Cứ cữ đầu tháng chạp, bắt gặp những ngày heo heo rét, lây phây mưa rây bột, thoang thoảng đâu đó mùi trầm hương, những người đến cái tuổi như tôi có lẽ không ai là không nhớ những cái tết xưa, với bao ký ức thân thương. Và với những người xa quê, ở chốn thị thành, điều đó lại càng da diết. Tết đâu chỉ là của hiện tại mà trong nó hàm chứa bao dư âm của những năm tháng xưa cũ, của ký ức, của đời sống tinh thần, mang đậm hồn quê …
Với những ai sinh ra và lớn lên ở làng quê, tết thật là đặc biệt, nhớ tết cũng là nhớ làng, nhớ năm tháng đói nghèo vất vả, nhớ chợ tết, nhớ không khí chộn rộn trong làng những ngày áp tết. Nhớ tiết trời xam xám, mưa phùn giăng mắc, rét căm căm, người làng hối hả ra đồng cấy nốt những chân ruộng cuối cùng để kịp về bán mua những phiên chợ tết…
Làng tôi có chợ Mới. Không rõ vì sao gọi chợ Mới. Và chợ có từ khi nào cũng không ai biết, dễ đã trên dưới vài trăm năm. Vài trăm năm vẫn là chợ Mới, và dù sẽ xưa cũ đến bao giờ, chợ vẫn là chợ Mới. Không biết vì duyên của cái tên chợ hay là do ưu thế địa lý, hàng hóa mà Chợ Mới lúc nào cũng đông đúc, thu hút cả một vùng bán mua, từ dân miền biển Nhượng Bạn, dân Mục Bài bãi ngang cho đến tận dân vùng núi Mỹ Duệ. Chợ họp trên nền đất cát, giữa rừng phi lao râm mát, bên bờ con bàu lớn của làng, trước cổng chợ là hai cây Muỗm cổ thụ, với 4 dãy lều tre lợp mái rạ. Hàng hóa là sản vật từ khắp các địa phương trong huyện, với đủ thứ hàng: hàng than, hàng củi, hàng chổi, hàng cá, hàng vôi, hàng chè xanh, hàng lúa gạo, hàng thịt, hàng xén, hàng bánh trái, hàng cau trầu, hàng rổ rá thúng mủng, dần sàng, liềm hái, cuốc xẻng,…Không thiếu thức gì của một phiên chợ quê. Nó hiển hiện một cách sinh động đời sống tiêu dùng, lao động sản xuất của các vùng nông thôn xưa.
Hàng hóa chợ Mới còn hấp dẫn bởi các đặc sản theo mùa. Vào tháng Tư, tháng Năm, chợ ngồn ngộn dưa non Cẩm Sơn. Dưa được mua về muối với cà nguyên cả quả thật mặn dùng làm thức ăn quanh năm, chỉ mấy ngày tết món “chủ lực” này mới vắng bóng trên mâm cơm. Bố tôi thường hài hước: “Thịt cá là hương hoa, dưa cà là gia bản”. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không quên được cái vị mặn chát của dưa cà một thủa. Ngày xưa dưa cà là một thứ chán chường của các bữa cơm nhưng bây giờ nó lại trở thành món khoái khẩu. Thế mới biết mỗi thời mỗi khác, nhiều món ăn của người nghèo xưa, nay đã trở thành đặc sản của người giàu.Vào tháng Mười, Mười Một, chợ Mới lại vàng rực những sọt tre to tướng quýt Kỳ Thượng. Thứ quả này tuổi thơ tôi chỉ vài lần được nếm nhưng vị của nó vẫn ngọt lừ chót lưỡi cho đến bây giờ. Tháng Chạp, chợ Mới ngất nghểu những xe thồ nồi đất. Tết nhất, điều quan tâm đầu tiên của các bà nội trợ là nồi. Xưa, nhà giàu mới có nồi đồng, nồi nhôm, nhà nghèo ở quê chỉ có nồi đất, nồi gang.Vậy nên hàng nồi đất bán rất chạy. Nồi đất được xếp một cách điệu nghệ trên những chiếc xe thồ, rong ruổi ngày tháng hết chợ cùng quê suốt dải