21-11-2024 - 01:42

Núi Hồng - Thiên Tượng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu tản văn Núi Hồng – Thiên Tượng của Nguyễn Tùng Lĩnh

Quê tôi ở Đức Thọ nhưng bố mẹ chuyển cư về Hồng Lĩnh sinh sống từ những ngày còn là Thị trấn Bãi Vọt. Tôi sinh ra và lớn lên dưới chân núi Hồng. Tuổi thơ của tôi gắn liền với núi như hai người bạn chí thân. Mười chín tuổi, tôi xa gia đình, bạn bè lên đường nhập ngũ. Nẻo đời vất vả, đường công danh trầy trật khiến tôi ít có thời gian về thăm quê, thăm núi. Trong thẳm sâu ký ức, tôi như một người mắc nợ. Núi đã cho tôi tuổi thơ với nhiều kỷ niệm, đã cho tôi những bài học đầu đời. Và một lẽ đương nhiên, núi cũng đã đem đến miếng cơm manh áo cho chúng tôi.

Những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, núi Hồng Lĩnh còn là một khu rừng rậm. Điều kiện khí hậu và thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, đây được xem là vùng rừng thiêng nước độc. Xóm tôi lúc đó chỉ có khoảng vài chục nóc nhà sống rải rác, tựa lưng vào núi. Chỉ cần bước chân ra khỏi vườn là núi, mở mắt ra là thấy núi, một màu xanh bạt ngàn là núi. Phải chăng cũng vì điều kiện cuộc sống như vậy nên mẹ tôi ốm đau luôn? Các chú các bác, anh em họ hàng, bà con làng xóm cũng vậy. Những người hay vào núi chặt củi vẫn thường bị sốt rét ác tính hành hạ. Trẻ con ốm đau, cảm sốt, đau bụng, đau dạ là chuyện thường ngày.

Cũng những năm này trở về trước, thú rừng ở Hồng Lĩnh nhiều vô kể. Trong các loại thú, nhiều nhất là các loại trăn, rắn, chồn, trút, nai, hoẵng... Tôi nhớ lúc đó, vì nhà tôi ở sát mép núi nên về đêm các loại như nhím, trút, chồn, cáo... rất hay vào vườn, vào nhà đào phá cây cối, bắt trộm gà vịt. Vì thế, chúng tôi đã phải thức rất nhiều đêm để canh cáo, bẫy nhím. Những lúc trăng thanh, gió mát tiếng con nây, con hoẳng tác bầy gọi bạn nghe rõ như ban ngày. Háo hức nhất là những khi lên núi chặt củi, đôi khi chúng tôi gặp một vài bầy khỉ, hay đâu đó là những con trâu nhà do thả lâu ngày trong núi nên biến thành trâu rừng, mắt đỏ ngầu như lửa nhưng thấy người là lẫn trốn rất nhanh. Cùng với thú thì các loại chim cũng rất nhiều, trong đó nhiều nhất là chào mào và cu rừng. Đối với trẻ con như chúng tôi, lên núi bẫy chim là trò chơi, là thú vui mà đứa nào cũng mê, cũng thích. Chim trời cá nước nhưng đứa nào tìm được tổ nào thì tổ đó thuộc về đứa ấy. Sau khi tìm được tổ, khắc tên mình hoặc làm dấu đâu đó rồi chờ cho chim nở và bắt đầu lú nhú lông tơ thì đem về nuôi....

