Càng có tuổi, người ta thường hay hoài niệm, lắng lòng tìm về với những ký ức khó mờ phai của một thời mình đã sống. Xin trân trọng giới thiệu hồi ký của tác giả Phan Như Tám, sinh năm 1938, một người con Hà Tĩnh xa quê, hiện đang sống tại Hà Nội.
Tác giả PHAN NHƯ TÁM
QUÊ MÌNH MỘT THỦA
( Trích từ tập hồi ký " Chuyện nhớ lại" )
….Một buổi trưa nắng như đổ lửa năm 1894 (Giáp Ngọ), bà Hoàng Thị Con đi chợ vừa về tới nhà thì đau bụng và đẻ rơi đứa con thứ hai ngay cạnh bờ tường xây bằng đá sát cổng ra vào. Ông Phan Bầu là chồng đang đi vắng xa nên bà vượt cạn một mình. Đứa con trai kháu khỉnh khóc to, miệng liếm láp đòi ăn. Gần một tháng sau ông Bầu về và đặt tên con là Phan Tường. Thủa nhỏ, cậu bé Tường là người thông minh sáng dạ, được gia đình cho ăn học tử tế, lên 10 tuổi đã thuộc lòng mặt chữ Tứ thư, Ngũ Kinh, 18 tuổi đã đi dạy chữ Hán.
Là người hay chữ, cậu thường được mọi người trong xã nhờ viết đơn, viết thư, làm các bản giao kèo, các giấy tờ mua bán bất động sản. Có lúc các vị Chánh Tổng, Lý Trưởng… cũng nhờ cậu làm sớ bẩm báo hay tấu trình việc công lên Tri huyện, Tri phủ. Ngoài việc làm thơ, viết sớ, viết điếu văn, viết di chúc giúp mọi người trong xã, cậu còn nổi tiếng về tài hát ví giặm, ví phường vải, sắc bùa, là người sáng tác (thầy gà) cho các Hội, các Phường. Ông Bầu và bà Con rất thương con trai khi thấy đêm thì đi hát, đi sáng tác cho các Hội; ngày thì giúp đỡ bố mẹ, không lúc nào được nghỉ tay. Hồi ấy, bà Bầu làm nghề tráng bánh đa để sinh sống. Chuyện sáng tác, đặt lời cho các Phường, các Hội, anh Tường cũng chỉ làm mỗi khi rỗi rãi. Có khi vừa giã bột, vừa đi gánh nước, nấu cơm vừa suy nghĩ, vừa ghi chép. Từ 6 giờ tối đến 8 giờ tối, họ đến ăn bánh và lấy bài hoặc lấy ý tưởng để chuẩn bị đi hát làm anh Tường không quay kịp. Nhiều nhóm hát đến tận khuya mới về, mẹ vẫn chong đèn chờ con.
Bà Hoàng Thị Con đã rất ưng ý khi nhìn thấy người con gái thứ hai của ông Nguyễn Đình Nhâm người xóm Trúc Trung là chịNguyễn Thị Đôi mới 17 tuổi, tính tình nết na, thùy mị. Nhiều lần đi chợ qua ngõ nhà ông Nhâm, bà Con cố tình đi chậm lại, hoặc dừng chân nghỉ một lúc, ghé mắt qua khung cửi ngắm nhìn chị Đôi ngồi dệt lụa. Chị có nước da trắng trẻo mịn màng, mái tóc đen dày và dài chấm đất, mỗi lần chải tóc phải đứng trên giường, thường thường phải vấn tóc đến mấy vòng mới hết. Những hôm đi chợ, chị Đôi thường hay ghé qua hàng bánh đa của bà Bầu, nhẹ nhàng lễ phép chào bà trong e lệ, bà nở nụ cười âu yếm đáp lại. Bà đã quyết định nhờ bà mối mang trầu cau sang thưa chuyện cùng ông bà Nhâm. Thật ra, anh Tường và chị Đôi cũng đã để ý đến nhau từ lâu. Trong những đêm vui hát, chị Đôi từng gửi gắm:
“Đôi ta như đũa trong so
Không bắt mà bén không so mà tày”
Anh Tường đã ứng khẩu lại rằng:
“Đôi ta như đũa song đòng
Đẹp đôi lại đẹp cả lòng mẹ cha”
