13-07-2017 - 10:32

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hướng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 131 tháng 7 giới thiệu bài viết "Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hướng" của nhà văn Đức Ban.


Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hướng

 
Năm nào đấy, tôi gặp Trần Hướng ở chỗ nào đó không còn nhớ nữa. Lơ mơ một con đường làng đầy bóng tre và tiếng gà gáy trưa khắc khoải. Trần Hướng xách cái giá vẽ, khoác cái ba lô căng phồng, tôi đoán rằng trong ấy đựng bút vẽ, sơn, bột màu, và áo quần. Hai chúng tôi ngồi xuống cạnh một gốc cổ thụ bên dệ đường. Sau vài ba câu xã giao của những kẻ cùng quê gặp nhau, Trần Hướng nói, nghề vẽ truyền thần thắc thỏm lắm bác ạ. Người già ai cũng cần tấm ảnh để mai kia về cõi vĩnh hằng đặt trên bàn thờ cho con cháu nó nhớ, nó dâng hương. Nhưng đồng tiền, bát gạo không chiều ý muốn. Thế nên xạc chân từ làng này sang làng nọ, xã này sang xã kia, vài ngày mới gặp một cái gật đầu. Lại không nỡ lấy nhiều tiền của người già. Thế nên, cuối tuần về nhà trong túi lép kẹp. Em tính chuyển nghề. Tôi hỏi, nghề gì thì Trần Hướng nheo mắt nhìn lên bầu trời trắng nhưng nhức nói, chụp ảnh bác ạ. Nói xong thì cười, một nụ cười lặng lẽ, không ra vui, cũng chẳng phải buồn.    
Ấy là những năm đầu thập niên chín mươi thế kỷ trước. Công cuộc đổi mới đã đi được một chặng đường dài hơn chục năm, nhưng dây mơ rễ má của thời bao cấp vẫn còn khắp ngóc ngách đời sống kinh tế và cả trong đầu con người. Trong giới văn học nghệ thuật chẳng ai sống được bằng đồng lương và ngòi bút. Cứu mình trước khi trời cứu, mỗi người tìm cách bươn bã kiếm sống. Vợ chồng Ngọc Thịnh đi hát đám cưới. Hải Hà ngoài giờ hành chính làm cửu vạn ở Bến xe khách. Nguyễn Ngọc Vượng mở nhà hàng bán lẩu thập cẩm. Phạm Việt Thư sắm máy khâu cùng vợ may quần áo. Nguyễn Xuân Hải lên Lào coi kho cho một Công ty xuất nhập khẩu Thương mại…Trần Hướng thì vẫn đi vẽ truyền thần. Thấp, nhỏ, cái mũ vải tán hếch lên, với cái xe đạp cà tàng lặn lội hết miền xuôi lên miền ngược.  
Thỉnh thoảng người ta gặp anh hát và chơi đàn đàn ghi ta  ở những cuộc vui của bè bạn. Lần nào đấy anh kể anh học nhạc lý, nhạc công ở người bố của mình khá uyên thâm âm nhạc. Ông  là người chơi đàn Acmonium cho Nhà thờ và dạy hát cho Ca đoàn của xóm Đạo Kim Đôi, Thạch Kim những năm đầu thập niên sáu mươi ở thế kỷ trước. Ngày lễ Chúa nhật, Trần Hướng thường được ngồi gần bố nghe đàn, hát… Một vợ, ba người con thời bao cấp khó khăn những cuộc vui đàn hát đối với Trần Hướng chỉ là những phút giây hiếm hoi chen ngang vào giữa chuỗi dài những lặng thầm trên giá vẽ. Xoay ngang, xoay dọc thế nào, đến một ngày Trần Hướng chuyển sang nghề chụp ảnh. Vẽ hay chụp thì cũng thứ công việc ghi hình thiên hạ. Trần Hướng mở một Hiệu ảnh nhỏ. Một hiệu ảnh không treo biển hiệu, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương” hiệu ảnh Trần Hướng vẫn đông khách. “Ổn rồi. Đủ cơm no, áo ấm rồi. Sắp tới cuộc sống chắc sẽ dễ chịu hơn. Hãy cứ tự tin.”. Trần Hướng nói vậy. Nói xong thì im lặng, một sự im lặng thăm thẳm. Một phép thắng lợi tinh thần AQ? Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng, trong sự im lặng kia giấu nhiều điều mà tôi không thể chia sẻ. 
