Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên trường THCS Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, đã chạm đến trái tim người đọc bằng những dòng tự sự chân thành và đầy xúc động trong bài viết "NHỮNG CUỘC ĐIỂM DANH". Bằng giọng văn mộc mạc, giản dị, tác giả đã khéo léo khắc họa hình ảnh người cha - một cựu chiến binh mang trong mình những vết thương âm thầm của chiến tranh và nỗi khắc khoải khôn nguôi về đồng đội. Bài viết không chỉ là câu chuyện riêng của một gia đình mà còn là tiếng lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, đồng thời gợi lên những suy ngẫm về giá trị của quá khứ và sự trân trọng những khoảnh khắc hiện tại.
NHỮNG CUỘC ĐIỂM DANH
(Viết tặng những cựu chiến binh)
Bà tôi sinh ra được năm người con trai. Khi hai anh lên đường đi học, hai em sau còn nhỏ, thương mẹ cha vất vả bố tôi không theo đuổi được con đường học hành như hai anh của mình dù tôi thấy ông rất thông minh và sáng tạo. Cuộc sống chân lấm tay bùn, bữa đói bữa no, vội vàng, gấp gáp bởi những lần chạy tránh những đợt bom bi của giặc Mĩ cứ diễn ra đều đều như nhịp đập của thời gian.
Khi vừa tròn đôi mươi – cái tuổi người ta còn mộng mơ nhiều hơn là dấn thân, bố tôi rời làng quê nhỏ bé để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông phải khai khống chiều cao, cân nặng để đủ điều kiện nhập ngũ. Ông kể cho chị em tôi nghe, cười cười: “ Ai cũng làm thế cả”.
Chiến trường chẳng giữ ông lại lâu, nhưng cũng đủ để để lại dấu ấn của nó trong cơ thể bố - một mảnh đạn lạnh lùng nằm lặng lẽ trong đầu, ở vị trí hiểm, không thể lấy ra, không thể quên đi. Bao nhiêu năm qua, ông sống chung với nỗi đau ấy, như thể chiến tranh chưa từng kết thúc trong ông. Cứ mỗi lần trở trời, ông lại ôm đầu, gồng mình chịu đựng cơn đau như kim châm vào tận óc. Không một lời than vãn. Chỉ là ánh mắt trũng sâu, vầng trán nhăn lại, và giọng nói khàn khàn mỗi khi mẹ hỏi thăm: “Không sao đâu, quen rồi mà.”
Cuộc sống trôi qua êm đềm, tưởng chừng như phẳng lặng. Thế nhưng tôi biết, trong lòng bố luôn có những con sóng ngầm – đó là nỗi nhớ, là hoài niệm, là khát khao được gặp lại những người đã từng sát cánh nơi chiến hào, từng nằm cạnh nhau giữa rừng sâu nghe đạn réo bên tai.
Mỗi năm, buổi họp mặt cựu chiến binh là niềm vui lớn nhất của bố. Gặp nhau, không cần lời hoa mỹ, chỉ một cái bắt tay thật chặt, một cái ôm đầy xúc động:
- “Anh khỏe không?”
- “Anh A mất rồi, anh B yếu lắm...” Anh có biết không ?
Những câu nói ấy nghe sao mà buốt lòng. Ừ thì muốn biết tin của những người bạn cũ, nhưng biết rồi cũng chỉ để ngậm ngùi. Những cuộc gặp tưởng là để chuyện trò, hóa ra lại là những lần điểm danh cuối cùng – một kiểu điểm danh không tiếng gọi, chỉ đếm bằng nỗi đau. Mỗi năm số người tham gia lại ít dần hơn trước.
Những cuộc điểm danh (Ảnh: Sergio Diaz)
Rồi hai năm trước, bố bị tai biến. Nhịp sống vốn dĩ vất vả của gia đình chúng tôi lại càng thêm muôn phần khó khăn. Cậu út phải nghỉ việc theo ông. Sau hơn hai năm điều trị, ông trở về với hình hài một nửa - Một nửa người liệt đi, nửa kia kiên cường chống đỡ. Từ người đàn ông cường tráng, hay đi đây đó, bố trở thành một người già phụ thuộc mọi thứ vào người thân của mình. Đôi mắt yếu ớt, lặng lẽ, bất lực ngồi bên cửa sổ, ánh mắt xa xăm nhìn về một phía chẳng ai biết rõ. Có lần tôi lén nghe bố nói với mẹ:
- “Chắc tôi sống thêm cũng chẳng làm được gì, khổ vợ con...”
Tôi quay đi giấu nước mắt. Làm sao bố có thể nghĩ mình vô dụng? Một người đã đi qua chiến tranh, đi qua cái chết, lẽ nào lại không đáng được sống những năm tháng cuối đời bình yên, đủ đầy yêu thương?
Dẫu vậy, bố vẫn giữ một điều: khao khát được đi họp mặt cựu chiến binh. Dù chỉ ăn bữa cơm giản dị, dù chỉ nói đôi ba câu chuyện cũ, dù quãng đường có xa, dù đôi chân không còn vững vàng. Cậu em tôi có lần khó chịu:
- “Bố cứ bắt chở đi, mà đi xa lắm, cũng chỉ gặp nhau, ăn xong là về. Mà bố đi khập khiễng, thấy mọi người thương hại em không thích …”
Tôi từng nghĩ giống em. Nhưng rồi một lần, bố quay sang tôi, giọng nghèn nghẹn:
- “Bố còn đi được mấy lần nữa đâu, con chở bố đi nhé…”
Tôi lặng người đi. Phải rồi… Người già không sống cho tương lai. Với họ, tương lai là bệnh tật, là những ngày dài lặng lẽ, là một kết thúc chậm rãi, chỉ có quá khứ mới là nơi họ tìm thấy chính mình – tuổi trẻ, ước mơ, lòng can đảm, những tháng năm chưa bao giờ lãng quên.
Hà Tĩnh tháng tư về lại về, trời xanh hơn, nắng vàng hơn, và những lá cờ đỏ rực lại tung bay trên phố. Tôi nhìn màu đỏ ấy mà thấy lòng se lại. Có mấy ai còn nhớ, màu ấy từng là màu máu? Là tuổi trẻ của bao người như bố tôi, đã gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường xưa?
Tôi ngồi cạnh bố, tay nắm lấy bàn tay chai sạn của ông, lặng lẽ nghe bố kể về những người bạn đã khuất. Câu chuyện dang dở, ký ức đứt quãng, nhưng tôi hiểu - bố đang điểm danh, trong im lặng.
Và những lần tới, nếu bố muốn đi họp cựu chiến binh, dù ở đâu, xa mấy con sẽ cùng đi với bố, bố nhé!
N.T.K.L