06-07-2020 - 06:28

Quê hương Hà Tĩnh qua những trang nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc

Thuộc mảng đề tài kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhật ký“Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc nằm trong số “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” có sức hấp dẫn, thu hút đặc biệt gây xúc động mạnh mẽ bởi giá trị đích thực chứa đựng nhiệt huyết, lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập của một thế hệ người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.


     Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14-10-1952, là một người con trai Hà Nội, người đã đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm học 1969 - 1970, sinh viên xuất sắc của Khoa Toán - Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa đại học cũng là lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang thời kỳ căng thẳng và ác liệt nhất. Cùng lớp lớp bao chàng trai thanh niên Miền Bắc lúc đó tạm rời xa mái trường xếp bút nghiên lên đường ra trận. Anh nhập ngũ vào ngày 6 tháng 9 năm 1971, trải qua thời gian huấn luyện tân binh ở hậu phương Miền Bắc, rồi hành quân qua vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, qua Hà Tĩnh vào tuyến lửa Quảng Bình sau đó vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh ác liệt bên Thành Cổ Quảng Trị ngày 30 tháng 7 năm 1972, anh bị thương và hy sinh khi mới được 10 tháng tuổi quân và chưa đầy 20 tuổi đời. Trong thời gian vừa tham gia huấn luyện, vừa hành quân vào mặt trận cho đến trước khi hy sinh (từ ngày 02 tháng 10 năm 1971 cho đến tháng 05 năm 1972), anh vừa làm tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ vừa tích cực ghi chép những sự kiện, những cảm nghĩ về cuộc đời, về lý tưởng, về tình yêu và lẽ sống trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Anh để lại cuốn nhật ký với 240 trang và hàng trăm bức thư thời chiến. Điều đặc biệt là trong số những bức thư thời chiến viết vào năm 1971, Nguyễn Văn Thạc đã có dự cảm chính xác về Ngày 30 tháng 4 năm 1975.
     Hành quân qua nhiều miền quê của đất nước, hình ảnh mỗi địa danh anh đi quan đều in đậm qua những trang viết đầy cảm xúc, từng trải của một người lính. Bằng những quan sát tinh tế, lối viết phóng khoáng tự nhiên, vùng quê Hà Tĩnh thời chiến tranh đã được Nguyễn Văn Thạc khắc họa, thể hiện rõ nét cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân Hà Tĩnh thời bấy giờ. Tất cả đều sống động qua ngòi bút chân thực và lãng mạn của một người lính từng đạt giải học sinh giỏi môn Văn thời đó.
     Chặng đường hành quân vào Nam qua đất Hà Tĩnh kể từ điếm cuối ở Nghi Lộc và Thành phố Vinh trên đất Nghệ An cho đến điểm đầu tiên là ở Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên vào ngày 10 và 11/4/1972, Khung cảnh ác liệt của chiến trường Hà Tĩnh lúc đó đã được Nguyễn Văn Thạc thể hiện một cách chân thực: “…Hành quân  đêm không thế hành quân ban ngày vì địch đánh phá…”,“…những con đường quanh co uốn lượn theo những ngọn đồi thấp và đen kịt trong đêm…., chỉ thấy nhận thấy con đường của ánh đèn xe sau. Hố bom, hố bom, hố bom… Mỗi hố bom là một lần xóc nẩy tung người. Đường vắng khách đi bộ, đi xe đạp, thỉnh thoảng mới thấy vài người vội vã đi trong áo mưa - À, đất áo tơi mà. Hà Tĩnh đây rồi. Lại có nhiều những chuyến xe “vô ra” tiền tuyến…”. (Mãi mãi tuổi Hai mươi, trang 192). Không chỉ có khốc liệt, chặng đường hành quân trên đất Hà Tĩnh còn được Nguyễn Văn Thạc mô tả một cách khá thi vị, nên thơ: “…Hành quân ban đêm giữa cánh đồng, … đêm tháng 4, đom đóm bay ra sáng lung linh trong cỏ, trên những bụi cây ướt hơi sương…”

 

Nhật ký " Mãi mãi tuổi 20"  