Bẵng đi mấy năm trời tôi không thấy mặt Trần Hướng. Một người bạn  mách, dạo này anh ta hay xách máy đi săn tìm ảnh nghệ thuật. Cứ gần sáng ra bãi biển Thạch Kim ngồi chờ bình minh rạng. Nhiều ngày như thế. Người bám đầy cát mặn. Và cứ độ dăm bữa, nửa tháng anh lại lọ mọ trèo lên núi Long Ngâm chờ hoàng hôn trên biển. Lại hàng tuần như thế. Nhẫn nại. Thuê in, phóng, ảnh cỡ lớn lồng khung kính treo kín trong phòng. Đã có người bảo, Trần Hướng chơi ngông. Chắc không phải vậy. Con người trải hàng năm lầm lũi, nhẫn nại vẽ truyền thần, chụp ảnh kiếm tiền nuôi vợ cùng ba đứa con ở một vùng quê còn nhiều vất vả thế thì không thể là kẻ chơi ngông. Chắc là  anh say mê ảnh nghệ thuật và khao khát thực hiện cái đam mê ấy. Tôi còn nhớ hồi ấy tôi đã xúc động trước vẻ đẹp của những bức ảnh: Neo đất, Tuổi thơ làng biển, Bình minh cửa Sót…Đấy đã gọi được là ảnh nghệ thuật đích thực chưa? Tôi là kẻ ngoại đạo, quả thực không phân định nổi. Và dường như Trần Hướng cũng ngờ vực chính mình. Anh nói với tôi, “không thầy đố mầy làm nên”. Từ dạo ấy anh không còn lội sóng, trèo núi đón chụp bình minh, hoàng hôn trên biển. Anh lảng tránh cả những cuộc bàn luận về ảnh nghệ thuật.
Sau đó, vắng bặt tin Trần Hướng. 
Lão Ngư - Ảnh: Trần Hướng
Huy chương bạc - Liên hoan ảnh BMT năm 2003
Năm 2000, tôi ra Hà Nội học Chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc, tình cờ gặp anh ta. Hôm ấy mưa như trút nước, tôi tránh mưa trong quán nước chè chén bên đường Nguyễn Sinh Sắc. Nửa buổi thì thấy một Trần Hướng từ đường bước vào quán. Anh bước thong thả giữa màn mưa dày đặc, cứ như không bận tâm tới mưa, không biết rằng mình đang đi dưới mưa. Anh nói rằng, anh bỏ nhà đi tìm thầy, nghe thầy từ mấy năm nay; rằng anh sắp tốt nghiệp Chuyên ngành nhiếp ảnh Nghệ thuật của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tôi nắm bàn tay anh lắc lắc nói, mừng, rất mừng.  Anh mời tôi đến thăm cơ ngơi sinh viên già. Rồi anh đi trước, tôi theo sau theo lối nhỏ lõng bõng nước để vào một căn phòng cuối dãy nhà vẻ tạm bợ, rõ là người ta xây cho sinh viên loại như Trần Hướng thuê ở. Căn phòng nhỏ, một cái tủ gỗ hai cánh, một cái gường, một cái bàn, hai cái ghế và trong góc phòng lỉnh kỉnh nồi niêu, bát đũa, bếp dầu hỏa… tất cả cũ mèn cùng ông chủ nhà thấp, nhỏ trong cái áo màu nâu lùng thùng cho tôi cảm giác đang ở một vùng quê heo hút miền Trung. Một cái gì đó vừa giản dị vừa xa vắng dâng lên. Không thấy tranh, không thấy ảnh trên mấy bức tường mốc mác. 