Một giọng nữ cất lên từ phía các cô gái xóm Trúc nghe như than vãn, trách móc về sự chậm chân của mình:
“Yêu nhau thương trộm nhớ thầm
Chàng về ẩn bóng cây nhâm mất rồi”
Câu hát đó ý muốn nói anh Tường sẽ làm rể ông Nhâm. Chữ “ẩn bóng cây Nhâm” là ý như vậy. Anh Tường vẫn khẳng định tình yêu của mình với chị Đôi nên trả lời lại rằng:
“Xin ai đừng nhớ đừng mong
Đừng yêu lẻ bóng đừng trông một hình”
Bùi Xá là vùng quê có truyền thống văn hóa, nặng lòng với hát ví giặm, một món ăn tinh thần mãi theo cùng năm tháng. Có lần, tôi được nghe ông Phan Khương trong họ kể rằng: Một năm vào mùa nước lũ lên to, ánh trăng sáng loáng cả xóm làng hòa vào nước lũ lấp lánh vỗ vào bờ đê. Phía bên kia là 10 cô gái xóm Trúc ngồi trên một chiếc thuyền ba ván, họ chèo ra giữa bờ ao cạnh đê gần nhà thờ Đạo thôn Hạ Tứ. Bên này, các anh ở xóm Đình Làng Đông ngồi trên một chiếc thuyền thúng (thuyền nan đan bằng tre) bơi thuyền lại gần nhau. Cuộc hát đối đáp đến mãi gần sáng, trăng đã lặn, gà đã gáy canh tư mà hai bên vẫn say sưa. Chị Đôi có giọng hát dịu dàng ngọt lịm luôn dẫn đầu trong tốp nữ với những câu hỏi mà đám trai làng Đông không sao đối nổi. Họ chỉ còn trông cậy vào tài xuất khẩu thành thơ của anh Phan Tường. Anh có giọng hát ấm áp, mượt mà truyền cảm lại vừa đẹp trai nên các cô gái bên kia thường tung ra những câu hát buộc anh phải trả lời:
“Cây Chanh nằm cạnh bờ Tường
Có ai sửa túi yêu thương chưa chàng?”
Đây là câu hỏi khó và thú vị vì khi nói “Cây Chanh” “Bờ Tường”, họ có ý khéo nhắc tên của Phan Sành (tự là Chanh) và Phan Tường là tên tục của hai anh em ruột. Anh Tường cất lời đáp lại một cách tế nhị:
“Tiện đây thưa thật với nường (nàng)
Chanh này xin được tỏ tường gần xa
Dù ai ngắt lá hái hoa
Chỉ cần hai trái sẽ rộ ra cả vườn”
Phía bên nữ thẹn thùng lặng lẽ, nên bên nam lại hát tiếp:
“Anh quen năm ngoái lại dừ (giờ)
Cơi trầu anh mang đến em chối từ không ăn?”
Bên nữ đáp:
“Có phải mô anh rứa mô anh
Năm qua em bé nhỏ chưa dám ăn trầu người”…
Vào năm 1921, anh Phan Tường và chị Nguyễn Thị Đôi lấy nhau khi chồng 27 tuổi, vợ mới17 tuổi. Đón con dâu về nhà, bà Bầu dạy cho con dâu từng ly, từng tý. Chị Đôi cần cù, chịu khó thức khuya dậy sớm, làm hết những công việc trước đây của mẹ và chồng. Hàng ngày cứ 4 giờ sáng thì chị đã dậy, một mình giã xong 20kg bột vào lúc 7 giờ sáng, rồi dọn hàng, sắp bánh, miến bột vào quang gánh, chuẩn bị lò than, nhẹ nhàng gọi mẹ dậy đi chợ. Khi mẹ chồng dậy thì chị Đôi đã gánh hàng lên chợ, quét dọn chỗ ngồi sạch sẽ, quạt lò than cho hồng rồi đi mua quà sáng, khi thì tấm bánh đúc với mấy lát lòng lợn còn nóng hổi chấm mắm tôm, khi thì dăm lá bún với mấy con cá trích nướng rất thơm mà mẹ chồng vẫn ưa thích. Làm giúp mẹ đến gần trưa thì chị lại vội vàng về nấu cơm chờ mẹ về mới dám ăn dù quá bữa. Cơm nước xong, chị ra sông gánh nước giặt giũ và chuẩn bị vào buổi chiều tráng bánh.
