Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của tác giả Thái Văn Sinh
Hội nhập quốc tế là một tất yếu khách quan của lịch sử nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, tạo nên một “thế giới phẳng” thì sự hội nhập diễn ra một cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn bao giờ hết. Nằm trong xu thế đó của thời đại, hội nhập quốc tế về văn hóa, con người là một tất yếu.
Sự hội nhập sẽ giúp chúng ta tiếp xúc rộng rãi hơn với những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu được nhiều hơn những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa, con người Việt Nam với thế giới. Chúng ta có điều kiện tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, các kinh nghiệm của quốc tế trong quản lý văn hóa, con người để phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng đặt chúng ta vào một thách thức đầy khó khăn, đó là xu hướng đồng nhất các giá trị văn hóa, san bằng, đồng hóa các nền văn hóa của các dân tộc, đó là sự du nhập thiếu chọn lọc văn hoá ngoại và sự mất dần bản sắc văn hoá dân tộc…
Hà Tĩnh chúng ta không nằm ngoài sự tất yếu hội nhập quốc tế cũng như việc đón nhận những thuận lợi, khó khăn của hội nhập quốc tế. Vậy chúng ta phải làm gì để phát triển văn hoá và con người trong bối cảnh đó? Rõ ràng trả lời đúng câu hỏi này là không hề đơn giản và hơn thế, mỗi người chúng ta lại có những góc nhìn, sức nghĩ khác nhau. Tuy nhiên ở góc cá nhân, tôi nghĩ Hà Tĩnh phải chuẩn bị tốt ba nội dung cơ bản sau:
Trước tiên, phải trang bị đầy đủ và nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế, phát triển văn hoá, con người cho cán bộ và nhân dân. Xem đây là một tất yếu, một cơ hội cần phải tranh thủ triệt để, không thể bỏ qua. Nhận thức đúng mới có thể có những hành động, ứng xử đúng. Để thực hiện tốt nội dung này nền tảng đầu tiên là nhận thức có chiều sâu và có hệ thống các Nghị quyết của Đảng về văn hoá, con người trong hơn 80 năm qua, bắt đầu từ “Đề cương về văn hoá Việt Nam” năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, cho đến các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh đó là cập nhật thường xuyên những tri thức liên quan qua sách báo và mạng internet. Có thể nói, về mặt lý luận, chúng ta đã xây dựng khá hoàn thiện quan điểm, đường lối cũng như kiến thức về hội nhập quốc tế, phát triển văn hoá, con người. Vấn đề còn lại là phải nghiêm túc học tập, nghiên cứu và triển khai vận dụng tốt vào từng địa phương cụ thể để đạt kết quả cao nhất.
Thứ hai, chuẩn bị tốt về nguồn lực con người cho quá trình hội nhập. Con người là nhân tố quyết định mọi thành công. Báo cáo phát triển con người xuất bản năm 1990 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc ghi rõ: “Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó.” Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII của Đảng khẳng định "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi cuả công cuộc đổi mới đất nước". Và tiêu chí của nguồn lực này đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rất rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”; “Phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước; “phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Là một vùng đất nổi tiếng với truyền thống cần cù, hiếu học, học giỏi, nhiều người đỗ đạt, thành danh Hà Tĩnh phải chuẩn bị tốt nguồn lực con người trong hội nhập, đặc biệt là nguồn lực “công dân số cho xã hội số”.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là không chỉ chuẩn bị tốt nguồn lực con người mà còn phải khai thác tốt nguồn lực đó. Một thực trạng cần phải nghiên cứu và có giải pháp xử lý một cách rất nghiêm túc, khoa học là từ xưa tới nay hầu hết người tài của Hà Tĩnh chỉ phát huy tốt năng lực và thành danh khi đi ra khỏi Hà Tĩnh. Phải chăng Hà Tĩnh còn thiếu một sự khai phóng trong tư duy, thiếu một môi trường sống, làm việc để phát triển được năng lực sáng tạo, cống hiến của người tài?
Lễ hội cầu sức khỏe tại Khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh: Đậu Bình
Thứ ba, là bảo tồn và khai thác tốt kho báu di sản văn hoá mà ông cha ta đã gìn giữ trao truyền qua nhiều thế hệ. Về văn hoá vật thể, đến nay Hà Tĩnh có 666 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 578 di tích cấp tỉnh. Về di sản văn hoá phi vật thể, Hà Tĩnh có 3 di sản tư liệu (Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), 2 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian (Ca Trù, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh), được UNESCO ghi danh và trên 100 lễ hội trong đó có 3 lễ hội truyền thống được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn, Lễ hội Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi)… Và đặc biệt là Truyện Kiều, kiệt tác đã giúp cho văn hoá, văn học Việt Nam sánh vai cùng thế giới. Tài nguyên văn hoá phong phú, đặc sắc này không phải địa phương nào cũng có được. Nó là tấm visa quý giá giúp cho chúng ta đi ra với thế giới. Tuy nhiên, chúng ta phải phát triển được công nghiệp văn hoá mới làm cho các di sản đó có cùng “tần số”, đảm bảo điều kiện cần và đủ để hội nhập. Việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn, phục dựng các di sản cần phải đúng tầm để các di sản đó phát huy được giá trị trong hội nhập. Đổi mới tư duy trong hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hoá, đặc biệt là xã hội hoá và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó phải khai thác được giá trị gia tăng của di sản qua hoạt động số hoá. Có như vậy mới làm cho các giá trị di sản văn hoá thành sức mạnh “nội sinh” để phát triển tỉnh nhà./.
T.V.S
_____________________
Tài liệu tham khảo:
1.https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.