Thiên Tượng soi bóng núi Hồng - Ảnh: PV

Cứ thế, chúng tôi lớn dần theo năm tháng, tuổi thơ gắn liền với núi qua những kỷ niệm vui buồn. Trong rất nhiều kỷ niệm về núi Hồng Lĩnh, có hai kỷ niệm khiến tôi luôn nhớ mãi, mà bây giờ nghĩ lại vẫn thấy hãi hùng. Kỷ niệm thứ nhất là một lần tôi bị rơi xuống một cái lở rất sâu. Cái lở này chúng tôi vẫn thường gọi là lở cây trám vì ở đây có một cây trám to. Lần đó, tôi vào núi đào cây hương trầm, do không biết dưới chân mình là một cái vực rất sâu do cây cối và thực bì phủ kín, tôi bước hẫng chân rơi tõm xuống lở. Hoảng hốt và sợ hãi, tôi vơ vội mấy cành cây gần đấy nhưng cũng chẳng tác dụng gì, tôi rơi mãi xuống đáy lở trong khi phía trên đầu cây cối đã bắt đầu trở lại vị trí cũ. Con chó săn đi theo thấy vậy cũng giật mình. Hình như nó cũng biết chủ đang gặp nạn nên bắt đầu sủa rống lên. Rồi như một chiến binh dũng cảm, nó nhảy ùm xuống lở theo tôi. Cho đến bây giờ, nghĩ lại tôi vẫn thấy thương và cảm phục con Bấc của tôi đến vô cùng. Trước mắt chúng tôi là một khoảng không gian tối om, chỉ có các thân cây khẳng khiu, rễ cây chằng chịt và nước chảy róc rách. Cũng may là tôi không bị thương tích gì, chỉ có một vài sây sát nhẹ. Sau một hồi trấn tĩnh, tôi và con Bấc bắt đầu men theo dòng nước đi xuống. Có con Bấc tôi thêm phần vững tin. Nó là một con vật tinh khôn và tận tụy. Có thể nói, con Bấc đã là kẻ mở đường, là người bảo vệ tôi trong suốt chặng đường men theo dòng nước để thoát khỏi cái lở nguy hiểm kia. Sau một buổi trời vất vả vật lộn, đã có lúc tưởng chừng như kiệt sức, chúng tôi cũng đến được chỗ an toàn. Lúc này, trời đã về chiều, đứng trên lở nhìn xuống, thấy chặng đường mình đã qua cũng chỉ khoảng vài trăm mét mới thấy hết những gian nan nguy hiểm đến chừng nào. Tôi ôm con Bấc vào lòng, nó cũng đã kiệt sức, nước mắt tôi trào ra. Thật không có gì diễn tả được tình cảm của tôi lúc đó. Con Bấc này về sau còn sống với chúng tôi đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX.

Kỷ niệm thứ hai thuộc về thằng em tôi. Cũng trong một lần lên núi lấy củi, do không biết nên nó đã dẫm phải một tổ ong đất. Đặc điểm của loại ong này là làm tổ dưới đất như những đụn mối, nọc độc của nó rất ghê gớm, nếu bị cắn với số lượng nhiều vết thì có thể tử vong. Kinh nghiệm dân gian cho biết, khi bị ong tấn công nhất thiết phải đứng nguyên một chỗ hoặc nằm im không động đậy. Khi thằng em tôi dẫm phải, cả tổ ong túa ra, nó vứt cả liềm và củi rồi bỏ chạy. Tôi hô đứng lại nhưng nó không nghe mà cứ chạy. Cũng may thằng em tôi khỏe sức, giữa rừng núi như vậy nhưng nó vẫn chạy được một quãng khá xa khi chỉ còn một vài con đuổi theo. Nó vơ vội mấy nhành cây khô giết chết những con ong hung hãn. Phần vì đau do ong cắn, phần vì chạy nhiều nên nó kiệt sức. Tôi đã phải dùng nước miếng bôi lên vết cắn rồi dùng nước suối rửa sạch, phải mất hàng giờ thằng em tôi mới đứng lên đi về được. Sau lần đó chúng tôi bắt đầu cảnh giác hơn mỗi khi lên núi.

