22-06-2024 - 05:38

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh sinh năm 1926, quê làng Tường Xá, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tĩnh (1969 đến 1976), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh (1976 đến 1987). Ông là Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chi hội trưởng chi hội văn nghệ dân gian Hà Tĩnh. Ông được xem là nhà địa phương học hàng đầu của xứ Nghệ. Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 tháng 6/2024 trân trọng giới thiệu chân dung và bài viết “La Giang – Tùng Lĩnh” của Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh sinh năm 1926, quê làng Tường Xá, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tĩnh (1969 đến 1976), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh (1976 đến 1987). Ông là Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chi hội trưởng chi hội văn nghệ dân gian Hà Tĩnh. Ông được xem là nhà địa phương học hàng đầu của xứ Nghệ.

Từ năm 1970, ông liên tục có công trình, tác phẩm Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, địa chí, lịch sử, dịch thuật, văn học… Bắt đầu từ tập Truyện dân gian: “Cá gáy hóa rồng” in năm 1972, đến Thơ - Văn Thanh Minh (Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu) in năm 2014, ông đã cho ra mắt bạn đọc 82 tác phẩm in riêng, chủ biên, in chung. Ông có phong cách nghiên cứu sâu sát, thận trọng; các quan điểm và nhận xét của ông được rút ra từ các căn cứ lý luận và thực tiễn có giá trị khoa học, giá trị nhân văn. Các thế hệ làm văn hóa, văn nghệ hậu sinh và bạn đọc coi ông là pho từ điển sống về văn hóa xứ Nghệ. Nhiều danh xưng đã được đặt cho ông: Người đi bộ vào trí giới, Học giả, Đạo sĩ già, Trầm Hương mạch gỗ, Người đi bộ ba phần tư thế kỷ, Người tự biết mình… Đấy là sự kính trọng và hơn hết là sự ghi nhận quá trình lao động miệt mài cùng những cống hiến to lớn của ông cho văn hóa, văn nghệ xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí: Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh); Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (tỉnh Nghệ An); Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

 

THÁI KIM ĐỈNH

 

La Giang - Tùng Lĩnh

 

                                  Đức Thọ gạo trắng nước trong ...

“Nước trong” là nói về sông La - con sông được lấy tên để gọi vùng đất nó chảy qua: Cổ La - Đàm La - Chi La - La Giang - La Sơn..., con sông mà lời các bài hát thời chống Mỹ nhắc đến cũng trở nên dịu dàng: “Nước mô trong bằng dòng nước sông La”, “Nước sông La thầm lặng mà trong”... Hai trăm năm trước, sách Yên Hội thôn chí đã bình phẩm: “Nước sông La tuy không sâu nhưng cũng không nông, chảy không nhanh nhưng cũng không quá chậm. Vị nước ngọt mà thơm, tính bình mà nhuận, có cảnh trí tắm nước hứng gió, có phong độ của bọn bút nghiên. Đây là nơi núi sông giao hội, âm dương hòa hợp, xứng đáng là con sông đẹp nhất của Nghệ An”.

Sông bắt đầu từ Tam Soa, nơi hợp lưu của hai nguồn Thâm, Phố, tạo thành một “ngã ba sông nước bốn bề” (Thơ Huy Cận) rồi rẽ nước vấn lấy bãi đảo Ngưu Chử, lượn một vòng cung về Đông Nam, luồn qua cầu sắt Thọ Tường, lại lượn vòng cung lên hướng Bắc, rồi lẹ làng sà vào sông Cả - Lam Giang ở ngã ba Phủ, trước Lam Thành. Sông La chỉ có 15km dài nhưng hai chi thượng nguồn Ngàn Sâu (121km), Ngàn Phố (69km) hàng năm đổ qua đây trên sáu nghìn triệu mét khối nước với một trăm vạn tấn phù sa, tạo nên màu xanh bát ngát đôi bờ.

Hoàng hôn trên bến Tam Soa - Ảnh: PV

Dọc triền sông, xưa kia là những làng xóm yên ả với đồng lúa, đồng mía, bãi ngô, bãi dâu..., với những nghề thủ công nổi tiếng: lụa Hạ, vải Hồ, nón Thượng, nón Hạ, dầu vừng, dầu lạc chợ Hôm, miến, bột chợ Cầu, đường phên chợ Trổ..., và rộn rã làng rèn Yên Hồ, làng mộc Thái Yên, làng đóng thuyền Trường Xuân... Lại còn đêm hát tuồng ngày hội, tiếng trống sắc bùa dịp tết, cuộc rước sắc đầu xuân, và câu ví giao duyên trên sông, trước bến... Cái yên ả, cái rộn rã ấy làm nên câu hát chào mời “Ai về Đức Thọ thì về...”.

