Nhân kỉ niệm 5 năm ngày mất của Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, sáng ngày 25 tháng 10, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh phối hợp với gia đình sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề” Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh với quê hương Hà Tĩnh”. Nhân dịp này, Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết mới của Nhà văn Đức Ban - Chi hội trưởng Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh gửi về tham gia buổi tọa đàm.
Một lần Nhà thơ Cù Huy Cận nói với tôi: “Việt Nam là đất thơ, Hà Tĩnh là đất thơ, miền Trung cũng đất thơ. Nơi “Giang sơn tụ khí” này sinh ra Đặng Dung, Phan Kính, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ…và nhiều nữa. Tên tuổi lừng lẫy xếp hàng dài. Thế kỷ XX thơ Hà Tĩnh xuất hiện Võ Liêm Sơn, các nhà “thơ mới” Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can. Sang kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có cả hai ba thế hệ thơ nối tiếp.”
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, theo tôi là một trong ít người đứng đầu danh sách các thế hệ thơ tiếp nối Huy Cận nói tới ấy. Anh sinh năm Bính Tuất (1934) ở phố Hữu Môn, Thị xã Hà Tĩnh( nay là Phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh). Từ Thị xã nhỏ này, 13 tuổi Phạm Ngọc Cảnh gia nhập Vệ quốc đoàn, làm liên lạc, rồi vào Đội Tuyên truyền văn nghệ Trung đoàn 103 Hà Tĩnh. Tiếp đó, ròng rã 50 năm Phạm Ngọc Cảnh ở trong quân ngũ, xông pha ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên, diễn viên của Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị…Sau chiến tranh chống Mỹ, anh về làm việc ở tổ thơ Tạp chí Văn nghệ quân dội, chuyên tâm biên tập thơ và sáng tác thơ, văn, kịch bản phim, lời bình phim, lời dẫn các lễ hội lớn của dân tộc. Một lần nào đấy Phạm Ngọc Cảnh tự nói về mình: “Tôi ham thích sân khấu. Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng được trên sàn diễn hai mươi lăm năm. Diễn viên kịch là một nghề cao quý. Có thể gắn bó trọn đời người. Nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu... tôi vẫn là tôi. Vẫn muốn có tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại trực tiếp với mọi người. Không cần hai cánh màn khép mở. Không cần cái khung kịch bản văn học, kịch bản đạo diễn. Không đợi lên đèn. Những bài thơ đầu tiên ra đời khi tôi đã là diễn viên thực thụ. Và thế là tôi phạm nhiều khuyết điểm trong những quy chế nghiêm ngặt của sân khấu. Tôi phân thân. Chỉ chực thoát ra như con chim bị nhốt chặt trong lồng. Chính những bài thơ thời chống Mỹ tôi viết để tự cứu mình. Rồi bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp. Tôi đoán chắc rằng bài thơ sau cùng của cuộc hành trình đam mê và trắc ẩn cũng chỉ vì một trong hai người đó mà thôi.”
Một người lính, một người tình cổ vũ ông vượt qua những những thăng trầm thời cuộc ngoài đời và ngay chính trong tâm hồn, trong cõi lòng để ông, trước hết là một con người sang trọng, chu đáo, nhân từ…sau là một nhà thơ có cá tính sáng tạo với vô vàn câu thơ, bài thơ tràn ngập không khí chiến trận, thấm thía nỗi buồn thế sự, sâu lắng và day dứt những ký ức tinh thần của vùng đất Núi Nài, Sông Cụt, của những ngày tháng chiến tranh, những buồn vui của thời hậu chiến, những nóng, lạnh của gia đình...
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh với Kịch tác gia Phan Lương Hảo
Tất cả, không xa lạ với tôi và tôi tin cả với anh em Văn nghệ Hà Tĩnh. Bởi rằng, từ lâu anh đã là bạn bè của Văn nghệ Hà Tĩnh. Những cây bút thuộc thế hệ Pháp đầu chống Mỹ nhận anh là bạn, những cây bút cuối chống Mỹ và thời hậu chiến tôn anh làm thầy, thầy trong đối nhân xử thế, trong thi ca. Những năm đầu 90 thế kỷ trước, sau ngày chia tách Nghệ Tĩnh ra hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh vỏn vẹn chưa đầy chục người gồng gánh từ Vinh về Thị xã Hà Tĩnh, một Thị xã bấy giờ thật nhỏ bé, thật tĩnh lặng và man mác buồn. Anh em chúng tôi ở trong một dãy nhà cấp 4 xập xệ nguyên là trú sở của Công ty Vật tư Nông nghiệp, đâu đấy còn bám đậu hạt thóc lép và thoang thoảng trong không gian mùi phân lân, phân đạm hăng nồng. Đêm đêm, trong những căn phòng ẩm ướt, chúng tôi gập lưng trên bàn gỗ mộc viết văn, làm thơ để rồi sáng mai dụi mắt nhìn nhau môi mấp máy những nụ cười mệt mỏi. “Ngoảnh trước nhìn sau chỉ mấy người” mà không ra khỏi cảm giác trống trải, lẻ loi. Tôi, anh Xuân Hoài và Phan Trung Hiếu về sau thêm Nguyễn Văn Hùng, Phạm Việt Thư, Võ Minh Châu làm tờ Tạp chí Hồng Lĩnh, hai tháng một số, nhờ hoạ sỹ Từ Thành và Nhà văn hoá Hữu Nhuận in ấn tận ngoài Hà Nội để sớm làm nhịp cầu nối với mọi vùng miền, với bè bạn xa, gần. Vô vàn gian khổ. Ngẫm lại thấy thấm thía một điều là cái nghèo, cái khó, cái tình thương yêu nhau đã nuôi nấng ngọn lửa đam mê văn chương, khát vọng về cái đẹp trong lòng mình. Nhờ thế, một thời Văn nghệ Hà Tĩnh luôn thao thức trong lòng bao người trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Nhà văn hoá Hoàng Xuân Hãn, Linh mục Nguyễn Đình Thi ở Pháp đến Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Trinh ở Hà Nội, Sài Gòn…. Ta thương người, người thương ta. Những câu hỏi thăm, những lời nhắn nhủ, những bài thơ, bài văn, bài nghiên cứu…về với văn nghệ Hà Tĩnh hàng ngày.