Gần một năm sau ( 1922, Nhâm Tuất), bà Bầu vô cùng sung sướng khi thấy con dâu trở dạ. Anh Tường và chị Đôi sinh con gái đầu lòng đặt tên là Phan Thị Chắt. Mấy năm sau, anh Tường có những chuyến đi buôn xa bằng thuyền. Số là bà Bầu góp được một ít tiền đã mua hẳn một chiếc thuyền mành (thuyền to) có thể đi biển được. Anh Tường thuê thêm người chèo chống phụ giúp. Thuyền của anh ra Thanh Hóa, Nghệ An, vào Kỳ Anh, Quảng Bình hoặc ngược lên Ngàn Trươi, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Cả. Hàng mang về là nước mắm, cá, mực, tôm, moi khô, ngô, khoai, sắn…Những đêm khuya thanh vắng, thuyền của anh Tường chở nặng hàng từ Thượng nguồn Ngàn Phố, Ngàn Sâu dong buồm xuôi về Tam Soa, sông La Đức Thọ, Bến Thủy. Mỗi lần trở về, thuyền của anh Tường về đậu bến bà Ngự, nơi có những bậc đá rộng rãi vững chắc với những cây bàng, sung đại lão đã tồn tại mấy trăm năm soi bóng xuống dòng sông La râm mát. Bà con trong xóm, trong xã tấp nập ra bến mua hàng, chuyển giúp hàng làm rộn rã cả một khúc sông. Họ kêu to: “Thuyền của anh Tường Chanh đã về!”. Đây là tên gọi thân thương của bà con dành cho anh Tường đã trở nên quen thuộc cho mãi tới sau này. Thậm chí cho đến đời con cái của ông Phan Tường sau này, có nhiều người vẫn gọi là Hảo Chanh, Bảy Chanh, Tám Chanh...
Anh Phan Tường có tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ phong kiến, quan lại và xót thương cho những người khốn khổ. Anh đã sáng tác nhiều bài vè, bài thơ, ví giặm để chống sự áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 30- 31, anh tham gia Hội Nông dân Đỏ, từng tham gia cầm cờ Búa Liềm đi biểu tình ở Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh cùng những người lân cận xã Bùi Xá tổ chức biểu tình ở Trạng Ngang. Bọn mật thám theo dõi và cho rằng anh lợi dụng thuyền đi buôn bán để liên lạc, đưa thư từ, tài liệu, truyền đơn cho cộng sản. Một lần, tại Đồn Linh Cảm (Bến Tam Soa), chúng thu được trên thuyền của anh Phan Tường nhiều bài thơ chống thực dân Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến tay sai và một bản danh sách của Nông Hội Đỏ. Chúng bắt anh giải về Huyện đường để giam và tra tấn. Anh một mực không khai mà chỉ nhận rằng: Bản danh sách đó ghi tên những khách nợ tiền hàng, còn các bài thơ thì khai nhặt được ở Bến đò chưa kịp đi nộp cho nhà chức trách. Sau hơn một tháng tra tấn dã man, chúng cùm chân tay anh và đánh đập, đêm thì bắt nằm đất, không chiếu chăn dù đang lúc mùa đông giá rét. Mặt khác, chúng lại cho lính Pháp và bọn tay sai về lục soát nhà cửa ở quê suốt mấy ngày và niêm phong nhà cửa. Qua hơn một tháng trời tra tấn nhưng không thu được chứng cứ gì mà thân thể anh đã kiệt quệ nên chúng báo gia đình mang cáng võng đưa anh về tự lo thuốc men chạy chữa. Sau chuyến bị bắt ấy chúng cấm anh không được đi xa (coi như bị quản thúc). Mặt khác, chúng cử tên Đội Lùn và một toán lính khố đỏ, khố xanh về Bùi Xá đốt gần chục ngôi nhà và bắt bớ những người nghi là cộng sản.
