Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Ngô Thế Lý, Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Lý luận phê bình
Ngày tháng năm sinh: 2 - 9 - 1951
Quê quán: Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Nơi thường trú hiện nay: Khối phố 5, Phường Tân Giang, Tp.Hà Tĩnh
Nơi công tác: Cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh đã nghỉ hưu
Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: LLPB Năm kết nạp: 1993
Địa chỉ liên lạc: Số nhà 06, ngõ 4, đường Nguyễn Hữu Thái, TP.Hà Tĩnh. ĐT: 0912077437
Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: Đã có tác phẩm LLPB và thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương
Tác phẩm tự chọn:
NHỮNG SUY NGẪM VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT’
CỦA ĐỨC BAN
(Đọc tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất”, Đức Ban, NXB Hội Nhà văn, 2014)
Truyện ngắn trong những năm gần đây đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả trong cả nước. Truyện ngắn là một thể loại văn xuôi hấp dẫn với cả người đọc và người viết. Các cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ và các tập truyện ngắn chọn lọc đã khẳng định những thành tựu của thể loại truyện ngắn. Có thể nhận thấy: truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn hiện thực cuộc sống, nắm bắt đời sống rất riêng; là những chi tiết cô đúc có dung lượng lớn, phản ánh con người trong xã hội hiện đại chống lại sự tha hóa đạo đức lối sống trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay. Trong dòng chảy của truyện ngắn hiện đại, tập truyện ngắn “ Giọt nước mắt màu đất” của nhà văn Đức Ban đánh dấu sự thành công trên nhiều phương diện: phạm vi phản ánh cuộc sống hiện thực sâu sắc, cách viết bình dị mà ám ảnh người đọc, kết cấu truyện linh hoạt, ngôn ngữ chọn lọc mang tính cá thể cao.
Thông thường truyện ngắn chỉ miêu tả khoảnh khắc của một đời người, nó như một nhát cắt trong những biến động cuộc đời của mỗi con người. Nhưng truyện ngắn của Đức Ban lại dồn nén, khái quát tương đối trọn vẹn cả cuộc đời của nhân vật. Tập truyện phản ánh nhiều góc độ của xã hội, mỗi cảnh ngộ, mỗi nhân vật đều buộc người đọc phải suy ngẫm về thế thái nhân tình trong xã hội hôm nay.
Truyện “ Trong mưa” , Đức Ban đã chọn một khung cảnh rất quen thuộc của xã hội hiện đại ( quán cà phê ) ở đó chỉ cần một bức tranh treo tường và sự xuất hiện của các nhân vật: hai cô gái, ông già với một phụ nữ, người đàn ông mặc com lê…Tất cả đều được chọn tả rất tinh tế qua vài nét phác họa, người đọc cảm giác như một xã hội thu nhỏ và các mẩu đối thoại giữa Hắn và tôi. Thế mà người đọc cảm thấy nghẹt thở, ngột ngạt như chính cái ngột ngạt trong truyện. Nhân vật Hắn cô độc đến khó chia sẻ. Nhân vật Tôi rất muốn chia sẻ nhưng cũng không thể tiếp cận. Bi kịch của con người trong xã hội hiện đại là rơi vào cô đơn giữa một xã hội đông đúc, ồn ã, sôi động. Con người phải gánh chịu rất nhiều bất hạnh, cô đơn đến tuyệt vọng.
Đọc truyện “ Người đàn bà bên cầu Giằng” ta cảm thương cho cuộc đời của người phụ nữ ấy. Người đọc ngẫm ngợi về nỗi khổ như truyền kiếp của những phận nghèo. Người dàn bà ấy không những chỉ khổ vì nghèo như cha ông chị mà còn gánh một nỗi đau là cô độc giữa cuộc đời chẳng ai quan tâm đến chị. Hình ảnh một bà già cứ bám chặt vào mặt cầu… như bà cố bám lấy cái quá khứ - dù là quá khứ khổ đau nhưng vẫn còn chan chứa tình người.
Viết về nỗi buồn và số phận con người, các truyện ngắn của Đức Ban đã chạm đến nỗi đau, sự dằn vặt của con người trước những mưu sinh, toan tính trong cuộc sống. Giai điệu buồn, thấm trong cuộc sống của ba người cán bộ văn hóa thị trấn miền núi Sơn Lĩnh. Cuộc đời của họ “ không có chi để vui vẻ, không có chi để mong đợi”, cứ “mốc meo” theo năm tháng. Kết cục số phận của họ cũng thật buồn thảm. Kẻ chạy theo vòng xoáy của đồng tiền phải trả giá bằng cái chết bi thảm; người dính dáng đến buôn bán bất hợp pháp phải gánh chịu tàn tật suốt đời ( Thăm thẳm rừng xanh). Hoặc câu chuyện đượm buồn về cuộc sống ngột ngạt, bế tắc của những con người trong “ công ty” xây dựng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Trong số họ, có người học hành giỏi giang có trình độ, do thất cơ lỡ vận phải làm trái nghề, phải bươn chải trong cuộc sống. Những khát khao ước vọng dù là nhỏ bé bình thường nhưng cũng khó thực hiện, khó thay đổi được số phận của họ.Tình yêu của Huyên với chị Hiền ( vợ nhặt) làm tăng thêm âm điệu buồn, nỗi đắng đót của câu chuyện. Truyện cũng ánh lên tình người, tình đời, lòng cưu mang mang tính nhân văn sâu sắc ( Bên đường phố).
