03-08-2012 - 11:04

MỸ THUẬT KHU VỰC BẮC MIỀN TRUNG - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Có thể nói, khu vực Bắc miền Trung là nơi sản sinh nhiều nhân tài mỹ thuật cho đất nước, cho sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ngoài các nghệ sĩ đang sinh sống và hoạt động mỹ thuật tại 6 tỉnh trong khu vực, nhiều nghệ sĩ tạo hình có quê ở Bắc miền Trung hiện có mặt trong khắp các tỉnh thành trong cả nước.


 
MỸ THUẬT KHU VỰC BẮC MIỀN TRUNG - MỘT  CHẶNG ĐƯỜNG
 
Bắc miền Trung bao gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, trước Cách mạng tháng 8 được gọi là các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong Kháng chiến Chống Pháp thuộc liên khu IV. Từ năm 1996, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm Mỹ thuật ở 8 Khu vực, 6 tỉnh Bắc miền Trung được hình thành một Khu vực Mỹ thuật được gọi là Khu vực IV - Bắc miền Trung. Bài viết này nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Mỹ thuật hiện đại khu vực Bắc miền Trung từ sau Cách mạng tháng 8 đến thời kỳ đổi mới và thời kỳ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.
1) Mỹ thuật Bắc miền Trung trong 2 cuộc kháng chiến:
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp:
Trong thời kỳ Cách mạng tháng 8, một số họa sĩ tốt nghiệp và đang học trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã rời Hà Nội về quê Bắc miền Trung tham gia Cách mạng và Nam tiến nhưng dừng chân ở Khu IV, ta có thể kể tới họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trở về Nghệ An tham gia Cách mạng tháng Tám làm ủy viên ủy ban Giải phóng huyện Nam Đàn, Nghệ An, từ năm 1948 trở lại Việt Bắc phụ trách Xưởng tranh phổ biến Hội Văn nghệ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Tĩnh tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh. Họa sĩ Trần Duy về Thừa thiên Huế làm họa sĩ cho Uỷ ban Cách mạng Thừa thiên Huế.
Các họa sĩ theo đoàn quân Nam tiến nhưng dừng lại ở Khu IV tham gia kháng chiến chống Pháp như: họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc hoạt động ở đoàn kịch kháng chiến, xưởng họa Liên khu IV, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là Uỷ viên BCH Văn hoá kháng chiến, họa sĩ xưởng họa và giảng dạy mỹ thuật ở Liên khu IV. Họa sĩ Nguyễn Trọng Cát thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng chưa học được bao lâu thì Cách mạng tháng 8 thành công, ông được triệu tập đi học tiếp ở trường Mỹ thuật Việt Nam nhưng nhà trường lại tạm dừng học tập, ông đã vào đội quân Nam tiến đi chiến đấu ở chiến trường Khu V.
Sau ngày toàn quốc Kháng chiến, nhiều nghệ sĩ tạo hình sống tại Hà Nội đã đi tham gia kháng chiến, lên chiến khu Việt Bắc, vào khu III, khu IV, khu V, Nam Bộ. Tại Liên khu IV, Khu V, Nam Bộ... Tại Liên khu IV có nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim nhập ngũ làm giảng viên Mỹ thuật cho trường Thiếu Sinh Quân Liên khu IV. Họa sĩ Phạm Văn Đôn phụ trách đoàn kịch Tuyên truyền Giải phóng của Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam, trưởng đoàn kịch “Chiến sĩ” thuộc Bộ Tư lệnh quân khu IV. Họa sĩ Nguyễn Văn Y về làm Trưởng ban Vận động Văn hoá Cứu quốc tỉnh Quảng Bình, sau này phụ trách xưởng sành sứ ban kinh tế khu uỷ Khu IV. Họa sĩ Nguyễn Văn Bình làm báo Cứu quốc ở Liên khu IV sau đó làm ở xưởng họa Liên khu IV. Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng làm trưởng ban Hội họa đoàn Văn hoá Cứu quốc Thừa Thiên - Huế rồi làm biên tập báo Chống giặc của Hội liên hiệp Khu IV, sau đó vào bộ đội làm báo Vệ quốc quân, họa sĩ Nguyễn Như Hoành tham gia xưởng họa Liên khu IV... các họa sĩ khác cùng vào Liên khu IV như: Họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nhà Điêu khắc Phạm Xuân Thi ... phần lớn các họa sĩ nói trên đều hoạt động tập trung ở Thanh - Nghệ - Tĩnh. Đặc biệt là ở Quần Tín - Thanh Hoá, được coi như là trung tâm Văn hoá - Văn nghệ Kháng chiến của Khu IV.
