20-07-2022 - 10:25

Nghĩa tình tháng 7

Tháng 7, là khoảng thời gian để thế hệ trẻ thể hiện tấm lòng tri ân với những thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, với biết bao con người đã anh dũng hy sinh hoặc gửi lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng của tháng tri ân, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Nghĩa tình tháng 7 của tác giả Đặng Viết Tường.

NGHĨA TÌNH THÁNG BẢY

 

     Tháng 7 về với những cơn mưa ngâu dầm dề, sùi sụt, não nề cuối hạ đầu thu lạnh buốt. Tháng 7, theo phong tục cổ truyền dân gian đất Việt là tháng cô hồn, với truyền thống cúng tế thập loại chúng sinh. Trong những ngày nghĩa tình tháng 7 này, với truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân những anh hùng, liệt sĩ và thăm hỏi thương binh, …những người đã dũng cảm hi sinh bản thân, cống hiến một phần xương máu của mình để đánh giặc cứu nước trong các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Với cái tuổi 18, 20 viết nên lịch sử và những bản anh hùng ca bất hủ: “Nước còn giặc còn đi đánh giặc / Chiến trường giục giã bước hành quân”.
     Với truyền thống yêu nước từ buổi sơ khai dựng nước của một dân tộc anh hùng “con rồng cháu tiên”, kiên cường, bất khuất, không chịu khom lưng, quỳ gối trước giặc xâm lăng. Từ Đinh, Lý, Trần, Lê và các thế hệ kế tiếp: “Đời cha trước đời con sau/ Cũng thành đồng chí chung câu quân hành”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” với khí thế 3 thứ quân. Ba mươi năm kháng chiến, quê hương đất nước ta từ Bắc chí Nam trở thành bãi chiến trường máu lửa. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 20 năm cứu nước gian khổ và hào hùng, hàng triệu triệu thanh niên nam nữ đã gác ngòi bút, xếp trang giấy, giã biệt mái trường đi chiến đấu: “Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/ Vui gì hơn anh lính tân binh / Mũ sáng sao miệng cười chúm chím / Ánh hào quang toả niềm tin”. Những con người, các thế hệ rời mái rạ đơn sơ lên đường không một chút đắn đo trăn trở. Một thế hệ “gan không núng, chí không sờn” vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối đầy gian nan, tai biến, khổ cực nhưng đầy lạc quan chan chứa tình người, tình anh em đồng đội. Những cơn sốt rét rừng hành hạ kinh người. Những cán bộ, chiến sĩ ra đi vì sốt rét, bệnh tật đã nằm lại góc  rừng, sườn núi cheo leo. Những câu chuyện bi hùng của người lính thời đánh Mỹ còn nhiều vô kể.
     Lớp người này ngã xuống. Lớp người khác lại xung phong công đồn diệt giặc. Những người lính, người dân quân du kích trên đất nước hình chữ S này: Sống hiên ngang bất khuất ở trên đời. Và họ đã trở thành “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” mà nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân viết trong chiến dịch Mậu Thân – 1968: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất / Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Chiến trường với nhiều tổn thất, hi sinh xương máu là quy luật chiến tranh. Để giành độc lập, hoà bình, ấm no, hạnh phúc là nhờ có lòng dũng cảm, đức hi sinh của hàng triệu người yêu nước quả cảm - người lính trên chiến trường diệt giặc: “Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đĩa / Những tiếng “có” ngồi im không muốn đuổi ruồi / Cả đại đội chỉ còn trung đội /Những tiếng “có” vô danh nằm lại góc rừng”.

Lòng mẹ ( Ảnh: Minh Chiến)

