25-07-2024 - 09:18

Ngọn trầm nơi xa thẳm

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu bút ký “Ngọn trầm nơi xa thẳm” của tác giả Đinh Quang Lân

Là một cây bút trưởng thành từ lực lượng Công an nhân dân, cùng các Văn nghệ sĩ dự trại sáng tác văn học nghệ thuật do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh và huyện ủy, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp tổ chức, tôi dành thời gian cho người đồng chí, đồng đội của mình: Liệt sĩ Trần Trung Hiếu. Đến thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân du khách dễ nhận thấy hiệu quả, mục tiêu và đích nông thôn mới thật phấn khởi. Không biết bao nhiêu đường làng, ngõ phố được mở rộng và thẳng tắp được thảm nhựa êm ru. Những dãy phố cao tầng, những nhà vườn và hàng trăm biệt thự xinh đẹp, sáng bóng màu sơn bắt mắt, đã ngời lên sự no ấm của bà con nơi phố thị.

Hỏi nhà của bố mẹ Liệt sĩ Trần Trung Hiếu không khó. Bởi bà con vùng này vừa đau buồn tiễn đưa người cháu, người con, người chiến sĩ Công an về đất mẹ, vì nghĩa cả hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực đền chợ Củi. Ông Trần Quyết Thắng - sinh năm 1966, và vợ là bà Trần Thị Huế - sinh năm 1969, ở khu phố Thanh Chương, thị trấn Tiên Điền thấy khách lạ vào, cất tiếng chào mà không thành tiếng. Dây thanh âm đặc khản vì khóc con cạn khô nước mắt. Khi biết tôi là đồng chí, đồng đội của Đại úy, Liệt sĩ Trần Trung Hiếu, ông bà đã ôm chầm lấy tôi khóc nghẹn lời. Tôi thắp hương cho Liệt sĩ mà khấn không thành lời, vì những giọt nước mắt chan trong tình cảm, quyện vào khói hương.

Theo đại úy Lê Hoàng Hà - Trưởng công an xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân: Thượng úy Trần Trung Hiếu sinh năm 1992 tại thị trấn Tiên Điền, trên quê hương danh nhân thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du. Thực hiện kế hoạch công tác của Công an huyện Nghi Xuân, Công an huyện cử một tổ gồm 10 chiến sĩ công an huyện và thượng úy Trần Trung Hiếu - Cán bộ công an xã Xuân Hồng, phụ trách địa bàn tham gia tổ công tác, bảo vệ ANTT tại lễ giỗ quan Hoàng Mười, tại đền chợ Củi, thuộc thôn 2, xã Xuân Hồng.

Một góc xã Xuân Hồng sát bờ sông Lam - Ảnh: PV

Đền chợ Củi nằm lưng chừng núi Ngũ Mã, sát bờ hữu sông Lam. Nơi đây, một vùng non nước hữu tình, là một trong Bát Cảnh của huyện Nghi Xuân. Đền chợ Củi có tên chữ là THÁNH MẪU LINH TỪ, được tạo lập và xây dựng vào cuối đời nhà Lê. Trải qua nhiều lần tôn tạo, nhưng vẫn giữ được cốt cách nét xưa, trang nghiêm và huyền bí, hài hòa với cảnh quan, sông núi và tâm thế của dân gian. Dưới cung NGŨ VỊ QUAN LỚN là hàng các ông Hoàng, được gọi theo thứ tự từ Hoàng đệ nhất đến ông Hoàng Mười. Theo khuynh hướng dân gian, các ông Hoàng đều được gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian. Theo tâm thức của một số bà con vùng Hà Tĩnh, Nghệ An ông Hoàng Mười là hiện thân của tướng Lê Khôi, gọi Lê Lợi bằng chú ruột đã có công rất lớn chống lại giặc Minh xâm lược nước ta cách đây trên 700 năm. Ông Hoàng Mười được thờ ở đền chợ Củi, vẫn được dân gian truyền tụng rất thiêng, linh ứng và phù hộ cho dân lành.

Chính vì những điều đó, hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông Hoàng Mười, có hàng vạn phật tử và bà con hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước về dâng hương, hoa, đốt vàng mã... nhân ngày giỗ của Ngài. Hàng năm, trước ngày giỗ của ông Hoàng Mười, Công an huyện Nghi Xuân đều lập kế hoạch bảo vệ ANTT lễ giỗ này. Khoảng 15 giờ 35 phút, thượng uý Trần Trung Hiếu đang làm nhiệm vụ theo kế hoạch, và nhận được một nguồn tin từ cơ sở báo về: Tên Trần Trọng Gia Bảo ngụ thôn 2, xã Xuân Hồng, là đối tượng theo dõi của công an xã đang cùng một người khác trao đổi, mua bán một loại viên nghi ma túy. Với phản xạ nhanh của người lính hình sự, Trần Trung Hiếu đã vào một nhà dân, vào phòng kín điện về báo cáo chỉ huy biết và xin ý kiến xử lý. Lãnh đạo yêu cầu thượng úy Hiếu phối hợp với CBCS đang làm nhiệm vụ tại đền chợ Củi xác minh, làm rõ...

