07-05-2024 - 00:26

Mấy cảm nhận bước đầu nhân đọc “Dưới bóng sao khuê”

Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Mấy cảm nhận bước đầu nhân đọc “Dưới bóng sao khuê”” của nhà thơ Lê Quốc Hán (Dưới Bóng Sao Khuê, Hà Quảng, Nxb Hội Nhà văn, 2/2024)

1. Về một tập sách.

“Dưới Bóng Sao Khuê” là cuốn Nghiên cứu, phê bình Văn học thứ 14 của nhà văn Hà Quảng, nhưng theo lời tâm sự của ông, đây là một trong ba cuốn ông tâm huyết nhất, sau “Văn chương, một góc nhìn” (Giải thưởng VHNT Nguyễn Du, 2010) và “Đến với thơ đương đại (Giải thưởng Hội đồng LLPB Quốc gia, 2018). So với những Tác phẩm trước, “Dưới Bóng Sao Khuê” được viết với một tinh thần cởi mở hơn, dưới những ánh sáng quan điểm về lý luận và thực tiễn sáng tác văn chương Việt đổi mới hơn. Tác phẩm gồm ba phần:

Phần thứ nhất - Lý luận chung, gồm 9 chương. Đây có thể xem như kim chỉ nam giúp độc giả yêu văn chương tìm đọc, cảm nhận các tác phẩm văn chương Việt đang tràn ngập trên thị trường sách báo hiện nay. Thực ra, đó cũng là những lời tự giải đáp của của bản thân tác giả trước những trăn trở muôn thuở của người yêu văn học nước nhà. “Đôi điều về những ngã rẽ văn hóa đọc”: Vấn đề còn lại và đặt ra cho người đọc là nên đọc sách cả mạng và giấy nhưng hãy tìm một ngã rẽ hợp lý về cái sự đọc: đọc cái gì, đọc tác giả nào… cho có lợi vì thời gian hẹp lắm. Đọc không phải chỉ để nghiên cứu, tìm hiểu, không phải thuần giải trí; cũng không phải có cơ hội để kiếm sống… Đọc là một nhu cầu tiếp nhận thông tin tự thân. Nó là một yếu tính của “bản thể người” trên phương diện tiếp cận đời sống thời hiện đại (Trang 12). Với một kiến văn sâu rộng, tác giả bàn về sự đọc, sự cảm trên nhiều loại hình văn học: Văn xuôi (Về dòng văn chương đề tài lịch sử, Về các kiểu nhân vật mới trong tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại…); Lý luận Phê bình Văn học (Lý luận, Phê bình và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, Về mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn chương và lịch sử); nhưng nhiều nhất, tâm huyết nhất vẫn dành cho thi ca (Thơ và thủ pháp “lạ hóa”, Một góc nhìn vẻ đẹp của thơ, Đến với thơ hay và những ngộ nhận, Sức sống tiếng việt qua Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du). Điều này cũng dễ hiểu, bởi trước khi trở thành nhà Nghiên cứu & Phê bình Văn học, tác giả Hà Quảng vốn là một thi sĩ. Hai mươi lăm tuổi, ông đã có thơ đăng trên báo Văn nghệ (Trăng làng, Bài học ngoài trời), báo Nhân dân và có hai tập thơ in chung với Xuân Hoài (Hương quê) và Nguyễn Trọng Tạo (Tình ca người lính), nhiều bài được ngâm trên Đài tiếng nói Việt Nam (Những chuyến xe, Đường Kỳ Anh, Qua phà Linh Cảm…). Những thành tựu không dễ đạt với một tác giả trẻ tỉnh lẻ thời đó. Vì vậy , không lấy làm ngạc nhiên, khi không chỉ phần đầu, mà cả cuốn sách, hai phần ba bài viết ông dành cho Thi ca, niềm đam mê lớn nhất suốt đời của ông.