Vào khoảng năm 1938, khi phong trào cách mạng dân chủ ở Pháp đấu tranh và phát triển mạnh mẽ, ông Phan Tường lại được tự do lên thuyền chèo lái đi buôn. Người làm nghề sông nước luôn lấy tâm linh làm trọng. Trước khi xa khơi làm lễ nhổ sào cầu mong trời yên biển lặng. Khi thuyền cập bến về nhà cắm sào thì sắm lễ vật gọi chút lòng thành tạ lễ. Một lần, thuyền ông Phan Tường đang ngược lên Ngàn Phố thì phát hiện một thi thể người chết đuối. Ông cho thuyền dừng lại và vớt người xấu số lên bè, mua quan tài, vải liệm, hương hoa, lễ vật và nhờ nhân dân địa phương mai táng bên cánh đồng hoang. Gần một năm sau(chính xác là kém 2 ngày) khi có dịp đi qua bờ hoang đó, ông cho thuyền dừng lại để thắp hương cho người xấu số đó nhân ngày giỗ đầu. Ngôi mộ lúc này đã bị cỏ dại và lau sậy phủ kín. Ông cùng thợ dọn dẹp, phát quang và đặt bia đá và ghi ngày mai táng. Đúng hai ngày sau, khi ông neo thuyền vào một làng vực eo sông ở một vùng rừng núi để bán hàng thì gặp một người phụ nữ còn trẻ và hai đứa con đang ngồi lăn lộn vật vã, khóc lóc bên cạnh một cái bàn có để hình nhân, hàng mã, quần áo, dép, mũ, gạo, muối, hương hoa. Ông hỏi mấy người dân thì họ cho biết: Chồng chị ta chết đuối đã một năm, khi cơn lũ tràn về và sạt lở cuốn theo cả chồng, đến nay chưa thấy xác. Ông Phan Tường linh tính có điều gì trùng hợp ngẫu nhiên, lại gần ba mẹ con để hỏi cặn kẽ hơn. Chị ta kể rằng: Chồng chị khoảng 30 tuổi, đầu vừa cạo trọc được hai hôm, vì mắc bệnh da liễu nên bôi thuốc xanh cả đầu, mặc quần nâu có dây rút, áo ngắn tay cổ vuông, có túi bên ngực trái. Ông Phan Tường xúc động nghẹn ngào: - Chị ơi! Tôi là người chôn cất chồng chị ở nơi rất an toàn, sạch sẽ, cách đây 50 cây số thôi. Chờ tôi bán hàng xong tôi sẽ đưa gia đình chị về viếng mộ anh ấy! Bà con vùng núi đó nghe tin chị Nhị đã tìm được xác chồng, tấp nập kéo ra bờ sông, người thì mua hàng, người thì trông mặt người ân nhân tử tế. Trưa hôm ấy, ông Phan Tường chở bố mẹ, vợ con họ về nơi mai táng chồng chị. Vừa thắp hương cho con, cho chồng, cho bố xong, ba mẹ con khóc thảm thiết, quỳ lạy và ôm chặt chân ông Phan Tường làm ông cũng khóc theo. Sau đó, ông Phan Tường đưa cả gia đình người gặp nạn vào trình báo với Lý trưởng và viết giấy cam đoan đây là phần mộ của họ. Ba năm sau, họ tới nhà ông Phan Tường, xin ông cho phép gia đình bốc mộ người xấu số đó về nơi cắt rốn chôn rau. Cụ bà Hoàng Thị Con cùng con dâu là Nguyễn Thị Đôi sắm sửa lễ vật đầy đủ rồi theo thuyền lo việc bốc mộ và đưa hài cốt về nơi an nghỉ ở quê họ.