Sau một tuần trà, Trần Hướng đi đến bên cái tủ gỗ mở rộng cánh cửa. Hai ngăn tủ đầy ảnh và đĩa VCD, CD. Phim tư liệu, ca nhạc. Và ảnh.  Ảnh đủ màu, đủ cỡ.  Những gì anh cất giấu lâu nay trong tâm hồn òa ra. Một thế giới khác, thế giới của hiện thực sinh động đầy màu sắc và hình khối, đường nét phủ kín cái thế giới giản dị và tạm bợ vừa xa vắng vừa hiện hữu. Trần Hướng đã lộ ra trong từng bức ảnh. Lộ cuộc đời thực với những khó khăn vất vả và lộ cuộc đời nghệ thuật với những quan niệm thẩm mỹ cùng những năng lực sáng tạo mới. Bên cạnh những bức ảnh bài tập, một số tác phẩm mới có được sau nhiều lần rong ruổi săn tìm, tôi liếc nhanh chùm ảnh sinh hoạt gia đình. Người vợ đang thay anh cầm máy kiếm sống ngày ngày nuôi con. Ông bố và bà mẹ gương mặt già nua mà khả ái đứng bên cửa, vịn tay vào cái gì đấy mờ ảo ngóng về phía xa. Người con trai học bài bên bàn. Người con gái oằn lưng xách xô nước. Bữa ăn gia đình giữa sân lúc chiều buông, ráng đỏ phía trời xa… Những bức ảnh như một cơ thể sống nói với tôi về những người trong gia đình anh đã gồng mình lao động, chịu thiếu thốn để cho anh yên tâm công việc học hành như thế nào. Tôi thầm nghĩ, lâu nay tôi chỉ biết mơ hồ về Trần Hướng và gia đình anh. Tôi cố hình dung khi Trần Hướng rời cái làng biển Thạch Kim đầy cát và mùi cá nướng chen chân dọc, ngang giữa Thủ đô đô hội, nhưng chỉ thấy một con người nhỏ bé với nụ cười lặng lẽ sục đôi chân trần trong bùn và cát mặn đau đáu nhìn rễ hoa muống biển vắt ngang cái vỏ sò, đến ngôi sao xanh trên trời.
Một thời gian sau, Trần Hướng thành công chức nhà nước. Rồi thì Trưởng ban Ảnh, Chánh Văn phòng Hội, hiện nay là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT tỉnh. Vợ có phần nhẹ việc và thảnh thơi hơn vì qua “thời bốn cha con sinh viên, thời nhà dột, vách thủng”, nhưng cái gánh nặng gia đình vẫn trĩu trên vai anh. Một cô con gái, hai cậu con trai học xong Đại học rơi vào thất nghiệp. Hàng ngày anh ở cơ quan, thực thụ là một công chức mẫn cán làm tròn nghĩa vụ một công dân, đảm đương trọn vẹn vai trò người lãnh đạo một Hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp.  Ngày nghỉ lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật Trần Hướng một mình lặng lẽ lên đường, con đường sáng tạo nghệ thuật không một lúc ngưng nghỉ, không có chỗ tận cùng.  Trần Hướng có mặt ở rừng, ở biển, ở làng quê, ở phố xá, ở khu công nghiệp…Ta có thể biết những quãng đường Trần Hướng đã đi, những nơi anh đã đến qua các chú thích dưới những bức ảnh. Ta nhìn thấy một Trần Hướng  cùng những thành đạt trong nghề với hơn hai chục giải thưởng ảnh nghệ thuật và phim Tài liệu cỡ Trung ương, cỡ địa phương, những Giải A, giải B, giải C, những Huy chương chương Bạc, Huy chương Đồng...
 Tôi không viết thêm về những giải thưởng to, nhỏ của Trần Hướng. Những giải thưởng chỉ mới là một phía của Trần Hướng. Phía khác của anh là những suy tưởng về cuộc đời, về nghệ thuật, những nỗ lực bươn chãi trong cõi nhân gian gập ghềnh đã làm nên phẩm cách nghệ sỹ đã giúp anh đi qua những gian nan, thách thức, những đau buồn, khổ cực giăng mắc để nhẫn nại đặt chân lên những nấc thang nghệ thuật./.
                                                                                                              Đ.B
. . . . .
Loading the player...