21-11-2023 - 01:55

"NHỮNG VẦN THƠ YÊU THƯƠNG" CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG ĐỘ

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, là người con của xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mạch nguồn chính trong thơ anh tập trung ở các đề tài: Quê hương đất nước, gia đình, đồng đội, tri ân cuộc đời. Văn nghệ hân hạnh giới thiệu bài thơ “Những vần thơ yêu thương” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ qua lời bình của thiếu tá Mai Thanh Hải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh.

"NHỮNG VẦN THƠ YÊU THƯƠNG" CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG ĐỘ

 

Trong sáng tác nghệ thuật, có một điều vừa tự nhiên vừa kỳ diệu, mỗi nghệ sỹ đều có một quê hương để ký thác, hoài niệm; đồng thời mỗi quê hương cũng tự tìm đến và trao gửi hồn vía của mình cho một vài nghệ sỹ nào đó. Người nghệ sỹ ấy mang bao suy tư, nỗi niềm đam mê, chiêm nghiệm ký thác vào hình tượng, tôn vinh hình tượng quê hương và quê hương yêu dấu gợi ý mách bảo, góp phần thăng hoa cảm xúc thơ, làm nên gương mặt tinh thần của người nghệ sỹ qua những hình tượng nghệ thuật. Đó là trường hợp Tố Hữu, Hàn Mặc Tử với xứ Huế mộng mơ, Nguyễn Đình Thi với Hà Nội thanh lịch... và Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng đã đưa quê hương ông vào cõi thơ với bài “Những vần thơ yêu thương".

"Những vần thơ yêu thương" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là một bản tổng kết, một trang nhật ký cuộc đời được viết bằng thơ về cuộc đời của anh từ quê hương, tuổi thơ, đời binh nghiệp cho đến doanh nhân và thi nhân.

 "Những vần thơ yêu thương" của tác giả Nguyễn Đăng Độ đã nói lên cả cuộc đời và tình quê hương được gửi gắm vào những vần thơ mà ở đó chính nhà thơ đã "hát với những vần thơ, khóc với những vần thơ", "gửi hồn vào những vần thơ" những bươn chải cam go, thách thức giữa thương trường mà anh trải qua được dồn nén vào từng câu chữ và thăng hoa thành nhạc thành thơ.

Miền Trung - đòn gánh hai đầu đất nước, nơi thiên nhiên khắc nghiệt, mùa rét bầm thịt da, mùa nóng gió Lào thổi cong đòn gánh, mùa mưa nước ngập trắng trời. Miền Trung cũng là nơi gánh chịu bao cuộc chiến tranh, từ giặc phương Bắc đến Đế quốc phương Tây. Chính thiên nhiên khắc nghiệt, lịch sử oai hùng bi tráng đã tôi luyện, hun đúc nên bản chất kiên cường, trung dũng của con người nơi đây. Vùng quê Việt Tiến của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng giống như bao vùng quê xứ Nghệ khác: "Thương những người dân đói nghèo lam lũ /Thương gót chân cha đường cày nứt nẻ/ Giáp hạt giêng hai mái tóc mẹ phai màu"

 Hình ảnh vùng quê nghèo khó và kiên cường ấy theo anh trên suốt chặng đường đời mà ở đó "gót chân cha đường cày nứt nẻ" và "mái tóc mẹ phai màu mỗi độ giáp hạt giêng hai" như một vết cứa vào trái tim của người con đa cảm. Thương cha mẹ và thương quê hương! Chính vì vậy, quê hương và hình tượng cha mẹ luôn là hành trang thiêng liêng, là nguồn cảm hứng bất tận trong mỗi trang viết của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ.

 Người ta nói nhà thơ là người đa sầu, đa cảm và tinh tế hơn mọi người. Quả thật là như vậy! Đọc kỹ và chiêm nghiệm "Những vần thơ yêu thương" của tác giả Nguyễn Đăng Độ ta sẽ nhận ra sự đa cảm đó không chỉ thể hiện trong tình yêu thương quê hương, yêu thương cha mẹ mà còn những cung bậc tình cảm sâu lắng dành cho những người thân yêu:

"Vần thơ cho anh tôi đau tận cùng nỗi đau

Những dòng chữ mờ nhòa nước mắt

Vần thơ cho em bằng con tim yêu tha thiết

Tôi hát với những vần thơ, khóc với những vần thơ

Gửi hồn tôi vào những vần thơ chan chứa yêu thương"

Có một dấu ấn sâu đậm để lại trong các trang viết của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đó là tình cảm gắn bó, yêu thương với người anh trai không may ra đi từ sớm đã để lại trong anh một khoảng trống vô hình! Thương nhớ người anh quá cố được gửi gắm vào những câu thơ tận cùng nỗi đau, những dòng chữ như được viết bằng nước mắt, tình anh em thật là thiêng liêng và cao cả.