Sông quê. Ảnh: Bảo Phan
Năm 1940, cụ bà Bầu ốm nặng qua đời, khi đã hơn 80 tuổi. Sau khi mẹ mất được 4 năm, ông Tường lâm bệnh tái phát thần kinh tọa rất nặng, phải nằm tại chỗ. Bà Đôi vay tiền đi bốc thuốc chạy chữa cho ông nhưng chẳng hề thuyên giảm. Trong nhà có thứ gì giá trị như mâm thau, nồi đồng, giường tủ đều bán hết. Khu vườn đang ở rộng khoảng 600m2 phải bán đi một nửa để lấy tiền ăn và thuốc men. Bà Đôi lại nối tiếp nghề nghiệp của mẹ chồng truyền lại là tráng bánh đa để sống. Nhưng thời kỳ ấy thóc cao gạo kém, mất mùa liên miên, khi thì hạn hán, khi thì úng lũ, vỡ đê, rồi sâu keo phá hoại, có những cánh đồng trắng xóa một màu (người ta gọi là bạch định). Trong nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) riêng ở Bùi Xá đã ngót trăm người bị chết, có gia đình chết tới 3- 4 người. Những bãi tha ma như Trạng Kho, Trạng Trúc, Trạng Bại, Ba Đô, Trạng Cự… người chết đói khắp nơi đổ về không kể xiết. Đi ra đường nhất là đoạn từ đền Làng Khê vào chợ Cầu, đoạn từ xóm Mới xuống chợ Trổ, gốc cây dừa nhà bà Huê, thấy cơ man là những xác người gục vào nhau mà chết. Thương tâm cho những đứa bé cố đem chút sức tàn giằng xé lên hai bầu vú của người mẹ đã tắt thở từ lâu. Các ông Lý trưởng, Chánh tổng bắt phu đi chôn xác chết thật thê thảm, những người chết không họ không tên, không quê quán. Những người đi chôn cũng đói lả còn sức đâu mà đào huyệt nên bới đất lấp qua loa, không hòm không chiếu, một vài ngày sau những đàn quạ tranh nhau đào bới, mùi hôi thối xông lên cả một vùng.
Khi ông Phan Tường ốm nặng, cảnh đói khát đang đe dọa từng giờ thì lại phải đối mặt với ông Thập Xanh hàng ngày kéo lê cái chân tàn tật đến nhà đòi nợ thuê. Nếu chưa có tiền trả thì ông ta ăn vạ, bắt phải có rượu thịt đãi mới chịu về. Ông Thập Xanh là một người rất nghèo không nhà cửa, vợ con, quanh năm sống ở các lều trong chợ, ngày thì lang thang đến các gánh hàng bánh đúc, bánh ngô… cái gì ăn được ngay thì ông ta xin, nếu không cho thì cướp và bỏ vào cái nón để ăn dần. Chân ông bị thọt đi cà nhắc, mồm thì méo, mắt lộn tròng. Ông đến đâu thì chó cắn đuổi đến đấy, từ trẻ con cho đến người già hễ trông thấy ông ta ai ai cũng sợ.
Cuối tháng Ba năm Ất Dậu (1945), lúa ngoài đồng đã ngậm sữa, thỉnh thoảng có thửa đã chuyển màu vàng mơ, báo hiệu mươi bữa nửa tháng là có gạo non để ăn. Đói quá, người ta phải cắt lúa non về rang lên, xát sạch vỏ, những hạt gạo còn non sữa, thỉnh thoảng mới có hạt teo lại như hạt cốm, họ nấu cháo, có nhà cắt lúa đang ngậm sữa về nhai kỹ nuốt nước nhả bã ra. Những cây chuối trong vườn đều bị đào lấy củ để ăn, những cây mía non chưa có mùi đường, những quả mít, quả chuối còn non đều phải chặt nấu cháo.
