Tác giả của Nỗi buồn chiến tranh đã được Ban tổ chức lễ hội văn hóa châu Á lựa chọn để trở thành người chiến thắng giải thưởng văn học châu Á (Asian Literature Award), tại Gwangju, Hàn Quốc.
Nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng văn học châu Á
Ban giám khảo đánh giá: "Bảo Ninh đã nêu bật câu hỏi một cách sâu sắc về ý nghĩa và vết thương của chiến tranh thông qua các tác phẩm của nhà văn nói chung và của kiệt tác Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) nói riêng. Nỗi buồn không ngừng xoáy sâu và tái tạo thực tại. Nỗi buồn là nhân vật chính để nhà văn tiếp cận cuộc chiến từ chiều hướng mới, góc độ mới. Đó là góc độ cá nhân, thân phận con người...”
Đại diện Ban giám khảo, ông Baonin nói: "Thông qua sự kiện này, chúng tôi hiểu thêm về sự kiện ngày 18 tháng 5. Chúng tôi biết rằng con đường dẫn đến hòa bình ở Hàn Quốc là những đau khổ, hi sinh và mất mát mà nhiều thế hệ phải chịu đựng trong một thời gian dài."
Các tác giả tham gia Lễ hội văn hóa châu Á bày tỏ quan điểm chung, rằng những kỉ niệm và vết thương của Gwangju không nên tồn tại trong quá khứ Hàn Quốc mà nên mở ra cho tương lai; lễ hội văn hoá ngày hôm nay là điểm khởi đầu cho đoàn kết vì hòa bình ở châu Á và như một nền tảng văn học vì hòa bình.
Nói về giải thưởng, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ: "Giải thưởng văn học châu Á lần thứ hai là một vinh dự lớn đối với tôi, khiến trái tim tôi rung ngân mạnh mẽ, không chỉ trong từ trường văn học mà còn trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tự do."
Bìa cuốn sách The Sorrow of War được dịch từ Nỗi buồn chiến tranh
Nhà văn Bảo Ninh là tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam. Ông gia nhập quân đội ở tuổi 17 vào năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975.
Nỗi buồn chiến tranh xây dựng hình ảnh cuộc chiến ở góc độ chấn thương và dư chấn khủng khiếp đối với những ai can dự vào nó. Tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được dịch và xuất bản tại 18 quốc gia trên thế giới. Nỗi buồn chiến tranh được xem là tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá, rằng nhà văn Bảo Ninh hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng văn học châu Á này. Khi văn học dịch ngày càng phát triển, các tác phẩm của Việt Nam có cơ hội đến gần với độc giả quốc tế thì tiếng nói văn chương Việt Nam ngày càng được lan toả, được lắng nghe và ghi nhận ở bên ngoài lãnh thổ. Giải thưởng văn học mà một số nước trao cho các tác giả Việt Nam như nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Bảo Ninh... thời gian gần đây là minh chứng cho điều đó.
Lễ hội văn hóa châu Á 2018 có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu các nước, đại diện cho nền văn chương châu Á như: Dandin Suren Weiankai (Mông Cổ), Yan Lynkar (Trung Quốc), Palestine - Zakaria Muhammad, Sakami Dami (Nhật Bản), Myanmar - Kwasani, Bangladesh - Shaheen Akhtar, Palestine - Adanias Shivri, Shaman (Ba Lan), Jose Dali Sai (Philippines), Bảo Ninh (Việt Nam) và các nghệ sĩ Hàn Quốc.
Tại lễ hội, các đại biểu tham gia vào các sự kiện như: đối thoại, diễn đàn, thuyết trình chủ đề và lễ hội văn hóa để cùng khám phá những con đường tiến tới hòa bình và đoàn kết ở châu Á thông qua văn chương.
Lễ trao giải văn học châu Á lần thứ hai diễn ra vào tối ngày 9/11/2018 tại Khu phức hợp văn hóa châu Á Quốc gia Gwangju.
HIÊN NGỌC theo trang tin Gwangjuin