Tôi quen nhà thơ Nguyễn Văn Thanh, hội viên hội nhà văn Việt Nam qua mạng xã hội dù khoảng cách từ nhà tôi đến nhà chú rất gần. Lúc đó tôi đang ở cử, nổi hứng tham gia vào nhóm hội thơ Đường trong huyện, tập tành viết lách vài câu đăng lên cho rôm rả. Không ngờ chú vô tình đọc được và liên hệ với tôi. Chú bảo: cháu là người có tố chất văn chương, nếu đầu tư, học hỏi sẽ có tiềm năng thành công trong lĩnh vực này. Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng tin điều ấy vì dù rằng xưa nay không nhòm ngó đến thì trong các văn bản, câu chữ của tôi luôn trôi chảy và cảm xúc. Thế rồi chú gửi cho tôi cuốn sách mang tên "Biên độ cảm xúc và liên tưởng" do chú viết được nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành năm 2020. Trong đó bao gồm một nửa là các bài giới thiệu về các tác giả nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, một nửa là các bài bình về một số tác phẩm thơ thiếu nhi. Tôi đọc liền một mạch và cảm thấy tâm hồn lâng lâng phiêu theo từng con chữ, kí ức tuổi thơ ngày nào trỗi dậy. Tôi vội vã lấy bút giấy ghi chép lại kỉ niệm bằng những vần thơ non nớt, vụng về rồi gửi cho chú đọc. Chú tận tình sửa cho tôi từng chữ, từng câu, dạy cho tôi những điều nên và không nên trong viết lách, điều cấm kị nhất của thơ ca, viết cho trẻ em thì nên viết như thế nào, với những đề tài gì... Rồi chính chú tự tay đánh máy, chỉnh sửa gửi đi cho đài Hà Tĩnh và một vài tạp chí mà chú thân quen. Thế là thơ tôi bắt đầu được phát sóng trên đài, được in tạp chí. Niềm tin về năng khiếu văn học được nhen lên trong trái tim người đàn bà chạm mốc bốn mươi những tưởng đã khô khan, chai sạn với phong ba, bão táp cuộc đời.
Gần ba tháng sau khi hết thời gian ở cử, tôi liền sang thăm chú. Đập vào mắt tôi là hình ảnh một người ông hiền hậu, nhân từ với râu tóc bạc phơ, vầng trán cao và rộng, miệng cười tươi với hàm răng trắng, giọng nói nhẹ nhàng, điềm đạm, phong thái ung dung. Chú sống một mình trong căn nhà cấp bốn cổ xưa lọt thỏm giữa khu vườn rộng, có nhiều cây xanh và hoa trái thơm lừng. Tiếng chim ríu rít, chuyền cành nom thật bình yên. Ấn tượng ấy làm cho tôi cảm thấy rưng rưng xúc động, trong cảnh có người và trong người có cảnh. Chính sự hiền từ, giản dị, thư thái trong tâm hồn của chú đã làm cho cảnh vật xung quanh trở nên bình yên, êm ả diệu kì. Và điều ấy đã kết tinh trong những trang văn, vần thơ của chú dạt dào cảm xúc, lắng đọng, nhân văn, trong trẻo, ngọt ngào mà đa phần dành cho các cháu thiếu nhi.
Đã gần ba năm trôi qua, kể từ ngày quen chú. Tôi đã thấu hiểu ngọn ngành cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ gần tám mươi năm bươn chải với đời. Trải qua bao nỗi trầm luân, bất hạnh khi người con trai duy nhất ngoan hiền rời bỏ thế gian, rồi người vợ đầu gối tay kề lâm cơn trọng bệnh suốt bốn năm ròng sống chung với thuốc men, dao kéo và xạ trị. Dù chú và những đứa con gái cùng y bác sỹ dốc lòng cứu chữa, cô vẫn phải buông tay về cõi niết bàn khi cõi lòng còn vấn vương trần thế, nặng nỗi nhớ thương người bạn chung đường. Các con của chú là phận gái nên phải theo chồng mỗi người một ngã, anh em chú bác thì ở xa, chú đành lủi thủi một mình với khói hương trầm mặc, với khu vườn đầy nỗi nhớ niềm thương trong tình làng nghĩa xóm. Chị gái đầu lòng đón bố về chăm lúc chú ốm đau nhưng rồi được ít hôm chú lại về nhà vì không nỡ rời xa chốn yêu thương, đong đầy kỉ niệm.