Trong lúc đang chờ đồng đội đến phối hợp, là người năng nổ, mẫn cảm với công việc giữ gìn ANTT, giữ bình yên cho lễ giỗ sắp tiến hành, nên thượng úy Trần Trung Hiếu ra hiện trường trước. Trong lúc thượng úy Hiếu đang cúi xuống xem và quan sát hình hài viên thuốc, lập tức Trần Trọng Gia Bảo vớ ngay cái kéo nhọn của bà bán hàng mã đâm một nhát chí mạng vào má của chiến sĩ công an Trần Trung Hiếu. Máu từ vùng má của chiến sĩ Hiếu phun như cầu vồng sắp mưa. Với sức khỏe phi thường, Hiếu đã dùng một thế võ khóa tay và quật được tên ác thú xuống sàn xi măng. Với bản tính điên cuồng của kẻ giết người man rợ, đối tượng Bảo đã trở được mình, đổi kéo sang tay trái đâm tiếp hai nhát vào vùng ngực của người chiến sĩ. Do mất máu nhiều, Hiếu bị choáng nặng, nhanh chóng gục tại chỗ. Anh được đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện thành phố Vinh. Sau đó, anh được chuyển đến bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan tại Nghệ An cấp cứu... Tên tội đồ, kẻ giết người Trần Trọng Gia Bảo bị các chiến sỹ tra còng số 8 ngay tại chỗ.

Với tinh thần khẩn trương, đại tá Lê Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh và thượng tá Lê Thanh Thiện - Trưởng công an huyện Nghi Xuân kêu gọi, có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và Công an huyện Nghi Xuân, lên đường ra bệnh viện để thử và tìm người nhóm máu AB để cấp cứu cho đồng đội của mình. Cùng với đó, công an tỉnh Nghệ An đã cử 50 cán bộ, chiến sĩ thường trực để thử máu, cùng với trên 70 người dân của các xã Xuân Hồng, thị trấn Xuân An, thị trấn Tiên Điền và thành phố Vinh tình nguyện hiến máu nhân đạo để cứu người con, người cháu, người đồng đội của mình thượng úy Trần Trung Hiếu.

Bằng sự nỗ lực Ban Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan đã mời các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của bệnh viện Việt Đức Hà Nội vào Nghệ An để hội chẩn, tìm phương cứu chữa... nhưng vì vết thương quá hiểm người chiến sĩ ấy đã ra đi lúc tảng sáng ngày 17/11/2023.

Chị Hà Thị Cẩm Tú - sinh năm 1994, quê xã Xuân Lĩnh là vợ của đại úy Trần Trung Hiếu đã trở lại cơ quan được mấy hôm. Chị Tú là nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân. Trên đầu chị, không quấn khăn tang màu trắng thờ chồng. Mà ở ngực áo Blu trắng có một dải băng tang màu đen như khắc nỗi đau vô bờ bến của người vợ mất chồng. Tình yêu là duyên phận. Trần Trung Hiếu trong bộ thường phục, áo trắng, quần đen, ở cổ áo đeo nơ màu hồng đi bưng tráp cưới cho anh Cường người đồng đội. Hà Thị Cẩm Tú là cô gái nết na, xinh đẹp của ngành y, trong bộ áo dài truyền thống mềm mại màu thiên thanh cùng các bạn gái khác là đội ngũ nhận lễ cho cô dâu An cùng đồng nghiệp trong bệnh viện. Chỉ một bao lì xì trong buổi đính hôn của bậc anh, bậc chị, tình duyên của họ chớm nở trong tiếng nhạc du dương, trong sự hạnh phúc tột cùng của cô dâu, chú rể, và hai họ.

Sau bữa trao duyên ấy tròn 10 tháng, Trần Trung Hiếu và Hà Thị Cẩm Tú nên vợ nên chồng. Vợ chồng Hiếu và Tú khá nhọc nhằn, gần 6 năm nên vợ nên chồng, cặp vợ chồng người chiến sĩ đã sinh nở 3 lần, nhưng chỉ nuôi được 2 con.

Kẻ gây ra tội ác đối với chiến sĩ Công an Trần Trung Hiếu là Trần Trọng Gia Bảo - sinh 1997, quê quán xóm 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Bảo là đối tượng theo dõi và quản lý của công an xã Xuân Hồng. Trước đó, hắn đã có hành vi gây rối tại bãi giữ xe khu vực đền chợ Củi. Bảo đã có hành vi xin tiền của người gửi xe, bị phản kháng gay gắt nên y đã gây bấn loạn cả một vùng. Chỉ đến khi chiến sĩ Công an Trần Trung Hiếu có mặt, trật tự mới được vãn hồi. Bảo sinh ra trong một gia đình bố mẹ ly hôn. Học hết lớp 8/12, Bảo bỏ học, lang thang khắp nơi như Thành phố Vinh, thị trấn Xuân An, thị trấn Tiên Điền, thị xã Hồng Lĩnh,… Thỉnh thoảng, Bảo vào đền chợ Củi xin tiền của phật tử, xin lộc, xin oẳn,… để tiêu xài, ăn uống. Bố của Bảo có vợ mới và có thêm 2 người con. Họ là những người anh em cùng cha khác mẹ với Bảo. Mẹ ruột của Bảo hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Là người con nhưng thiếu sự giáo dục, quản lý của gia đình nên Bảo và bố không hợp tính nhau, xảy ra cãi vã nhau là điều không hiếm!