Phần thứ hai - Tác giả, ông khắc họa chân dung của 10 tác giả ấn tượng nhất đối với đời văn ông: 9 văn - thi sĩ xứ Nghệ và Lưu Quang Vũ - nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa. Tôi không lấy làm ngạc nhiên, khi nhớ lại 55 năm trước (1968), tôi còn là học trò cấp ba của ông, ông đã yêu/ mê thơ Vũ lắm rồi. Mỗi lần tôi đến chơi, ông lại đọc những bài thơ mới Vũ: Chiều ấy các anh đi/ em đứng sau lũy tre/ nắng nhạt vàng hoe gốc rạ/ Đất nước đánh thù đường trăm ngả/ em muốn nói trăm câu nghìn câu/ mà chỉ nghiêng đầu khe khẽ; Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ ai/ còn biết mấy hẹn hò dang dở… Trong 9 văn - thi sĩ xứ Nghệ, duy nhất một tác giả quê Nghệ An: thi sĩ Thạch Quỳ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong giai đoạn 1970 - 2000, Thạch Quỳ là nhà thơ có nhiều thành tựu nhất trong các nhà thơ xứ Nghệ sống và sáng tác tại chính quê nhà, và cũng là thi sĩ nhiều ấn tượng nhất trong lòng độc giả xứ Nghệ mãi đến hôm nay. Hai chương “Nhà văn và phận đời” và “Nhà văn hóa xứ Nghệ”, ông dành viết về những “người cùng thời” sáng lập Hội Văn Nghệ Hà Tĩnh quê nhà: Nhà văn Đức Ban - Giải thưởng Nhà nước (2017) và Thái Kim Đỉnh - nhà văn hóa gạo cội Hà Tĩnh với những đóng góp phong phú trong việc sưu tầm, giới thiệu văn hóa tỉnh nhà. Trong sáu chương còn lại, ông phác họa gương mặt của các nhà thơ tiêu biểu qua các giai đoạn: Trung- Cận đại (Lê Hữu Trác qua “Nét thơ của bậc danh y”), Chống Mỹ (Phạm Ngọc Cảnh qua “Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, một người lính, một người tình”, Cẩm Lai qua “Tơ tằm mãi còn vương”), Thời chống Mỹ và đương đại (Duy Thảo qua “Một hồn thơ đa cảm), Thời đổi mới - sau 1990 (Lê Quốc Hán qua “Nhà thơ nỗi niềm thế sự”) và đương đại (Nguyễn Thị Hạnh Loan với “Một giọng thơ nữ: Những giấc mơ tình yêu”). Hiển nhiên còn nhiều tác giả tiêu biểu khác/ hơn: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Chính Hữu, Xuân Hoài… nhưng ông đã viết trong các tác phẩm trước. Ông không muốn lặp lại mình (chẳng hạn với Lê Quốc Hán, trong tác phẩm trước “Đến với thơ đương đại, ông có một cách nhìn khác – đối lập trong thống nhất: Một tiếng thơ Tâm linh).

Phần thứ ba - Tác phẩm, ông dành hai chương viết thơ văn của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh (Truyện - ký Nguyễn Ái Quốc; sự phản ánh sáng tạo hiện thực khách quan và lịch sử, Đọc lại thơ Bác thời ở chiến khu); hai chương viết về hai tác phẩm: một của Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn VN (“Hữu Thỉnh với Trường ca Trăng Tân Trào”), một của Nguyễn Quang Thiều - đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn VN (“Nhật ký người xem đồng hồ - hiện thực và cách tân”). Ông mạnh dạn bình những bài thơ đang có nhiều quan điểm khen chê trái trái ngược nhau, nhưng ông luôn phát hiện ra những nét sáng tạo mới, nét đẹp trong các thi phẩm này: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm - một giấc mơ đẹp, Người câu gió” (của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật) và “Hiểu thêm về bài thơ Bóng chữ” (thi phẩm của nhà thơ Lê Đạt).

