Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết về nhà văn Trần Đắc Túc và truyện ngắn của ông
TRẦN ĐẮC TÚC, NHÀ VĂN CỦA LÀNG ĐỐNG
Trần Đắc Túc là một trong số ít tác giả văn xuôi đã khẳng định được tên tuổi, vị trí và những đóng góp của mình trong đời sống văn chương ở Hà Tĩnh. Nếu nhìn vào số lượng những tác phẩm đã in, có thể thấy ông viết không nhiều, ba tập truyện, bút ký đã in Mưa chuyển mùa (Nxb Hội nhà văn, 2004), Đêm làng Đống (Nxb Hội nhà văn, 2012), Ngó lên dáng núi (Nxb Đại học Vinh, 2012) gồm khoảng hơn hai chục truyện ngắn, mươi lăm bút ký không phải là con số lớn trong cuộc đời cầm bút của một nhà văn song những trang văn của Trần Đắc Túc đã đủ cho người đọc nhận diện về một cây bút văn xuôi có tầm, và đặc biệt có tâm với văn chương và cuộc đời. Chữ có tầm ở đây cần được hiểu theo một nghĩa tương đối rộng, bao hàm vốn sống, vốn tri thức dày dặn, khả năng phát hiện vấn đề trong cuộc sống, làm chủ và điều khiển những tình huống, chi tiết cuộc sống và con chữ để có được những trang viết thuyết phục được người đọc, và quan trọng hơn, thuyết phục được chính bản thân vốn rất mực cầu toàn, đòi hỏi hết sức khắt khe đối với chữ nghĩa của mình. Có tâm thì rõ rồi, nếu không vì cái tâm: sự say mê tâm huyết với văn chương chữ nghĩa, tình yêu, trách nhiệm, sự quan tâm với cuộc đời và con người thì sẽ không có chuyện đa mang dính vào nghề cầm bút vốn chẳng chút nhẹ nhàng. Cái tâm của Trần Đắc Túc đối với văn chương, chữ nghĩa, với chính những trang viết của mình, như đã nói còn là sự cẩn trọng, nghiêm túc, không cho phép dễ dãi, cẩu thả, cũng không vì cái danh hảo, hay vì bất cứ một lý do nào khác. "Ấn tượng" này có ở nhiều người biết rõ công việc viết lách của ông. Người đọc dĩ nhiên cũng thấy được điều đó trong văn ông.
Viết văn không phải là nghiệp chính của Trần Đắc Túc, ông chỉ mở một lối đi đồng hành bên cạnh công việc chính của một người làm công việc truyền hình, vì như ông nói là "muốn thiên hạ biết cái mình đang yêu đang ghét nên cầm bút". Nói nôm na ra là thế, thực tế đó là nhu cầu nội tại, nhu cầu tự thân của văn chương. Ngoài năng lực sáng tạo thiên bẩm, trời phú là điều tất yếu, động lực của người cầm bút còn vì cái yêu cái ghét, vì những điều quan sát và ngẫm nghĩ đúc rút được, vì những triết lý cuộc đời cần được đồng cảm và cộng hưởng. Với một vốn sống phong phú, trải nghiệm cuộc đời khá sâu sắc bằng vào những năm tháng sống và làm việc ở nhiều vùng đất. Với làng quê Thổ Sơn mang tất cả đặc trưng của đời sống nông thôn từ quang cảnh cho đến con người mà ông đã sinh sống, gắn bó và am hiểu. Với sự quan tâm rất cụ thể đến đời sống dân quê, ưa lắng nghe, ưa quan sát, chiêm nghiệm... Trần Đắc Túc đã đến với văn chương, viết văn như một tất yếu. Ông không thể không viết làng quê của ông, không thể không viết về những con người, những số phận nhỏ bé gắn với tháng năm và thời cuộc, về những công ăn việc làm, những lo nghĩ của người nông dân suốt đời chỉ sống quẩn quanh trong ngôi làng của họ, về những tre pheo, đụn rơm, ao chuôm, bến sông, phiên chợ Nghèn... vốn đã đầy ắp trong ký ức. Trần Đắc Túc làm sống lại trong những trang văn của mình một làng quê còn tươi rói, nung nấu trong ký ức, một làng quê đã trải qua bao đổi thay đến tận bây giờ. Ông viết về nó bằng cái nhìn của một người trong cuộc, bằng cái hiểu của một người biết quan tâm và muốn nghe, biết nghe tất cả những chuyện tưởng chừng như vụn vặt, chẳng có gì to tát của người quê. Từ làng quê Thổ Sơn của mình, Trần Đắc Túc có cả một nguồn cảm hứng và tài liệu sống động cho những trang viết. Truyện ngắn Chơi dao được xem là một truyện ngắn thành công nhất của Trần Đắc Túc viết về nông thôn. Chơi dao, đạt giải truyện ngắn hay năm 1993 của Tuần báo Văn nghệ, được Hội nhà văn tuyển chọn vào cuốn "Những truyện ngắn hay" của năm. Truyện ngắn Chơi dao kể câu chuyện "dùng người" của ông Viện, một chức sắc trong làng. Ông Viện có ao cá trong vườn nhà. Vì làng xuất hiện nhiều kẻ trộm vặt, nên để bảo vệ ao cá nhà mình, ông Viện nghĩ ra