     Nguyễn Văn Thạc rất chịu khó quan sát phong cảnh thiên nhiên Hà Tĩnh, đặc biệt có ấn tượng với những cánh rừng Hà Tĩnh đang còn trong trạng thái nguyên sơ  “…Rừng Hà Tĩnh đây, cỏ rất cao khiến người ta muốn thấy trên sườn núi một đàn bò sữa như ở nông trường.”,“Người ta bảo rừng này có nhiều thú… có nhiều lợn rừng, có nhiều hươu, nai…”. “… Từ hôm tới đây, hôm nào cũng say mê ngắm núi mà hôm nào cũng thấy đẹp, thấy lạ. Núi ở gần xanh màu lá cây rất trang nghiêm, càng xa thì càng nhiều mây và sương phủ, có một lớp màn rất mỏng choàng từ ngọn núi … Quả là núi non ở đây nên thơ thật…( Mãi mãi tuổi Hai mươi, trang 200)
     Nguyễn Văn Thạc còn dẫn ra câu ca dao nói về cảnh đẹp nổi tiếng ở xứ Nghệ:                             
    “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
     Trong một đoạn nhật ký viết tháng 4 năm 1972, Nguyễn Văn Thạc đã viết về cái nắng khắc nghiệt của Miền Trung: “…Nắng Hà Tĩnh oi và bức bối hơn ngoài mình... Người ta bảo vùng này là trung tâm của gió Lào – chắng mấy chốc mà cháy đen cả người. Mặt đất thì khô rang dưới cái nắng hầm hập…. Được cái có con sông trong vắt, nên thường được tắm luôn…” (Mãi mãi tuổi Hai mươi, trang 204).
     Cảnh làng quê yên ả, thanh bình của miền quê Hà Tĩnh khi không có tiếng máy bay địch đến đánh phá dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Thạc cũng trở nên thật lãnh mạn, như đoạn sau đây: “…Dòng sông chảy qua xóm làng đẹp là thế, với chiếc thuyền gỗ ngấm nước, những dải cát mơ màng mọc lờ đờ mặt nước, những bụi rong mọc xõa tóc xanh cả sông…Chao ôi, giọng hò đầy thương đầy nhớ trong đêm vắng trăng đầy sao…Xóm làng sau một ngày thắng giặc như vậy đó…”.
     Chặng đường hành quân, bước chân Nguyễn Văn Thạc đã đặt lên nhiều nơi ở Hà Tĩnh, như: Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Thạch Hương, Thị Xã Hà Tĩnh, Kỳ Tây, Kỳ Lâm – Kỳ Anh, Đèo Ngang… Đối với nhưng địa danh từng qua, anh đều ghi chép, mô tả tỷ mỷ trong Nhật ký của mình. Với danh thắng Đèo Ngang, Nguyễn Văn Thạc cũng đã dành cho địa danh nổi tiểng này một điểm nhấn thú vị trong cuốn Nhật ký của anh:
  “…Nhà như lá đa đậu lưng chừng núi
Sông suối ở đâu rơi xuống chân đèo
Đèo nhằm hướng Nam, đường nhằm hướng Nam
Xe  cũng nhằm hướng Nam vượt dốc
Bao nhiêu người làm thơ về Đèo Ngang
Mà quên mất con  đèo chạy dọc”

