Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam chúng ta. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Nước chảy… về nguồn của tác giả Lê Thị Xuân.
NƯỚC CHẢY...VỀ NGUỒN
Lê Thị Xuân
Những ngày mùa Thu tiết trời thật biết chiều lòng người quá đỗi. Cái nắng hanh vàng nhè nhẹ và ngọn gió heo may dìu dịu để những cuộc hành hương trở về của những người con xa xứ được hanh thông, thuận lợi.
Con đường làng tôi mỗi mùa Vu Lan đều tấp nập dòng người, xe cộ. Những chuyến xe như hân hoan, rạo rực lăn bánh kịp trở về nơi nguồn cội sinh ra. Ánh mắt ai nấy rưng rưng niềm xúc động khi nhìn thấy đất trời quê hương với bao hồi ức của thời ấu thơ dội về trong lồng ngực. Có lẽ họ đã mong chờ, khao khát từ lâu.
Tôi là dâu trưởng trong một đại gia đình khá đông nhân khẩu. Ngôi nhà từ đường mỗi dịp tết đến, thu sang nhộn nhịp tiếng cười, trầm mặc khói hương. Kẻ xa, người gần, kẻ lạ người quen. Người lớn dắt díu theo con trẻ. Họ mang theo những lễ vật bình dị như gói bánh, chai rượu hay bó hoa, nải chuối. Có khi chỉ mấy trái thị, trái hồng, trái bưởi, trái cam cắt ở vườn nhà. Thế nhưng bên trong những gì bình dị và đơn sơ ấy là cả tấm lòng hiếu nghĩa, biết ơn. Tôi nhìn những cụ già dâng nén tâm nhang phục đầu trước ban thờ tiên tổ mà lòng rưng rưng xúc động khôn cùng. Có người chân đi không còn vững, đôi tai nghễnh ngãng chẳng nghe được lời chào trọn vẹn, các cụ thường ngày chỉ vào ra trong gian nhà nhỏ hẹp. Thế mà cứ đến dịp vu lan là lặn lội về đây dù phải đi bộ một quãng đường bốn năm cây số dưới trời mưa giông hay nắng gắt. Các cụ kể cho tôi nghe về ngọn nguồn xuất xứ từ đây. Nhiều khi tôi cứ phân vân có phải mình nghe lạc hay sao mà có người là con cháu ngoại đã cách xa nơi đây biết bao thế hệ. Họ bảo bà cụ tổ của họ được sinh ra từ chính nơi này nên dù bận bịu, trở ngại đến đâu họ cũng phải về thắp hương cho bằng được. Một là để dâng nén tâm nhang báo hiếu cùng tiên tổ, hai là để nhắc cho con cháu đời sau biết và không được quên nguồn gốc đã sinh ra. Thử hỏi trên đời có gì quý giá, thiêng liêng và cao đẹp hơn tấm lòng hiếu thảo. Đó cũng là đạo lí uống nước nhớ nguồn, là căn nguyên, cội rễ để nhen lên tình yêu gia đình, quê hương, đất nuớc, để con người xích lại gần nhau, đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, bao dung, để những cuộc đấu tranh gian khổ với kẻ thù bảo vệ giống nòi không bao giờ chùn chân, lùi bước.
Còn với mẹ cha, những người đã nhọc nhằn nuôi ta khôn lớn thì Vu Lan càng thêm ý nghĩa. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn biết bao người trẻ hôm nay nhiều khi mải miết với guồng quay tốc lực của cuộc sống hay mãi mê hưởng thụ, khám phá những điều mới lạ nơi nào mà quên đi giá trị thiêng liêng liêng của ngày lễ trọng đại này, thậm chí còn quên đi cả nghĩa vụ và niềm hạnh phúc của mình là trở về bên ông bà, cha mẹ. Để họ ngóng chờ mòn mỏi tháng năm. Mùa hiếu hạnh Vu lan, ai từng nghén thai nuôi dưỡng những đứa con khôn lớn trưởng thành đều ngóng trông chờ đợi, đều thấp thỏm vào ra lắng tai nghe tiếng gọi của con mình. Họ thèm khát những vòng tay ôm, những lời thăm hỏi động viên trìu mến, được sờ nắn lên da thịt của từng đứa con, đứa cháu mà trái tim mỗi đấng sinh thành yêu thương vô bờ vô bến. Cha mẹ sẽ buồn tủi biết bao khi nhà người ta thì rộn rã tiếng cười con cháu, còn mình thì cô đơn, quạnh quẽ. Thế nên những người con không ở gần cha mẹ hãy đặt mình trong hoàn cảnh ẩy, để dù có bận bịu đến đâu nếu không phải là lí do bất khả kháng thì hãy về thăm cha mẹ những ngày này. Bởi người già như lá vàng, quả chín trên cây, sẽ rụng rơi bất cứ lúc nào. Và khi ấy ta có nhớ thương ân hận cỡ nào cũng không bao giờ còn cơ hội nữa. Hãy dành hết yêu thương khi còn có thể, để mẹ cha luôn được mỉm cười.
Lễ Vu Lan báo hiếu (Ảnh: Linh Châu)
Tôi may mắn khi vẫn còn có mẹ để mỗi khi cuộc đời chông chênh dâu bể lại được tựa lòng vào ánh mắt mẹ yêu. Chỉ cần bước chân vào ngõ nhà mình thì mọi sóng gió, lo toan đều dừng sau cánh cửa, chỉ còn lại bình yên và hạnh phúc ngọt ngào. Mẹ tôi như đứa trẻ thơ mừng vui khôn xiết, cứ quýnh lên hỏi han tôi đủ thứ. Nào là con có khát không, muốn ăn gì để mẹ nấu cho, ngồi vào đây cho mát hay cho ấm. Rồi mẹ kể bao nhiêu là chuyện như dồn nén bao ngày chờ đợi nhớ nhung, như sợ lãng phí mất thời gian khi ở cạnh con mình. Dù tay yếu chân run nhưng khu vườn của mẹ luôn nở đầy hoa trái, đủ các loài rau, loài củ theo mùa. Mẹ có ăn được nữa đâu nhưng mẹ trồng cho anh em tôi về hái để mẹ an tâm khi cháu con ăn đồ ăn tươi sạch mỗi ngày. Lòng mẹ bao dung như sông dài biển rộng, luôn chở che con trước sóng gió cuộc đời.
Nước chảy về nguồn, lá rơi về cội. Vu Lan là dịp để mỗi người hướng lòng về nguồn cội, tổ tiên, tưởng vọng anh linh những người đã cho ta cuộc sống nay về bên kia thế giới và dành trọn yêu thương cho đấng sinh thành dưỡng dục đang còn hiện hữu. Tôi tự nhủ lòng luôn bước đi theo dấu chân của người đi trước để làm gương cho con cái sau này. Mỗi bước ta đi, mỗi lời ta nói, mỗi việc ta làm đều nghĩ về tổ tông , cha mẹ thì sẽ không phạm phải sai lầm đáng có và cuộc đời sẽ luôn được bình yên.
L.T.X