08-07-2024 - 00:38

Một dải Lam Hồng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 trân trọng giới thiệu bút ký “Một dải Lam Hồng” của Nguyễn Ngọc Lợi

Một dải Lam Hồng núi sông trùng điệp, rừng vàng với biển bạc…

Đây là lời của một bài hát về Hà Tĩnh trong rất nhiều những bài hát ca ngợi miền đất nghèo khó nhưng thấm đẫm tình người này. Quả thế, Hà Tĩnh mạn bắc giáp Bến Thủy, nam chắn bởi đèo Ngang, tây là Trường Sơn trùng điệp và đông là Biển Đông. Dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc bờ biển đất cằn đá sỏi này lại là một trong những “đốt xương sống của cơ thể” nước Việt Nam ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi miền Bắc dồn người dồn của cho chiến trường miền Nam thì hầu như tất cả phải đi qua “khúc ruột” này. Dải đất này đã gồng mình căng sức dưới mưa bom bão đạn, con người nơi đây đằm thắm nghĩa tình. Nơi đây đã in dấu vạn vạn bước chân của những cô gái, chàng trai cả nước trên đường ra trận.

Ở Hà Tĩnh, tôi có người bạn là anh Phan Văn Thốc, quê ở xã Tân Lộc huyện Can Lộc. Anh em cùng trung đội, cùng lăn lộn, cùng chia ngọt sẻ bùi từ năm 1972 khói lửa, cho mãi đến năm 1976, khi đất nước đã hòa bình, anh mới ra quân. Tôi còn trẻ, tuổi quân chưa nhiều, nên về sau anh một năm vì còn phải cùng đơn vị tham gia làm đường tàu thống nhất. Xa quê, xa bố mẹ vợ con lâu quá rồi nên anh nào cũng mong mỏi được trở về. Về với gia đình để xây dựng cuộc sống khi đã yên bình là tiếng gọi róng riết đối với mỗi người. Và khi đã về rồi, cuộc sống thúc bách, kỉ niệm chiến tranh, tình đồng đội… hình như ai cũng phải gác lại. Đất nước lúc này như một người vừa thoát cơn bạo bệnh, đâu đâu cũng khó khăn, thiếu thốn đói kém nên ai ai cũng phải lo bươn chải với miếng cơm manh áo. 

Lo cuộc sống là thế nhưng lòng vẫn canh cánh bạn bè, mãi đến cuối năm 2000, như thế là sau 25 năm, một phần tư thế kỷ, bộ mặt đất nước đã có phần hồng hào, và cuộc sống đã nhiều khởi sắc, tôi mới quyết định đi thăm anh Thốc.

Sáng đó, với chiếc xe máy mới sắm được, tôi vào Vinh, qua Bến Thủy. Đoạn đường qua Nghi Xuân bên trái sát chân núi thuộc dãy Hồng Lĩnh và bên phải là sông. Sông La đổ nước vào sông Lam tại đoạn này đây, một vùng sông nước mênh mang gợi nhớ những ngày bom đạn. Năm 1972, tiểu đoàn cao xạ chúng tôi, hết bảo vệ cầu Cày, cầu Phủ dọc đường số 1 lại quay về bám trụ bảo vệ phà Linh Cảm, cầu Thọ Tường. Là lính trinh sát, hàng ngày tôi quét kính TZK về hướng đông thấy máy bay Mỹ từng tốp cắn đuôi nhau bay dọc dãy Hồng Lĩnh. Tiếp đó là tiếng ùng oàng và khói bom bốc lên từ hướng Bãi Vọt, từ hướng Bến Thủy, ga Vinh… Những năm đó đoạn này là đoạn đường ác liệt, không ngày nào không bị địch ném bom, có ngày địch ném bom đến mấy trận, vì chỗ này là vị trí hiểm yếu. Đất đá bom giặc đào lên, ta lại lấp xuống, bộ đội công binh, thanh niên xung phong phải túc trực ngày đêm để đảm bảo thông xe…