Gần 70 nhà văn quê Hà Tĩnh phiêu bạt xứ người, thời buổi “gạo châu, củi quế” đâu dễ đến được với nhau, năm thì mười hoạ mới gặp mặt, mới đọc văn chương của nhau, nghe thấm thía cái tình, cái nghĩa qua thư từ mà con dấu Bưu điện in nơi góc tem đã bạc trắng vì mưa gió dọc đường đi. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Huy Cận, hoạ sỹ Từ Thành, nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Nhuận đã đến với Văn nghệ Hà Tĩnh từ những ngày đầu gian khó, mảnh mai ấy. Anh Cảnh vui vẻ nhận lời tham gia làm thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh và chính anh ngoài việc tham gia bài vở, đóng góp ý kiến đã kêu gọi được rất nhiều cây bút xa quê gửi bài vở về cho Tạp chí những năm đầu sau tách tỉnh.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh ( ngoài cùng bên phải) trong cuộc họp Hội đồng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh những năm đầu sau khi tách tỉnh
Anh Cảnh về Văn nghệ Hà Tĩnh là về quê, về quê là về với Văn nghệ Hà Tĩnh. Anh về nơi “ Tổ tôn bầm cháy lưng trần/ Lum khum dáng cuốc mờ chân núi Nài”, về nơi “Mẹ dìu con đi men qua cầu sông Cụt/ rồi một đời hun hút trông theo”. Một lần Anh nói với tôi và Nhà thơ Xuân Hoài, đại ý: Mới chia tách tỉnh bao nỗi khó khăn. Hãy cùng anh em tạo cho được nét đặc trưng của văn chương xứ mình, cái bản sắc riêng kia chính là gương mặt mới của Văn nghệ Hà Tĩnh, một gương mặt xinh đẹp, dễ yêu thương, nó sẽ hút thiên hạ về với ta. Và chúng tôi đã được đón thật nhiều văn nghệ sỹ ở nhiều miền của đất nước và cả ở nước ngoài về với văn nghệ Hà Tĩnh. Riêng anh Phạm Ngọc Cảnh thì gần như tháng nào cũng về với chúng tôi. Anh về và ở lại. Ở lại với cái thị xã mà mỗi ngọn cỏ, mỗi hòn đá thấm đẫm ký ức tuổi thơ anh, ở lại với anh chị em làm văn chương đầy đam mê và khao khát. Mỗi lần anh về là mỗi lần bè bạn văn nghệ đủ lứa tuổi, từ những người tóc bạc thế hệ chống Pháp Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu sang thế hệ chống Mỹ Hà Quảng, Duy Thảo, Xuân Hoài, Lê Nghi… đến anh em sau chống Mỹ, anh chị em mới cầm bút quây quần và đầm ấm trong căn phòng 15 mét vuông, ngoảnh mặt ra cây ngô đồng tán lá xanh thăm thẳm . Chúng tôi ngồi chen vai nhau trên bốn dãy ghế học sinh, mỗi cái dài hai mét (thịnh hành thời mới chia tỉnh) cạnh hai cái bàn gỗ mộc mặt gỗ nhăm nhít vết nứt kê liền nhau. Trên bàn là những bông hoa hồng cắm trong cốc thuỷ tinh, kẹo cu đơ, ổi xanh, lạc rang, rượu trắng. Chúng tôi nói về thi ca về âm nhạc. Phạm Ngọc Cảnh ngồi đầu bàn phía trong nhìn ra, đôi mắt trong sáng, cười hồn hậu và đọc thơ… Anh đọc “ Sư đoàn”, “Lục bát trước nhà thờ họ Phạm”, Khúc rong chơi”…với thứ giọng trầm ấm có chút điệu đà. Nhớ lại, Nhà thơ Hữu Thỉnh từng ghi ký ức về anh thế này: “…anh đến cơ quan. Anh diện bộ nhà binh nghiêm ngắn, nhưng mái tóc thì rất dân sự. Mái tóc hình đôi cánh nhạn, áp rất diệu nghệ vào hai bên mái đầu làm nổi bật vấng trán cương nghị và khoáng đạt của anh.(…) Anh là một người sang. Phong thái? Ứng xử? Tình đời? Tất cả. Sang mà dễ gần.”.