Kỷ niệm tuổi thơ ( Tranh: Trần Nguyên )

 

 "Những vần thơ yêu thương" được tác giả gom nhặt từ cuộc đời đầy nắng mưa bão tố của chính mình, được chắt lọc khoảnh khắc cuộc đời từ tuổi thơ nhiều kỷ niệm ở quê hương Việt Tiến. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn dành cho quê hương Việt Tiến nói riêng và Hà Tĩnh nói chung một vị trí quan trọng trong các sáng tác của mình, mỗi bước thăng trầm, mỗi biến động hay sự đổi mới của quê hương đều đi vào thơ và nhạc, thấm đẫm trong từng lời thơ điệu nhạc làm thổn thức tâm hồn những người xa quê. Có lẽ quê hương là điểm tựa, là nơi khơi nguồn sáng tạo cho người nghệ sĩ viết nên những bài thơ, điệu nhạc làm say đắm lòng người. Người ta thường nói tình cảm những người tha hương nhớ về quê cũ giống như cánh diều và mặt đất, cánh diều dù có lên cao bao nhiêu vẫn phải nối với mặt đất bằng một sợi dây, hình ảnh đó gợi cho ta liên tưởng đến sự gắn bó nhớ nhung của những người con xa xứ hướng về cố hương. Với người nghệ sĩ thì tình cảm, tâm hồn thổn thức với quê hương lại càng sâu sắc và nặng lòng hơn để họ viết ra được những tác phẩm đi vào lòng người.

Ngày xưa Thôi Hiệu khắc ghi nỗi nhớ quê vào bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

"Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu". Nghĩa là:

"Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

"Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng có nỗi niềm sâu nặng với quê hương, với người thân, trong bài thơ “Những vần thơ yêu thương” anh đã có những câu thơ thật chân thành:

"Ơi! Việt Tiến một thời để nhớ

Chắt chiu suốt một đời, tôi gửi hồn tôi vào những vần thơ".

Một tình cảm thật bình dị nhưng không phải ai cũng làm được trong cõi đời. "Những vần thơ yêu thương" của Nguyễn Đăng Độ là một khúc tự ru, tự an ủi và hướng nội. Lời thơ mộc mạc, giản dị mà có chiều sâu triết lý, dòng cảm xúc càng về sau càng lắng vào chiều sâu chiêm nghiệm của một người từng trải, giọng thơ, câu từ có sự chuyển đổi từ chân chất, mộc mạc sang sâu lắng, đằm thắm mượt mà. Lời thơ như một hơi thở cho những tâm hồn đa cảm nhận ra những mất mát dù là nhỏ nhặt mà thời gian đã cuốn đi.

Bài thơ đã kết thúc mà ta vẫn nghe vang vọng đâu đây tiếng ru, câu ví dặm đò đưa ở vùng vô thức nào đó vọng về khiến cho người lữ khách tha hương chợt nhớ về quê cũ.

“Những vần thơ yêu thương” của Nguyễn Đăng Độ đã để lại cho người đọc những tình cảm chân thành, xúc động về tình yêu quê hương đất nước. Tuy vậy, ý thơ không chỉ dừng lại ở một tình quê thuần túy. Phải chăng, “Những vần thơ yêu thương” còn thể hiện nỗi niềm thầm kín từ đáy thẳm tâm linh của con người, nỗi niềm của một cái tôi cô đơn, nhỏ bé trước hiện thực cuộc sống xô bồ ồn ả đang tìm về giao hòa, nương tựa với cái ta rộng lớn hơn, nương tựa vào bến đậu bình yên của cố hương xa thẳm./.

 

NHỮNG VẦN THƠ YÊU THƯƠNG

 

Tôi đã viết những vần thơ yêu thương chan chứa

Gom nhặt từ nắng mưa bão tố cuộc đời

Tôi đã viết những vần thơ năm tháng tuổi thơ tôi

Ơi Việt Tiến một thời để nhớ

Chắt chiu suốt một đời, tôi gửi hồn tôi vào những vần thơ

Việt Tiến ơi thương hết một đời

Thương những người dân đói nghèo lam lũ

Thương gót chân cha đường cày nứt nẻ

Giáp hạt giêng hai mái tóc mẹ phai màu

Vần thơ cho anh tôi đau tận cùng nỗi đau

Những dòng chữ, mờ nhòa nước mắt

Vần thơ cho em bằng con tim yêu tha thiết

Tôi hát với những vần thơ, khóc với những vần thơ

Gửi hồn tôi vào những vần thơ chan chứa yêu thương

Việt Tiến ơi! đi suốt cuộc đời

Vẫn nhớ về đây xóm làng xưa cũ

Màu áo lính tháng ngày trong quân ngũ

Bươn chải, cam go, thách thức giữa thương trường

Vần thơ quê hương tôi gửi trọn nhớ thương

Vẫn còn đó bồi hồi trong kí ức

 Vần thơ trong tôi niềm khát khao bừng thức

Tôi hát với những vần thơ, khóc với những vần thơ.

Gửi hồn tôi vào những vần thơ chan chứa yêu thương./.

 

 

. . . . .
Loading the player...