Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà” của đồng chí Nguyễn Xuân Hải – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc hiện nay. Nhận thức sâu sắc và để tăng cường phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Hà Tĩnh trong phát triển của tỉnh, Hà Tĩnh chủ trương coi con người là trung tâm chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; lấy phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững; đồng thời khẳng định mọi chính sách của tỉnh đều phải hưởng vào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và hạnh phúc của nhân dân.
Kế thừa kết quả nghiên cứu đi trước và xem xét quá trình vận động, phát triển của văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh truyền thống là một hệ thống các giá trị, trong đó nổi bật 4 giá trị sau: 1. Truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm; 2. Truyền thống hiếu học, học giỏi, có nhiều người đỗ đạt thành danh; 3. Sống cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy; 4. Đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng bền vững.
Khái quát chung về người xứ Nghệ, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã nêu luận điểm với ba nhân vật: Một kẻ bình dân khố chạc, Một người chữ nghĩa văn chương và Một chiến sĩ tiên phong cách mạng; bốn phẩm chất: Có lý tưởng trong tâm hồn; Sự trung kiên trong bản chất; Sự khắc khổ trong sinh hoạt; Sự cứng cỏi trong giao tiếp trong đặc điểm chung của con người xứ Nghệ, người Hà Tĩnh cũng có những nét riêng, cần tiếp tục được nhận diện, lý giải thêm…
1. Truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm
Là vùng đất cổ, lại từng là miền biên viễn trong nhiều thời kỳ của Đại Việt, con người Hà Tĩnh hội tụ các giá trị truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, với khí chất can trường, gan dạ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương.
Xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn, khí chất kiên trung, dũng cảm… như một dòng chảy thấm đẫm trong huyết quản, hành động của bao lớp người Hà Tĩnh, kết tinh, hun đúc qua những tấm gương tiêu biểu, những anh hùng, võ tướng làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Đó là Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế), hai cha con Quốc công Đặng Tất - Đặng Dung (Can Lộc), Nghĩa đại vương Nguyễn Biểu, các danh tướng Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Bôi, Nguyễn Xí, Hoàng hậu Bạch Ngọc…, Nguyễn Thiếp, Dương Văn Tào, Ngô Văn Sở, Hồ Phi Chấn, chí sỹ Phan Đình Phùng là những cái tên oanh liệt, tự hào. Cũng chính mảnh đất Hà Tĩnh - Nghệ An là tâm điểm khơi nguồn cho các phong trào yêu nước như Duy tân, Đông du, Phục Việt, chống thuế Trung Kỳ với những chí sĩ xả thân vì đại nghĩa như Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Mai Lão Bạng, Nguyễn Hằng Chi, Trịnh Khắc Lập, Võ Liêm Sơn…
Trong những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với Nghệ An, nhân dân Hà Tĩnh đã làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập đầu tiên, tiến đến thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Vùng quê Hà Tĩnh là nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ 1936 - 1938, Lý Tự Trọng - Người thanh niên cộng sản đầu tiên… và biết bao người con ưu tú khác.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh có hàng chục vạn con em ra trận, trong số đó hàng vạn người đã anh dũng hi sinh; nhiều anh hùng liệt sĩ đã trở thành biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh như Lê Thiệu Huy, Phan Đình Giót, Nguyễn Đô Lương, Nguyễn Xuân Lực, Dương Chí Uyển, Võ Triều Chung, 10 liệt nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4 - Đại đội 552 thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc...
Tinh thần yêu nước, xả thân vì đại nghĩa chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử và con người Hà Tĩnh, không phân biệt giai tầng, địa vị, tôn giáo, tín ngưỡng, tất cả đều chung sức, đồng lòng, có giặc ngoại xâm là chiến đấu, có áp bức là vùng lên đấu tranh.
2. Truyền thống hiếu học, học giỏi, có nhiều người đỗ đạt thành danh
Là vùng “địa linh, nhân kiệt”, người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, thời nào cũng có nhiều người đỗ đạt thành danh. Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa. Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống học hành, khoa bảng. Nhiều tên tuổi người Hà Tĩnh đã làm rạng danh quê hương, đất nước, như: cha con song trạng Sử Hy Nhan - Sử Đức Huy, Trạng nguyên Đào Tiêu, anh em Tiến sĩ Lê Quảng Ý - Lê Quảng Chí, Lê Sỹ Bàng - Lê Sỹ Triêm, Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, Vũ Diệm, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, các danh nhân tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Bùi Cầm Hổ...