Tôi ung dung lượn xe vòng chân núi trên mặt đường phẳng phiu, rộng rãi. Hòa bình đã ngót hai thập kỷ, đất nước đâu đâu cũng thay da đổi thịt mà nhìn quang cảnh nơi đây chẳng khác mấy thời đạn bom. Quãng này xa làng xóm, đồng đất hầu như bỏ hoang gập ghềnh bờ cao ruộng thấp, dấu hiệu của sự đói nghèo hiện ra trước mắt. Qua Bãi Vọt đã thành thị xã, gần tới thị trấn Can Lộc, dừng xe vào một nhà mới dựng cạnh đường hỏi, chị chủ nhà đưa tay chỉ. “…Chú cứ tới cầu Nghèn thì rẽ trái, xuống đoạn nữa hỏi người ta, không xa nữa mô.” Theo lời chỉ dẫn, vừa chạm cầu tôi rẽ trái, xe lượn trên con đường đất ngoằn ngoèo giữa đồng lúa ngập nước. Lúa ở đây xấu, nước ruộng trong leo lẻo. Xa xa, làng xóm um tùm, có cảm nhận quê anh thật nghèo. Nhớ lại lần đi suốt dọc Hà Tĩnh trong chuyến vào Quảng Bình năm 1970 thăm anh trai vừa đánh nhau ở Quảng Trị ra, được tận mắt thấy những vùng quê nghèo khó của Hà Tĩnh. Đó là những vùng đồi đá sỏi khô cháy của Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… nhà chẳng ra nhà mà chỉ là những túp lều che chắn bằng lá rừng nằm rải rác trên những sườn đồi sim mua… Chuyến đi đó, lúc quay ra tôi ghé vào Kỳ Trinh thăm nhà người quen của anh tôi hồi đóng quân ở đó. Nghe tôi tự giới thiệu, bà cụ chủ nhà luýnh quýnh mừng như gặp con đi xa về. Tối đó, một tốp con gái mười bảy mười tám kéo đến ríu ran trò chuyện rồi kéo tôi đi suốt cái làng nghèo đói ấy. Kỳ Trinh đây, tôi đang đứng chính cái nơi có tên trong câu hát…Ơ...ơ ai lên Hương Sơn vượt phà Linh Cảm, những đêm dài không ngủ mà vui ới ơ… Ai đến Kỳ Anh nhớ về quê tôi Kỳ Trinh đất lửa, đẹp nụ cười duyên bao cô gái mở đường… Con gái Kỳ Anh, con gái Hà Tĩnh đã có hàng nghìn người ra trận, tuổi xuân đã trải rộng dài khắp mọi nẻo đường bom đạn… Các cô gái đi cạnh tôi đây rồi sẽ lại ra mặt đường, nhưng lúc này họ mới hồn nhiên và mộc mạc làm sao, gặp nhau lần đầu như đã muốn trao gửi niềm tin. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình cảm của người Hà Tĩnh và tôi yêu mảnh đất này từ ngày đó.

Núi Hồng sông Lam - Ảnh: PV

Hà Tĩnh gian khó, Hà Tĩnh đau thương nhưng Hà Tĩnh vẫn... dồn lên sức của sức người vì tiền tuyến lớn… Hà Tĩnh đã dồn sức của sức người cho miền Nam như lời bài hát… Đèo Ngang tạm ngưng bom đạn. Lán trại thanh niên xung phong còn san sát trong rừng bạch đàn phía bắc đèo. Hôm đi vào, xe quân sự màu cỏ, bám thùng xe ngả nghiêng lính. Vượt đèo Ngang nào bạn ơi… Một người cất lên câu hát khi chạm đỉnh đèo. Đỉnh đèo nham nhở như còn khét mùi bom, quang cảnh lẫm liệt và dữ dội. Vẫn từng tốp gái trai thanh niên xung phong Hà Tĩnh cần mẫn xe đất, san lấp mặt đường. Bám vách núi dọc theo đoạn đường uốn lượn, các vỏ bom bi mẹ, mỗi vỏ bom là một chữ cái được dựng lên, ghép thành câu khẩu hiệu hừng hực khí thế “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, phải tranh thủ khắc phục đường sá. Chỉ tạm dừng thôi, chúng sẽ quay lại ném bom bất cứ lúc nào.