     Trên các cung đường ra tiền tuyến, lớp lớp thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã “xẻ núi mở đường”, tải thương, tải đạn, đánh địch và đã nằm xuống các cung đường ra trận. Như hình ảnh của 10 cô gái TNXP, tiểu đội 4 đại đội 552, Tổng đội 55 hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, 13 cán bộ, chiến sĩ TNXP hi sinh ở Truông Bồn. Sự hi sinh mất mát, đau thương vô cùng lớn lao và nhiều gương liệt nữ tôi không kể ra. Những con người dũng cảm đang yên giấc ngàn thu trong các nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách. Hàng năm vào dịp 27/7, các nghĩa trang lung linh ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, hình ảnh đẹp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tôi đọc lời tâm sự về sự tri ân đó trong bài thơ “Trăng thành cổ” của tác giả Nguyễn Minh Khiêm: “Em đứng nói đây là ngôi mộ của 10 nghìn liệt sĩ / Đây là ngôi nhà của 10 nghìn người con / Mười nghìn người con không riêng của 10 nghìn người mẹ”. Nếu như Điện Biên Phủ với “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơn vắt / Máu trộn bùn non / Tai không núng, chí không mòn” thì thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm quân giải phóng kiên cường chiến đấu dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ :“Anh và em như  hai nấm đất /  Từ dưới nền thành cổ mọc lên / 10 nghìn linh hồn là nơi bắt rễ / Tóc xanh từ 10 nghìn mái tóc/ Đi dưới màu trăng như áo mẹ bạc nắng, ủ 10 nghìn giấc mơ”.
     Rồi “Khi người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông”. Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng nhưng nỗi đau thương còn đó, hàng ngày đang âm ỉ, vết thương bên ngoài có thể đã lành tuy nhiên nỗi đau còn quặn thắt rỉ máu trong tâm hồn đồng đội, người thân. Và những chuyến đi thăm lại chiến trường một thời máu lửa. Những chuyến đi xuyên rừng, vượt núi, lội suối trèo đèo đến các địa phương tìm hài cốt liệt sĩ được bộ đội tổ chức bằng nhiều hình thức để đưa các anh, các chị về quê cha đất mẹ. Thể xác những người con ưu tú đang nằm trong lòng đất, trên chiếc võng treo ở rừng già, bên bờ suối cạn, dưới đáy sông sâu: “Đò lên Thạch Hãn khua chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
     Cuộc tìm kiếm hình hài các anh, các chị là những việc tri ân, nghĩa tình cao cả của tâm hồn hậu thế. Tôi đã nghe những câu chuyện cảm động cán bộ, chiến sĩ thuộc đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường xưa. Những người vợ bao nhiêu năm chờ đợi tin tức chồng vô vọng, đi tìm chồng nhiều năm: “Người đàn bà ấy tầm tuổi năm nhăm/ Suốt 30 năm đi tìm hài cốt / Ba mươi năm – Vắt kiệt nước mắt khô”. Câu chuyện trên được tác giả Văn Thanh kể trong bài thơ : “Một chiều tháng Bảy”. Những người con gái, con trai liệt sĩ vượt hàng ngàn cây số đi tìm hài cốt người cha chưa hề biết mặt. Tôi có đọc được thông tin, có người con gái ở Lào Cai, sinh ra không biết mặt cha, một ngày cô đến các nghĩa trang ở Sài Gòn đi tìm mộ người cha ngã xuống trước 11 giờ 30, ngày chiến thắng 30 /4/ 1975. Tôi có cô bạn đồng nghiệp con liệt sĩ, giáo viên dạy văn  sinh ra không biết mặt người cha thân yêu của mình: “Hạnh phúc vỡ òa khi mẹ sinh con/ Hai mươi chín tháng Mười/ Một chiều Thu bảy sáu…/ Cũng là ngày đau đớn chia ly / Mẹ nhận hung tin đơn vị gửi về / Giấy báo tử còn hằn in nét mực”. Bạn tôi cũng có bao lần đến các chiến trường mà người cha chiến đấu tìm lại người cha thân yêu.
     Bên cạnh phong trào thơ ca, âm nhạc có xu hướng viết về đề tài “đền ơn đáp nghĩa” thì những công trình kiến trúc tượng đài chiến thắng, đề án xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, hầu hết xã, huyện, tỉnh… địa phương nào cũng rất chú trọng thờ cúng anh linh liệt sĩ đã khuất. Hàng năm cứ đến ngày 27 /7, kỷ niệm truyền thống thương binh – liệt sĩ… từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, đoàn thể phát động phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “về nguồn tri ân”  xây đền đài liệt sĩ, hương khói anh hùng liệt sĩ, xây tượng đài, dựng bia chiến thắng. Ngoài ra có hoạt động thắp nến tri ân các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thăm di tích thành cổ Quảng Trị và di tích căn cứ địa trong kháng chiến,  đường mòn Hồ Chí Minh.. 
     Cũng trong những ngày sâu nặng nghĩa tình tháng 7 này, hoạt động làm  nhà và bàn giao nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn cũng rất mạnh mẽ. Trong chuỗi hoạt động ngày 27/7, các địa phương đơn vị phân công cán bộ ban ngành, đoàn thể đến tận gia đình thương binh, gia đình thờ cúng liệt sĩ, meh Việt Nam anh hùng thăm và tặng quà. Hoạt động tri ân, đãi ngộ người có công trở thành chủ đề chính trong các diễn đàn giao lưu văn hoá – xã hội khắp mọi miền đất Viêt ./. 


Đặng Viết Tường
 

. . . . .
Loading the player...