27-12-2019 - 01:49

Mẹ cửa biển

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bút ký "Mẹ cửa biển" của tác giả Nguyễn Trọng Bính được rút từ tuyển sách "Biển đảo yêu thương", NXB Nghệ An, 2019

        Đã mấy chục năm nay, Mẹ không chỉ như một hòn Vọng Phu sống mà Mẹ còn như một Vọng Tử (trông con) ngồi bất động ngóng về phía khơi xa, trước cửa biển này. Mùa xuân năm ngoái, nhân dịp Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Nhượng làm tặng Mẹ ngôi nhà tình nghĩa, tôi về thăm Mẹ. Có ngôi nhà mái bằng 2 gian, nhưng Mẹ lại kê chiếc chõng tre trước căn lều bên cạnh, vốn là ngôi nhà quen thuộc của Mẹ và Mẹ vẫn ngồi bất động như những ngày nào, đôi mắt đượm buồn ngóng về phía biển khơi. Mùa xuân Kỷ Mão này, nhân dịp cùng các anh phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân đi làm bộ phim “Nghĩa tình Cẩm Xuyên”, tôi lại có dịp đến thăm Mẹ. Mẹ vẫn ngồi như thế trên cái chõng tre.

        Mẹ là Nguyễn Thị Thể, Mẹ Việt Nam Anh hùng, năm nay bước vào tuổi 96 - Mẹ sừng sững gần trọn thế kỷ chứng kiến bao nỗi buồn vui, những thăng trầm của quê hương đất nước. Chiều 17/8/1945, khi đó Mẹ 43 tuổi và chồng Mẹ 44 tuổi, cả hai đều tham gia Đội Tự vệ Trần Hữu Dương, tập trung tại đền Cả nơi thờ bà Bích Châu (cung phi vua Trần Duệ Tông) và ông Lê Khôi (cháu ruột ông Lê Lợi) để tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Hôm sau Uỷ ban lâm thời Hà Tĩnh ra mắt, Hà Tĩnh về tay nhân dân, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nơi, cả trên đỉnh Thiên Cầm, cả ngoài Hòn Én, Hòn Bớc quê Mẹ. Mẹ cười thật tươi, Mẹ như thấy mình trẻ lại, vô tư như gái chưa chồng. Mẹ rạo rực thâu ngày, thâu đêm như nắng gió và sóng biển Cửa Nhượng, thế rồi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chồng Mẹ vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa có những đợt đi biển dài ngày chở vũ khí cung cấp cho quân dân ta đang chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Từ đó trở đi, đêm nào Mẹ cũng ngồi trên cái chõng tre quen thuộc, mắt đăm đắm ra biển. Có điều mỗi lần đi xa về, chồng Mẹ chỉ kể chuyện đánh cá, câu mực mà thôi. Ông thường nói với Mẹ: “Nghề câu mực là nghề hấp dẫn nhất, đến mức nhiều lúc nhịn ăn uống, nhịn cả đái nữa để câu”. Vì ham câu mực nên ông biết tìm cách kéo câu đúng lúc khi mực “vịn”, ông biết chọn những con mồi thật tươi rút đầu, cầm dao lách túi mật, tỉa từ túi mật ra những hạt vàng màu cúc tần, lấy những hạt mật đó bôi lên da thịt con mồi để nhử mực, vì thế ông thường câu được nhiều hơn mọi người. Chuyện câu mực thì ông thường kể thế, còn chuyện bí mật chuyển vũ khí cho bộ đội ở mặt trận Bình Trị Thiên thì ông giấu Mẹ. Ông giấu Mẹ cho đến cuối năm 1950, sau một chuyến đi biển dài ngày về, mưa bão đánh chìm thuyền, một số người hy sinh, ông bơi được vào bờ nhưng vẫn chết, song ông chết trên tay Mẹ. Ông mất khi mẹ đang mang thai và 5 đứa con (1 gái, 4 trai) còn nhỏ. Mẹ tưởng như không thiết sống nữa và chết ngất đi. Kỳ lạ thay tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh ra đời đã làm mẹ sống lại. Nhưng sống như thế nào thật không dễ. Một người đàn bà ốm nhom, không có việc làm, cộng với 6 đứa con nhỏ dại, biết sống ra sao đây? Không thể ngồi chờ chết, phải sống để nuôi con khôn lớn. Hàng ngày, Mẹ mua mực ở chợ về mổ, phơi, rồi đem bán. Đã nuôi con mọn lại bận hơn nuôi con mọn. Mực gặp nắng, mổ phơi ngay sẽ sáng đẹp, đem ủ trong chum cho lên màu nghệ là được giá. Gặp mưa, mực rệu như cỏ úa, ruồi nhặng bám đầy là mất cả vốn lẫn lời. Mẹ biết thế nhưng vẫn làm. Hết mùa mực, Mẹ lại lên tận các thôn Yên Hầu, Yên Lạng bắt ếch đem bán, mua khoai sắn để nuôi các con, câu ca dao: “Yên Hầu, Yên Lạng bắt ếch tứ mùa/ Em muốn lấy ếch chưa? Về sắm ngoèo sắm ngoặc/ Thịt cò vạc thì nỏ có mô/ Thịt ếch với bù khô, nhai trọn đời trọn kiếp” đối với mẹ chỉ đúng một nửa, đó là cái khổ đeo đẳng cả đời người. Để có ăn cho 7 mẹ con tồn tại đã khổ, cộng thêm cái khổ giặc càn hồi chống Pháp và bom đạn tơi bời đận chống Mỹ, càng khổ hơn.