Bây giờ vẫn là những xóm làng ấy, những đồng bãi ấy, nhưng màu xanh được nhân lên tỏa ra với ruộng lúa cây vườn, ban ngày nắng rực lên với gương nước dòng kênh, ban đêm điện sáng trưng trong những căn nhà tường xây mái ngói, không gian bị khuấy động hơn với tiếng máy, tiếng còi tàu, còi xe... Giữa trục ngã tư đường sắt xuyên Việt và quốc lộ 8A, thị trấn huyện lỵ mới đang mở rộng, vươn cao trên vùng phủ trị xưa.

Trong khoảng không gian nhỏ hẹp đôi bờ sông, hàng nghìn năm lịch sử đã đi qua và để lại dấu ấn đậm đặc là những di chỉ, di tích trên mặt đất, và những ký ức sâu sắc trong lòng người.

Nếu sông La là thắng cảnh bậc nhất ở La Sơn, thì Tam Soa là điểm hội tụ vẻ đẹp vùng đất La - Việt.

Tam Soa, nghĩa đen là ngã ba (sông) từ lâu đã được dùng như một tên riêng. Phía dưới ngã ba có bãi Soi, tên chữ là bãi Ngưu Chử (bãi (thả) trâu), chia sông làm hai nhánh. Đầu bãi, xưa có sở Tuần ty kiểm soát thuyền bè qua lại, nên ngã ba này còn gọi là ngã ba Tuần. Phía trên, núi Mồng Gà, đỉnh chót của dãy Đại Hàm (Hương Sơn) như bức bình phong sừng sững mặt Tây. Ở bờ Bắc, dãy Thiên Nhẫn chạy đến làng Vĩnh Khánh thì hạ thấp xuống thành một dải núi dài trông giống như con tằm, nên dân gian gọi là rú Tằm - Tàm Phong. Trên núi có ngôi chùa cổ dựng đời Lê - chùa Tằm hay chùa Cao (nay không còn). Dưới núi có con khe Cùm(1) nước trong và ngọt có tiếng. Phía ngoài rú Tằm, có ngọn rú Đất - Việt Sơn. Trên núi có ngôi chùa Phượng Tường với ngọn tháp cao, và ngôi đền Thợ Dác, tương truyền thờ một ông thợ dác có công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh...

Đối diện rú Đất - Việt Sơn, ở bờ Nam, đầu làng Tùng Ảnh, là rú Thông - Tùng Lĩnh. Hai ngọn núi như hai cột hoa biểu thiên tạo đứng ở cửa ngõ Tây Bắc La Sơn.

Trên rú Thông có ngôi đền thờ vị tướng nghĩa quân Lam Sơn Đinh Lễ, tương truyền dựng trên nền doanh trại cũ của ông. Quanh đền, phủ lên mái núi là rừng cổ thụ bốn mùa xanh tốt, soi bóng xuống sông xanh.

Thanh u một dải núi sông liền

Sóng biếc, lèn xanh điểm chuyết thêm...

... Đinh hầu cây miếu mây vờn lá,

Đỗ Xá ghềnh thơi sóng đẩy thuyền...

(Tùng Lĩnh Sơn - Thơ Bùi Dương Lịch, Thanh Minh dịch)

Chính ở ghềnh Đỗ Xá này, vào cuối tháng tư năm Ất Tỵ (1425), đội quân chiến bại của tướng quân Trần Trí nhà Minh lại lọt vào trận địa phục kích của nghĩa quân Đinh Lễ, và bị đánh tan tành. Ngày nay, nấm mồ chung của bọn xâm lược được gọi là “Cồn Tổng binh” còn nằm trên cánh đồng Xa Lang, xã Sơn Tân(2).

Về sau, tướng Đinh Lễ được phong thần hiệu Linh Cảm Đại vương, thì ngôi đền, ngọn núi đều được gọi là Linh Cảm.