Cuối buổi, anh xoè bàn tay mời mọi người đọc thơ. Một lần, bàn tay ấy mở ra trước Hải Hà. Hải Hà vừa từ bến xe miệt rừng Hương Khê về đang vuốt tà áo xộc xệch mấp máy môi bối rối thì Phạm Ngọc Cảnh đã cất giọng Ba so: “Chênh vênh núi/ chênh vênh đá/ Chín chín đỉnh núi Hồng/ Một đỉnh chùa Hương…”Anh đọc thuộc cả bài thơ Lên Chùa của Hải Hà trước sự ngạc nhiên của mọi người. Rồi anh đọc tên những bài thơ viết về Hồ dâu của Ngọc Vượng, những câu thơ về bố mẹ đi cày, đi bừa của Phạm Việt Thư. Hơn 15 năm từ năm 1991 đến 2005, nhiều cây bút trẻ Hà Tĩnh được ông rèn cặp, truyền cho cảm hứng và niềm đam mê văn chương. Thơ thì Hải Hà, Phạm Việt Thư, Lê Duy Văn, Nguyễn Xuân Hải, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Ngọc Vượng…Văn thì Phan Trung Hiếu, Võ Minh Châu, Trần Đắc Túc, Như Bình, Nguyễn Thì Phước… Tiếp xúc với anh dễ nhận ra là anh không giấu các cây bút trẻ những suy nghĩ của mình về thời thế, thời cuộc, về nhân tình thế thái, về những những ngóc ngách trong nghề làm văn chương và cả về khát vọng sáng tạo, về những bí ẩn của ngôn từ. Nếu hỏi những anh chị em thuở sau chống Mỹ, đầu thời đổi mới rằng, ai đã giúp đỡ anh (chị) những bước đi ban đầu vào con đường sáng tạo văn chương không ngưng nghỉ, không có chỗ tận cùng này, tất sẽ nhận được câu trả lời: Phạm Ngọc Cảnh. Phạm Ngọc Cảnh thành tên gọi thân thương, gần gũi, thành nỗi nhớ của Văn nghệ Hà Tĩnh.
Năm 2006, anh bị tai biến, tiếp đó ròng rã 40 tháng trời anh trải 3 lần phẩu thuật. Sau lần phẩu thuật dạ dày, gượng dậy được, anh đòi chị Hương đưa về quê. Chuyến về quê lần ấy, anh ở tại nhà cô em ruột Phạm Thị Hợi. Tôi và Bùi Quang Thanh đến thăm anh. Xe lỡ tay ga lướt qua cổng nhà cô Hợi thì lập tức từ trong nhà, anh Cảnh liêu xiêu chạy ra, giơ tay vẫy, miệng mấp máy gọi. Anh sớm nhìn thấy chúng tôi hay một linh cảm huyền bí nào đó chỉ nhà thơ trải biết nhiều mới có?. Chúng tôi đứng ôm nhau giữa cái sân đất hẹp, lá vàng rụng xao xác. Anh kéo chị Hương về phía chúng tôi rồi nói, tiếng nói nhỏ hơi run run. Anh nói, bạn bè văn nghệ Hà Tĩnh đây. Nói xong thì nhìn tôi và Bùi Quang Thanh, cái nhìn không giấu được nỗi buồn tiếc nuối. Cái nhìn ấy ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Đấy là lần cuối cùng tôi được ngồi bên anh, được nắm ngón tay gầy từng cầm bút viết hàng ngàn câu thơ tài hoa thấm đẫm tình yêu thương cuộc đời, yêu thương con người và phẫn nộ trước sự suy đồi, sự giả dối và sự vô cảm của con người trong thời đại anh đang sống. Mấy tháng sau anh vão cõi thiên thu.
Tôi luôn nghĩ, ngày 19 -2 -2005, Nhà thơ Huy Cận ra đi thì 10 năm sau, vào ngày 21 tháng 10 năm 2014 Phạm Ngọc Cảnh lại ra đi. Hai Nhà thơ lớn, hai người bạn gắn bó thân thiết với Văn nghệ Hà Tĩnh đã ở rất xa, nơi nào đấy trong vũ trụ vô bờ bến này. Tôi bỗng nhớ khổ thơ kết trong bài thơ “Với đất nghèo trong quê” của Phạm Ngọc Cảnh: “Xin được khi tan thành cát bụi / Gió đã xua đi, gió thổi bay về / Rơi chuếnh choáng cơn mưa này chuộc lỗi / Để được cùng với đất trong quê” và đinh ninh anh đang “Rong chơi chín khúc…” bên sông Cụt, Rú Nài ./.
ĐB