Cửa biển - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

        Năm 1953, Mẹ nhớ như in ngày 4/9, một ngày Cửa Nhượng đầy sương mù, 2 đại đội lính Âu Phi bất ngờ đổ vào Nhượng Bạn. Đánh vào các thôn Phúc Hải, Lâm Hải, Hoàng Quý, Thiên Tri, Cồn Bè, Võ Sĩ, gặp ai chúng cũng giết. Cả xã hôm đó 80 người dân bị giết, 150 ngôi nhà bị đốt cháy, 152 thuyền buồm bị giặc cướp đi. Chúng tàn bạo là thế, song 30 tên vẫn bị du kích tiêu diệt, hàng trăm tên bị thương, đành phải ôm đầu máu chạy ra phía biển. Trung đội du kích hy sinh mất 23 người, trong đó có anh Nguyễn Trọng Lê. Ai Mẹ cũng quý cũng thương và thương hơn cả là anh Lê. Anh thường giúp Mẹ phơi mực, gần khô thì lấy chai là thật phẳng để Mẹ đem bán được dễ dàng. Ban đêm sau mỗi lần tuần tra biển, anh và đội du kích thường ghé nhà Mẹ, nhờ Mẹ luộc cho mấy con mực nang rồi cắt ra từng khoanh nhỏ, ăn với bánh đa, có chén rượu nếp đưa mồi. Anh thường dạy cho thằng con của Mẹ là Hồ Viết Thẩu học hát nữa, thế mà anh đã hy sinh. Một mình anh một mũi chiến đấu, súng hết đạn đã dùng mìn, hết mìn lại sử dụng rìu bổ củi, khôn khéo lợi dụng địa hình, địa vật bám trụ 5 giờ liền trước một trung đội địch, anh đã diệt 3 lính Pháp và vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất quê hương. Tấm gương sáng của anh và trung đội du kích Cẩm Nhượng đã là ngọn cờ vẫy gọi, là sự động viên không lời nhưng thấm sâu vào máu thịt các con của Mẹ những năm chống Mỹ. Sau khi con gái đầu lòng là Hồ Thị Diễm lấy chồng và theo chồng về Kỳ Anh, cứ 2 năm một lần, lần lượt 5 đứa con trai của Mẹ đều lên đường tòng quân. Năm 1965, Mẹ nhận giấy báo tử của con trai trưởng Hồ Viết Thẩu, hai năm 1972, 1973 liên tiếp 2 giấy báo tử anh Hồ Viết Thức và anh Hồ Viết Hạnh, từ chiến trường xa bay qua đầu giặc về đến quê hương. Tiếp đến năm 1974, anh Hồ Viết Thùy đang điều trị tại một trại an dưỡng ngoài mặt trận, bị cơn sốt rét ác tính tái phát đã vĩnh viễn không về thăm Mẹ được. Thế rồi chiến dịch mùa xuân năm 1975, anh con út Hồ Viết Phước bị thương nặng phải điều trị dài ngày. Như vậy từ năm 1965 đến năm 1975, 5 đứa con trai của Mẹ lần lượt thành 3 liệt sĩ, 1 tử sĩ và 1 thương binh nặng. Mẹ không còn nước mắt nữa để khóc các con. Mẹ bất động như một hòn đá mồ côi, mẹ ngồi bất động trên cái chõng tre trước cửa biển. Cho đến nay, chiến tranh đã đi qua gần một phần tư thế kỷ, mẹ vẫn ngồi bất động như thế. Nhìn ra biển mênh mông, mẹ khát đến khô cổ. Mẹ không khát nước. Mẹ khát hài cốt các con của mình, các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu!

        Mẹ kính yêu! “Trên đất nước hình tia chớp” có bao nhiêu cửa biển và có bao nhiêu người như mẹ Thể? “Đất nước hình tia chớp” và các mẹ, dẫu bất động như những hòn Vọng Phu trông chồng và sừng sững như những ngọn Vọng Tử ngóng con thì trong các mẹ, giông bão liên tiếp vẫn tơi bời. Chúng ta, dẫu làm bao nhiêu việc tốt, làm sao xoa dịu hết nỗi đau của các mẹ?!

                                                                Hà Tĩnh, tháng 3/1999

N.T.B

 

. . . . .
Loading the player...