đất miền Trung. Những chiếc xe thồ nồi đất cồng kềnh nhẫn nại, chậm rãi đi và đi, lầm lũi, tối đâu nghỉ đó, không kể nắng mưa. Cảm giác như người và xe, không thể dừng lại, không biết mệt mỏi trên con đường xa ngái, buồn thương… Nồi đất được làm từ làng Trung Sơn, Đô Lương (Nghệ An) và làng Cổ Đạm, Nghi Xuân. Chợ Mới chủ yếu bán nồi đất của làng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh): “Đất Đồng Môn dệt vải, đất Cổ Đạm vắt nồi”. Sản phẩm đất nung độc đáo này có nhiều loại: nồi đất to nhỏ các cỡ, chõ xôi, ấm sắc thuốc…Các làng quê xưa không nhà nào là không có dăm bảy chiếc nồi đất đủ loại. Những chiếc nồi đất đen bóng theo năm tháng, càng ngấm vị mặn của muối càng bền. Nồi đất trở nên hình ảnh thân thương trong những căn bếp nghèo của người dân quê một thuở. Và có một điều đặc biệt, thú vị là nếu lỡ chẳng may chiếc nào bị nứt vỡ, chúng lại có công dụng khác là được mang ra đội lên nòng cây rơm để chống nước mưa làm mục rơm. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã viết rất hay về hình ảnh quen thuộc này: “Đầu đội chiếc nồi đất. Xương sống cọc tre vườn. Cây rơm nuôi bếp lửa. Qua bao mùa bão giông”. Thậm chí nhiều khi nó còn trở thành cái đầu của thằng bù nhìn rơm ngộ nghĩnh trên ruộng, nương. Với nồi đất, tôi đã có không biết bao lần ăn đòn vì cái thói hậu đậu làm vỡ nồi của mẹ. Những lằn roi đó hằn sâu trong ký ức một thủa dại khờ, nghèo khó mà thân thương đến nao lòng.
Chợ Mới có một loại hàng đặc biệt của làng tôi đó là giấy dó. Giấy dó dùng làm hàng mã, dán quạt, in tranh, nếu làm giấy viết phải hồ một lớp nước cơm rồi phơi khô và làm trơn. Giấy làng tôi không chỉ bán ở chợ Mới mà được đem bán ở chợ Voi (Kỳ Anh), chợ Lụi (Cẩm Hà), chợ Cừa (Cẩm Hoà), chợ Đạu (Thạch Lạc), chợ Tỉnh… Nghề làm giấy dó rất lắm công phu. Để làm giấy, trai làng phải ngược ngàn lên tận Hương Khê, có khi vào tận Tuyên Hoá - Quảng Bình để lấy vỏ cây dó. Vỏ dó đem về ngâm với nước vôi, sau đó xé nhỏ nén chặt vào một thùng gỗ đáy nhỏ miệng lớn, miệng được trát đất sét cho kín bắc lên nồi mười bằng đồng hông như hông xôi 2 đến 3 giờ, sau đó tiếp tục ngâm kỹ. "Giã dó" là công đoạn nặng nhọc nhất, giã sao cho võ dó nát nhừ mới được. Tiếp đến là "vút giấy", võ dó đã giã nhỏ bỏ vào một cái nong lớn, đường kính khoảng 80cm, đem xuống nước quấy kỹ cho sạch nước vôi, rồi vắt thành từng vắt lớn, xát nhỏ thành bột giấy, bột giấy hoà vào nước trong một thùng gỗ lớn, pha thêm một ít nước nhựa cây bài lài, quấy đều gọi là "đánh trắn". Các thanh tre được vót tròn mảnh hơn que tăm kết lại như tấm mành làm khuôn giấy (còn gọi là liềm múc giấy). Liềm có khuôn gỗ, múc một ít nước bột giấy nâng lên xoay một vòng, nước chảy đi còn bột giấy tụ lại 1 lớp mỏng thành tờ giấy.Tráng xong đem xéo, tức là ép cho ráo nước rồi đem phơi khô…Làm ra giấy đã rất khó nhọc nhưng bán được giấy cũng khó nhọc không kém. Tận 30 tết bà tôi còn gánh giấy đi chợ gần chợ xa bán lấy tiền lo tết...
