Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Nhạc sĩ Lê Hàm với văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh” của nhà văn Phan Trung Hiếu
Nhạc sĩ Lê Hàm sinh ngày 01 tháng 8 năm 1934 trong một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Bắt đầu với niềm say mê thổi sáo, ông đến với âm nhạc từ rất sớm. Khi còn là thiếu sinh quân, ông đã trở thành nhạc công của Sư đoàn 320. Năm 18 tuổi, nhạc sĩ Lê Hàm đã bắt đầu có những sáng tác đầu tay của mình. Từ năm 1955-1961, ông vào học Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi ra trường, ông được điều vào giới tuyến Vĩnh Linh làm công tác văn hóa văn nghệ, phục vụ cho bộ đội ở bờ Bắc sông Bến Hải. Năm 1964, Lê Hàm về nhận nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh cho đến năm 1970 thì được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Ca múa Hà Tĩnh. Thời kì chưa nhập tỉnh, trong chiến tranh chống Mĩ, hưởng ứng phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, Trưởng đoàn ca múa Lê Hàm dẫn anh chị em đi biểu diễn tại các trận địa pháo, những chiến trường nóng bỏng, nơi bom thù gây tội ác. Có thể xem nhạc sĩ Lê Hàm là cây đại thụ trong làng âm nhạc của Xứ Nghệ. Ông không chỉ nổi tiếng với những ca khúc đã đi cùng năm tháng và những công trình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian có giá trị, mà còn là một nhà quản lí trong ngành văn hóa. Còn nhớ thời chưa nhập tỉnh, ông chơi thân cùng với bố tôi là nhà viết kịch Phan Lương Hảo. Cả hai làm ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh, cùng là những người tham gia BCH Hội văn nghệ Hà Tĩnh khóa đầu tiên vào năm 1969. Sau khi nhập tỉnh, ông là Phó Tổng thư kí Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ Tĩnh; Giám đốc Nhà Văn hoá Lao động; Phó Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An; Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An; Chi Hội trưởng chi hội Nhạc sĩ Thanh-Nghệ-Tĩnh rồi nghỉ hưu vào năm 1997. Năm 2022, Nhạc sĩ Lê Hàm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho chùm 03 tác phẩm: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta.
Nhạc sĩ Lê Hàm - người thứ 5 bên trái sang của hàng sau và các cán bộ,
văn nghệ sĩ chụp ảnh chung với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh
và nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ảnh Tư liệu
Tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, nhưng quá trình sống và gắn bó hơn chục năm trời với mảnh đất này, nhạc sĩ Lê Hàm là người có nhiều công lao đóng góp cho văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh kể cả trong lĩnh vực hoạt động quản lý, sáng tác và nghiên cứu. Những câu hò, điệu ví thắm đượm nghĩa tình đã bồi đắp cho tâm hồn ông nguồn phù sa màu mỡ của âm nhạc dân gian của vùng đất nghèo xứ Nghệ. Thời còn ở Hà Tĩnh, trong thời kì chiến tranh ác liệt, tình yêu với con người và mảnh đất nơi đây đã trở thành những chất liệu cho những ca khúc của ông. Nếu như Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Thoan luôn tự hào với tác phẩm O du kích nhỏ chụp ở Hương Khê thì với nhạc sĩ Lê Hàm, “Gái sông La” có thể xem là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp âm nhạc của mình với những ca từ, giai điệu mang âm hưởng của dân ca xứ Nghệ: Dòng nước sông La vẫn trong xanh điềm đạm/ Như gái Lam Hồng hiền