành là chị cả Huệ không khỏi chạnh lòng. Huệ lặng lẽ lấy phần cơm của mình chia đều cho các em.
Mảnh đời của Huệ ( Tranh: Mai Anh Tuấn)
Mười ba mười bốn tuổi, ở cái tuổi ăn chưa biết no, lo chưa tới đối với trẻ con bây giờ bố mẹ còn phải dỗ uống loại sữa này cho cao lớn, ăn loại hoa quả kia cho bổ dưỡng thì với Huệ đòn gánh đã đè lên hai vai. Huệ phải theo mẹ lên rừng cắt một số loại cây dại như cây mua, cây sim…bó lại thành từng bó gánh về phơi khô để sang mùa đông sưởi ấm.
Đi bộ bảy tám cây số mệt rã rời chưa kịp nghĩ đã phải luồn lách vào trong bụi cây rậm rạp thì việc bị gai góc đâm vào tay, cứa vào người chảy máu đã là chuyện hết sức bình thường chưa nói đến rắn rết, côn trùng. Khi đã đủ hai bó lá vừa sức gánh cũng là lúc cái nắng gay gắt như đổ lửa bắt đầu trút xuống. Bước thấp, bước cao bàn chân như muốn phồng rộp và tứa máu vì sức nóng của mặt đường đầy sỏi đá.
Ngày nối tiếp ngày, tuổi thơ vất vả lam lũ, rồi cũng qua đi. Bỗng chốc Huệ đã trở thành một thiếu nữ mười chín, hai mươi tuổi phổng phao, xinh xắn. Tối tối bạn trai từ trong, ngoài làng đến chơi chật ních cả căn nhà. Đó là chưa nói đến một số anh chàng lấp ló ngoài ngõ vì ngại không dám vào. Mẹ Huệ đi làm đồng có người còn ngỏ ý: “Bà Lan ơi, gả cái Huệ cho thằng Hùng nhà tôi nhé”. Những lúc đó, mẹ Huệ chỉ cười: “Chuyện của nó tôi cho nó quyết định thôi bà ạ!”
Giữa bao nhiêu chàng trai theo đuổi, Huệ đã chọn một anh khác làng. Thấy không yên tâm khi con gái đi lấy chồng xa, bố mẹ cô đã có ý can ngăn nhưng Huệ bảo: “Bố mẹ cứ yên tâm, ý con đã quyết, sướng khổ gì con cũng cam chịu!”
Rồi ngày đó cũng đến. Huệ đi lấy chồng vào một ngày tháng sáu, cái tháng có thể được coi là đẹp nhất trong năm. Mấy hôm trước trời đang nắng đẹp không hiểu sao ngày đó trời lại đổ cơn mưa. Cơn mưa như dự báo một chuỗi ngày u ám trong cuộc đời của Huệ.
Đúng là đàn bà lấy chồng như chơi một canh bạc phải chờ vào vận đỏ, đen mà giờ đây khi đã dấn thân vào Huệ mới biết mình đã quyết định sai lầm. Trong lòng Huệ giờ đây tình yêu đã chết chỉ còn lòng thù hận bởi khi đang yêu, chồng Huệ là một người siêng năng, chăm chỉ nhưng khi đã là vợ chồng Huệ mới biết đó là vỏ bọc, một cái vỏ bọc quá hoàn hảo đến mức cô đã không nhận ra. Anh ta tạo ra vỏ bọc hòng để chiếm được tình cảm của cô. Chỉ một thời gian sau ngày cưới anh ta hiện nguyên hình là một kẻ lười biếng, rượu chè bê tha
Ngày mang bầu đứa con đầu lòng khi bụng đã vượt mặt, Huệ vẫn một mình ngoài đồng gieo cấy. Ngày Huệ sinh con thay vì ở bên cạnh vợ động viên, chia sẻ thì anh ta đang vui vẻ bên bàn rượu. Trong cuộc sống anh ta chưa hề chia sẻ với vợ bất cứ điều gì, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do cô gánh vác đã thế nhiều hôm say còn về đánh vợ. Nhiều hôm, khi đi ra ngoài, đến chỗ đông người cô lén nghiêng chiếc nón vì cô không muốn mọi người nhìn thấy khuôn mặt bầm tím, sưng vù của mình. Nhiều đêm không ngủ được, cô ra ngồi ngoài sân, tiếng côn trùng kêu não nề mà cô thấy cuộc đời mình thật bi đát. Hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên hai gò má. Nhiều lúc, cô cảm thấy đã kiệt sức và muốn kết thúc cuộc đời mình nhưng hình ảnh con thơ lại hiện lên khiến cô phải gắng gượng để sống. Thời gian trôi đi khi đã có với nhau hai đứa con chồng Huệ vẫn không thay đổi. Nhiều hôm thấy dáng đi thất thểu, xiêu vẹo ở đầu ngõ của chồng là mấy mẹ con Huệ phải ôm nhau chạy thật nhanh ra cửa sau trốn sang nhà hàng xóm nếu không muốn bị những trận đòn oan ức. Chỉ đêm khuya khi hắn đã ngủ ngon Huệ mới dám đưa con về.
Cuộc sống của cô cứ trôi qua như vậy cho đến một hôm nhận được tin chồng cô có mối quan hệ bất chính với một cô gái quá lứa lỡ thì. Lòng Huệ đau như cắt nhưng cô cắn răng tự nhủ với lòng mình không được phép gục ngã. Ngày biết tin cô gái kia có bầu, Huệ sống như một cái xác không hồn. Rồi hắn dẫn theo cô gái kia về và đuổi ba mẹ con cô ra khỏi nhà. Như giọt nước tràn ly, cô không thể nhẫn nhục mãi được nữa. Cô cũng là con người, cô cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Niềm khao khát trong cô trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Cô phải sống cho mình, cho con cô. Nghĩ vậy cô đã dắt theo hai con ra đi. Người làng cũng không biết cô đi đâu. Có người bảo cô ra Bắc, có người bảo cô vào Nam và đã có cuộc sống hạnh phúc với người đàn ông khác.
Bẵng đi mấy năm, cho đến một ngày cô nhận được tin chồng cô mất. Anh ta mất trong nghiện ngập. Căn nhà ngày xưa cô sống giờ đã trở nên hoang tàn. Cô vợ mới và đứa con cũng đã bỏ đi. Người ta ngỡ ngàng khi thấy cô về cùng người chồng mới và ba đứa con. Hai con của cô với chồng cũ giờ đã trưởng thành.Cô Huệ giờ đây đã thay đổi rất nhiều, đến mức nhiều người không nhận ra. Vẻ xác xơ, tiều tụy ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là một cô Huệ đẹp, một vẻ đẹp mặn mà, sang trọng. Cô về lo ma chay cho chồng rất chu đáo. Xong việc cô đi từ giã bà con lối xóm và những người đã từng cưu mang mẹ con cô trước đây. Người làng vẫn rất quý cô, họ bảo cô là người sống có tình có nghĩa. Họ thầm chúc cho cô hạnh phúc.
Câu nói “ở hiền gặp lành” của người xưa vẫn mãi còn nguyên giá trị trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Thời gian vẫn cứ trôi, cuộc đời luôn có những giông bão, thăng trầm nhưng chúng ta hãy vẫn cứ tin rằng “sau cơn mưa bầu trời sẽ lại sáng”.
Nguyễn Thị Liên