Xem ra những nghề thủ công xưa không riêng gì nồi đất, làm giấy, nghề kéo che nấu mật nấu đường, nghề đốt vôi…, nghề nào cũng vậy, trải qua bao công đoạn vất vả mà không hề có sự hỗ trợ của máy móc phương tiện như bây giờ, tất cả đều từ sức lao động của đôi bàn tay, đôi chân không biết mệt mỏi…Giờ đây, nghề giấy làng tôi đã hết “vai trò lịch sử” và hoàn toàn thất truyền từ lâu. Những người làm giấy dó làng tôi gần hết đã là người thiên cổ. Và những chiếc xe thồ nồi đất đặc trưng một thời giờ đã vắng bóng vì bây giờ thương lái đã mang ô tô về tận làng thu mua. Công nghệ tiên tiến, thị trường rộng mở, các loại nồi xoong hiện đại được sử dụng, nồi đất không còn ngự trị trong các căn bếp, nhưng nồi đất vẫn không mất đi. Chợ tỉnh, chợ huyện vẫn bán nồi đất, không thay đổi hình dáng, màu sắc, bao nhiêu năm vẫn là những chiếc nồi đất ấy, vàng sậm, mộc mạc, thân quen.Vẫn bán tiền âm, vàng mã làm bằng những trang giấy dó mong manh, thô ráp. Mỗi lần ra chợ, tôi như gặp lại ngày xưa, làng xưa… Và âm thanh, sắc màu, hương vị những phiên chợ xưa cứ lãng đãng trong miền ký ức. Nó giống những gì mà Nhà văn Trần Đắc Túc từng viết trong thiên bút ký của mình: “Nhà tôi không quá gần chợ Nghèn, cũng không quá xa, đủ nghe rõ để biết chợ khi đông, khi vãn. Ngồi trên lưng trâu, tôi không cần dỏng tai vẫn nghe u u, khi gần như một đàn ong không lồ rào rào, khi xa rền âm âm như động bể”. Rõ là ký ức định hình, gọi tên cho từng nỗi nhớ.
Chợ Mới 23 tết, hàng lá giong bao giờ cũng nhộn nhịp. Những bó lá dong xanh được người dân Cẩm Hưng, Cẩm Lạc bày la liệt trên chợ. Lá giong mua về được rửa sạch ép vào cột nhà đợi đến 28, 29 tết gỡ xuống gói bánh. Phiên chợ 30 tết kéo dài đến tận trưa, pháo tép nổ đì đẹt, bóng bay xanh đỏ, hoa giấy hoa nhựa đủ sắc màu, hương trầm ngào ngạt… Trẻ con đã được nghỉ học, xúng xính trong bộ quần áo hoa mới còn nguyên nếp gấp đi chơi chợ tết. Và chiều 30 tết, bàn thờ gia tiên đã được trang trí, bày biện xong. Tất cả được tiến hành như một nghi lễ vừa cẩn trọng, trang nghiêm, thành kính vừa hồi hộp, háo hức… Đôi câu đối bằng giấy đỏ in cành mai vàng với hàng chữ cách điệu kiểu chữ thảo, chữ triện từ nhiều năm trước được mang ra treo lên bàn thờ coi như hoàn tất công đoạn cuối cùng cho bàn thờ tết. Tổ tiên công đức muôn đời thịnh – Con cháu thảo hiền vạn sự xuân…nghe như tết đã xôn xao, mùa xuân đã rạo rực, linh thiêng trong trời đất, trong mỗi căn nhà. Người làng đi làm ăn xa trong Nam ngoài Bắc đã trở về quê ăn tết, thấy mừng vui như người thân đi xa lâu ngày gặp lại. Những ai đi xa đã trở về còn ai tết này, tết kia không về được, người lớn tuổi trong làng đều nhắc tên, bùi ngùi như nhắc nhớ một sự thiếu vắng trong ngày Tết của đoàn viên trong họ ngoài làng… Quên hết những tháng ngày vất vả trong năm, quên hết sự lo lắng bán buôn chợ búa ngược xuôi…, mọi người đều vui vẻ, thanh thơi đón tết. Năm mới bắt đầu bằng lời dặn của người lớn với trẻ con trong nhà, không được cãi cọ, to tiếng, không làm đổ vỡ... Ngày tết mọi người đều cư xử hòa nhã, nhẹ nhàng. Hàng xóm láng giềng ngày thường vốn thân tình, suồng sã trở nên nói năng, xưng hô, đối đãi với nhau như khách. Tình làng, nghĩa xóm, những cư xử tinh tế, nhân văn, bấy nhiêu nét đẹp trong văn hóa của làng Việt đọng lại và bộc lộ rõ nét nhất trong ngày tết. Có lẽ thế mà trong tâm thức của mỗi người Việt, tết bao giờ cũng thiêng liêng, thương mến, đẹp đẽ nhất…
Nhớ tết là nhớ về quá vãng, những tháng năm chưa từng nhạt màu trong ký ức.Vào thời buổi bây giờ, trong nhịp đời ngày càng gấp gáp với bao lo toan thường nhật, nói nhớ tết có lẽ nhiều người chép miệng ôi giời bày vẽ, tết nhất chỉ tổ phiền phức mệt nhọc, nói đến tết đã thấy sợ, sợ bao nhiêu cái sự phiền hà… Ấy nhưng mà dù muốn hay không tết vẫn cứ đến, vẫn mang về hình bóng của những ngày xưa cũ, thân thương đến nao lòng./.
NGUYỄN THỊ NGUYỆT