Dưới núi, mé nước Tam Soa có tảng đá lớn, bằng phẳng, văn nhân tài tử thường tới ngồi ngắm cảnh, ngâm thơ, nên được gọi là “Thạch bàn”, là “Thi đàn”. Thơ “Ốc lậu thoại”, Võ Hồng Huy dịch:

Sông đến rừng thông nổi thạch bàn

Giang sơn muôn thuở dựng thi đàn...

Phía Đông núi có ngôi chùa cổ Huyền Lâm, thường gọi là chùa Đá - Thạch Động, do chân nhân họ Võ lập nên dưới thời Trịnh Khải (1782-1786) (?) đời Lê Hiển Tôn. Chùa không còn, nhưng còn lại ngọn tháp xây gạch nung, một công trình kiến trúc mỹ thuật có giá trị...

Sau khi phong trào Cần vương bị dập tắt, Pháp bắt dỡ ngôi đền Linh Cảm chuyển sang núi Vọng Sơn, và xây đồn binh lên nền đền cũ. Linh Cảm trở thành một trung tâm thống trị, đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân. Quanh đồn có nhà Dây thép (bưu điện), trại giam, có chợ, hàng quán, có đồn Kiểm lâm, nhà “Đoan”... Một nhà nho làm bài thơ vịnh Đồn Linh Cảm, có đoạn:

... Của ai đó lấy, cơm tiền phát?

Công sẵn đâu mà ngói gạch xây?

Khố đỏ ti toe phô giọng Bắc,

Răng vàng xấp xới thổi kèn Tây...

Lại nữa, trên đỉnh núi, Nguyễn Thân cũng sai dựng bia ca ngợi công lao “dẹp loạn Cần vương” của y. Nhưng chưa bao lâu, trong một đêm bia đá đã bị trời đánh vỡ tan! Hỏi trời sao đánh bia tan? Trời rằng: Ta vị giang san sạch chùi! (Trích bài ca của nhà báo Minh Phượng, 1936). Mấy chục năm sau, đồn Linh Cảm cũng bị dân nhổ nốt.

Những vết bẩn kia trời và người đã xóa sạch rồi. Bây giờ, đứng trên ngọn Tùng Lĩnh, phóng tầm mắt ra bốn hướng, du khách sẽ thấy bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Và ken dày giữa núi non, đồng bãi là vô số những dấu tích lịch sử nghìn năm... Mạn Bắc, dãy Thiên Nhẫn như “đàn ngựa đang phi” với thành Lục Niên của vua Lê, với trại Lạp Phong của La Sơn phu tử... Mạn Nam, là dãy Chữ Nhất với rú Son, rú Mực có khu lăng mộ vị “Sơn trung tể tướng” Phan Đình Phùng; xa hơn là rú Am với chùa Diên Quang, nhắc lại sự tích bà Hoàng Bạch Ngọc, và ngọn rú Dầu “xưởng chế tác đá” của người tiền sử. Phía Tây là điệp điệp trùng trùng đại ngàn Dăng Màn, với căn cứ Tiên Hoa của nghĩa quân Lam Sơn, với chiến khu Đại Hàm, Vụ Quang của cuộc kháng chiến Cần Vương... Và phía Đông, dọc giữa triền đê La Giang và quốc lộ 8A là những ngôi làng tiếng tăm lừng lẫy: Yên Hồ, Trung Lễ, Đông Thái, Tùng Ảnh..., rồi Mai Hồ cùng với Tùng Lĩnh làm nên “Tùng Mai khí tiết” của đất La Sơn...

La Giang - Tùng Lĩnh tự nghìn xưa đến mai sau luôn vẫn là thắng cảnh, là biểu tượng đẹp của đất La Sơn.

T.K.Đ

________________

(1) Còn gọi là khe Cửa Nam - trước Cách mạng Tháng Tám, lính Pháp ở đồn Linh Cảm sang độc chiếm con khe, cấm nhân dân lấy nước, nên dân địa phương còn gọi là “khe Tây lấy nước”.

(2) Năm Tân Dậu (1801) ở Tam Soa còn xẩy ra trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Vạn Tượng do Pha - Nhã - Khu - Bộ Chỉ huy xuống giúp chúa Nguyễn Ánh.

 

. . . . .
Loading the player...