Tạp chí Hồng Lĩnh số 217 tháng 9/2024 trân trọng giới thiệu bài viết Những câu chuyện đồng thoại trong “Vượt qua số phận” của nhà văn Phan Trung Hiếu
Trong mảng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi ở Hà Tĩnh, số lượng các tập văn xuôi, đặc biệt là truyện đồng thoại không nhiều. Một số tập đồng thoại đã xuất bản như “Hoa cúc vàng”, “Những tiếng chim” của nhà văn Đức Ban, “Giấc mơ bong bóng”, “Hạt nắng bé con” của nhà văn Phan Trung Hiếu, “Dòng sông một bờ” của nhà văn Như Bình, “Nhạc đồng quê” của nhà văn Nguyễn Văn Thanh, trong đó có nhiều tác phẩm từng được giải thưởng VHNT Nguyễn Du. Nữ tác giả Lê Thị Xuân - cây viết trẻ từng có tập thơ “Tổ ấm muôn loài” dành cho các em nay bất ngờ cho ra mắt tập truyện “Vượt qua số phận” do NXB Hội nhà văn ấn hành trong đó đa phần là truyện đồng thoại. Đọc liền một mạch hơn 100 trang sách, điều đầu tiên làm tôi thán phục là tác giả đã dám dũng cảm thử bút với một thể loại không hề dễ, đòi hỏi một trí tưởng tượng phong phú, óc quan sát tinh tế và khả năng tổ chức cốt truyện.
Bìa tập thơ Vượt qua số phận
Trong truyện đồng thoại, nhân vật chính là loài vật, cỏ cây được nhân cách hóa, có số phận tương đồng như những con người. Cái khó là làm sao nhân vật ấy vừa phải giữ được những đặc điểm và hành vi tự nhiên vốn có của giống loài nhưng lạị thể hiện các đặc điểm và tư duy của con người, tạo sự thân thiện, đồng cảm với độc giả trẻ. Ở thế giới cây, con mà tác giả Lê Thị Xuân đã mượn đưa vào tác phẩm, ta bắt gặp một số loài vật, cỏ cây rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là các vùng thôn quê. Đằng sau mỗi chuyện kể, tác giả đều gửi gắm vào đấy những thông điệp, một bài học nào đó về cuộc sống. Đó là việc đề cao lối sống bền gan, can đảm biết vượt qua những mặc cảm tự ti, kể những sai lầm, oan trái để khẳng định sự có mặt hữu ích của mình trong cuộc đời như “Hoa báo mùa xuân”, “Trái bưởi cuối cùng”, “Chuyện cây cỏ mực”, “Những ngày đã qua”, “Chuyện của Mun”, “Cóc tía gọi mưa”; Là những bài học về ý thức đoàn kết đùm bọc nhau để vượt qua thử thách trong “Anh em nhà tre”, “Kiến vàng và cây bưởi”, là hậu quả của việc không chịu vâng lời bố mẹ dẫn đến những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của chú cua đồng nhỏ bé trong “Phép màu” hay chú “Bướm vàng ham chơi” chểnh mảng, mất cảnh giác; thói ích kỉ nhỏ mọn của sẻ nhỏ trong “Bài học của sẻ em”, về thái độ ứng xử với môi trường sống trong “Ốc sên và chìa vôi” …
Các truyện đồng thoại thường được kể theo ngôi thứ ba, tác giả chỉ là người đứng ngoài quan sát, miêu tả chứ không trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Lê Thị Xuân mạnh dạn hóa thân vào nhân vật ở ngôi thứ nhất như trong vai chú bê mới trưởng thành trong “Những ngày đã qua”, gà mẹ trong “Nỗi oan của anh Lu”. Để gửi gắm những thông điệp của mình, nhiều đoạn văn trữ tình ngoại đề, miêu tả khung cảnh, bối cảnh thiên nhiên cho thấy khả năng quan sát tinh tế với những chi tiết, hình ảnh chọn