10-07-2018 - 09:16

MỐI TÌNH SẮT SON CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH GIÀ

Bên bờ hồ đường Lý Tự Trọng thành phố Hà Tĩnh, người dân dường như không còn xa lạ với hình ảnh một người đàn ông khoảng tầm bảy mươi tuổi trong trang phục màu xanh áo lính, chiều chiều lại đẩy chiếc xe lăn chở vợ đi hóng mát.


       Chiều nay, cũng như bao buổi chiều khác, cứ khoảng năm giờ chiều ông lại kéo chiếc xe lăn từ trên bậc thềm ra giữa sân, tay với chiếc khăn lau đang treo trên dây phơi quần áo, tỷ mẫn lau từng tý một, miệng thì huýt sáo giai điệu “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”. Xong việc ông đẩy chiếc xe vào tận giường nơi có người vợ đang nằm liệt bao năm nay “Bà ơi, ta đi hóng gió mát bà nhé”.Ông nhẹ nhàng nói với vợ. Dường như hiểu được tình cảm của chồng, bà liền khẽ gật đầu, gương mặt như rạng rỡ hẳn lên. Ông dùng một tay luồn xuống sau vai gáy bà từ phía trước, tay còn lại luồn từ phía sau rồi rướn người nâng bà ngồi dậy, từ từ đỡ bà ngồi lên xe lăn. Trước khi đi, ông còn cẩn thận lấy một chai nước mát đã cất trong tủ lạnh từ sáng sớm và một chiếc quạt giấy. Vẫn là chỗ cũ, bà ngồi trên xe lăn, ông ngồi lên chiếc ghế đá bên cạnh. Thỉnh thoảng khi cơn gió ngừng, ông liền lấy chiếc quạt giấy ra để quạt mát cho bà. Rồi ông kể chuyện cho bà nghe, mặc dù bà không trả lời được nhưng dường như với ông được kể chuyện cho vợ nghe hằng ngày đó là một niềm hạnh phúc. Bỗng dưng cái cặp tóc bật xuống, mái tóc bà xõa ra. Ông lấy mấy ngón tay làm chiếc lược chải và bối lại cho bà. Nhiều người hỏi tại sao khi bà bị tai biến ông không cắt ngắn mái tóc của bà để thuận tiện trong việc chăm sóc. Ông chỉ cười “ngày xưa tôi yêu rồi lấy bà ấy trước hết cũng vì mái tóc”. Ông bảo với ông bà không chỉ có tình yêu, tình cảm vợ chồng mà trước hết còn là tình đồng chí, đồng đội. Ngày đó ông cảm mến rồi đem lòng thương thầm nhớ trộm một cô gái cùng đại đội có mái tóc dài buông xõa ngang lưng, lại hiền lành dễ thương. Nhiều đồng đội của ông mê bà lắm nhưng ông là người may mắn có được trái tim của bà, vì thế đến nay ông luôn trân trọng điều đó. Ông đã từng hứa sẽ bên cạnh bà đi đến hết cuộc đời, lời hứa của người lính lại càng thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Ông Hinh đưa vợ đi dạo ( Ảnh : Nguyễn An)

          Kể từ ngày bà bị tai biến đến nay đã gần chục năm rồi là cũng chừng đó thời gian ông phải gác lại tất cả công việc và những thú vui của bản thân. Trước đây ông là tổ trưởng tổ dân phố của chúng tôi. Một người làm việc bằng cả trái tim và đầy tinh thần trách nhiệm ai ai cũng rất mực kính trọng. Từ khi bà gặp nạn ông phải xin nghỉ việc để có thời gian chăm sóc bà.Trước đây cứ chiều chiều ông lại cùng mấy ông bạn chơi mấy ván cờ tướng dưới gốc cây bàng đầu con ngõ, sáng sáng đạp xe nhưng giờ đây bàn cờ nằm im trong tủ, thỉnh thoảng ông lại đem ra ngắm, phủi phủi lớp bụi phủ trắng rồi lại đem vào cất cẩn thận. Chiếc xe đạp chỉ đồng hành cùng ông đến chợ mỗi sáng. Cũng ngần đó thời gian đến nay mọi sinh hoạt của bà đều trên hai bàn tay ông, từ ăn uống, tắm rửa, thay quần áo đến vệ sinh cá nhân…Sau cơn tai biến, bà lại không nói được nữa, nhiều khi muốn nói điều gì đó với ông bà chỉ ú ớ chứ không nói được thành lời, vệ sinh không tự chủ được. Mùa đông còn đỡ chứ những ngày hè nóng bức vì thương bà ông không đóng bỉm, nhiều đêm đang nằm ngủ ngon lành tỉnh giấc thấy giường chiếu ướt sũng, không để bà khó chịu ông liền dậy thay quần áo cho bà. Sợ bà nằm một chỗ sẽ rất mỏi mệt tranh thủ những lúc rảnh ông lại xoa bóp chân,tay cho bà. Ấy thế mà suốt bao nhiêu năm qua hàng xóm chưa bao giờ nghe ông phàn nàn về sự vất vả, lúc nào ông cũng vui vẻ, hòa đồng cùng bà con khối phố.

          Khi được hỏi về con cái, ông chia sẻ:Ông bà có hai cô con gái, cô chị lấy chồng tận Hà Nội, tuy cháu còn nhỏ nhưng vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết đều về thăm bố mẹ. Còn cô em sinh sống trong cùng thành phố, là viên chức nhà nước cũng bận rộn nên những lúc rảnh mới tranh thủ về giúp đỡ bố mẹ được.Ông bảo“con chăm cha không bằng bà chăm ông, tốt nhất vẫn là ông bà chăm nhau. Con cái chúng nó đều có công việc ổn định cả, thỉnh thoảng nó về thăm là thế là mừng rồi”. Mặc dù các con ông đều muốn thuê người chăm sóc cho bà để ông đỡ vất vả, tuy nhiên mỗi lần như thế ông đều gạt đi.Với ông còn có sức khỏe ngày nào thì ngày đó ông còn chăm sóc được cho bà. Điều mà ông lo sợ nhất chính là một ngày bà rời xa ông, chỉ nghĩ đến đó thôi ông đã thấy chợn rùng mình, không biết ông sẽ sống ra sao nếu không có bà bên cạnh.Ông đúng thật là một người chồng, người cha đáng kính.
         Trong xã hội ngày nay khi tình yêu, tình cảm vợ chồng đôi khi được đem ra cân, đo, đong, đếm, tính toán thiệt hơn thì tình yêu, tình vợ chồng, tình đồng chí, đồng đội của ông bà để lại trong chúng ta thật nhiều suy ngẫm. Phải chăng hạnh phúc sẽ thực sự đến với những ai biết nâng niu và trân trọng nó. Chỉ cần không buông tay nhau chúng ta sẽ đi được đến tận cuối con đường mà mình đã lựa chọn./.


    
Nguyễn Thị Liên

. . . . .
Loading the player...