Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2023 trân trọng giới thiệu Bài viết NHỮNG NGƯỜI THẦY TUỔI THƠ TÔI của Tác giả BÙI ĐỨC HẠNH
bùi đức hạnh
những người thầy tuổi thơ tôi
Tôi vào vỡ lòng khi mới hơn 5 tuổi. Ban đầu đi theo mấy anh lớn hơn. Thầy thì không muốn nhận vì thấy tôi còn nhỏ, mẹ cũng ngăn chưa cho đi học bởi nghĩ tôi còn non dại quá. Thế nhưng vì tôi rất ham học và mau biết nên cuối cùng mọi người cũng chiều theo. Hồi ấy ở nông thôn đi học thế là sớm. Khoảng giữa 1962, tôi đã đồ chữ bằng bút chì rất khéo, sau mấy tháng đã tập viết khá đẹp, đánh vần trôi chảy và làm được các phép tính đơn giản trong một môi trường giáo dục sơ khai, dân giã ở thôn quê.
Chỉ hơn một năm học vỡ lòng mà có đến hai thầy dạy: thầy Quang (Hiệu) rồi đến thầy Nhỏ (Chẩn). Lớp dời từ nhà thờ họ Nguyễn cố Cầu, đến nhà thờ họ Nguyễn ông chắt Thuần và sau cùng đến nhà thờ họ Trần. Mỗi ngày thường học vài tiếng buổi trưa. Thầy Quang dạy khoảng nửa năm rồi đi thanh niên xung phong, sau 1975 về làm ở Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hoá. Thầy có nước da trắng trẻo, cặp mắt hiền từ, giọng thật ấm áp...Tôi còn nhớ như in một kỉ niệm. Ấy là khoảng 11 giờ trưa một ngày đến lớp, tôi xin mẹ 5 hào để nộp nguyệt phí cho thầy. Mẹ bảo bây giờ trong nhà ta 5 xu cũng nỏ có, để mẹ kiếm rồi nộp cho thầy sau. Tôi nhất quyết đòi phải đưa ngay, nhưng xoay xở không ra, mẹ tức quá liền đánh cho mấy roi mót. Tôi lăn ra sân nằm vạ, khóc ầm ĩ, nhiều người lớn, trẻ con trong xóm tưởng chuyện chi kéo nhau đến xem. Chỉ sau khi bà Kỳ (Thuần) đi gánh nước qua bảo phải bắt trói vào gốc cau và đem rơm đốt cái thằng con bất trị, thì tôi sợ thật và mới dần hạ cơn nư thở. Hôm ấy, trời trưa nắng, sau khi tắm rửa loa qua, chùi nước mắt, tôi đến lớp chậm, nhưng vẫn không bỏ buổi. Biết chuyện, thầy Quang nhỏ nhẹ nhắc lần sau không được làm tội mẹ, khi nào có thì nộp cũng được. Vài ba ngày sau thì mẹ vay mượn được để tôi nộp thầy 5 hào...Chuyện cũ đã mấy chục năm, tôi vẫn còn nhớ như in mãi đến tận bây giờ. Thầy Quang nghỉ, chúng tôi lại được học với thầy Nhỏ (Chẩn) ở xóm Tây. Thầy có mấy cái răng bịt vàng nhìn rất đẹp. Người thầy cao, gầy nhưng vui tính, nhiệt tình. Chúng tôi hết vỡ lòng thì thầy lên đường tòng quân đánh giặc. Về già do đau yếu nhiều, thầy đã về với thế giới người hiền mấy năm trước. Nay thỉnh thoảng về làng, tôi lại đến thăm cây đa mấy trăm tuổi cao lớn trước cửa đền La Sơn Phu Tử, lại bồi hồi nhớ những ngày xuân cùng bạn bè hái ăn những lộc đa non màu tím chát ngọt, lấy những lá đa già xếp làm trâu chọi mỗi buổi trưa hè. Hồi ấy một chùm giọt rễ cây đa trên cao hàng chục mét thòng xuống gần sát đất, chúng tôi vẫn thường thi nhau đánh đu nghịch ngợm ở đấy. Tôi còn nhớ thầy có sáng kiến cho học trò lấy đất từ trưa mạ, đắp một ụ đất cao để đón rễ cây, mong nuôi nó lớn thành cái cổng chào tự nhiên. Thế nhưng cái chùm rễ đa mấy năm sau vẫn cứ lửng lơ, hình như nó chê cái ụ và không thèm chạm đất... Đã gần sáu chục năm đi qua, thầy bạn thuở vỡ lòng nay kẻ còn người mất, nhưng cây đa già thì vẫn trổ những vụ lộc non và cái chùm rễ đa thì vẫn cứ lửng lơ như thế...