Các họa sĩ ở Liên khu IV đã tham gia hoạt động Mỹ thuật trong nhiều cơ quan đoàn thể khác nhau. Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1948 tại Việt Bắc, Chi hội Văn nghệ Liên khu IV đã được thành lập, ở mỗi tỉnh trong liên khu lại thành lập các phân hội Văn nghệ. Sau việc ra đời Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, năm 1949, xưởng Mỹ thuật Liên Khu IV được thành lập ở Quần Tín (Thanh Hoá) do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của các họa sĩ: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành… Xưởng đã tổ chức sáng tác tranh sơn mài, thử nghiệm tranh in khắc đá màu và điêu khắc. Các tác phẩm nổi tiếng của xưởng cho đến nay như Cái bát (Tình quân dân) - sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc, tranh in đá về Du kích Cảnh Dương của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Hạnh phúc- phù điêu đắp nổi của Nguyễn Thị Kim.
Trong điều kiện kháng chiến hết sức gian khổ và thiếu thốn, các nghệ sĩ tạo hình ở Liên khu IV mà nòng cốt là xưởng họa Liên khu IV đã tổ chức được một số triển lãm Mỹ thuật như : Triển lãm tác phẩm Hội họa của Liên Khu IV nhân dịp Hội nghị văn hoá Khu IV khai mạc vào tháng 7 năm 1949 tại Quần Tín, Thanh Hoá, giới thiệu nhiều tác phẩm với các chất liệu: Lụa, sơn mài, in đá, khắc gỗ, điêu khắc và nhiều hình hoạ, phác thảo của các họa sĩ: Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trên đường ra Việt Bắc ghé qua đây cũng đã gửi một số tác phẩm bột màu vẽ về chiến trường Liên Khu V tham dự triển lãm. Cùng trong năm này đã tổ chức triển lãm Mỹ thuật trưng bày các tác phẩm vẽ về nông thôn và kháng chiến tại Đô Lương, Nghệ An. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trên đường ra Bắc dừng lại ở Thanh Hoá đã tổ chức trưng bày nhiều nơi trong khu với 40 tác phẩm hội họa vẽ về kháng chiến ở Liên khu V, được công chúng rất hoan nghênh.
Năm 1950, xưởng họa khu IV tổ chức Triển lãm tác phẩm hội hoạ, điêu khắc về chiến tranh nhân dân với 63 tác phẩm sơn mài, sơn dầu, in đá, điêu khắc, hình họa và tranh màu của 9 tác giả: Nguyễn sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Bình, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Đức Vượng, Phạm Xuân Thi, Trần Thanh Tâm. Đặc biệt trong tờ gấp của triển lãm đều có ghi giá bán cho từng tác phẩm.
Trong thời kỳ này nhiều họa sĩ đã tham gia vẽ tranh tuyên truyền, tranh cổ động, tranh địch vận phục vụ cuộc kháng chiến.
Một số lớp vẽ ngắn hạn cũng đã được tổ chức để đào tạo các cán bộ Mỹ thuật, các cơ quan, quân đội, một số người được học Mỹ thuật khoá kháng chiến tại Việt Bắc như Lê Huy Hoà hoặc tiếp tục đi học tại trường Mỹ thuật Việt Nam sau ngày hoà bình lập lại như Nguyễn Trọng Cát, Trần Hữu Chất...