Trong phần này, ông dành hai chương viết về hai tác phẩm mới của hai cây bút quê Hà Tĩnh: Về “Bước thời gian, chặng đường mới của Tùng Bách” ông nhận xét: “Với gần chục tập thơ ra mắt độc giả, Tùng Bách đã tạo ra được một dấu ấn riêng, một bút pháp riêng, theo tôi đó là bút pháp cười - buồn. Thơ anh như một nhịp thở, đa phần là ngắn và có “điểm đọng” - nơi gói lại, đóng lại và nâng lên tình ý, chủ đề bài thơ. Gần đây, trong sự bắt nhịp sự đổi mới của thơ cả nước, ngòi bút của anh có nhiều đổi mới, nhưng cái mới của anh không thiên về câu chữ, mà thiên về cuộc sống. Cách nhìn không bảo thủ, không đơn giản, không nặng về bề nổi, cố gắng đi vào bề sâu bề sau các hiện tượng, có khi bên sau tiếng cười lại váng vất một nỗi buồn. Chính cái bề sau của sự vật mà nhà thơ chiêm nghiệm đã nâng cánh cho thơ bay lên.” (trang 176). Với tập “Gió từ những mùa sen”- tác phẩm đầu tay của Trần Nam Phong: “Viết chờ sen lên, tập thơ đầu tay cũng như nhiều bài khác trên trang Face book của Trần Nam Phong rất được bạn đọc quý mến. Lãng đãng sắc màu triết lý, pha môt chút hương vị chất thiền, đậm chất trữ tình đồng quê… thơ anh gợi nhiều ấn tượng cho bạn đọc! Tuy nói tập thơ đầu nhưng là tập đại thành cả một quá trình sáng tác rất dài của anh, nên tập thơ nhìn chung chỉn chu, thoáng đãng đọc dễ vào” (trang 177). Quả là những nhận xét tinh tế về hai tác giả đồng hương.

2 - Những suy nghĩ ban đầu.

Trên thế gian này, có bao nhiêu người làm thơ và yêu thơ thì có xấp xỉ chừng ấy định nghĩa về thơ. Quan niệm về thơ hay không ít hơn là mấy. Phải có thước đo chung cho những sản phẩm siêu văn hóa này. Bởi vậy, Phong trong Kinh thi, Nhã ca trong Cựu ước, Iliát Ôđixê của Hôme… mới vượt qua hàng nghìn năm để sống trong tâm tưởng của mỗi người đến tận ngày nay. Tuy nhiên, tùy theo không gian và thời gian, dân tộc và thời đại mà xuất hiện những quan niệm thơ hay khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Các quan niệm này nảy sinh từ khả năng nhận thức (đối với thế giới tự nhiên và xã hội), trình độ văn hóa, tâm sinh lý của con người trong dân tộc ấy, trong thời đại ấy quy định, không phụ thuộc vào những thế lực bên ngoài. Nếu A. Đơvinhi cho rằng “Thơ là cảm xúc đã kết tinh” thì Valêri lại khẳng định “Thơ là ngày hội của lý trí”. Tuy nhiên không phải ở đâu có tình cảm và trí tuệ là có thơ. Khi trí tuệ hòa quyện với tình cảm, hồn tan vào xác, thực lồng với ảo thì mới tạo được môi trường cho thơ cất cánh. Sự phát triển ngày càng cao của văn minh nhân loại yêu cầu thưởng thức thơ được nâng dần lên. Từ chỗ chỉ cần ý và lời tương hợp, người ta yêu cầu thơ phải có hài hòa giữa hình và nhạc. Hơn 1300 năm trước, một trong ba cây đại thụ thời Thịnh Đường là Bạch Cư Dị quan niệm Thi giả, căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa (Tạm dịch: Thơ gốc ở tình, lời là cành, âm thanh là hoa, nghĩa là quả) bao gồm ý đó. Ngày nay, quan niệm về ý và lời, nhạc và họa trong thơ có nhiều thay đổi, do sự phát triển của công nghệ thông tin và sự mở rộng thông thương giữa các nước, quan niệm thơ hay của các dân tộc trong thế giới phẳng này ngày càng hoàn thiện và xích lại gần nhau hơn.

Câu hỏi Thế nào là Thơ hay đang dần được trả lời theo sự phát triển của thời gian, tác phẩm Dưới bóng Sao Khuê (Hà Quảng, Nxb Hội Nhà văn,2024), đã có những ý tưởng bước đầu soi rọi vài góc khuất của câu hỏi muôn đời đó.