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến 2015, Hà Tĩnh có trên 130 giáo sư, 500 phó giáo sư, 1.500 tiến sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng làm việc trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều người đứng đầu các lĩnh vực, như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận, Điềm Phùng Thị, Phan Anh, Nguyễn Đổng Chi, Hà Huy Giáp, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Lê Kinh Duệ, Võ Quý, Hồ Tôn Trinh, Hà Xuân Trường, Hoàng Ngọc Hiến…
Những tên tuổi trên đã hội tụ và kết tinh nên những phẩm chất căn bản làm nên cốt cách của “Ông đồ Nghệ” - hiếu học, cần cù, đầy chí tiến thủ và nêu cao ý thức lập thân, lập nghiệp. Khi viết về con người Hà Tĩnh, Giáo sư Phong Lê - nhà phê bình, nghiên cứu văn học nhận xét: “Anh đồ Nghệ với hình ảnh con cá gỗ cũng là biểu hiện cho tinh thần hiếu học, cũng là biểu hiện của tính gàn. Tính gàn không phải là một cái gì đó xấu xa, nó là một cá tính đặc trưng của người Nghệ, đó là cái ngông của kẻ sĩ, của người có học. Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái nhưng cũng rất chân thành, hào phóng, không hay tính toán lợi ích cho bản thân”. Những đức tính đó đang được các thế hệ người Hà Tĩnh tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
3. Sống cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy
Hà Tĩnh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, phong thổ, địa lý đa dạng. Từ xa xưa, người Hà Tĩnh đã dựa vào núi sông, đồng bằng và biển cả để sinh tồn. Trong quá trình thích ứng với môi trường, không gian sinh tồn, con người nơi đây đã tạo ra nhiều giá trị quý giá để lại cho các thế hệ mai sau.
Sinh ra trên vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa”, đặc điểm địa hình không thuận lợi, thiên nhiên khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa, mùa nắng thường đại hạn, mùa mưa thường bão lụt, lại là vùng đất phên trấn của Tổ quốc phải thường xuyên đấu tranh với kẻ thù xâm lăng nên đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm đã trở thành một phẩm chất, giá trị không thể thiếu của con người Hà Tĩnh, được phản ánh trong văn học, nghệ thuật, nhất là văn nghệ dân gian và ngay cả trong những nhận định của người Pháp khi cai trị vùng đất này. Học giả Bùi Dương Lịch đã lý giải: “Do đất xấu, dân nghèo nên chịu khổ nhẫn nại, cần cù, kiệm ước đã quen thành nếp. Kẻ sĩ không ưa chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn”. Giáo sư Đặng Thai Mai - nhà khoa học uyên bác từng đúc rút về người xứ Nghệ: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ”.
Do yếu tố địa văn hóa đặc trưng nên người Hà Tĩnh có khí chất cương trực, khảng khái, thẳng thắn và cởi mở, biểu lộ tình cảm chân tình, không khách sáo; sống thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa trong kết giao. Thẳng, thật, thô mộc nhiều khi đến vụng về, dễ mất thiện cảm nhưng bản tính chân tình, có trước, có sau lại quy tụ được lòng người. Điều này được thể hiện rất rõ trong thực tế cũng như trong kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian. Chính bản tính cương trực, khẳng khái nên ở các triều đại, có rất nhiều người Hà Tĩnh được phong làm quan Ngự sử, nổi tiếng như Bùi Cầm Hổ, Phan Đình Phùng, Phan Huân.
Bên cạnh khí chất cứng cỏi, hào sảng từ “Hào khí Hồng Lam”, nét tính cách cởi mở, chân thành, quy tụ lòng người của người Hà Tĩnh lại tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt trong ứng xử, đó là nguyên do có nhiều thế hệ các “Sứ thần” Hà Tĩnh nổi tiếng như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Nễ, Nguyễn Du,… góp phần tạo nên thành công của nền ngoại giao nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.
Cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình và những nét tính cách riêng có, đất và người Hà Tĩnh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước đã viết nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc được lấy cảm hứng từ vùng đất, con người Hà Tĩnh.
4. Đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng bền vững
Ý thức cộng đồng, gắn bó và kết nối cộng đồng ăn sâu vào tiềm thức, được thể hiện rất rõ nét trong cốt cách con người Hà Tĩnh, tạo nên những giá trị nhân văn đáng quý của người Hà Tĩnh. Truyền thống này được thể hiện sâu đậm trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất, yêu thương, đùm bọc, san sẻ từng củ khoai, quả cà, thi đua sản xuất giỏi, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Bản tính cố kết cộng đồng làm cho người Hà Tĩnh dù đi đâu, ở đâu cũng tìm kiếm, kết nối đồng hương, từ đồng hương làng, xã đến đồng hương huyện, tỉnh. Nhiều năm qua, các hội đồng hương Hà Tĩnh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là các hoạt động quyên góp, giúp đỡ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo, khuyến học, khuyến tài...