Mười năm đầu hoà bình lập lại ở miền Bắc:
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, các tỉnh Bắc miền Trung bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17, từ Vĩnh Linh - Quảng Trị đến Thanh Hoá thuộc Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ Đông Hà - Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Hoạt động Mỹ thuật có những đặc điểm riêng. ở miền Bắc Trong thời kỳ này công tác đào tạo Mỹ thuật được quan tâm, nhiều học sinh quê ở đặc khu Vĩnh Linh đến Thanh Hoá đã được cử đi học tập tại trường Mỹ thuật Việt Nam và trường Mỹ thuật Công nghiệp tại Hà Nội. Năm 1955, trường Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục tuyển sinh, nhiều người có quê ở Khu vực Bắc miền Trung đã tham gia công tác Mỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị quân đội đã được về học khoá Tô Ngọc Vân, sau đó là các khoá Trung cấp và Cao đẳng, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp được thành lập năm 1959, ngay khoá đầu đã tổ chức tuyển sinh ở 2 địa điểm, trong đó các con em của Khu vực Bắc miền Trung thi tại thị xã Hà Tĩnh, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Mỹ thuật Bắc miền Trung. Sau khi tốt nghiệp nhiều học sinh của hai trường Mỹ thuật đã được phân công công tác vào các tỉnh từ Thanh Hoá đến đặc khu Vĩnh Linh, bổ sung lực lượng Mỹ thuật chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản về Mỹ thuật cho các Ty Văn hoá của các tỉnh, làm nòng cốt cho hoạt động Mỹ thuật ở địa phương làm công tác tuyên truyền, làm trang trí cho các đoàn văn công. Đặc biệt phong trào vẽ tranh cổ động đấu tranh thống nhất đất nước, chống Mỹ- Diệm đàn áp đồng bào miền Nam của các họa sĩ và những họa sĩ nghiệp dư phát triển khá mạnh mẽ đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị.
Tại Thừa Thiên Huế, từ năm 1956 đã thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhà trường đã liên tục đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Một số họa sĩ, nhà điêu khắc học ở trường này đã tham gia hội họa sĩ trẻ ở Sài Gòn, một số tác giả đã trở thành những họa sĩ nổi tiếng sau này.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ:
Khu vực Bắc miền Trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là khu vực chiến tranh ác liệt. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, từ Thanh Hoá vào đến Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa ngày đêm bị ném bom bắn phá. Thời kỳ này nhiều họa sĩ đã được bổ sung cho các tỉnh thành, họ vừa làm công tác Mỹ thuật như: sáng tác, phóng tranh cổ động, mở lớp Mỹ thuật ngắn hạn, làm họa sĩ cho các báo của tỉnh, ta có thể kể tới một số họa sĩ, nhà điêu khắc như: Lê Đình Quỳ ở Thanh Hoá, Nguyễn Vinh ở Vĩnh Linh, Trần Minh Châu, Ngô Đức Lương, Nguyễn Anh Tuấn ở Nghệ An, Lê Hải Anh…
Một số họa sĩ, nhà điêu khắc ở Bắc miền Trung tham gia quân đội có mặt trên các trận địa từ Thanh Hoá đến Vĩnh Linh hoặc chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế, Khu V, Tây Nguyên, đường Trường Sơn. Ta có thể kể tới một số họa sĩ, nhà điêu khắc như: Tạ Quang Bạo, Trần Hữu Chất, Trương Bé...
Cũng trong thời kỳ này nhiều đoàn họa sĩ, nhà điêu khắc, giảng viên và sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã đi thực tế sáng tác vào tuyến lửa Khu IV như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Nguyễn Kao Thương đi Thanh Hoá; Tạ Thúc Bình, Nguyễn Trọng Cát, Mai Văn Nam, Nguyễn Thiện, Đặng Đức, Vũ Giáng Hương, Thục Phi đi Nghệ An; Nguyễn Thụ, Văn Đa, Quang Thọ đi đảo Cồn Cỏ; Đỗ Hữu Huề, Trần Huy Oánh, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thế Hùng vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Đoàn họa sĩ quân đội gồm Văn Đa, Quang Thọ, Huy Toàn, Phạm Thanh Tâm, Lương Quý, Dương Viên... đi vào Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các đoàn đi thực tế đã có nhiều ghi chép ký họa về các trận địa, các hoạt động trong thời chiến của quân và dân các tỉnh Bắc miền Trung, tổ chức trưng bày ký họa tại chỗ và sau này trưng bày tại Hà Nội. Các họa sĩ công tác tại địa phương cùng với các họa sĩ đi thực tế vào vùng tuyến lửa Khu IV đã tạo nên một không khí sáng tác Mỹ thuật sôi nổi không những phục vụ trực tiếp cuộc chiến đấu mà còn góp phần vào các sáng tác Mỹ thuật lớn sau này.