Mấy chục năm qua rồi mà âm hưởng của những ngày bom đạn vẫn còn vang vọng.

Quay lại với chuyến đi thăm anh Thốc, tới đầu làng tôi dừng xe. Làng anh nhà cửa cũng thưa thớt, nương vườn chỉ mấy đám dây khoai, ít bụi chuối, mía… Chẳng biết nghe ai báo tin mà khi tôi vừa dừng xe trước ngõ thì từ xa, đã thấy anh một tay xách can rượu, một tay cầm xâu bánh đa xăm xăm chạy lại với vẻ mặt vô cùng mừng rỡ, vô cùng ngỡ  ngàng. Không bất ngờ sao được. Bặt tin nhau hơn hai chục năm, lại cách trở đường đất, đột nhiên tôi lù lù hiện ra trước mắt anh, ngay tại nhà anh.

Chúng tôi như vồ lấy nhau, chúng tôi ôm nhau đấm nhau thùm thụp… Rồi anh đưa tôi vào nhà. Anh hồ hởi gọi bà Phượng ơi, chú Lợi vô, chú Lợi đây nì... Vợ anh bước ra, một người đàn bà của sự nghèo đói hắt hiu, nụ cười vẫn không làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt vàng úa. Vợ anh tôi còn nhớ tên là Sâm, hồi đó anh đã kể cho tôi nghe. Không già, không tiều tụy mới lạ, mãi không có con, chị mòn mõi đợi chồng trong cơ hàn thiếu thốn đằng đẵng. Hồi ở đơn vị, anh rất bi quan, lấy nhau từ ngày anh còn ở nhà, năm sáu năm rồi, về phép cũng đã vài đợt mà vẫn “tịt”. Còn lúc này, anh khoe, về năm trước năm sau có con Phượng... Nhớ chú mi lắm… anh bảo về rồi, nhớ vợ chồng chú quá. Có lẽ nhờ rứa mới có con Phượng. Cho nó mang tên vợ chú là vì rứa. Chả là dạo đó, giải phóng miền Nam được mấy tháng thì vợ tôi tên là Phượng vào Vĩnh Linh thăm được anh đến chơi, hỏi thăm, săn sóc.

- Sau con Phượng còn hai đứa nữa. - Anh nói tiếp - Con Phượng đang ở Tây Nguyên, thằng thứ hai cũng trong đó. Anh chỉ đứa con gái đứng cạnh mẹ đang nhoẻn cười chào tôi, nó là út, đang học nghề ngoài Vinh. Rồi anh lại đưa tay chỉ cảnh nhà chép miệng nói, ngoài nớ ra răng chớ trong ni… còn nghèo lắm, khó khăn lắm.

Tôi đưa mắt nhìn cảnh nhà anh, ba gian gỗ thấp nhỏ, giường chõng, bàn ghế sơ sài trông rất cám cảnh… Trước lúc đi bộ đội anh trong đội lò gạch, chẳng biết bây giờ anh làm gì. Nghe tôi hỏi, anh khoe đang là đảng ủy viên, chủ tịch mặt trận xã. Công tác họp hành liên miên, ăn cơm nhà lo công việc xã hội. Lương hay phụ cấp chỉ đủ phụ vào chi tiêu hàng ngày…     