Nếu ai từng đọc thơ thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Văn Thanh ắt sẽ tìm thấy tuổi thơ mình nơi bờ tre, giếng nước, nơi cánh đồng lúa tốt, khoai xanh với tình yêu thương vô bến vô bờ của bà, của mẹ, với sự chở che, đùm bọc của xóm làng. Còn tôi, tôi đã say mê theo từng con chữ, bởi nó hồn nhiên trong trẻo lạ kì. Có vẻ như cát bụi cuộc đời không thể làm mờ phai miền kí ức ấu thơ ngọt ngào, đẹp đẽ, tinh khôi ấy mà trái lại càng tăng thêm sự dạt dào cảm xúc, sự thiết tha yêu mến với đời, với thiên nhiên cây cỏ và với những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu. Sáu mươi tuổi chú mới thảnh thơi bước vào văn chương bằng trái tim mang nhiều thương tổn, đến nay gần hai mươi năm có lẽ. Gia tài của chú là sáu đầu sách với hai tập thơ dành cho thiếu nhi mang tên quả từ đâu ra và mẹ cười, hai tập thơ dành cho người lớn mang tên dấu thời gian và tìm sợi rơm vàng, một tập sách nghiên cứu phê bình được ấn hành bởi nhà xuất bản hội nhà văn mang tên biên độ cảm xúc và liên tưởng và một tập truyện thiếu nhi mang tên nhạc đồng quê do nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền, có hai mươi lăm bài thơ thiếu nhi được nhà xuất bản giáo dục mua bản quyền để lưu hành trong bậc mầm non và tiểu học, nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Nguyễn Du, giải của hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, giải thưởng của hội nhà văn và nhiều loại giấy khen bằng khen của Trung ương hội, tỉnh hội. Chừng ấy có thể chưa đồ sộ so với rất nhiều thi sỹ, văn nhân trên đất nước Việt Nam mình nhưng với một người đến với văn chương khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, lại đi lên bằng bản năng và nổ lực của bản thân mà không qua môi trường đào tạo viết thì đó cũng là niềm ước mơ, ngưỡng vọng của bao người. Những lời thơ mộc mạc, hồn hậu nhưng đong đầy cảm xúc thương yêu khi viết cho thiếu nhi đã chạm tới trái tim người đọc. Như khi viết về bà: Bà lấy vội ngọn gió/ Để dành từ tay ra/ Mồ hôi cháu trốn hết/ Cười tươi trong mắt bà. Hay về mẹ: người lấm lem bùn đất/ nước mưa vương đầy mặt thế mà Nhìn con mẹ vẫn cười. Rồi khung cảnh thiên nhiên được chụp lại qua lăng kính đôi mắt trẻ thơ rất hồn nhiên, trong trẻo nhưng cũng đầy suy tư, chiêm nghiệm như cảnh hè sang được chú dẫn dắt: Chùm phượng đầu tiên nở/ Một đốm lửa góc trời/ Tiếng ve ngân từ đó/ Dẫn hè về nơi nơi, hay cảnh vật đồng quê có những câu thơ mô tả đáng yêu như: Cua đồng bò chậm rải/ Vẽ hình lên bùn non/ Cá rô thìa búng nghịch/ Nước loang từng vòng tròn hay Sân nằm xoài đợi nắng/ gió chờ thơm hương đồng... Mỗi một bài thơ là một thông điệp, một ý nghĩa nhân văn lặng lẽ gieo vào tâm hồn trẻ thật nhẹ nhàng, tinh tế mà không hề khiên cưỡng, khô khan. Trong tập truyện đồng thoại Nhạc Đồng Quê cũng vậy, chú đã hoà mình vào thế giới chim muông để thoả sức tưởng tượng và sáng tạo ra nhiều mẫu chuyện thú vị hấp dẫn y như cuộc sống của con người vậy, chú miêu tả tiếng hót và tập tính cụ thể của rất nhiều loài chim khiến người đọc bất ngờ về sự hiểu biết uyên thâm của một người bình thường đối với loài bay lượn. Còn trong tập Biên độ cảm xúc và liên tưởng chú có nhiều bài giới thiệu về cuộc đời và sáng tác về các văn nhân, thi sỹ tài năng, uyên bác của làng văn và phần bình thơ thiếu nhi với những cái nhìn thật thấu đáo, đa chiều và sâu sắc, tinh tế và phát hiện đã chắp cánh cho những vần thơ hay đến với công chúng, với độc giả nhí. Ở mảng thơ người lớn tôi không dám bàn nhiều vì tôi hiểu biết có phần khiêm tốn nhưng tôi thấy cảm xúc chủ đạo trong hai tập thơ mang tên Tìm sợi rơm vàng và Dấu thờ gian là những câu chuyện đời rất thật xảy ra trong gia đình chú, là tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái cũng như tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê dào dạt tâm hồn. Tất cả đều chạm đến cảm xúc khiến người đọc rưng rưng xúc động. Đó nhờ trái tim thánh thiện, không bon chen tranh đoạt với đời, luôn thiết tha yêu người, yêu cuộc sống.
Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh
Quen chú khá lâu, điều mà tôi kính trọng nhất đối với một nhà thơ chính là phẩm hạnh, là đức độ, là cống hiến hết lòng cho văn học thiếu nhi. Chú không chỉ này đêm trăn trở, thao thức cho sáng tác của mình mà còn hướng dẫn, động viên, bày vẽ tận tình cho thế hệ trẻ chúng tôi từng đường đi nước bước để văn học thiếu nhi của tỉnh nhà ngày một đi lên. Đành là nhà văn nhà thơ thì đa phần không bon chen, tính toán nhưng mấy ai giũ bõ được hoàn toàn lòng đố kị, nhỏ nhen ích kỉ để cầu mong kẻ đến sau tiến xa hơn bản thân trên cùng một con đường. Nhưng chú thì chưa bao giờ băn khoăn điều ấy, chú chỉ muốn chúng tôi phát triển để mai này lá vàng rụng xuống sẽ có chồi non tiếp tục ươm mầm.
Mỗi lúc có thời gian chú cháu hàn huyên, đàm đạo sách bên ấm trà thơm, Chú thường bảo tôi viết cho thiếu nhi phải có lòng thánh thiện, phải bao dung, độ lượng nhân từ, gạt bỏ hết sân si, tham vọng với đời thì mới gieo được hạt giống tốt lành lên tâm hồn con trẻ. Quả vậy, tôi đã nhìn thấy điều ấy từ tấm gương người thầy trước mặt nên luôn cố gắng trau dồi tâm đức để từng ngày hoàn thiện mình hơn. Tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi cơ duyên gặp chú, được sống những tháng năm còn lại của của cuộc đời trong ngôi nhà văn chương ăm ắp tình người.
Lê Thị Xuân