28-07-2024 - 01:10

Người Ân Phú nói về Huy Cận

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu bài viết “Người Ân Phú nói về Huy Cận” của tác giả Nguyễn Thế Phiệt

Tôi là chàng trai sinh ra bên dòng sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Mồng Gà, nơi có... “bà mẹ hay khóc, chia gia tài con quý: lệ đau”, bà mẹ đó đã sinh ra một “chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”. Vâng, Ân Phú quê hương tôi là nơi chôn rau cắt rốn của một thi sĩ tài ba Huy Cận. Chàng đã lấy gió, mây, sông, nước làm cốt, lấy tiếng Việt yêu thương làm thịt, da rồi thổi cái hồn mơ tưởng đi xa, chép khúc nhạc Nghê Thường trên thảm cỏ yêu thương thành tuyệt bút vươn ra khỏi không gian vũ trụ, sống mãi mãi với thời gian.

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.

Câu thơ đã đi xa với không gian với vạn lời bình về tình yêu con người, yêu cuộc sống. Nhưng không phải là dân Ân Phú, không đứng trên bãi Sau Bàu, nhìn lên ngọn núi Mồng Gà khi bóng dương tà gác núi, không nghĩ bãi cây “thẹn” - cây trinh nữ - khép lá khi chân chàng thi sĩ đến thắp hương bên ngôi mộ an nghỉ người em gái xấu số, thì không thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn hồn thơ trong tiếng khóc yêu thương đến cỗi “Ngậm Ngùi”:

Ngủ đi em, mộng bình thường!

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...

Những lúc về lại quê hương, lên núi Mồng Gà hái sim, nhìn xuống bãi Soi vấn vương tơ lòng với những câu tự tình từ trẻ thơ của của bậc thi nhân tài ba.

Cô gái thôn tôi thuở xóm nhà,

Rủ tôi lên nhởi rú Mồng Ga.

Ăm sim quẹt tím hai tay áo

Chiều tối về im. Sợ mẹ la...

Dưới chân núi Mồng Gà - Ảnh: PV

Huy Cận, cuộc đời và sự nghiệp của ông với những yêu thương cuộc sống, yêu thương con người lãng mạn, tính lãng mạn đã thông qua thi ca để diễn tả trong vũ trụ bao la; trong vũ trụ bao la đó, tình yêu của ông gắn bó với hồn quê, hồn nước. Từ cành cây ngọn cỏ đến bầu trời cao chót vót được ông cóp nhặt lại, vun đắp thành hồn thơ thắm đượm hương sắc của đời. Tôi từng nghe tiếng nói, những bình phẩm về thơ, về cuộc đời Huy Cận; có những điểm mà chúng ta chưa được đề cập đến, hoặc có đề cập nhưng nó chưa thỏa mãn được sự lớn lao khác biệt của Huy Cận, để ông trở thành nhà thơ lớn, tầm quốc tế, ít nhà thơ có được.

Người ta có thể đã tôn Huy Cân lên tận trời xanh, so sánh Huy Cận với Lý Bạch, với Đỗ Phủ... trong chén rượu sầu, với Thôi Hiệu trong Hoàng hạc lâu. Những hình ảnh của “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” hay: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đã ẩn náu đâu đó trong Đường thi ngàn năm trước. Nhưng tôi không nghĩ như thế; đấy là hình ảnh trời mây sau núi Mồng Gà trước cơn mưa, là sóng cả của sông Ngàn Sâu khi mùa lũ đến... để bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”.

Trước hết, nói về cuộc đời hoạt động, có nhiều bình giảng rằng: Huy Cận nguyên là nhà hoạt động cách mạng. Không, tôi không nghĩ thế, tôi đủ cơ sở để nhận thức rằng: Huy Cận đến với cách mạng từ một trí thức yêu nước trong phong trào dân chủ. Sáu mươi năm cuộc đời hoạt động xã hội, hoạt động văng hóa - hơn sáu mươi năm ấy, là cuộc đời của thi nhân tài ba, từ Tràng giang đi vào biển cả. Tôi muốn nói thêm rằng: Trong chữ Hán, hai từ Huy Cận 暉瑾 mà nhà nho Cù  Trương đặt tên cho con mình đã thể hiện một ước mơ của ông với một người con, một nhà nho thành đạt với ý nghĩa 暉瑾 - viên ngọc sáng trên bầu trời tự do; để rồi có các em của ông là Huy Chúc , Huy Dục 暉煜, Huy Thước 暉爍, Huy Chử 暉煑 với những ngọn lử đứng bên cạnh viên ngọc sáng, soi sáng cho một dòng tộc Cù Huy 衢暉 mà trước đó là Cù Thạch 衢石. Tại quê tôi, khi Huy Cận đỗ tú tài rồi đỗ cử nhân thì người quê tôi đã gọi ông Cù Trương và bà Bùi thị Chi là ông cụ, bà cụ..., Huy Cận về quê là Lý trưởng, Chánh tổng phải ra đầu xã đón chào.