Việc tôi tới thăm anh là cả một sự kiện. Bởi một lúc thì có thêm bí thư chi bộ thôn, rồi thêm chú em, lúc nữa có thêm mấy người hàng xóm... Bữa cơm thật vui, chuyện nổ râm ran, chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Anh kể, hồi mới về khổ lắm, xóm làng tiều tụy, thiếu thốn đủ bề, anh phải lăn lưng cày cuốc, chạy vạy… Rồi mấy đứa con lần lượt ra đời, chất lên vai anh cái gánh nặng gia đình. Chén rượu đầu đã cạn, tôi đặt chén nhìn anh. Anh như là hiện thân của sự nghèo khó và cằn khô lam lũ. Người lính trinh sát năm xưa vẫn vậy, khuôn mặt xương xương, đen cháy và loang lỗ lang ben. Hồi đó anh thường bị chúng tôi trêu là có bộ da hoa vì lang ben loang từng vạt từ mặt xuống cổ xuống lưng trông như tấm dù hoa. Nghe tôi nhắc lại anh hấp háy cười, nụ cười vẫn hiền như ngày nào. Những ngày bám trụ ở Linh Cảm, Thọ Tường ngay thị trấn Đức Thọ là những ngày ác liệt và đáng nhớ. Chỉ huy sở tiểu đoàn lúc thì ở cồn cao giữa đồng lúa Đức Phong, lúc thì đóng ở bờ đê sông La, tùy vào trận địa của các đại đội hỏa lực sau khi cơ động. Thời gian này tôi là lính mới, bập bõm vào nghề trinh sát phòng không. Là lính cựu, anh tận tình hướng dẫn tôi nhận dạng máy bay địch, nào là F4H, F8E, F105, rồi A3J, A4, A6… thế nào là máy bay tiêm kích, thế nào là máy bay cường kích…

Chúng tôi ở nhà dân, vừa học vừa trực ban chiến đấu. Trực ban cách ngày nên chúng tôi có dịp nghỉ ngơi khám phá. Vùng đất này, ít ra cũng có mấy xã như Đức Phong, Đức Yên, Đức Trường đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú và con người thuần hậu. Mỗi lần đơn vị nổ súng, máy bay địch đánh vào trận địa, dân làng bật dậy bám bờ tre rìa làng nhấc nhổm ngóng ra trận địa chúng tôi lo lắng. Thế rồi sau trận nào cũng vậy, chưa tan khói bom bà con đã ùa ra, người bị thương được băng bó, người hi sinh được mang đi. Và trong một chập chiều mưa tầm tã, đoàn người phần đông là dân Đức Phong âm thầm theo làn khói hương bấm chân trên con đường trơn trượt đưa đồng đội chúng tôi ra chôn ở bãi tha ma giữa cánh đồng. Mấy chục năm qua rồi, hình ảnh ấy như càng đậm nét trong tôi.

Tôi hỏi, anh có trở lại thăm Đức Phong lần nào chưa. Anh lắc đầu, chưa đi được mô cả, lu bu lù bù… Chú vô thăm tui ra ri là đặc biệt. Nghe anh nói vậy mọi người liền ồ lên, khi mô đến dừ mới có người như chú đó. Anh em xa nhau như rứa rồi mà vẫn đánh đường đi thăm…

Thế rồi câu chuyện lại quay về những ngày bom đạn. Hồi đó, những tối không trực ban tôi vẫn ra bến đò bờ đê mong gặp “đồng hương”. Dạo đó, hễ chập tối bến đò lại rậm rịch. Những đoàn quân rùm ròa ngụy trang đã lặng lẽ vượt đò Vạn Rú, nhấp nhô giữa cánh đồng của chín xã Nam Đàn tới cánh đồng Đức Trường rồi tiến đến bến đò. Mái chèo khỏa nước, tiếng sóng ì oạp hòa trong tiếng chân lính từ thuyền nhảy xuống. Đứng cạnh đò, tôi hỏi có Quỳnh Lưu không? Có Quỳnh Hậu không?.. Vài lần như thế rồi tôi cũng gặp được người làng. Trên các nẻo đường ra trận, bạn bè tôi nhiều người đã qua bến đò này… Bến đò Sông La!