Nằm trong quần thể núi Hồng Lĩnh có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh. Đó là chùa Hương Tích, chùa Long Đàm, hòn Đá Trồng và chùa Thiên Tượng. Chùa Thiên Tượng nằm ở lưng chừng núi Hồng Lĩnh, những hôm trời mù sương, đứng ở ngoài quốc lộ nhìn vào sẽ thấy chùa Thiên Tượng ở lưng chừng mây. Theo sử sách ghi lại thì chùa Thiên Tượng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 - 14 đời nhà Trần, mà bằng chứng là hiện nay bên phải điện còn có bàn thờ anh hùng Trần Quốc Tuấn. Sách Đại Nam nhất thống chíHoàng Việt nhất thống địa chí cũng khẳng định chùa Thiên Tượng được xây dựng từ thời nhà Trần, cách đây hơn 600 năm. Đến năm 1885, chùa bị cháy và thiệt hại nghiêm trọng. Mãi đến năm 1901, quan tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn cho trùng tu lại chùa. Lúc này, chùa Thiên Tượng tọa lạc ở độ cao 350m trên ngọn núi Hồng Lĩnh, nằm sát trên con đường thiên lý. Nơi đây từng là điểm dừng chân của rất nhiều bậc chân tu, chân nhân. Tổng đốc Đào Tấn sau khi thấy cảnh hoang tàn của chùa bị cháy đã cảm tác viết:

Phật đổ chùa nghiêng tòa tam bảo

Hương tàn khói lạnh vị chúng sinh

Hay:

Cây Hồng ráng biếc gửi mô

Ai người gây dựng lại chùa này đây.

Cũng theo người dân kể lại thì sau khi chùa Thiên Tượng bị hỏa hoạn, chỉ còn lại gian thượng điện do được xây dựng bằng vôi, cát và mật mía nên không bị cháy, các gian tả, hữu và hạ điện do xây bằng gỗ nên đã cháy hết.

Thực tế thì từ những năm 1990 trở về trước, chùa Thiên Tượng hoàn toàn là một phế tích, rất ít người lui tới. Cây cối mọc um tùm, các loại giây leo, rêu phong phủ kín các bức tường, các ngôi cổ miếu, các am sư. Đứng từ xa rất khó xác định đây là một ngôi chùa. Lúc đó chùa Thiên Tượng chỉ là điểm trú ngụ khi mưa nắng và ban đêm cho các loại trâu, bò, nai, hoẵng, v.v... Còn nhớ hồi đó ở Thiên Tượng có những cây đa, cây bồ đề rất to, có cây chừng ba bốn người ôm mới xuể. Trong đó có một cây đa nằm ở cổng chùa mà nếu đứng dưới chân núi nhìn lên sẽ thấy giống y hệt cây đa trên mặt trăng. Điểm đặc biệt của cây đa này là có một chùm rễ dài, mọc ở cành cao đâm xuống mặt đất trông như một cái vòi voi. Tương truyền, có một người con gái không biết từ đâu đã đến đây và dùng chùm rễ đa này để... tự tử. Tuy nhiên, xác người đó mãi không phân hủy mà cứ khô dần, khô dần. Theo thời gian, rễ đa đã bọc lấy thân xác người con gái ấy, từ đó phía dưới chùm rễ đa có một phần trông giống như một xác người. Những lúc có gió, chùm rễ cứ đu đưa lủng lẳng trông rất kinh hãi. Cũng từ đó, ngôi chùa và cây đa thêm phần linh thiêng và huyền bí. Bọn trẻ chúng tôi những khi vào núi chặt củi chẳng đứa nào dám bén mảng tới gần gốc cây đa. Trẻ con hay khóc về đêm cũng thường bị mẹ chúng dùng hình ảnh của cây đa này dọa nạt. Xung quanh cây đa này còn có nhiều câu chuyện ly kỳ như chuyện cố Lượng đi bò thường hay ngồi dưới gốc đa, một hôm nhìn thấy con gì giống con chạch đang nhảy loăng quăng trước mặt, nhìn kỹ hóa ra là một thỏi vàng ròng, rồi chuyện cây đa khóc, cây đa cười, v.v… Cây đa này đến khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX thì đổ gục và chết dần, hiện nay đã có một cây đa con mọc lên đúng chỗ cây đa cổ.