lọc và cách trình bày diễn biến tâm trạng các nhân vật. Có lẽ cũng nhờ kiến thức của một cô giáo dạy môn Sinh vật nên phần lớn các truyện đều đảm bảo tính logic và diễn tiến hợp lý. Ví như trong mối quan hệ giữa Kiến vàng và trái bưởi, phải biết được đặc tính của loài kiến vàng luôn là nỗi ám ảnh của các loài sâu bọ thì mới tạo được cái kết cuối cùng là sự nương tựa vào nhau của cây bưởi và những chú kiến vàng nhỏ bé. Kết truyện của tác giả thường không khó đoán và bao giờ cũng hoan hỷ có hậu, đáp ứng được mong đợi của người đọc, từ đó mang lại những thông điệp và giá trị đạo đức mà tác giả muốn truyền tải sau khi đã dẫn dắt người đọc đi qua những trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được thì rất tiếc, trong một số truyện còn để lộ một số những hạt sạn nằm ở khâu cuối cùng thuộc về tác giả và người biên tập. Ngoài những lỗi chính tả đáng ra không nên có như rãnh rỗi, nhẹ nhỏm, lêng láng, dãy dụa…, hay những câu chưa thành câu ví như “Trong lòng lo lắng bất an.” trong truyện “Phép màu”. Một số cách diễn đạt còn vụng khiến nhiều đoạn văn lởm khởm, thiếu chất thơ. Ví dụ: “ Ông chủ ngày ngày vẫn ra bắt sâu, nhổ cỏ quanh gốc cho chị phát triển tốt nhất (Trái bưởi cuối cùng), hay “Bây giờ, do đời sống con người phát triển, họ không ra đồng làm cỏ, bắt sâu mà phun các loại hóa chất vô cùng độc hại lên khắp cánh đồng” - giống văn báo chí nhiều hơn là một câu văn miêu tả. Trong nhiều chuyện, mối quan hệ giữa con người và loài vật lúc này đã được nhân cách hóa đã được tác giả khai thác quá tự nhiên, thật thà nên tạo ra một cách nhìn không mấy thiện cảm với con người vốn có đặc tính sử dụng các loài vật cỏ cây làm nguồn thức ăn cho chính mình. Ở đây, dưới con mắt của vạn vật hữu linh và người đọc khi đã xem các nhân vật của mình chính là con người thì những con người quả là loài độc ác. Chạm tới mối quan hệ này trong “Phép màu”, “Trái bưởi cuối cùng”, “Chuyện của Mun”, tác giả trở nên lúng túng. Ví như, khi nói về suy nghĩ của trái bưởi đã được dọn trên bàn tiệc : “Một chút nữa thôi, nó sẽ là món ăn đặc sản vừa ngọt vừa thơm mà trẻ con rất thích…” hay tâm sự của gà mẹ “Thỉnh thoảng anh em, con cháu chúng tôi, những đứa mới lớn chưa kịp nhận thức và hưởng thu cuộc sống còn bị bắt vào giết thịt”. Có lúc, tác giả đã cố tìm cách lý giải dưới góc độ sinh học nhưng xem ra khiên cưỡng: “Nghĩ cho cùng, thì mẹ thiên nhiên sinh ra muôn loài trên trái đất không thể tồn tại riêng lẻ mà phải có mối quan hệ mật thiết, móc xích với nhau. Kể cả việc loài này ăn thịt loài kia cũng là quy luật để đảm bảo đấu tranh sinh tồn, cân bằng sinh thái…” (Phép màu).
Dẫu còn những hạn chế nhất định nhưng tôi tin “Vượt qua số phận” vẫn sẽ là một ấn phẩm hữu ích, giúp bạn đọc nhỏ tuổi có thêm tình yêu vào thiên nhiên và cuộc sống, hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của con người, tạo dựng niềm tin và động lực để vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Tháng Tám năm 2024
P.T.H