Ngày 27/3 Ất Dậu (1945), ông Phan Tường mất khi tuổi mới 52, để lại cho bà Đôi 7 đứa con. Dù không theo đạo Thiên Chúa nhưng đám tang của ông được một vị linh mục quản xứ Đạo Đức La vốn là bạn thân tới làm lễ ban phép thánh. Sau khi ông Phan Tường mất, bà Đôi phải bán bớt 2 gian nhà ở hai đầu để trả nợ. Nguyên trước có 5 gian nhà cổ bằng gỗ lim được ông bà Phan Bầu xây dựng từ năm 1880, trên xà thượng có một dòng chữ Hán “Năm Tự Đức thứ 33 Canh Thìn”. Nhà ngoảnh mặt hướng Đông Nam, có năm gian, gian giữa để thờ tự, phía trên là bộ bàn thờ bằng gỗ mít được sơn son thiếp vàng, phía dưới đặt một bộ ván lim rộng một chiều 2m, một chiều 2,2m, dày 10 phân. Hai gian cạnh đặt 2 cái giường lim, một bộ giá sách, một bộ bàn ghế tràng kỷ. Hai gian nhà hồi là phòng ngủ và làm nhà kho. Những cái cột lim tròn to đen bóng được kê trên những viên đá Thanh vuông vắn 40 x 40cm. Xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim dày 25 x 15 phân, các vì kèo được chạm trổ công phu. Toàn bộ khung nhà vừa cao và rộng, vừa chắc chắn, trên trần được lát ván vàng tâm, ván dỗi để người đi lại phòng khi lũ lụt thì cả nhà lên đó, ăn ở nấu nướng. Nhà được lợp bằng tranh hèo, được bện thành từng tấm dài khoảng 1- 1,2m, có thể sử dụng trên 50 năm. Hầu như cả làng tôi không ai có loại tranh này. Lợp tranh hèo thì thoải mái đun nấu trong nhà, vì khói càng xông lên, tranh càng vàng óng không hề bị mối mọt. Ở nhà lợp tranh hèo vừa mát lại vừa thơm, không nóng như lợp ngói, không chóng hỏng như lợp lá cọ, lá mía. Vách ngăn của 5 gian nhà đều bằng gỗ vàng tâm không dùng phên nứa, tất cả các bộ cửa, kể cả cửa sổ đều làm bằng lim dày 6 phân. Bục cửa là những súc gỗ dày mỗi chiều 15 phân và 25 phân, cứ mỗi gian có 4 cánh cửa, mỗi cánh rộng 50 phân, phía trong có then cài, phía ngoài làm ổ khóa. Phía dưới bục cửa để cách mặt đất 10 phân để lấy gió cho thoáng mát, cánh cửa được chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Nhà cửa đẹp đẽ như vậy mà bà Đôi phải cắt ruột bán bớt 2 gian hai đầu để trả cho hết nợ.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, Pháp Nhật đánh nhau thì máy bay Pháp ném bom làm cầu Thọ Tường ở Thị trấn Đức Thọ bị sụp đổ ngổn ngang như rào bị bão, thuyền bè đi lại trên dòng sông La bị tắc nghẽn. Thừa cơ, Ủy ban khởi nghĩa huyện Đức Thọ đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Lúc đó, tôi là đứa con thứ Tám của ông Tường và bà Đôi mới 8 tuổi đầu đã đi theo mẹ nhập vào đoàn biểu tình tập trung ở nhà thờ Cố (Nghĩa Yên) nghe diễn thuyết. Tôi nhớ có một người đàn ông cao to, đứng trên một cái bàn đặt trên bậc cửa lên xuống của nhà thờ. Ông ta nói gì tôi không nhớ, chỉ thấy hàng ngàn người cầm gậy gộc, dao, mác, mã tấu, cuốc xẻng… nhất loạt hô to: “Đánh đổ! Đánh đổ!Đánh đổ!”, rồi lại “Muôn năm! Muôn năm!” Họ vừa đi vừa hô: Xông lên! Xông lên! Xông lên! Tôi cũng theo đoàn người, hô to khản cả cổ. Tôi và mẹ chạy theo đoàn người về tập trung chật ních trước Huyện đường Đức Thọ. Lại thấy một đoàn người ở trên đê phía Đức Phong đi xuống và một đoàn ở Sông La lên, cùng nhau kéo về thị trấn cho đến mãi tới 6 giờ tối mới tản ra về. Sau này tôi mới biết đó là ngày cướp chính quyền ở huyện và người diễn thuyết trước nhà thờ Cố là ông Mai Trọng Đạn, một cán bộ của Cộng sản mà những năm 1930- 1931 đã từng nhiều lần tới gặp gỡ bố tôi là ông Phan Tường trong đêm khuya để chuyển thư từ, tài liệu vào Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà. Khi ông Tường mất, ông cũng đã có mặt để phúng viếng.