Tại Quảng Trị và ThừaThiên Huế, nhiều họa sĩ quân đội đã trực tiếp cầm súng chiến đấu hoặc công tác tại các cơ quan tuyên huấn của các đơn vị, họ đã tay súng, tay bút tham gia chiến đấu và các hoạt động Mỹ thuật, nhiều họa sĩ đã có mặt ở đường Trường Sơn. Các ký họa từ quân khu Trị Thiên đã phục vụ trực tiếp các đơn vị với những cuộc trưng bày bên chiến hào và gửi ra Hà Nội tham gia các triển lãm Mỹ thuật. Từ chất liệu của cuộc sống, nhiều tác phẩm lớn đã ra đời tham dự các triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc sau này.
Trong khói lửa chiến tranh, một số tỉnh thành đã thành lập các Hội Văn nghệ trong đó có phân hội Mỹ thuật, các họa sĩ ở phân hội Mỹ thuật đều là những người được đào tạo chính quy tại các trường Mỹ thuật.
Tại thành phố Huế, cùng với hoạt động của các sinh viên Mỹ thuật, một số sinh viên tuy không học ở trường Mỹ thuật nhưng đã có những sáng tác Mỹ thuật phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tiêu biểu là các tác phẩm bút sắt của họa sĩ Bửu Chỉ...
Có thể nói hoạt động Mỹ thuật của các tỉnh Bắc miền Trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã rất sôi động với lực lượng tại chỗ và các lực lượng trong quân đội, các họa sĩ đi thực tế ở tuyến lửa, các hoạt động này đã góp phần đưa Mỹ thuật đến với quân và dân các tỉnh Bắc miền Trung, đào tạo được nhiều lớp ngắn hạn về Mỹ thuật, tạo không khí sáng tác Mỹ thuật khá sôi động góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2) Mỹ thuật Bắc miền Trung sau ngày thống nhất đất nước cho đến nay:
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và trong thời kỳ đổi mới, Mỹ thuật Bắc miền Trung đã có những bước tiến quan trọng cả về đội ngũ sáng tác, công bố tác phẩm. Các họa sĩ đã và đang công tác tại 6 tỉnh thành khu vực Bắc miền Trung ngày càng đông đảo, số lượng đã lên đến hàng trăm người, đặc biệt lực lượng này đều được đào tạo chủ yếu từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và trường Đại học Nghệ thuật Huế cùng với các họa sĩ được đào tạo từ những trường Trung cấp, Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật của mỗi tỉnh. Vì vậy số lượng các họa sĩ, nhà điêu khắc trong khu vực có thể lên tới con số nghìn, nhưng chưa có thống kê đầy đủ bởi lực lượng này không những chỉ hoạt động trong các cơ quan nhà nước, quân đội, trường Mỹ thuật, trường Văn hoá Nghệ thuật, mà một lực lượng lớn hiện nay đang dạy tại các trường phổ thông, Cung thiếu nhi, các công ty tư nhân hoặc hoạt động tự do trong cơ chế thị trường.
Theo thống kê đến đầu năm 2012, hội viên đang sinh hoạt tại các hội, chi hội Mỹ thuật ở địa phương thuộc các tỉnh thành 6 tỉnh Bắc miền Trung là 244. Trong đó có 85 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 159 hội viên địa phương, trong đó: Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 120 hội viên trong đó 43 hội viên MTVN, 77 hội viên địa phương, tỉnh Thanh Hoá có 35 hội viên trong đó 16 hội viên MTVN, 19 hội viên địa phương, tỉnh Nghệ An có 31 hội viên trong đó 12 hội viên MTVN, 19 hội viên địa phương, tỉnh Quảng Trị có 19 hội viên trong đó 05 hội viên MTVN, 14 hội viên địa phương, tỉnh Quảng Bình có 22 hội viên trong đó 05 hội viên MTVN, 17 hội viên địa phương, tỉnh Hà Tĩnh có 16 hội viên trong đó có 04 hội viên MTVN, 12 hội viên địa phương.
Cũng trong mấy chục năm qua có 12 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam ở các tỉnh khu vực Bắc miền Trung đã mất: Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, Phan Xuân Sanh, Đỗ Kỳ Hoàng (Thừa Thiên Huế), Phạm Lê Khang, Trần Khánh, Tiêu Cao Sơn, Đào Phương (Nghệ An), Thái Sơn (Hà Tĩnh), Lương Trọng Phúc (Thanh Hoá), Hồ Uông (Quảng Trị).