      Còn nói về biển Hà Tĩnh: “Biển đã ở ngay kia, dưới chân điểm cao nơi đơn vị mình đang chốt. Sắc biển thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Còn những con sóng miên man của biển thì cứ vô hồi xô vào bờ mà chẳng bao giờ hết cả…”. (trang 256)
    Quả là những trải nghiệm, hiểu biết thú vị của anh về thiên nhiên, con người Hà Tĩnh.
     Ở những trang khác của cuốn Nhật ký, Nguyễn Văn Thạc cũng đã dành những trang đặc biệt để nói về tình cảm quân dân “như cá với nước”, của của nhân dân Hà Tĩnh lúc bấy giờ dành cho những người lính ra trận: “…Ở đây, dù già, dù trẻ đều gọi bộ đội là “chú”…như thể đấy, ở đây người dân đã thấu hiểu, yêu thương và cảm phục anh bộ đội như con em của họ, ruột thịt của họ…” “… Vào bất kỳ nhà ai, người ta cũng hỏi: Các chú đi vô hay đi ra? Như vậy nghĩa là: đã vào đến Hà Tĩnh là ít nhất cũng sẽ được nhìn thấy chiến trường. Ít nhất cũng phải được một lần nắm lấy hòn đất còn đượm hơi lửa napan mà suy nghĩ đến những điều lớn lao của cuộc sống…”
     Nguyễn Văn Thạc cũng dành nhiều thời gian miêu tả về phẩm chất kiên cường, chí khí bất khuất anh hùng của con người Xứ Nghệ trong ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt và bom đạn của kẻ thù. Nguyễn Văn Thạc đã có những đánh giá nhận xét về cảm quan chính trị của Người Hà Tĩnh trong lửa đạn chiến tranh một cách sắc sảo, chính xác: “…Và ở họ có một sự nhạy cảm rất đáng quý về chính trị …Phải nói, mỗi người sống trên đất Hà Tĩnh đều có một một mối quan tâm đáng quý đối với đất nước. …- Đây là nơi đầu tiên mình nhìn thấy sự căm thù, khinh bi kẻ thù của dân tộc dữ dội nhất, mạnh mẽ nhất…Sự quan tâm đến vận mệnh của đất nước ở đây gắn liền với nỗi lo lắng của bản thân mỗi con người, mỗi gia đình… điều đó cũng hợp logic thôi…” (trang 212). Và có cả những dòng nói về sự rắn rỏi, hiên ngang của người Hà Tĩnh qua hình ảnh O Hồng - O dân công hỏa tuyến nhỏ nhắn nhưng rất gan dạ “…O Hồng chiều ni bắt đầu đi dân công hỏa tuyến ở Quảng Bình. O dọa ở nhà phải làm cơm tiễn đi… O vừa đi vừa lớn dậy… O đã và sắp đi vào hỏa tuyến - O đi thanh thản, hào hứng – O tung tăng đi đến chiến trường…” (trang 213)
     Anh có ấn tượng đặc biệt với bài thơ Gửi em cô Thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật với hành ảnh cô gái Thạch Nhọn – Thạch Kim…. Nguyễn Văn Thạc còn làm thơ về cô gái Thạch Nhọn - Thạch Kim:
“Ở đâu rồi em, cô TNXP
Thạch Kim –Thạch Nhọn
Trời Hà Tĩnh là một trời đưa đón
O gái nào anh cũng nghĩ là em
Có phải em là o giao liên
Đi vội vã giữa ồn ào lính trẻ
Đêm chẳng bình yên mà yên lành thế
… Đường rất thơ là đường hành quân…”
(trang 229 và 230)…
     Tuy chặng đường hành quân rất vội, khoảng thời gian dừng lại ở Hà Tĩnh không lâu nhưng Nguyễn Văn Thạc tỏ ra rất hiểu vùng đất và con người nơi anh đang đứng và tỏ rõ một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất này thể hiện qua những trang nhật ký với một thái độ trân trọng. Nếu có ngày trở về chắc chắn thế nào anh cũng quay lại thăm mảnh đất đã in dấu chân anh trước khi vào trận và biết đâu !!!... Nguyễn Văn Thạc đã hóa  thành  một trong những vì sao tỏa sáng trên bầu trời đêm Hà Tĩnh lấp lánh!
     Những đoạn viết trên đất Hà Tĩnh là những trang cuối cuốn nhật ký, lúc gần vào chiến trường nên những giọng văn cũng gấp gáp hơn, nhanh hơn, nhưng cũng tha thiết hơn.  Là người am hiểu về văn học nên những trang viết của anh trên đất Hà Tĩnh cũng quyện sánh chất văn, hơi văn của các tác phẩm văn học nổi tiếng, như: “Sông Đông êm đềm”, của nhà văn Sholokhop,.ví như đoạn “Ở đây, trên núi rừng Hà Tĩnh, người ta kể về câu chuyện tình đầy hấp dẫn của Gôrigôri và Ăcxinhia trong “Sông Đông êm đềm”. Hôm ấy Ăcxinhia mặc áo và váy mới, chiếc váy hoa dành cho ngày hội, hôm nay lướt trên bờ sông Đông êm ả. Cô nhìn Gôrigôri cưỡi ngựa và cặp mắt của họ nói hết với  nhau những điều thật khó nói… Gôrigôri chạy như bay xuống bờ sông, trong gió thoảng, tiếng cô gái xinh đẹp, cuống quýt – Anh Gôrigôri, em đi được mà, em đi được mà…” (trang 235). Tất cả đã làm cho con đường ra trận ở đây không có vẻ gì khốc liệt mà nó thật đẹp và lãng mạn.
       Ở những trang viết cuối cuốn Nhật ký, Nguyễn Văn Thạc còn đưa ra những phân tích, dự cảm cuộc đời và lẽ sống, về hạnh phúc và tình yêu, suy nghĩ, tình cảm trách nhiệm đầy đủ với đất nước giống như lời tuyên ngôn của của thế hệ các anh trao truyền, gửi gắm thế hệ mai sau. Những trang viết có vẻ như quá chín chắn, già dặn so với cái tuối 20 của anh, nhưng tất cả đều vụt lớn lên cùng với cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc giống như Paven Carosaghin của thời đại mới trả lời câu hỏi hạnh phúc là gì?
     Và kết thúc khép lại trang cuối cùng của cuốn nhật ký tại Ngã ba Đồng Lộc, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên “Máu qua tim máu lọc, xe vượt Ngã ba xe xốc tới Miền Nam” và đúng 02 tháng sau, Nguyễn Văn Thạc đã chiến đấu hy sinh anh dũng tại Thành Cổ Quảng Trị:
     “Kẻ thù không cho tôi ở lại - Phải đi - Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại (hai lần “khi nào trở lại”), tôi viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính”
                                                                                 Một ngày cuối tháng 5/72