Những năm 1956- 1957, hàng ngày mẹ tôi vẫn đi chợ bán miến, bán bột lọc ở chợ thị trấn Đức Thọ. Tới những phiên chợ Nhe, chợ Tổng cách nhà hàng chục cây số, bà phải dậy từ 4 giờ sáng mãi tới 8 giờ tối mới về nhà. Những ngày mưa gió đường qua đê, qua đồng bùn lầy đến tận cổ chân, trơn như mỡ, mười ngón chân phải bấm xuống đường đến bầm máu để lê từng bước. Những ngày nắng hè thì ngồi phơi lưng suốt ngày dưới nắng như thiêu như đốt với gió Lào cháy bỏng. Thế mà, hàng hóa có bán được là bao, tiền lãi chỉ đủ mua thức ăn trong ngày. Một hôm, khi mẹ tôi nghỉ chợ sáng để chuẩn bị cho phiên chợ chiều thì có họa sỹ Nguyễn Phan Chánh trong Thị xã Hà Tĩnh đi qua nhà rao vẽ tranh chân dung. Hôm ấy, họa sĩ mặc áo the đen, quần lĩnh trắng, mang cái ô và cái tráp gỗ đựng bút mực, giấy, giá vẽ. Anh Phan Lương Hảo là con trai trưởng của ông Tường, bà Đôi đã mời ông vào nhà vẽ cho mẹ bức chân dung để lo chuyện mai sau. Ban đầu, mẹ tôi không chịu vì sắp đến giờ đi chợ. Ông Nguyễn Phan Chánh cũng động viên: Tôi sẽ không làm phiền lâu đâu, chỉ cần bà ngồi cho dăm bảy phút thôi là được! Nghe vậy, mẹ tôi mới đồng ý ngồi xuống ghế. Người họa sĩ tài danh này vội vàng lấy giấy bút, phác thảo qua đôi mắt, cái mũi, cái miệng. Chỉ vậy rồi thấy ông mời mẹ tôi đứng dậy soạn sửa đi chợ, còn đầu tóc, tai, mặt, quần áo ông bảo về nhà hoàn chỉnh và gửi lại gia đình sau. Nhờ may mắn gặp được người họa sỹ tài danh này mà bây giờ gia đình tôi mới có bức chân dung vừa giống vừa đẹp để con cháu phụng thờ.
Do lao động quá sức, sinh nở 10 người con, 5 trai 5 gái nên mẹ tôi bị lâm bệnh nặng, chưa khỏi đã gắng sức đi chợ. Đã 12 năm kể từ khi cha tôi mất, cuộc sống của mẹ đã trôi qua những ngày lận đận, hết nuôi con nhỏ lại lo dựng vợ gả chồng cho 5 đứa con. Mùa rét cuối năm Bính Thân, mẹ tôi bị cảm lạnh, sưng phổi cấp nhưng không phát hiện ra, thuốc thang không kịp chữa, chỉ trong 3 ngày nghỉ chợ đã lặng lẽ ra đi vào lúc 9 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân (đầu năm 1957). Khi sắp mất, mẹ đã gọi tôi vào và gắng dặn dò mấy câu, đưa túi đựng tiền hàng ngày đi chợ bảo tôi trả nợ tiền hàng, tiền hàng xóm nhờ mua trầu cau, tiền chuẩn bị mừng tuổi đầu Xuân cho các cháu. Mẹ tôi gọi chị Kim là con dâu đầu lúc đó làm nghề hộ sản ở xã và cháu Hạnh là con gái đầu của anh Hảo, chị Kim lại nhưng không nói thành lời nữa mà trút hơi thở cuối cùng. Tôi nhẹ nhàng vuốt mặt cho mẹ mà lòng đau như cắt. Tôi gào khóc, nước mắt dâng trào, tối tăm mặt mũi. Chân tay lập cập, tôi vội trèo lên cây bưởi trước sân nhà bẻ những lá xanh tươi nhất vào đun sôi để rửa mặt, lau người và chân tay cho mẹ. Tôi đi báo tin cho các anh chị và bà con chòm xóm, họ hàng biết để nhờ lo liệu giúp đồng thời chạy đi thanh toán các khoản nợ mà mẹ đã dặn khiến mọi người vô cùng cảm động.