Có thể nói khu vực Bắc miền Trung sau 37 năm thống nhất đất nước lực lượng các họa sĩ, nhà điêu khắc sống và làm việc tại các tỉnh Bắc miền Trung đã tăng lên gấp nhiều lần so với thời gian trước đó. Đó là chưa kể các họa sĩ có quê ở các tỉnh Bắc miền Trung sau khi tốt nghiệp các trường Mỹ thuật đã lập nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước đặc biệt là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.
Năm 1995 để tăng cường các hoạt động Mỹ thuật của các tỉnh thành trong cả nước, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm Mỹ thuật Khu vực miền Trung bao gồm các tỉnh Bắc miền Trung, Nam miền Trung và Tây Nguyên tại Nha Trang tỉnh Khánh Hoà. Từ năm 1996, triển lãm Mỹ thuật 8 khu vực hàng năm trong cả nước đã được tổ chức thường xuyên với sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành trong cả nước. Cho đến năm 2011, Khu vực Bắc miền Trung đã tổ chức được 16 lần triển lãm, Thanh Hoá 03 lần (1999, 2003, 2009), Hà Tĩnh 03 lần (2001, 2006, 2012), Quảng Bình 03 lần (1997, 2005, 2011), Quảng Trị 03 lần (2000, 2004, 2010), Thừa Thiên Huế 03 lần (1996, 2002, 2008) và Nghệ An 02 lần (1998, 2007). Các triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung thời gian đầu chỉ có khoảng 100 tác phẩm, cho đến nay, mỗi triển lãm đã có từ 250 đến 300 tác phẩm tham dự, số lượng tác phẩm tăng lên hàng năm. Từ chỗ triển lãm chỉ trưng bày các tác phẩm của hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Liên hiệp Văn học nghệ thuật địa phương cho đến nay đã mở rộng đến các nghệ sĩ tạo hình chưa phải là hội viên.
Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung hàng năm đã thúc đẩy sáng tác, làm khởi sắc Mỹ thuật Bắc miền Trung, đưa Mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi thường niên, là triển lãm Mỹ thuật lớn nhất của các tỉnh đăng cai. Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc miền Trung cũng đã tôn vinh nhiều tác giả có tác phẩm tốt thông qua các giải thưởng Mỹ thuật Khu vực và giải thưởng của Hội, động viên các tác giả chưa phải là hội viên địa phương sáng tác tham gia triển lãm và gia nhập Hội.
Theo thống kê, từ khi có giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam (1993) các họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam Khu vực Bắc miền Trung đã nhận được 11 giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong đó có 7 giải chính thức và 4 giải khuyến khích. Về giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Khu vực qua 16 triển lãm (1996 - 2011) đã nhận được 104 giải thưởng trong đó có: 04 giải A, 16 giải B, 23 giải C và 61 giải tặng thưởng. Đã có 44 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc các tỉnh khu vực Bắc miền Trung đã nhận được giải thưởng, cụ thể là: họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị) với 13 giải thưởng, nhà điêu khắc Trần Minh Châu (Nghệ An) với 06 giải thưởng, nhà Điêu khắc Phan Đình Tiến (Quảng Bình), họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế) và Hồ Thiết Trinh (Nghệ An) với 5 giải thưởng. họa sĩ Ngô Tâm (Thừa Thiên Huế), Hoàng Hải Thọ (Nghệ An), Trương Bé (Thừa Thiên Huế), Tiêu Cao Sơn (Nghệ An) và Nguyễn Duy Linh (Thừa Thiên Huế) được 04 giải thưởng. họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Thanh Hoá), Lê Cậy (Thanh Hoá) và Đoàn Văn Thịnh (Quảng Bình) được 03 giải thưởng. Hoạ sĩ Lê Văn Nhường, Nguyễn Thị Hải Hoà (Thừa Thiên Huế), Lê Ngọc Thái (Quảng Bình), Tô Trần Bích Thuý (Thừa Thiên Huế), nhà Điêu khắc Hồ Uông (Quảng Trị), Vũ Tuyết Trinh (Thanh Hoá) và nhà điêu khắc Đào Phương (Nghệ An). Hoạ sĩ Vĩnh Phối (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Hữu Dỵ (Nghệ An), Đặng Mậu Tựu (Thừa Thiên Huế) được 02 giải thưởng. Có 21 tác giả được 01 giải thưởng trong đó: hoạ sĩ Tôn Nữ Tuyết Mai, hoạ sĩ Phan Hải Bằng, Lê Quý Long, Đặng Mậu Triết, Đỗ Kỳ Huy, Phạm Đại, Phan Thanh Bình, Hoàng Đăng Nhuận, Phạm Hoàng Anh, nhà Điêu khắc MôlôKai, Võ Xuân Huy, Mai Văn, Hà Văn Chước (Thừa Thiên Huế), Phan Bảo, Hoàng Bào, Lê Xuân Quảng (Thanh Hoá), Lê Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Dương, Lê Anh Ngọc (Hà Tĩnh), Trương Minh Dự (Quảng Trị), Trần Hoàng Trung (Nghệ An).