Trong thiên Thơ và thủ pháp nghệ thuật “lạ hóa”, tác giả cho rằng việc sử dụng thủ pháp “lạ hóa” vô cùng quan trọng, gần như một yếu tố tiên quyết để thơ trở thành hay. Trong sáng tác theo các thể thơ truyền thống, việc sử dụng thủ pháp này tuy dè dặt, nhưng cũng đã để lại một số thành tựu khá ấn tượng trong thi ca Việt. Tác giả đưa ra mấy dẫn chứng khá điển hình: Trong ca dao dân ca (Bao giờ cho đến tháng ba), trong thơ Hồ Chí Minh (Vãn cảnh) và nhiều bài trong thơ Hàn Mặc Tử & Xuân Thu Nhã Tập. Trong thời đương đại, tác giả cho rằng xu hướng sử dụng thủ pháp “lạ hóa” ngày càng phổ biến “Thơ bây giờ có những liên tưởng táo bạo, những liên tưởng như thoát khỏi thực tại, đi về giữa thực và ảo” (Trang 15); để góp phần lạ hóa các hình ảnh, các thi sĩ đương đại sử dụng nhiều thi tiết đậm màu sắc siêu thực. Tác giả đưa ra một ví dụ đẹp không thể không nhắc lại đây. Hình ảnh Thúy Kiều qua bài thơ của Nguyễn Việt Chiến: “Trước mùa trăng sinh nở/ Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng nhưng đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong/ và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường/ để lại một bông trăng thức trong chiếc bình/ đến sáng thì nở thành một nàng Kiều trắng trong/ giữa vẩn đục cõi người/ khi Nguyễn Du về/ bụi giang hồ/ trần thế vẫn như xưa/ ông lại gặp trăng đêm/ nở một đóa sững sờ/ nở chầm chậm đến sáng thì tắt/ nở chầm chậm đến sáng rồi chết”.

Để thông điệp bài thơ lắng sâu, cần có một cái tứ cho toàn bài, một “hình tượng tổng thể’. Tuy nhiên các tác giả cũ cấu tứ quen lối sắp xếp ý cảnh trên nền cái tả thực còn các tác giả đương đại khi cấu tứ lại ưa sử dụng lối nói ẩn, gián tiếp thông qua nhiều chi tiết, hình ảnh giàu màu sắc siêu thực, qua những ẩn dụ có tính tượng trưng ước lệ tạo ra một góc nhìn khác lạ với sự vật. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ mong khám phá nhiều tầng nghĩa trong các thông điệp mà tác giả gửi gắm (Trang 16). Tác giả thẩm bình bài thơ Chè sen của thi sĩ Vũ Quần Phương với những suy nghĩ rất ấn tượng: Tứ thơ xoay quanh sự liên kết hoa và chè. Chè ngon nhờ ướp hoa sen, nhà thơ hình tượng hóa một quan niệm: chỉ biết rằng hoa thác/ thì hoa thành hương bay. Một quan niệm vừa thực vừa ảo, một tương quan đời thường thành một sự hy sinh lý tưởng của phía này cho vẻ đẹp phía kia. Màu sắc dẫn dụ người đọc ngay từ lời thơ mở đầu: Hoa khâm liệm/ cho chè bằng chính thân hoa/ chôn những sợi móc câu/ vào tầng hương ngát/ sương đêm ngoài kia - nước mắt/ khóc cho hoa hay khóc cho chè. Câu thơ đọc lên vô tình mà thấm thía: Nói về cây cỏ nhưng ám dụ về nhân sinh, về con người đấy! Cái chu kỳ “hoa thác cho thành hương bay” cứ lặp đi lặp lại gợi một nhiệm màu của kiếp nhân sinh: nước mắt - sương đêm khóc thương đưa tiễn hoa về đất nhưng không phải thương tiếc một hình hài đã biến mất mà chỉ đưa tiễn một sự hoài thai hương và sắc hiển hiện dâng hiến mùa sau: Sương đâu có khóc hoa/ sương tiễn hoa về đất/ rồi sương lại hòa trong đầm nước/ lại đón hương và sắc/ những mùa sen sau. Và tác giả chiêm nghiệm một sự đời, một triết lý thiền gia: Tôi nâng chén chè sen/ ngạt ngào hương mùa hạ/ tôi uống chè hay sen/ không biết/ chỉ biết rằng hoa thác/ thì chè thành hương bay.

