Tác giả Yến Thanh là người còn lưu giữ rất nhiều ký ức về Ngã ba Đồng Lộc. Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2020, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu những mẩu chuyện của ông viết về những năm tháng ở ngã ba bất tử này.
NGƯỜI ĂN MÌ LUỘC, BO BO, LÁT GẠO CHỐNG LẦY
CHO XE THÔNG TUYẾN
Từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, ở Ngã ba Đồng Lộc là mùa khô, nhưng vào khoảng tháng 9 dương lịch đến tháng 11 dương lịch ở đây là mùa mưa bão lụt lội. Về khoảng thời gian này, nếu không phải là mặt đường đá dăm, mặt đường nhựa hoặc ít ra là mặt đường sỏi đồi, có độ khum để thoát nước ngang nhanh thì ô tô không thể qua được. Trong khi đó, ở Ngã ba Đồng Lộc năm 1968 thì từ tháng 9 trở đi bom cày đi xới lại, trời mưa liên tục ngày đêm. Ngầm Tùng Cốc nước lũ về cuốn phăng phăng. Mặt đường Ngã ba Đồng Lộc đoạn từ Cầu Tối đến Ngã ba Trường Thành (tức Ngã ba Đồng Lộc) dài 300m thành một bãi bùn nhão. Đường ô tô chở đá vào đã khó, mà nếu có đá chống lầy cũng chỉ như muối bỏ bể. Từ tháng 6/1968 trở đi, mặt trận giao thông ở Quân khu 4 đã được "quân sự hóa", nên chỉ huy thông xe hàng đêm ở Đồng Lộc giao cho Binh trạm 9 Đoàn 559 bộ đội tiền phương phụ trách. Vì thế, có nhiều đêm hàng đoàn xe chở gạo, chở đạn khi qua Ngã ba Đồng Lộc có xe bị sa lầy xuống hố bom, càng cho xe kéo càng lún sâu, có khi hai bá xe co kéo nhau đều bị sa lầy. Khi đó, bài toán vận tải được đặt ra chóng vánh. Nếu hạ xuống hai hoặc ba xe chở gạo mà cứu được cả đoàn xe phía sau hàng hai ba chục chiếc thì quân lệnh phát ra cho TNXP bốc dỡ gạo xuống xe để chống lầy thay đá. Trong khi bộ đội, TNXP, công nhân, nhân dân ngô, mì hột không đủ ăn lại phải lấy gạo chống lầy thật xót xa. Nhưng quân lệnh cũng phải làm. Gạo đóng trong bì nén chặt lát xuống mặt đường lầy, hàng chục chiếc xe 5 - 7 tấn đằn qua dính chặt vào nền đất tiếc đứt ruột nhưng đào bới không lên được. Ở Đại đội 557, một số cô đã bí mật dấu vào ống tay áo được khoảng 5kg để về nấu cháo cho thương binh hoặc người ốm, nếu Ban chỉ huy Đại đội bắt được cũng bị phê bình,
Ảnh: internet
VẼ GỐI, KHẮC BÚT CHO TNXP
Trời phú cho tôi từ nhỏ có năng khiếu vẽ vời, viết chữa phăng - tê - di rất đẹp. Ngoài ra, hồi đang học ở Hà Nội tôi thường ra bờ hồ Hoàn Kiếm học khắc bút. Vì thế, lúc ra trường tôi nài nỉ mua được hai cây bút sắt ngòi có đính kim cương nên khắc bút rất sắc nét và bóng bẩy.
Hồi đó, trong ba lô cá nhân mỗi nam TNXP thế nào cũng có một vài tấm vải trắng Pô-pờ-lin để may gối, thêu thùa hoa bướm và viết chữ. Ví dụ: "Hẹn em ngày ấy…"; "Hạnh phúc"; "Chờ nhé, ngày thống nhất...". Phổ biến nhất là thêu một đôi bồ câu quặp mỏ nhau, phía dưới thêu "Đừng quên, ngày ấy…",… để tặng bạn gái cùng đơn vị thay lời tỏ tình vì trong đơn tình nguyện đã cam kết hoãn yêu, khoan cưới trong 3 năm thời kỳ quân ngũ. Ngược lại trong rương gỗ be bé hoặc ba lô con gái bao giờ cũng có thuốc lá Tam Đảo để tặng lại bạn trai và rất nhiều chỉ thêu, kim móc, kim thêu.
Tôi bị dính cả hai thứ nên lúc nào đầu giường cũng chất hàng mấy chục gối thêu, cây bút Trường Sơn chờ đợi giải phẩu.
Tôi bị chuột rút bàn tay phải nhiều lần vì khắc bút phải tì mạnh tay, Ôi những chiếc bút xinh xinh có vẽ một cây dừa tỏa bóng xuống hàng ghế đá có một đôi nam nữ đang chụm đầu vào nhau, dưới đề "Kỷ niệm"; "Tình yêu"; "Nhớ mãi". Có cái bút, cái lược lại khắc Tháp rùa, chùa Một cột, dưới khắc "Hẹn ngày thống nhất",…
Khi rời đội ngũ TNXP, tôi mất mấy năm trời tay cứng đờ và tận sau này, nếu viết chậm thì chữ đẹp nhưng hễ viết nhanh là bị ríu chữ như gà bới. Năm mươi năm rồi, tay tôi thành cố tật không sửa được.