Sống trong xã hội hiện đại, con người phải luôn chống lại sự tha hóa về đạo đức và lối sống. Nhưng lòng tham lam, độc ác, ích kỉ của con người luôn trỗi dậy khi có quyền lực và sức mạnh của đồng tiền. Cô gái trong truyện “ Nước chảy” đã dùng đồng tiền để sai khiến, để điều khiển nỗi bất hạnh, cứa vào nỗi đau mất mát của người đàn bà giúp việc. Chỉ vài nét miêu tả ngắn gọn, nhà văn đã nói đến sự băng hoại tột cùng của đạo đức con người, sự vô cảm tột cùng trước nỗi đau mất mát của người khác.
Nhân vật Ông, một quan chức cấp tỉnh đã tha hóa- có nguồn gốc tha hóa từ trước khi thành công chức. Bản chất ăn chơi sa đọa đã biến Ông thành kẻ độc ác, vô luân. Khi hết quyền lực, ông đã dằn vặt về những lỗi lầm do mình gây ra. Nhưng ông không trốn chạy được quá khứ. Gieo nhân nào gặt quả ấy, ông đã gục ngay ở bậc đá bến Duềnh ( Sóng bến Duềnh). Hình ảnh một người đàn ông khi anh ta là “ một bóng đen hình người dặt dẹo liêu xiêu trên cầu Giằng” cũng là người đàn ông to béo rất khó đoán tuổi- người chủ trì buổi lễ khánh thành cầu Giằng mới, con người ấy đã từng được người đàn bà cưu mang và dâng hiến phần đời đẹp đẽ nhất cho hắn. Nhưng quyền lực đã biến hắn thành kẻ phủi sạch quá khứ, thành kẻ vô ơn bạc nghĩa ( Người đàn bà bên cầu Giằng).
Đề cập đến các dự án và vấn đề đất đai, đây là đề tài hết sức nhạy cảm. Đức Ban nhìn nhận và phản ánh theo hướng khách quan, để hiện tượng, sự việc, không gian và thời gian nói lên tất cả. Bằng thủ pháp nghệ thuật vừa thực, vừa hư, hiện tại và quá khứ đan xen, truyện ngắn “ Chốn xưa” đã phản ánh khá chân thực một vùng quê đất đai trù phú, dân cư đông đúc, có lịch sử văn hóa hàng trăm năm trở thành một vùng đất hoang hóa, cỗi cằn vì một dự án mù mờ do ông quan chức tỉnh nọ muốn trục lợi. Tác giả đã tạo dựng một không gian hư ảo để bà lão gặp những vong linh, để Võ My như nhìn thấy bóng dáng của những người đã mất. Câu nói của bà lão với Võ My đã khái quát bản chất của con người trong xã hội hiện tại : “ Trên đời này có nhiều thứ bị xóa đi, bị quên đi. Tất cả bởi cái tâm của con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không thấy nhau, không cần nhau”. Trở về chốn xưa để trở về với sự bình yên, thanh thản, trở về với quá khứ văn hóa tốt đẹp, để tâm hồn con người được gột rửa bụi trần, sống thánh thiện hơn, cao cả hơn. Đó chính là thông điệp mà truyện ngắn muốn gửi gắm đến người đọc.
Lấy nhan đề một truyện ngắn đặt tên cho cả tập truyện “ Giọt nước mắt màu đất” thẳm sâu một nỗi đau, khiến người đọc phải suy ngẫm về cách hành xử của chúng ta hôm nay đối với đất đai mà tổ tiên đã bao đời gây dựng, đối với thiên nhiên muôn đời luôn gắn bó với con người.Truyện đưa người đọc tiếp cận với đời sống tâm linh của người Việt từ ngàn đời vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Đời sống tâm linh ấy là hồn cốt của dân tộc neo giữ cái quá khứ giữ đất giữ nước đầy máu và mồ hôi của con người trên quê hương xứ sở. Lối viết giản dị, đằm thắm, kết hợp giữa thực và ảo, giữa quá khứ và hiện tại, truyện ngắn“ Giọt nước mắt màu đất” xứng đáng là truyện ngắn hay, đặc sắc, ám ảnh người đọc bởi nhiều vấn đề mà nó đặt ra.
Trong tập truyện ngắn của mình, với kết cấu đa tầng đa nghĩa, Đức Ban thường có cách viết nêu ra vấn đề để người đọc có thể lý giải, suy ngẫm và đánh giá. Mỗi truyện ngắn chứa đựng những ẩn ý sâu xa. Thông qua những con người, những cuộc đời, nhà văn như muốn cùng người đọc tìm thấy cái được, cái mất, cái hạnh phúc, cái khổ đau của con người trong xã hội hôm nay.
Tháng 10 năm 2014
Ngô Thế Lý