Bước vào thời kỳ đổi mới, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của người Hà Tĩnh càng được củng cố và phát huy góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã huy động tốt nhân lực, vật lực, làm thay đổi diện mạo quê hương, xây dựng các vùng quê trù phú. Bên cạnh đó, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo… ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Thành phố Hà Tĩnh - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đạo đức, nhân cách, lối sống là giá trị cốt lõi của con người Hà Tĩnh cần phát huy, tạo nên nét đặc trưng riêng, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 38 văn bản về lĩnh vực văn hóa, con người; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 09 nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 28 văn bản; 100% huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, ngày 22/12/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18 về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh 02 quan điểm lớn:
- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, mục tiêu, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Phát triển văn hóa phải hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội. Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
- Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại. Trọng tâm xây dựng, phát triển văn hoá là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách cao đẹp.
Quan điểm trên là sự cụ thể hóa định hướng của Đảng ta tại Đại hội 13: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 cũng đã xác định rõ: “… Phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh… huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững”. Về mục tiêu tổng quát của việc Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh, đó là: Xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa và con người Hà Tĩnh thấm nhuần tinh thần dân tộc, giàu bản sắc quê hương, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, giàu bản sắc; phát triển đa dạng các loại hình văn học, nghệ thuật. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Sáu việc chúng ta cần phải chú trọng hoàn thành để có thể phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh đó là:
Thứ nhất: Xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hội đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam và giá trị riêng có của con người Hà Tĩnh: Yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, nghĩa tình, cần cù, hiếu học; năng động, sáng tạo; kỷ luật, trọng danh dự, thượng tôn pháp luật; ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên; tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc. Có thể nói đây là những giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc vừa là sắc thái riêng có của người Hà Tĩnh; khởi nguồn và cái đích của văn hóa là do con người, cho con người và vì con người, con người vừa là chủ thể sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa. Do vậy nhiệm vụ xây dựng con người phải đặt lên hàng đầu. Để tạo đột phá trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh cần tiếp tục có sự quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp Giáo dục và đào tạo. Đây là vấn đề cốt yếu, chính vì thề mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của Nhân dân thì cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư”).
Thứ hai: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng,... tạo môi trường lành mạnh để hình thành, phát triển toàn diện nhân cách con người Hà Tĩnh (môi trường sống, suy rộng ra là môi trường văn hóa là nơi rèn giũa, hun đúc và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành, phát triển nhân cách của con người, con người cũng là sản phẩm của hoàn cảnh; một môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh, nhân văn, con người ứng xử với nhau bằng tình thương và trách nhiệm sẽ góp phần phát triển nhân cách con người toàn diện; có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế cái xấu, cái tiêu cực... Cha ông ta đã đúc kết: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”...
Thứ ba: Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở. Đảm bảo công bằng trong hưởng thụ văn hóa cho mọi người dân. Tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Hà Tĩnh đến bạn bè trong nước và quốc tế, gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch (trong bối cảnh đất nước và tỉnh đang tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Tĩnh ra bên ngoài gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu không được quan tâm đúng mức và có cách làm hiệu quả thì những trầm tích văn hóa vẫn chỉ mãi là tiềm năng mà thôi.
Thứ tư: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa. Huy động nguồn lực đầu tư xã hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Tĩnh.
Thứ năm: Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn học, nghệ thuật tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa và con người Hà Tĩnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân (Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Thứ sáu: Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chú trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chiến lược về văn hóa, cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý; trọng dụng, đãi ngộ các chuyên gia văn hóa, nghệ nhân, nghệ danh; xây dựng, củng cố và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở Thực tế hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu những nhà quản lý giỏi, những chuyên gia văn hóa, nhà hoạt động văn hóa uy tín… trong khi đó các thế hệ gạo cội, lão làng trong lĩnh vực văn hóa, các nhà nghiên cứu, nhà địa phương học như các cụ Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước, Nguyễn Bân… đã qua đời để lại những khoảng trống rất lớn...
Bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng đã củng có thêm nhận thức của nhân loại về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong quá trình phát triển. Con người là chủ thể quan trọng nhất, là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công trong việc tìm kiếm một tương lai như kỳ vọng. Văn hóa với tư cách là những sáng tạo của con người trong tiến trình lịch sử, là nguồn lực nội sinh quan trọng để gia tăng sức mạnh con người, thôi thúc con người biến khát vọng thành hiện thực. Chính vì vậy, khơi dậy, phát huy sức mạnh văn hóa, con người đã trở thành nội dung quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
Nguyễn Xuân Hải