Ngày hôm sau là mồng Một tết Đinh Dậu (1957) nên buộc cả nhà phải lo tang lễ cho mẹ trong nội nhật ngày 30 Tết. Được sự giúp đỡ của bà con nội tộc nên tới 5 giờ chiều cùng ngày mẹ tôi đã được an táng tại trạng Đồng Hoa dưới, trước đền Làng Đông, cạnh Cầu Lái, giáp xã Đức Nhân. Khi mọi người đã ra về hết, tôi ở lại đào những mảng cỏ ghép lên thành một ngôi mộ xanh rờn. Chiều cuối Đông năm ấy mưa không nặng hạt, nhưng rét ngọt lạ thường. Mẹ tôi vĩnh biệt con cháu khi mới chỉ 54 tuổi (1904- 1957). Mẹ ra đi gấp quá nên không gặp được các con trai là anh Hảo, anh Xương, các con rể là anh Liễu đang ở Hà Nội, anh Đích đi sửa sai ở Kiến An, anh Tài bị ốm không sang được. Sáng hôm sau tuy là ngày đầu xuân nhưng bà con thân thích vẫn tới phúng viếng. Họ đặt lên bàn thờ những tấm bánh chưng, bánh tét, quả cam, nải chuối, làm vợi đi chút ít nỗi đau, vì năm ấy nhà tôi không có Tết và cũng chẳng mua sắm gì. Theo phong tục, tôi không đi đến nhà ai, buổi sáng tôi đi ra thăm mộ, thắp hương cho mẹ rồi về quanh quẩn trong nhà. Từ đấy, chúng tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng mãi không bao giờ quên hình ảnh người cha, người mẹ đáng kính của mình. Mọi người trong gia đình đều ân hận, xót xa vì chưa ai làm được điều gì dù là rất nhỏ gọi là đền ơn đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Tới năm 1994, mấy anh em chúng tôi mới xây được lăng mộ để đón ông bà, bố mẹ về yên nghỉ tại nghĩa trang Cả Ngư…
Quê mới. Ảnh: Linh Châu
Tôi xa quê đã hơn 60 năm, nay đã sang tuổi 81, mỗi lần về thăm quê đều đến viếng mộ ông bà, bố mẹ, dâng hương tổ tiên ở nhà thờ, thăm hỏi bà con họ hàng, chòm xóm. Gần đây, tôi thấy bộ mặt quê hương Bùi Xá không ngừng đổi mới, ruộng đồng thẳng cánh cò bay, không còn cảnh cánh đồng nhấp nhô nơi thấp nơi cao như những năm tôi còn làm ruộng. Con đê La Giang cao rộng, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa nên xe ô tô có thể chạy về các ngõ nhỏ trong làng. Trường học, trạm xá, trụ sở Ủy ban, Nhà văn hóa xã trông khang trang đẹp đẽ. Đền Cả linh thiêng được phục hồi, Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ, Bia tưởng niệm chứng tích chiến tranh kho Mý được xây dựng. Lưới điện về tận từng nhà, nhiều gia đình có xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại cố định, di động. Tiếng chuông nhà thờ hai họ Đạo ở Hạ Tứ và Yên Xá vẫn dõng dạc ngân vang mỗi sáng mỗi chiều. Tôi chỉ luyến tiếc không còn được nghe tiếng chày giã bột làm miến, làm bột lọc, tiếng kéo che làm mật du dương trầm bổng của một thời. Nhưng bù vào đó là việc được chứng kiến sự lãnh đạo tận tâm tận lực của Đảng ủy, chính quyền và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của người dân. Thành công này gắn với bao nhiêu xương máu của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh cũng như các Mạnh thường quân đã cùng với nhân dân Bùi Xá cần cù, giản dị, tiết kiệm, hiếu học, một lòng đi theo Đảng.
Cuối năm 2017, chúng tôi rất vui mừng khi biết tin Bùi Xá được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và vẫn luôn tin tưởng quê nhà với truyền thống cách mạng kiên cường sẽ tiếp tục phấn đấu thành xã kiểu mẫu, có kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, xứng đáng là xã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Đó không chỉ là mong ước của những người đang sống mà chắc còn là cả tâm nguyện của những người đã khuất và cả những người con xa quê vẫn luôn hướng về quê Bùi Xá anh hùng với một tình cảm yêu thương trân trọng.
Hà Nội, thu 2018
P.N.T