12-02-2020 - 13:41

MỘT MẠCH THƠ TÌNH ĐANG CUỒN CUỘN CHẢY

Trong mười tác giả được giới thiệu trong tuyển “NHỮNG GƯƠNG MẶT Hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh” (NXB Hội Nhà văn, 12. 2019), nữ thi sĩ Nguyễn Thị Hạnh Loan có tuổi đời ít nhất (1976). Trong hai năm (2017, 2018), chị liên tiếp cho ra mắt độc giả ba tập thơ: “Khoảng trời sau cửa sổ”, “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”,“Sải cánh giữa chiêm bao”. Những tập thơ đó đã dần định hình một giọng thơ, "một mạch thơ tình cuồn cuộn chảy",thể hiện rõ cá tính riêng của người viết. Trang văn học nghệ thuật Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Quốc Hán về tập thơ "Sải cánh giữa chiêm bao" của nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan

            

   Trong mười tác giả được giới thiệu trong tuyển “NHỮNG GƯƠNG MẶT Hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh” (NXB  Hội Nhà văn, 12. 2019), nữ thi sĩ Nguyễn Thị Hạnh Loan có tuổi đời ít nhất. Chị sinh năm Bính Thìn (21.7.1976), bằng tuổi con gái đầu của tôi. Tôi mù tịt về chữ Nôm, chỉ nghe nói “Bính Thìn” là con rồng bị nhốt trong cũi. Phải vì vậy mà dẫu năm 16 tuổi đã được tặng Giải nhì trong cuộc thi “Thơ văn tuổii học trò lần thứ nhất; Hà Tĩnh 1992”, con rồng đó tưởng ngủ yên trong 35 năm bỗng phá cũi sổ lồng bay vút lên bầu trời thi ca với ba tác phẩm sáng giá ”Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” (1/2007), “Khoảng trời sau cửa sổ” (3/2017) và “Sải cánh giữa chiêm bao” (9/2018); được các thi tài nổi tiếng Việt Nam đương đại khen ngợi (“Trái tim hoa hồng” – Nguyễn Trọng Tạo, “Một lối đi của hoa hồng” – Nguyễn Quang Thiều). Trên cơ sở đó, cùng năm 2018, chị nhận được Giải C – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc của LHVHNTVN và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

          Tôi đọc thơ Hạnh Loan khi chị mới chạm tuổi trăng rằm. Tôi đã linh cảm thấy một nét gì đó rất riêng, một sự phóng khoáng muốn vượt thoát khỏi những ràng buộc đời thường để bay vào bầu trời tự do sáng tạo trong thơ chị. Ngày đó, chị cùng với một số học sinh chuyên văn trường THPT Chuyên Hà Tĩnh là Phan Thị Thanh  Quý (con gái nhà thơ Duy Thảo), Trần Long (con trai của nhà báo Văn Chi, tức Tú Trần)…là những người đạt giải cao trong cuộc thi Thơ văn học trò Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 1992.

Bẵng đi hơn một phần tư thế kỷ, không thấy chị xuất hiện trên thi đàn. Tôi thực sự lấy làm tiếc cho chị. Rồi bỗng nhiên, trong hai năm (2017, 2018), chị liên tiếp cho ra mắt độc giả ba tập thơ: “Khoảng trời sau cửa sổ”, “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”,“Sải cánh giữa chiêm bao”. Đọc các tập thơ đó, tôi thực sự ngạc nhiên vì mạch thơ tình cuồn cuộn chảy trong thơ chị. Đôi khi, tôi phải dừng lại nửa chừng vì sợ dòng suối ấy cuốn mình về một phương trời vô định không biết đường quay lại. Dẫu bây giờ tình yêu trong thơ chị đôi khi trầm tĩnh hơn, sâu lắng hơn, nhưng bản chất phóng khoáng thích tự do vẫn còn nguyên như thuở trăng rằm. Chị luôn khao khát được yêu, được dâng hiến, được hạnh phúc và người mình yêu được hạnh phúc. Điều kỳ lạ là cả khi hạnh phúc, trong thơ chị vẫn có một cái gì đó còn thiếu vắng, chưa đủ đầy, cần bồi đắp, cần vươn tới. Đó phải chăng là bản chất của tình yêu, một tình yêu đích thực và trọn vẹn?