Hai là, Huy Cận là nhà thơ mang tư tưởng dân chủ tiến bộ. Từ tư tư tưởng dân chủ tiến bộ ấy, ngay từ khi bước và đời hoạt động xã hội, ông có cuộc sống gần gủi với đời thường, cham hòa trong tình cảm. Mặc dầu, ông xuất thân từ một gia đình Nho học bậc trung của họ Cù, Ân Phú và quan lại của họ Bùi, Tùng Ảnh thời Pháp thuộc, Huy Cận đi trong phong trào Dân chủ 1936 - 1939, sau đó đến với mặt trận Việt Minh, đến với Cách mạng của Đảng; đến với cách mạng, Huy Cận đã từ bỏ nho học, từ bỏ chữ nghĩa rập khuôn của nền giáo dục phong kiến để đến với phong trào thơ mới, làm nồng cốt cho phong trào thơ mới phát triển rực rỡ như ngày nay.

Ba là, Huy Cận là nhà yêu nước bắt nguồn từ yêu tiếng Việt, yêu tiếng mẹ đẻ khi từ trong nôi yêu thương của người mẹ hiền, của quê hương miền sơn cước thân thương. Cuộc đời của Huy Cận gắn bó với thi ca, và thi ca là môi trường chắp cánh cho ông vươn tới tầm xa của ngôn.

Bốn là: Nỗi sầu của Huy Cận đã biến thành hành động cách mạng trong yêu thương giống nòi, vươn lên từ việc thay đổi cuộc sống trong phong trào dân chủ, yêu nước, biến nỗi sầu đó thành tình cảm yêu thương, góp sức cho nền văn hóa Việt Nam thay cũ đổi mới, đến với văn hóa văn minh Pháp, và đến với văn hóa văn minh nhân loại.

100 năm sầu đến với Huy Cận, sầu đi ra khỏi Huy Cận; Huy Cận trở thành thành một nhà thơ lớn bởi ông thổi hồn sông, núi, cỏ, cây thành chữ nghĩa của ngôn ngữ bác học. Người ta bảo Huy Cận đến, Huy Cận đi với những nỗi sầu vạn cổ. Nỗi sầu thiên cổ trong thi sĩ Huy Cận khác với nỗi sầu của Đỗ Phủ “雙照淚痕乾-Song chiếu lệ ngân can”, hay vạn cổ sầu của Lý Bạch “春風餘幾日?兩鬢各成絲Xuân phong dư kỷ nhật. Lưỡng mấn các thành ti”. Thật vậy chăng?

Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm,

Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng?

Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng

Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không cớ...

Không phải thế! Khi “đầu thai” vào kiếp thơ, Huy Cận đã nặng niềm với cuộc đời, về con người đáng được yêu thương trong vũ trụ và ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra thi sĩ tài ba của thời đại.

“Người ta bảo bà mẹ chàng hay khóc

Chia gia tài cho con quý: lệ đau.

Chàng là con một người mẹ hay sầu

Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ...”

Sáu mươi năm Huy cận đã xây nên một gia tài thơ mới trong vũ trụ thi đàn, thơ Huy Cận thường phảng phất nỗi sầu... vì yêu đời, yêu thơ:

Em ơi, dẫu sống trăm năm

Đến khi chết xuống anh nằm không yên

Bỡi đời đẹp quá đi, em!

Yêu rồi, yêu mãi, yêu thêm chẳng thừa.

Thơ Huy Cận - thơ của cuộc đời, thơ về con người. Cổ, kim, đông, tây các dòng thơ lớn đều như thế, đều mang trong lòng chủ nghĩa nhân bản sâu sắc. Vì vậy, Huy Cận là viện sĩ viện Hàn lâm thế giới về thơ.

Tôi muốn nhắc lại rằng: Nỗi sầu của Huy Cận đã hoá quyện trong thơ đến với tình yêu quê hương và tổ quốc. Con người Huy Cận ra đi nhưng nỗi sầu thiên cổ vẫn ở lại trong tình yêu thiên nhiên, yêu con người bằng hoạt động xã hội đặc sắc với mơ ước xây dựng nền dân chủ và đầy ý nghĩa. Ông đã thay đổi cuộc đời của mình từ khi làm cách mạng theo bước chân Hồ Chí Minh vĩ đại. Huy Cận đến với cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của Huy Cận đã đúc thành tác phẩm văn học, đã truyền đi khắp năm châu bốn biển, cho cả một thời đại. Huy Cận đã khám phá biết bao cái đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam, thơ ông luôn đậm vị đời và tầm cao tư tưởng, cổ vũ con người hướng tới chân - thiện - mỹ.

N.T.P

. . . . .
Loading the player...