Một thi phẩm muốn thực sự hấp dẫn cần vượt thoát những hạn chế cũ thể hiện cái đẹp với những sắc thái mới. Phải có một cách tiếp cận tinh tế với đời sống thơ mới có hình ảnh trọn vẹn hấp dẫn chân thật về tính đa dạng của cái đẹp như là hoài bão vươn tới của trí tuệ, là khao khát hòa nhập cõi thực và tâm linh là tình yêu trọn vẹn với cuộc đời trong một cảm thông vị tha hòa hợp. Nhà thơ mở lòng với cuộc đời nhiều sắc thái mới mang đến hơi thở mới cho sự tiếp nhận đầy rung động của độc giả. Đại địa văn chương tùy xử kiến (Trên mặt đất chổ nào chẳng có văn chương - Nguyễn Du), cả những miền hiển hiện, cả những vùng bí ẩn. Có những dòng thơ như “sát na” của giây phút mà nhà thơ/ họa sĩ “đốn ngộ” trước chân lý… lặng im/ và vẽ Những đối cực/ đã tuyệt vời hài hòa trên mặt đất (Ý Nhi - Đắc đạo). Cuộc đời như hạt gạo, hạt ngọc của trời gieo xuống sẽ thành thơ khi biến thành hơi rượu trong tâm hồn thi sĩ.

Có những dòng sông thơ giàu suy tư, bên cạnh những dòng thơ hiện thực tỉnh táo mà cảm động, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ dung dị, đời thường, Những dòng thơ tưởng đạm mà rất nồng trong dòng thơ hiện đại vốn ưa trau chuốt ngôn từ, những câu thơ mang một phẩm chất thẩm mỹ mới. Nói cái điều đơn giản chân thật mà rung động, mà sâu sắc vô cùng. Yếu tố tâm lý “nỗi buồn nhân thế” làm cho thơ lắng đọng và sâu sắc hơn, nó nằm trong quỹ đạo của cái đẹp. Nỗi buồn này thể hiện sự băn khoăn của con người trước cuộc đời, mà theo cách nghĩ của triết gia người Anh Alan Wats thì chính “sự băn khoăn và biểu hiện nó trong thi ca nghệ thuật nỗi buồn nhân thế là một trong những phẩm chất quan trọng nhất giúp con người với động vật khác hay phân biệt người thông minh tinh tế với kẻ ngu đần (Trang 56 - 57, sách đã dẫn).

Các phương thức làm mới Thơ, tránh những ngộ nhận cực đoan về vai trò ngôn ngữ, tác giả chỉ rõ, suy cho cùng đó không là mục đích của thơ, đó chỉ là phương tiện; cái mục đích, cái cuối cùng của thơ, cái đích bắn là sự tác động vào tâm hồn người đọc là lý tưởng nhân văn với cái nhìn mới có tính phát hiện, tính sáng tạo trong cuộc sống, còn tiếng nổ - các kiểu ngôn từ - có thể làm thích thú chốc lát nhưng đó không phải cái đích của thơ ca. Đi tìm cái hay của Thơ nên chăng nghĩ về điều đó? Nhà văn J.P. Sartatre từng chia sẻ: Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Nếu ông nói nó sẽ nổ. Ông có thể im lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn cho nên đấy phải là một con người nhằm đích bắn chứ không phải là đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ (Trang 66, sách đã dẫn). 

Nếu tư duy lôgic hướng vào dòng chảy sáng tạo khoa học kỹ thuật thì tư duy hình tượng thường hướng tới dòng chảy văn học nghệ thuật. Hai dòng chảy đó gặp nhau tạo thành dòng sông thi ca và đổ vào đại dương cái đẹp. Cái đẹp ở đây không chỉ có cát vàng và nước biếc, tôm cá và thủy sản mà còn lóng lánh ngọc trai; không chỉ có những vì sao lấp lánh trên trời mà cả những vì sao đằm mình dưới nước, không chỉ có ánh bình minh lung linh khi mặt trời lên mà còn sự kỳ ảo bí ẩn lúc mặt trời lặn xuống biển khơi. Thơ ca chính là dòng sông chảy giữa đôi bờ tình cảm và trí tuệ vậy./.

L.Q.H

. . . . .
Loading the player...