                                                                                               Hà Tĩnh
                                                                                       Anh lính binh nhì
Kính chào Hậu phương – Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi -Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi.
                                                                                        3/6/1972
                                                                                Ngã ba Đồng Lộc       (trang 268)

       Những lời cuối thật da diết, đó là lời chào tạm biệt hậu phương, nhưng không ngờ đó lại là lời vĩnh biệt! Đất nước ngày chiến thắng, thống nhất hòa bình, bao người lính có ngày trở về thì đúng như những tiên cảm về sự ra đi của mình, Nguyễn Văn Thạc và bao người đồng đội khác đã nằm lại chiến trường không trở về!
    Cũng như nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc không phải là cuốn nhật ký bình thường nó chứa đựng rất nhiều điều: bức tranh sinh động về cuộc sống, cuộc chiến đấu, những quan niệm, lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu của tuổi trẻ, tuổi yêu, gắn liền với tình yêu Tổ Quốc. Tác phẩm không chỉ cho chúng ta hiểu thêm về qúa khứ mà còn cho chúng ta bài học về lý tưởng, lối sống của thế hệ cha anh đã sống và trải qua trong thời chiến tranh để thêm yêu quý giá trị của độc lập, hòa bình, tự do hôm nay. Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc đã mang đến hôm nay cái dư âm của cuộc chiến tranh chống Mỹ của những năm đầu thập niên 70, thế kỷ trước. Làm xúc động lòng người và dâng trào niềm tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta. Đọc nhật ký của anh, ta như được truyền thêm sức sống, tiếp thêm niềm tin và nghị lực trước những khó khăn phải vượt qua của đời sống để xây dựng một cuộc sống thật có ý nghĩa.
    Cái hay cái đẹp của “Mãi mãi tuổi 20” là những dòng nhật kí quý giá của người lính hy sinh cả tuổi xuân của mình cho đất nước bình yên. Những dòng nhật kí ấy mãi còn trong mỗi chúng ta, nhắc nhở thế hệ chúng ta phải sống xứng đáng với niềm tự hào dân tộc, xứng đáng là người con của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đối với Hà Tĩnh, những điều được thể hiện qua những trang Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, lại càng ngởi sáng lên, càng tự hào tô thắm thêm trang sử hào hùng về một vùng đất anh hùng của quê hương anh hùng.
 
 
                                                                                             Hà Tĩnh, tháng 6 năm 2020
                                                                                                       Lê Đình Hùng
 
. . . . .
Loading the player...