Như vậy đã có khoảng gần 50% tổng số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam ở khu vực Bắc miền Trung có tác phẩm được nhận giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Khu vực.
Cùng với các giải thưởng nói trên, nhiều tác giả khu vực Bắc miền Trung đã nhận được những giải thưởng tại triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, triển lãm Điêu khắc toàn quốc, triển lãm tranh cổ động toàn quốc, Festival nghệ sĩ trẻ toàn quốc... ta có thể kể tới các tác giả như: Lê Hải Anh, Trương Bé, Nguyễn Thị Hải Hoà, Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế) Đào Phương (Nghệ An), Phan Bảo, Minh Thịnh (Thanh Hoá), Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị), Lê Ngọc Thái (Quảng Bình). Nhiều tác giả đã nhận được giải thưởng 5 năm của các tỉnh thành.
Khu vực Bắc miền Trung có 8 nghệ sĩ tạo hình đã được Đảng và Nhà nước tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật. Các tác giả này có quê ở 4 tỉnh miền Trung: Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhưng sinh sống và làm việc nhiều năm tại thủ đô Hà Nội. Hai tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thuộc thế hệ đầu của nền nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam. 6 tác giả được tặng giải thưởng Nhà nước là họa sĩ Nguyễn Văn Y, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (2001), họa sĩ Trần Khánh Chương, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, họa sĩ Lê Huy Tiếp, họa sĩ Lê Anh Vân (2007) thuộc thế hệ các họa sĩ, nhà điêu khắc thế hệ thứ ba kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khu vực Bắc miền Trung, ngoài các triển lãm Mỹ thuật Khu vực, hàng năm luân phiên giữa các tỉnh, các hội Văn học Nghệ thuật 6 tỉnh ttrong khu vực đã tổ chức được nhiều triển lãm Mỹ thuật trong tỉnh mình nhân các ngày lễ lớn, đặc biệt là các triển lãm mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế nằm trong Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về hoạt động của các chuyên ngành mỹ thuật, ta có thể kể tới các lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng và phê bình mỹ thuật.
Về Hội họa:hầu hết các tác phẩm của các họa sĩ khu vực Bắc miền Trung sử dụng chất liệu sơn dầu và sơn mài để xây dựng tác phẩm. Các chất liệu lụa cũng thường xuất hiện nhưng không nhiều. Các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tạo được phong cách riêng mà người ta thường gọi là phong cách Huế với nhiều tác phẩm trừu tượng và đậm đà nghệ thuật trang trí cung đình Huế. Các tỉnh từ Quảng Bình trở ra lại mang phong cách của Hà Nội bởi nguồn đào tạo các họa sĩ này từ các trường Mỹ thuật ở Hà Nội và ở Huế. Vì vậy hội họa Bắc miền Trung trong các triển lãm Mỹ thuật khu vực thường tạo nên sự đa dạng về phong cách. Tuy nhiên, việc bám sát đời sống của nhân dân trong khu vực - từ biển đến rừng, từ công nghiệp đến nông nghiệp, từ con người đến thiên nhiên vẫn chưa được khai thác với sự rung cảm của người nghệ sĩ.
Về Đồ họa:các họa sĩ khu vực Bắc miền Trung còn nhiều người đi sâu vào sáng tác tác phẩm đồ họa đó là các loại tranh khắc, tranh in độc bản, tranh cổ động, đồ họa ứng dụng. Một số họa sĩ đã thành công trên nhiều tác phẩm và đã nhận được những giải thưởng xứng đáng, bắt nhịp được với sự phát triển của đồ họa Việt Nam.