Khoảng giữa năm 1989, có một nhóm người đã tiên phong lên với chùa Thiên Tượng, đó là bác Bùi Bá Định, ông Đường Văn Thỉ, bà Đoàn Thị Chất, ông Hà Văn Xuân, anh Đường Công Khai... Phải thừa nhận rằng, lúc đó đây là một quyết định dũng cảm. Rừng núi rợn người, đêm khuya thanh vắng, tiếng con nai, con hoẵng, con tắc kè gọi nhau thảng thốt làm cho người khai sơn nếu không vững tâm chắc cũng phải chùn bước. Công việc đầu tiên của họ là phát quang cây cối, làm cỏ khu vực xung quanh chùa và đặc biệt là di chuyển, tẩy uế lớp phân bò, phân dơi dày đến ba bốn mươi phân ở trong nền chùa. Sau khi những công việc đó tạm ổn, những người khai sơn lại phải trồng trọt hoa màu để tự nuôi sống bản thân và tăng thu nhập cho gia đình. Chùa Thiên Tượng từ đó thêm người lui tới, nhân dân xã Trung Lương đã bỏ rất nhiều công sức để làm đường lên chùa, phật tử các nơi cũng bắt đầu đến với chùa Thiên Tượng. Năm học lớp 11 - 12, có lần giận mẹ, tôi bỏ nhà lên chùa ở hàng tháng trời. Sư thầy Thích Viên Ngộ lúc đó là trụ trì chùa đã dang tay đón nhận. Tôi cũng đã cùng với thầy và những phật tử sơ khai ban đầu nhặt nhạnh, di chuyển từng hòn đá, phát từng bụi cây để lấy đất trồng rau.

Những ngày ở chùa, cứ chiều tối tôi lại leo lên hòn đá lớn phía trước cổng chùa nhìn xuống, nhìn những làn khói lam chiều hay ánh lửa bập bùng nhà ai nấu củi, đốt rơm, vừa thấy nhớ nhà nhưng cũng thấy cảnh sắc Hồng Lĩnh lúc đó thật đẹp. Giờ nghĩ lại, biết đâu lúc đó nếu có căn duyên thì nay mình đã là một nhà sư cũng nên. Và nay, dù đã trưởng thành hơn, đi nhiều hơn, được ăn nhiều hơn những bữa cơm nhà Phật nhưng vẫn không thể nào quên được hình bóng thầy Ngộ, những bữa cơm ngọt lành ở chùa Thiên Tượng trong những ngày tuổi trẻ bồng bột.

Thị xã Hồng Lĩnh nay đã đổi thay. Núi Hồng xanh hơn, rừng được bảo vệ tốt, môi trường sinh thái được cải thiện, nhiều động vật quý tìm về sinh sống. Chùa Thiên Tượng đã hoàn toàn đổi khác. Nhờ công sức của thầy Ngộ, thầy Thích Chánh Thành, đông đảo nhân dân, phật tử và chính quyền địa phương, chùa được xây dựng khang trang, bề thế nhưng vẫn bảo lưu được những hạng mục gốc, những nét truyền thống cũ. Đường lên chùa được đổ bê tông thuận tiện đi lại. Năm 2004, Chùa và hồ Thiên Tượng được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia.

Ngày nay, cùng với chùa Hang, chùa Đại Hùng, chùa Long Đàm và các trầm tích khác, chùa Thiên Tượng đã và đang trở thành chốn tu thiền bình an cho đông đảo phật tử khắp nơi trong cả nước.

Giờ đây, đứng từ Quốc lộ 1A nhìn về núi Hồng Lĩnh, nghe tiếng chuông chùa Thiên Tượng ngân vang mỗi chiều, lòng tôi càng bồi hồi, xúc động, yêu hơn, tự hào hơn trước sự đổi thay của một vùng quê đầy gió Lào bỏng rát!

N.T.L

. . . . .
Loading the player...