Tháng 9 năm 1963, tôi vào lớp một. Cha tôi lúc đó đã thôi làm Chủ tịch xã, lên huyện công tác và giữ chức Phó phòng giao thông vận tải được vài năm. Nhà đã có ba anh em trai. Thỉnh thoảng tôi được đi theo cha xuống Đại Lộc, được nghe máy hát, được tập đánh bóng bàn, được thử đánh mấy nốt đàn Manđolin, kéo Accordion và nhớ nhất là được ăn những bữa cơm thịt bò ở nhà hàng Đại Liên thật ngon lành. Trường cấp 1 Kim Lộc hồi ấy chỉ có 5- 6 lớp. Hiệu trưởng tôi còn nhớ là thầy Đường Minh Huấn quê ở Thường Nga. Tôi học lớp 1A với các bạn ở làng Phúc Xá và Làng Phúc Hậu. Một lớp mà học sinh lỗ đỗ hơn kém nhau bốn năm tuổi chứ không phổ cập 6 tuổi nhất loạt như bây giờ. Tôi là đứa ít tuổi nhất và bé nhất lớp. Vài tháng đầu, lớp tôi do cô Lương dạy. Cô giáo của tôi là người Trường Lưu, dâu làng Mật, dáng người cao dong dã, da trắng, đầu tóc phi-dê trông thật dịu dàng, xinh đẹp. Giọng cô thật nhẹ nhàng, ấm áp, lôi cuốn bọn trẻ chúng tôi. Được hơn một tháng, cô chuyển lên dạy lớp hai, thầy Nguyễn Xuân Toàn quê làng Hốt, Phú Lộc đến thay. Đã mấy chục năm qua đi nhưng hình ảnh thầy Toàn vẫn mãi trong tâm trí tôi. Đó là một người thầy hồn hậu, mẫu mực và hết lòng thương yêu học trò. Thầy có dáng người cao, lúc nào cũng áo trắng, quần xanh phẳng phiu, đầu tóc rẽ ngôi chải chuốt, mô phạm.
Một kỷ niệm nữa không thể nào quên. Cuối năm lớp một, nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan công trường đập Khe Lang. Đây là công trình lớn chứa nước tưới cho mấy xã Can Lộc, Đức Thọ. Tôi háo hức dậy thật sớm, không kịp ăn sáng, cùng đoàn học trò vừa đi vừa chạy mấy cây số mong sớm đến nơi. Quang cảnh lao động thật hăng say, nhộn nhịp. Hàng trăm người đào, cuốc, gánh đất hối hả. Cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm. Tiếng loa phóng thanh cỗ vũ thúc giục mọi người làm việc. Và lần đầu tiên bọn trẻ chúng tôi nhìn thấy những cỗ máy sơn màu đỏ, lưỡi bằng thép to như cái bàn, rồ máy, nhả khói đen băng băng ủi đất, đắp đập, xem mãi không biết chán.
Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá vào Vinh - Bến Thuỷ. Chúng tôi đi bò ở đồng Ruồng thấy từng tốp máy bay Mỹ kéo đến trút bom. Khói lửa ngút một góc trời phía Bắc rú Hống. Pháo cao xạ của bộ đội ta bắn lên, đạn nổ thành từng chùm hoa khói trên cao... Tuổi thơ chúng tôi bắt đầu bước vào những ngày gian khổ... Hồi đầu, máy bay Mỹ chưa oanh tạc ban đêm, chỉ ném bom ban ngày. Chúng tôi không học ban ngày nữa, mà chuyển sang đi học từ 3 giờ sáng. Chợ Vi cũng chuyển sang họp đêm, tảng sáng đã hết người. Chúng tôi, đem theo đèn dầu, chỉ trổ một lỗ nhỏ lấy ánh sáng học bài. Quanh lớp đào hầm liên lạc, trên rải tre, đắp đất khá dày. Còn nhớ một lần báo động, chúng tôi buộc phải mò xuống hầm trong bóng tối, nước ngập ngang bụng, bùn đất lầy lội vì mới có trận mưa to. Thầy thì lo, trò lại tỏ ra thích thú. Khoảng ba bốn tháng sau, lớp chúng tôi sơ tán vào học ở lán ông Tân Thoại, trong làng Phúc Hậu. Lán nằm dưới lũy tre che kín, lợp bằng tranh, trên có sàn bằng những bó rơm dày để tránh bom bi, xung quanh là lũy đất đắp cao để tránh bom sát thương, bốn phía là những căn hầm chữ A kiên cố nối thông với hệ thống hào liên lạc. Những công trình có một không hai ấy đã theo chúng tôi gần như hết bậc phổ thông, qua nhiều nơi cho đến khi kết thúc chiến tranh. Lán học là sản phẩm của lối phòng không độc đáo, một kỳ công đầy sáng tạo của nhân dân ta để vượt qua mưa bom bão đạn mà nuôi "những mầm xanh". Quê tôi, không là tọa độ lửa nhưng cũng dăm bảy lần bom dội, thế mà căn lán của chúng tôi thì vẫn nguyên vẹn.
Ngày 9/2/1966, máy bay Mỹ ném bom giết hại 33 học sinh cấp II Hương Phúc. Lửa căm thù giặc ngút trời, lan trong toàn tỉnh. Còn nhớ, một lần ra chơi, bỗng hàng loạt những tốp máy bay gầm rít lướt qua trên đầu. Hình như chúng đi ném bom phía phà Linh Cảm. Để ngụy trang, nhà trường quy định học sinh mặc đồ xanh, đeo xắc xanh, đội mũ rơm và đeo lá ngụy trang như bộ đội. Chúng tôi trau chuốt từng lọn rơm vàng óng, thi nhau bện những chiếc mũ thật đẹp. Những năm tuổi thơ đi qua trong tiếng gầm rít của máy bay, tiếng nổ đinh tai của bom đạn dù trong gian khổ nhưng thế hệ chúng tôi vẫn lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ. Tôi là học sinh giỏi của trường, của lớp, chữ đẹp, đọc bài lưu loát, diễn cảm, làm toán nhanh, thường đứng thứ hạng cao của lớp, được bạn bè quý mến. Gặp bố mẹ tôi, thầy Hảo vẫn khen thế. Thầy giao cho tôi giữ sổ điểm, thầy bày cho tôi cách ghi họ tên, xướng điểm hàng ngày rồi cả cộng điểm, xếp thứ cho cả lớp. Tết năm ấy thật nghèo, nhưng mẹ vẫn bảo tôi hái quả cam vườn chín đẹp nhất lên nhà mừng tuổi thầy. Bà giáo soạn cho chúng tôi ăn tết, mâm cỗ đơn sơ nhưng có đủ giò lụa, bánh chưng, bánh ngào, thứ ăn thứ còn bỏ túi mang về ăn dọc đường. Ôi, cái Tết đến mừng tuổi thầy năm xưa chỉ còn trong ký ức. Thầy đã bao năm về nơi tiên cảnh, nhưng tình thầy trò thì vẫn ấm áp mãi trong tôi...
Cuộc đời đã đưa tôi đi qua những giảng đường, nhưng ký ức về mái trường tuổi thơ, về thầy cô thời vỡ lòng, cấp I trường làng thời xưa ấy thì vẫn mãi mãi sâu nặng trong lòng..!
B.Đ.H
Đội mũ rơm đi học (ảnh tư liệu)