Về Điêu khắc:các nhà điêu khắc Bắc miền Trung không nhiều, mỗi tỉnh chỉ có một vài người, số đông tập trung ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Hầu hết các tỉnh Bắc miền Trung đều có các tượng đài bằng chất liệu đá, đồng, xi măng đặt tại các công viên, di tích lịch sử, nghĩa trang tuy nhiên chỉ có một vài tác phẩm là của các nhà điêu khắc Bắc miền Trung, hầu hết các tác phẩm khác là của các tác giả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy một vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà điêu khắc Bắc miền Trung phát huy năng lực của mình để xây dựng tượng đài trong thời gian tới. Đáng chú ý, sau trại điêu khắc quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tục tổ chức được 4 trại sáng tác điêu khắc quốc tế để có được hàng trăm tác phẩm tượng vườn đặt bên bờ sông Hương, tuy nhiên điêu khắc tượng vườn chưa vươn ra được các tỉnh khác.
Về mỹ thuật ứng dụng: Bắc miền Trung là khu vực có truyền thống về mỹ nghệ thủ công, mỹ thuật ứng dụng, tuy nhiên đội ngũ này vẫn chưa được tập hợp trong các chi hội của Hội Mỹ thuật Việt Nam và của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh trong khu vực, đây là một vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Về lý luận, phê bình mỹ thuật: khu vực Bắc miền Trung chỉ có một hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thuộc ngành Phê bình Mỹ thuật, các bài viết lý luận phê bình do một số ít họa sĩ thực hiện, vì vậy lĩnh vực này có thể coi là lĩnh vực yếu của khu vực cần được quan tâm để phát triển.
Nghệ thuật đương đại bao gồm: Sắp đặt (installation), trình diễn (performan art), video art đã phát triển ở Thành phố Huế góp mặt vào nhiều cuộc festival Huế và các festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc và nhận được nhiều giải thưởng.
Các hoạt động mỹ thuật của khu vực Bắc miền Trung chỉ mới được liên kết qua triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm, việc liên kết hoạt động thường xuyên giữa các tỉnh gần nhau chưa được chú ý đúng mức, vì vậy với lực lượng mỏng, chưa tạo được không khí sáng tác liên tục, thường xuyên cho các nghệ sĩ.
Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung còn thiếu những nhà triển lãm có tầm cỡ để tổ chức các triển lãm mỹ thuật tầm cỡ khu vực một cách sang trọng và xứng tầm. Các tỉnh trong khu vực chưa một tỉnh nào có bảo tàng mỹ thuật hiện đại cho dù khu vực này đang rất phát triển về văn hóa, du lịch. Chính vì chưa có bảo tàng nên cũng là thiệt thòi cho các nghệ sĩ tạo hình trong khu vực được lưu giữ tác phẩm tại quê hương mình.
Ngoài TP. Huế ít nhiều tạo ra thị trường mỹ thuật qua các gallery, phần lớn các họa sĩ miền Trung đều bán tác phẩm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) vì vậy có thể nói Bắc miền Trung chưa hình thành được thị trường mỹ thuật, ảnh hưởng đến việc bán tác phẩm của các nghệ sĩ ảnh hưởng đến đời sống của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ chưa sống được bằng tác phẩm của mình.
Khu vực Bắc miền Trung có trường Đại học nghệ thuật Huế, nơi đào tạo các nghệ sĩ tạo hình cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một cơ sở đào tạo lớn cần phát triển để tạo ra sức lan tỏa trong sáng tác, thúc đẩy hoạt động mỹ thuật Bắc miền Trung phát triển bởi trong 8 khu vực, ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì duy nhất chỉ có khu vực Bắc miền Trung có trường Đại học Mỹ thuật.
Có thể nói, khu vực Bắc miền Trung là nơi sản sinh nhiều nhân tài mỹ thuật cho đất nước, cho sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ngoài các nghệ sĩ đang sinh sống và hoạt động mỹ thuật tại 6 tỉnh trong khu vực, nhiều nghệ sĩ tạo hình có quê ở Bắc miền Trung hiện có mặt trong khắp các tỉnh thành trong cả nước. Vì vậy bên cạnh hoạt động mỹ thuật trong khu vực, chúng ta cũng cần có sự tập hợp, giao lưu các nghệ sĩ Bắc miền Trung đang công tác ở các tỉnh thành khác nhằm đẩy mạnh các hoạt động mỹ thuật vì một nền mỹ thuật Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 
Hoạ sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG
                                                                    ( Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt nam)
. . . . .
Loading the player...