26-06-2020 - 09:24

Nỗi niềm với cát….

Tôi nhớ cái lần đi dự trại sáng tác văn học gần một tháng, đó là thời gian tôi xa nhà, xa cái làng biển quê tôi lâu nhất và tôi nhớ cát, nhớ cái tinh thể lấp lánh nhỏ nhoi ngày thường ở dưới bàn chân mình. Nhưng đó là một thứ cỏ của biển. Cỏ biển: Không phải là “thảo sa” ( cát xanh) mà là “bạch sa” (cát trắng) hay “hoàng sa”(cát vàng )…


     Khi vào quán cà phê dùng thìa nhỏ xúc đường pha vào ly đen tôi lại gặp cát – đường cát. Ra chợ mua xoài tôi lại gặp cát: Xoài cát – Cái thứ xoài to , vỏ căng  mọng  lấm chấm những hạt như hạt cát. Rồi vào hiệu tranh tôi lại gặp : tranh cát. Nghệ nhân dùng cát nhuộm đủ màu cho vào  cốc thủy tinh “pha chế” vẽ thành những  bức họa độc đáo. Tôi thèm cái  mênh  mông của cát , khi ở đây chỉ gặp những quả đồi thông che chắn tầm nhìn. Và tôi nhớ ...
    Cát của tôi có thân phận riêng như đạo diễn Thanh Vân và nhà biên kịch tài hoa Nguyễn Quang Lập đã phối hợp cho ra phim “Đời cát” khá ấn tượng. Cát của tôi cũng có linh hồn. Những dịp cuối năm tết đến, mọi người trong làng tôi thay bát hương cũ bằng bát hương mới. Bát hương thiêng trên bàn thờ tổ tiên đựng đầy cát. Đây là thứ sa khoáng của biển như chân lông của sóng rịn ướt mồ hôi của muối. Cát được đãi sạch sẽ và rang trên lửa cho tơi để cắm chân hương. Thân phận cát bắt đầu từ những con sóng bạc đầu đậm vị mặn, vỡ vụn, vo tròn se đi se lại bao lớp kiếp kiếp đời mình. Cũng như thân phận những chú dã tràng xe cát xe hy vọng và viễn  vông, biết thế mà vẫn xe, xe những ước ao để rồi vỡ ra tan ra mà không một lần ca thán luyến tiếc. Linh hồn cát còn mang theo linh hồn biển, linh hồn những người chết biển để  thành ngọc trai. Thứ ngọc trai được nuôi cấy từ biển, nghe nói mỗi viên ngọc đều có ngậm hạt nhân là hạt cát.

 

 
Trên cát (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
 
      Cát thường trực ngay trong đời sống dân  dã của người đi biển. Có lần tôi thấy nuôi quân rang lạc cho ngư phủ nhấm rượu bằng cát. Tất nhiên cát trong cái chảo nóng như một chất dung môi độc đáo làm chín lạc từ từ, đều mà không bị cháy. Hạt lạc giòn, bùi khiến ngư phủ như được nhấm cả vị biển sau khi  bóc cái vỏ hạt lạc được ngấm, được ủ trong cát nóng. Bây giờ, làng tôi đất chật, người đông nhà cửa lấn cát mọc chen nhau. Tôi nhớ ngày trước, lúc chúng tôi còn nhỏ  làng  mênh mông cát trắng. Trưa nắng, muốn từ nhà mình chạy sang nhà bạn qua trảng cát. Thiếu dép nhựa, chúng tôi phải lấy cái  mo tre, dùng sợi cước buộc vào bàn chân và chạy. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng nổi tiếng với trường ca “Đêm trên cát” . Ông lấy cảm hứng bắt đầu từ một câu thơ bất hủ của Cao Bá Quát cảm giác khi đi trên cát: “Đi một bước cứ tưởng lùi một bước”. Thì ra cát cũng chiêm nghiệm   số phận như đời người với bao kinh nghiệm sống. Loài hoa, loài cỏ mọc trên cát cũng có tính cách, hình thù riêng. Như cỏ lông chông xòe ra như lông nhím, khi gió thổi xoay tròn chong chóng trên cát. Rồi loài hoa muống biển mọc lan man trên cát dù thiếu nước ngọt vẫn  chắt  chiu cho ra sắc hoa tím – cái màu tím thủy chung như tình ngươi gắn bó với thiên nhiên khắc nghiệp gió Lào, cát trắng nơi này. Tôi cũng đã viết hai câu thơ trong bài thơ “Hồn quê”: “Bánh đa cong mái nhà lá cũng cong – Con đường cát giấc mơ đêm cũng cát”. Cát không phẳng lì, cát không vô cảm, cát luôn đồng hành khi tôi chập chững tập đi trên cát có bị ngã cũng không đau, cát như tấm nệm đỡ tôi vào lòng. Rồi lớn lên, trước khi  vào đời, tôi đã tập xây những lâu đài trên cát theo trí tưởng tưởng, ước vọng của mình từ nhỏ. Trong Kinh Thánh, con người là cát bụi trước sự huyền diệu vô cùng, vô tận của Thượng Đế . trong Kinh Phật : vô biên trong hạt cát chứa đựng cả vũ trụ . 
     Và đêm ở trại viết khi kê đầu mình trên chiếc gối trắng tinh có nệm mút thì tôi lại thao thức nhớ cái gối cát mà một ngư phủ đã tặng tôi – loại gối mà họ thường dùng kê đầu  khi đi biển. Cái gối cát có  vỏ bằng lớp vải  buồm dày, nhuộm nâu được may khéo léo đựng cát - lớp cát sạch đã được rang kỹ. Gối lên gối cát tôi như được gối lên những lớp sống lừng  chòng chành nhịp thuyền như cánh võng ru ngủ thật êm ái ,mịn màng  như có biển bên mình. Những sợi tóc của tôi hình như hút được cả tinh chất âm hưởng của cát mà tóc lại cứng rể tre không bạc và ít rụng. Cát luôn đồng hành với tôi như khi nâng chiếc ly thủy tinh trong suốt đựng bao thứ rượu quý tinh chất của gạo nếp  thì nguyên liệu làm ra chiếc ly này lại là cát – tinh chất của biển. Nhớ cát, tôi lại thấy cộm lên trong lòng bàn tay ram  ráp của mình hình như có một hạt cát vương vấn nào đó. Thì ra đó là vết chai sạn cát những ngày tôi theo ngư dân làng mình ra biển ...
 
Nguyễn Ngọc Phú

 
                                      
 
. . . . .
Loading the player...