Ngay khi đọc “Trái tim hoa hồng” - tập thơ đầu tay của Hạnh Loan, thi sĩ  tài hoa Nguyễn Trọng Tạo tinh tế nhận ra: “ Thơ Hạnh Loan … là tiếng kêu đòi giải cứu những khát vọng cuồng cháy luôn nổi lên trong lòng người thơ đa đoan phận kiếp đàn bà” Sau sự cuồng điên của phong ba bão tối là sự dịu dàng của biển. Sau niềm đam mê mãnh liệt yêu thương là nỗi buồn cô đơn tưởng như kiệt sức” (Nguyễn Trọng Tạo). Đến  “Sải cánh giữa chiêm bao” - một tập thơ tình dày dặn với 72 bài thơ, bài nào cũng đầy ắp tình yêu. Theo nhận xét của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều: “điều đáng mừng nhất là “Sải cánh giữa chiêm bao” đã không rơi vào cái “đầm lầy” thơ tình mà không ít nhà thơ Việt Nam viết thơ tình thường bị sa vào đó. “Sải cánh giữa chiêm bao” là một giấc mơ về tình yêu, trong sự tự do,phóng khoáng của ngôn từ và tiềm thức”. Nhà thơ Dương Kỳ Anh lại nhận xét rằng: “Sải cánh giữa chiêm bao”, đó là cách mà Nguyễn Thị Hạnh Loan đã vắt kiệt mình cho thơ, cho tình yêu, cho cuộc đời này. Được biết, năm 1992, nhà thơ Dương Kỳ Anh trong một lần về Hà Tĩnh đã gặp Hạnh Loan và chọn 2 bài thơ của chị đăng trên báo Tiền phong, trong đó bài thơ Khi em 16 tuổi đã trở thành bài thơ thuộc nằm lòng của học sinh chuyên Hà Tĩnh thời kỳ đó. Riêng tôi, tôi mừng vì sau nửa thế kỷ tắm mình trong biển tình, tâm hồn chị vẫn giữ được sự hồn nhiên trong trẻo dường như còn tươi rói, trinh nguyên, và ngọn lửa tình yêu trong trái tim chị vẫn luôn cháy bỏng khát khao đợi chờ: Em chỉ là em anh nhé, chẳng cách xa/ Chỉ muốn yêu người như hoa yêu nắng/ Đừng yêu em như yêu đóa hoa rừng im lặng/ Hãy yêu đóa hồng kiêu hãnh bởi nhiều gai…

Phần lớn các bài thơ trong “Sải cánh giữa chiêm bao” là thơ tự do, rất phù hợp với phong cách tự do phóng khoáng vốn là đặc trưng nghệ thuật của tác giả. Đâu đó có những bài thơ ngũ ngôn (Sao không đến bên nhau, Tháng ba, Em và cà phê không đường,..), Lục ngôn (Bờ môi em, Mưa ngang phố, Em và biển mặn…) và tám chữ (Nghĩ trước cổng kinh thành, Xóa nợ,Nàng ấy và em…),  nhưng cách gieo vần, xếp đặt các câu thơ và khổ thơ khá phóng túng. Có một lần, hình như duy nhất, trong tập thơ này, chị trở về với thể thơ lục bát của dân tộc, nhưng ngay cả lúc ấy, chị cũng cố gắng làm mới thể thơ này bằng thủ thuật cắt rời câu thơ cho phù hợp với tâm trạng mình: Vắt kiệt mình/ Để sông đầy/ Cho trôi ra biển tháng ngày phiêu du/ Vắt kiệt rừng/ Để cây khô/ Cho vàng kỷ niệm những mùa còn xanh/ Vắt kiệt thơ/ Để cho anh/ Em còn chỗ “cạn” để ngâm cho mình/ Vắt kiệt yêu/ Để cho tình/ Em còn có lại một mình với thơ…// Người đi/ Khuất nẻo mong chờ/ Em còn lại một cơn mơ/ Rã rời/ Vắt kiệt quên, vắt kiệt rồi/ Mà sao không thể quên/ Người quên ta???(Vắt kiệt).

Tuy nhiên, đọc “Sải cánh giữa chiêm bao”, đâu đó tác giả chưa làm chủ được ngòi bút, để cho tình trải chảy tràn trên trang giấy.Về điều này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một lần nói chuyện với các bạn văn Hà Tĩnh có nói về thơ Hạnh Loan một ý rất hay, đó làưu điểm của thơ Hạnh Loan, đầy cảm xúc ít tiết chế và cũng là nhược điểm. Đó là điều khó tránh khỏi với một cây bút trẻ với những tập thơ đầu trình làng khá ồ ạt. Nhưng tôi tin theo thời gian, thơ chị sẽ chín dần. Dẫu sao với chị, con đường thi ca vẫn còn ở phía trước, dù khúc khuỷu gập gềnh nhưng lắm niềm vui. Niềm vui của dâng hiến và sáng tạo.

Lê Quốc Hán

 

. . . . .
Loading the player...