Mây chiều bãng lảng dần trôi, nhiều bà con khu phố Thanh Chương, thị trấn Tiên Điền nhắc đến Hiếu vẫn đỏ hoe đôi mắt. Hiếu là đứa con ngoan, là anh cả của gia đình có 3 anh em, 1 gái, 2 trai trong mái nhà đơn sơ nơi góc phố. Cái nết ăn ở của Hiếu, từ cụ già đến trẻ nhỏ không ai chê được điểm nào. Thầy Hiệu trưởng trường THPT Nghi Xuân cho biết: “Hồi đi học phổ thông, Hiếu là trò giỏi các môn khoa học xã hội. Có lần, Hiếu được đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, bộ môn lịch sử.” Hết phổ thông, Hiếu thi đậu vào trường Trung cấp An ninh. Tốt nghiệp ra trường, Hiếu về nhận nhiệm vụ tại đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Nghi Xuân. Với ý chí và ham học, Trần Trung Hiếu đã thi đỗ vào hệ tại chức Học viện Cảnh sát nhân dân và tốt nghiệp khoa điều tra tội phạm của học viện.

Anh Lê Văn Thanh hơn Hiếu một tuổi, cùng quê, nghẹn lòng kể về người bạn thân nhất của mình: Dẫu không cùng cha cùng mẹ, nhưng con và Hiếu sống với nhau từ hồi cởi trần, tắm mưa. Lúc nhỏ, Hiếu hay khóc nhè và nhút nhát. Đang chơi, bạn nào đụng đến là Hiếu khóc và bỏ về nhà. Một lát sau hết khóc, Hiếu lại đến nhà Thanh và các bạn cùng chơi. Lớn lên một chút, chớm tuổi thiếu niên, Thanh, Hiếu, Cường, Hạnh, Vinh, Bảy,… cùng cảnh nhà nghèo, quen chăn trâu cắt cỏ trên các xứ đồng: Đồng Đài, Kẻ Trẩu, Vạn A, Đồng Nương, Thanh Liễu, Đồng Vàng,… Không nơi nào thiếu dấu chân của Hiếu và các bạn. Nhớ nhất, khi mùa đông về, gió rét thổi ào ạt từ phía biển vào làng, Hiếu cùng Thanh và Cường thả bò ngoài trảng cát, rủ nhau mò cua, bắt ốc, tát vũng bắt cá, và móc trộm khoai lang nướng trên bếp củi giữa cánh đồng làng. Mùi của rơm rạ, của ruộng đồng, của ốc, cua, cá bốc lên trong màn khói mỏng, quyến rũ mà chỉ có lũ trẻ chăn trâu như Thanh, như Hiếu, như Cường, như Vinh… mới cảm nhận được.

Thượng úy Trần Trung Hiếu đã được bộ trưởng Bộ công an - Đại tướng Tô Lâm ký thăng quân hàm trước niên hạn lên Đại úy. Được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy hiệu “Tuổi Trẻ Dũng Cảm”. Đám tang của đại úy Công an Trần Trung Hiếu giữa mùa đông giá lạnh. Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh - Trưởng ban lễ tang đã nhiều lần nghẹn lời vì xúc động, vì tiếc thương người chiến sĩ đã vì nước quên thân. Thi thể đại úy, Liệt sĩ Công an nhân dân Trần Trung Hiếu đã gửi lại nơi nghĩa trang A BẸC, cách nhà chừng 1500 mét. Anh nằm đó, cỏ đã nhú mầm lên xanh dưới ánh mặt mặt trời. Nhưng tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An còn mãi nhớ anh, học tập anh một gương sáng về chống tội phạm, giữ cho đất nước được bình bình yên. Dòng sông Lam thường ngày trong xanh và ngọt lịm. Nhưng hôm nay, nước sông Lam đoạn qua cầu Bến Thủy như ánh lên, đục hơn, và có vị mằn mặn bởi máu của chiến sĩ Công an đã đổ xuống hòa vào sông chảy tới vô cùng. Với quân hàm đại úy, máu của Liệt sĩ Trần Trung Hiếu càng thắm thêm quân hàm, trên vai áo của anh dưới lá cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Vĩnh biệt Liệt sĩ Công an nhân dân Trần Trung Hiếu, xin con hãy nhận lấy nơi người chiến sĩ già này một tình thương, một lòng cảm phục với người chiến sĩ trẻ. Xin gió, hãy đưa khói của ngọn trầm này về nghĩa trang A BEC!

Nghi Xuân, tháng 12/2023

                                                                                  Đ.Q.L

. . . . .
Loading the player...