Sông La ngày đó đẹp lắm, nhiều bài hát đã ca ngợi vẻ đep của dòng sông và con người nơi đây… Ơi dòng sông La, ơi niềm thương nỗi nhớ. Anh biết từ lâu quê em nơi đó… Ơi dòng sông La… Sông biếc ban mai sông vàng trưa nắng… Sông La đẹp đến rưng rưng, nước trong xanh căng tràn, vẻ đẹp của dòng sông như tăng lên nhiều lần khi chiều chiều gái làng ra bến sông tắm giặt. Mặc cho máy bay gầm rú quần thảo trên đầu, trong ánh chiều hoàng hôn, những suối tóc nhung huyền, những bắp chân trần lấp lóa, những tiếng cười rộn rã mặt nước như át cả tiếng đạn bom, và đám lính trẻ chúng tôi thấy cuộc đời mới tươi đẹp làm sao. Ơ…ơ… Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La. Ai về Hà Tĩnh quê ta nhớ chăng, nhớ chăng đôi mắt ơ… Người con gái quê ta đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La thương như trời quê ta… Chao ôi, ca từ và cả giai điệu, sao mà cảm động, sao mà thiết tha đến thế. Chúng tôi đang là những chàng trai khỏe mạnh, ánh nhìn của những đôi mắt trong tựa ngọc kia làm sao không hướng về? Và rất nhiều nhớ thương đã gửi trao giữa đám lính chúng tôi với các cô gái miền đất Lam Hồng.

Hà Tĩnh đẹp từ người, đẹp từ tên núi tên sông. Phải chăng vì thế nên bài hát nào về Hà Tĩnh với tôi đều hay, đều tha thiết và thấm đẫm tình người tình đất. Nào Hồng Lĩnh, sông La, nào bến Tam Soa nào phà Linh Cảm, nào Ngàn Phố nào Ngàn Sâu… Bến Tam Soa là nơi hợp lưu của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Bến Tam Soa, cái tên nghe gợi cảm đến ngất ngây, trong ánh chiều tà, mặt nước Tam Soa loang đỏ in bóng những “con ma”, “thần sấm” trông sao mà dữ dội… Những năm tháng còn bom đạn, và cả sau này, đã nhiều lần tôi đi dọc mảnh đất này, nghe mỗi tên làng tên núi tên sông như vẫn vang lên những âm hưởng thân thương.

Lại thêm hai chục năm, mới đây tôi nghe tin anh Thốc bạn tôi đã mất. Nghe tin muộn, cũng vì tuổi đã cao, vì xa xôi, tôi không vào thắp hương viếng anh được, chỉ biết xin anh thứ lỗi. Anh mất rồi, quê anh mang tên mới Lộc Hà đã nhiều đổi thay cùng với Hà Tĩnh cũng đã đổi thay rất nhiều. Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao… và nhiều “con đường của lứa tuổi hai mươi” ngày đó nay đã khác, tất cả đã được tráng nhựa rộng rãi, phẳng phiu. Thị xã Hà Tĩnh đã thành thành phố. Làng xóm tre pheo Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và nhiều nơi khác đã được ngói hóa, bê tông hóa, đô thị hóa. Nghèn quê anh, thị trấn Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh đã là những thị trấn sầm uất, sự sầm uất của thương khó chắt chiu. Nhắc đến hai tiếng Hà Tĩnh trong tôi vẫn dào lên cảm xúc thân thương, thân thương từ ngay câu hát. Với Hà Tĩnh mình sao mà thương mà nhớ. Khi tuổi ấu thơ cát bụi gió bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn… Bài hát được sáng tác mãi sau này mà Hà Tĩnh vẫn… Trời chang chang nắng ai quàng áo tơi, cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn… Đứt ruột nhớ mong… Và… Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La… Ôi, dải đất Hồng Lam sao để nhiều thương nhớ đến vậy?

Tháng 2, năm 2024

N.N.L

. . . . .
Loading the player...