Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Nghĩa thầy trò qua một bài văn điếu” của tác giả Lê Văn Tùng
Quê tôi, làng Hương Nao, thuộc xã Đại nài, tổng Thượng Nhị cũ, nay là xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Làng không có các vị khoa bảng lớn như Hoàng giáp, Tiến sĩ, nhưng Cử nhân, Tú tài thì có nhiều. Trong đó nổi bật nhất có vị đậu Giả nguyên Ân khoa Bính Ngọ, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846). Đó là ông Đặng Văn Khải. Ông được bổ làm việc ở Bộ Công, giữ chức "Hàn lâm viện kiểm thảo", sung việc biên soạn bộ sách "Đại Nam sự lễ hội điển". Ông làm đến Lang trung Bộ Hộ, bang biện quân vụ Hải Dương. Năm Tự Đức thứ mười bảy tòng chinh dẹp giặc bị tử trận được phong Lang trung.
Làng có một ngôi đền Văn Thánh thờ Khổng Tử, hàng năm tế lễ vào ngày Đinh tháng hai, tháng tám nên cũng gọi là tế Xuân Đinh và Thu Đinh. Việc thờ tự, tế lễ tại đền Văn Thánh do Làng Văn còn gọi là Hội Văn (hội của những người có học hành) tổ chức một cách trọng thể và nghiêm trang. Việc sinh hoạt tại đền Văn Thánh thể hiện sự tôn vinh đạo học, khuyến khích sự học và đồng thời cũng thể hiện sự khát khao được học của dân làng.
Chuyện hội văn, chuyện học hành có nhiều, nhưng đến nay những người lớn tuổi trong làng khi nói đến sự học, nói đến nghĩa thầy trò đều không quên nhắc đến đám tang của một "thầy học" (cách gọi thầy giáo dạy chữ Hán thời ấy), cách đây đã ngót trăm năm.
Thầy chỉ dạy học trong làng và thường là ngồi tại nhà rồi học trò trong làng và các làng lân cận đến xin học. Không biết thầy bắt đầu dạy học từ năm nào, nhưng đến cuối đời dạy học thì thầy đã trở thành vị tiên chỉ của làng Hương Nao. Dân làng tôi thường gọi cụ ông cao tuổi nhất làng ấy là "Cố Cả". Thầy có tên húy là Trần Quốc Doãn, tên thường gọi là Thận nên khi về già trở thành Tiên chỉ của làng thì cả làng gọi thầy là Cố Cả Thận.
Học trò của thầy rất đông, có nhà cả ba thế hệ đều lần lượt học với thầy. Ngoài số đậu đạt cao, đi làm việc xa, thì số ở lại địa phương trở thành những thầy đồ, thầy thuốc, thầy địa lý…, và ra đảm đương việc hàng tổng, hàng xã để trở thành những ông cai, ông tổng, ông lý, ông hương, ông kiểm… thì nhiều lắm. Nhiều học trò đã lên lão làng cũng được gọi bằng "Cố" như thầy: Cố Tổng, Cố Lý, Cố Hương, Cố Đồ, Cố Kiểm…
Ngày thầy tạ thế học trò về làm đám tang đông lắm, họ đứng chật cả sân nhà, đường đi, ngõ xóm… Tất cả học trò đều có vòng khăn tang trắng trên đầu, không kể đó là học trò già hay còn tuổi thiếu niên. Có những người đã từng học với thầy hàng chục năm, nhưng cũng có người chỉ mới đến học với thầy được vài ba ngày cũng vì cái nghĩa "nhất tự vi sư" mà cung kính chịu tang thầy. Khi linh cữu thầy được đưa ra khỏi làng thì cả một cánh đồng người khăn tang trắng xóa. Có những học trò già, lưng đã còng, chân đã run, đầu quấn khăn tang, mắt ngân ngấn lệ, tay chống gậy vẫn lần từng bước đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng cho trọn lòng hiếu nghĩa. Cái nghĩa thầy trò thời ấy thật là sâu nặng.
Đến nay bài văn của học trò điếu thầy nhiều người trong làng vẫn còn thuộc. Đó là một bài văn điếu bằng chữ Hán mà người viết là cố Xứ Ký, một vị đã từng đậu “Đầu xứ” vừa có trình độ học vấn cao vừa có tài văn thơ nổi trội... Bài văn được học trò chọn ra một người có giọng đọc tốt nhất, có tuổi tác, có vị trí và nhân cách xứng đáng làm người đại diện đọc tại lễ điếu thầy. Người đó là cố Tổng Diên, một người có vai vế trong tổng, trong làng.
Bài văn còn nhiều người thuộc, nhưng chỉ truyền miệng cho nhau, rất tiếc không ai còn văn bản gốc. Chúng tôi đã nhờ người tái lập bản chữ Hán rồi phỏng dịch, nhưng đây cũng là một việc làm rất khó, chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót.
Sau đây xin được giới thiệu bài văn điếu với ba phần. Phần tái lập bản chữ Hán và phiên âm là của cụ Lê Trung Liễn, phần phỏng dịch là của người viết bài này.
Bản chữ Hán (lập lại):
Phiên âm:
LÃO SƯ ĐIẾU VĂN
Viết ô hô!
Hương Giang thủy trệ, Cảm Lĩnh vân phi
Ta hóa cơ chi nan trắc, trướng kim cổ chi phân kỳ
Tử sinh đại hỹ, cảm khái hề chi
Tích tiên sinh chi tại dã, môn trung lập tuyết tọa mạn xuân huy
Kim tiên sinh chi khứ dã, đẩu sơn giao vọng tiếu tử hà y
Bồi hồi thử cảm như hà phất ty
Thiên giả hồ nghi, mệnh giả hồ nghi
Tam đông sơ giải nhất lão tiểu di
Vọng vân như tang cảm, hoài nhạ hoằng hề liên nhi.
Cửu tiền nhất chước thức điển tình vi
Cửu tuyền chi dạ, linh sảng hữu tri.
Ô hô ! Y hy!
Phỏng dịch:
VĂN ĐIẾU THẦY GIÁO
Than ôi!
Nước nghẹn dòng Hương, mây mờ núi Cảm
Vật đổi sao dời cơ tạo hóa, phút chia ly đôi ngả âm dương.
Nhớ Thầy xưa:
Thanh cao cốt cách, dạt dào bể học tình thương,
Sách thánh hiền đạo lý cương thường
Bóng xuân tỏa môn sinh bao thế hệ.
Có ngờ đâu cuộc đời dâu bể, rước thầy về tiên cảnh nhàn du
Bâng khuâng trời thẳm đất mù, đàn tiểu tử luống trông miền bắc lộ.
Chẳng lẽ ông xanh nghiệt ngả, để bút nghiên đòi đoạn dở dang,
Hay mệnh Thầy tạo hóa đa đoan, xui hạc nội mây ngàn cách trở.
Hồ dễ ba đông khuây khỏa, biết lấy chi ghi tạc đức ơn Thầy
Trời xa mây hợp mây bay, hoa nở hoa tàn thêm bối rối.
Rượu một chén dâng lên linh tọa, gọi tấc thành nhớ tưởng ân sâu,
Lệ đôi hàng cúi trước linh nhi, ôi thương nhớ thấu chăng hồn linh sảng.
Ôi! thương ôi!
L.V.T