hậu, thủy chung/ Đẹp lắm ai ơi gái sông La, Hồng Lĩnh/ Xô viết quê mình gái nỏ kém chi trai…(Gái sông La); Có ai về quê hương Hà Tĩnh… ơ mà nghe/ Bến Tam Soa đưa ví ân tình/ Mời bạn về thăm đất Trường Lưu/ Nhớ ghé Tiên Điền/ Những câu Kiều, Hoa Tiên lộng cánh ơ đẹp tươi/ Vũ Quang giương cao bóng nghĩa kỳ… (Hà Tĩnh quê hương ta). Ngoài “Gái sông La”, nhiều ca khúc của ông đã viết về những ngày tháng chiến tranh ác liệt trên đất Hà Tĩnh như“Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, “Những người chiến sỹ bến phà”, “Hãy trả thù cho các em”,“Hà Tĩnh quê hương ta”,“Em yêu Hà Tĩnh”, “Nghi Xuân quê đẹp”, “Tiếng hát Hương Sơn”, “Nhớ tiếng em ca” của ông đã trở thành nguồn động viên to lớn cho quân và dân Hà Tĩnh, được nhiều người yêu thích, nồng nhiệt đón nhận. Ngôn ngữ âm nhạc Lê Hàm ngọt ngào, giàu chất dân ca, gần gũi với quê hương xứ Nghệ, nên dễ làm tổ trong trí nhớ của nhiều thế hệ. Ông sáng tác gần 200 ca khúc nhưng phần lớn viết về mảnh đất xứ Nghệ, trong đó có nhiều tác phẩm với giai điệu dễ thương, gần gũi với xứ sở, đậm đà phong vị dân ca.
Ngoài sáng tác ca khúc, ông còn dành nhiều thời gian cho công việc sưu tầm nghiên cứu các loại hình dân ca cổ truyền trên đất Hà Tĩnh. Hàng chục năm sống và làm việc tại Hà Tĩnh, nhạc sĩ Lê Hàm đã có nhiều chuyến điền dã, về tận các làng quê, gặp gỡ các nghệ nhân, bậc cao niên ở Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân... sưu tầm các làn điệu dân ca hò, vè, ví, giặm, sắc bùa, ca trù, chèo Kiều..., sáng tác, soạn lời hàng trăm bài hát, tổ khúc dân ca phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn. Năm 1970, ông được Hội Văn nghệ Hà Tĩnh tài trợ xuất bản Tuyển tập Dân ca xứ Nghệ và sau này, ông đã cùng với các tác giả Hoàng Thọ, Thanh Lưu xuất bản cuốn sách Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực, bổ ích cho những người muốn tìm hiểu về dân ca Nghệ Tĩnh. Cuốn sách này đã được Hội đồng giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải Nhì năm 1999. Trên cơ sở nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh với nền âm nhạc chuyên nghiệp, ông khai thác đưa các chất liệu dân ca vào các tác phẩm nhạc kịch, cải biên và lồng điệu cho vở một số vở ca kịch của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dàn dựng, trong đó có làn điệu Hò bơi thuyền trong vở kịch hát “Mai Thúc Loan” của kịch tác gia Phan Lương Hảo (Giải thưởng VHNT Nhà nước, đợt II năm 2012). Những việc ông đã làm góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, bắc nhịp cầu nối âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân gian.
Những năm gần đây, sống ở thành phố Vinh, mặc dầu tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn quan tâm đến những sự kiện có liên quan đến văn hóa, văn nghệ của Hà Tĩnh - nơi ông đã có hơn chục năm trời gắn bó gắn với những tác phẩm tiêu biểu của mình. Do tuổi cao sức yếu, Nhạc sĩ Lê Hàm đã từ trần ngày 18/9/2024, tại thành phố Vinh, hưởng thọ 90 tuổi. Công chúng yêu âm nhạc trong cả nước và người dân xứ Nghệ còn mãi nhớ tới những đứa con tinh thần của ông trong sáng tác và nghiên cứu âm nhạc. Vinh - Thành phố bình minh là nơi ông sống những năm tháng cuối đời giờ cũng là nơi cuối cùng ông trở về đất mẹ, khép lại một cuộc đời với những cống hiến không mệt mỏi cho nền âm nhạc và quê hương, đất nước.
P.T.H