một kế sách mà ông tâm đắc cho rằng đó là thuật dùng người lấy độc trị độc. Ông Viện cử ngay Đinh vịt, một kẻ láu cá làm trưởng ban bảo vệ. Không ngờ với bản chất lưu manh, Đinh vịt đã lấy thế đó để hoành hành... Chọn một tình huống điển hình, một dạng tính cách điển hình trong thực tế đời sống thôn quê, Trần Đắc Túc đã thể hiện một cái nhìn thông hiểu và sắc sảo về đời sống nông thôn, thể hiện được khả năng "chơi truyện ngắn" của mình. Một nguồn đề tài được khai thông từ truyện ngắn Chơi dao. Một cách tiếp cận và chuyển tải cái nhìn về hiện thực đời sống và con người thôn quê vừa hiền lành, thương mến vừa sắc sảo, tinh nhạy cũng được định hình từ truyện ngắn này. Những truyện ngắn tiếp theo của ông Hoa lác bẹ màu tím, Cửa ngoài chưa khóa, Làng Vòng, Rượu đắng, Đêm làng Đống..., và loạt bút ký Làng xưa bạn cũ, Mưa chuyển mùa, Nước chè xanh xứ Nghệ, Lửa sông, Tiếng chợ, Lửa trấu, Chuồn chuồn ơi, Mẹ, Nhớ thương ngày tết... không đi khỏi "mạch làng" này. Làng Thổ Sơn - thực tế, cũng là một ẩn dụ - trở thành "vùng đất văn học" của Trần Đắc Túc. Quang cảnh làng quê, lời ăn tiếng nói, cách nghĩ, cách cảm, tính nết, cư xử và những câu chuyện của người dân quê đi vào trang viết của ông một cách rất tự nhiên. Người đọc dễ có cảm nhận tác giả không phải hư cấu, ít phải dụng công nhiều trong việc sắp xếp, tìm kiếm chi tiết, xây dựng tình huống, tính cách nhân vật... Cuộc đời, số phận các nhân vật của ông như ông Đảm, bà Mai, ông Viện... giống như là những câu chuyện đã được viết sẵn dưới mỗi nếp nhà của làng Vòng, làng Đống. Họ đi lại, nói cười, kể chuyện, vui buồn, yêu thương hay tủi hờn, trách cứ trong trang văn cũng thật, cũng hồn hậu như chính những người nông dân mà ta vẫn gặp, vẫn nói chuyện hàng ngày. Truyện ngắn của Trần Đắc Túc đem lại cho người đọc cảm giác rằng tác giả chỉ là người giỏi kể chuyện, thuật chuyện mà thôi. Tác giả dường như không dẫn người đọc hướng theo một tư tưởng, chủ đề nào. Tác giả - đơn giản chỉ là người kể chuyện. Cách kể chuyện "vô tư" này đã khiến tác giả huy động, kết nối, xâu chuỗi được vào cốt truyện của mình vô vàn những tình tiết, sự kiện, câu chuyện nhỏ. Câu chuyện làng quê cứ thế đầy lên, rộng ra... Cốt truyện trong các truyện ngắn của Trần Đắc Túc kỳ thực khá đơn giản, nhưng ông đã khéo léo vận dụng cách kể chuyện có tính lớp lang, ưa "rõ ràng gốc tích" và ưa hồi tưởng của người quê khiến câu chuyện được lấp đầy bằng rất nhiều chi tiết cảnh và người, xưa và nay. Làng Vòng, Đêm làng Đống là những truyện ngắn tiêu biểu cho cách kể chuyện của Trần Đắc Túc. Đời sống nông thôn với những gì đang diễn ra và những gì đã thuộc về quá khứ chỉ còn tồn tại sống động trong trí nhớ, ký ức của những người dân quê được tái hiện qua chính những câu chuyện của họ. Một nông thôn xứ Nghệ rất đặc trưng, gần gũi, quen thuộc từ quang cảnh làng quê tới chuyện công ăn việc làm, vui buồn, nếp nghĩ nếp cảm trở nên đầy ắp trong những trang viết của ông.
Đời sống thôn quê gắn với số phận những người nông dân cần cù, kiên gan, một sương hai nắng, vừa yêu mến, đáng thương, đáng trọng, là nơi lưu giữ nhiều giá trị tốt đẹp, nhưng cũng tồn tại không ít những kém cỏi, nhỏ nhen, thiển cận và bất trắc, đáng giận và đáng trách. Đó là luận đề chung của văn xuôi viết về đề tài nông thôn. Trong luận đề chung ấy, truyện ngắn Trần Đắc Túc có cách thể hiện riêng của mình: không có sự ráo riết trong cách tiếp cận hiện thực nông thôn bằng việc tạo lập sự tranh chấp, đối lập những mảng tối, mảng sáng, những bi kịch, cũng không tạo lập những tình huống, đề tài, chủ đề... mà đơn giản chỉ là kể lại chính những câu chuyện của người dân quê. Và ẩn đằng sau những câu chuyện bình thường, nhỏ nhặt, vụn vặt, quanh quẩn ruộng vườn, tre pheo, ở ăn, sống chết của họ, người đọc có thể cảm nhận, thấu hiểu một quang cảnh nông thôn, những cuộc đời, phận người, những nỗi niềm, và dĩ nhiên là cả tình cảm, tư tưởng mà người kể chuyện muốn bày tỏ.
Có thể nói, trong những trang viết cả ở truyện ngắn và bút ký của Trần Đắc Túc, tác giả và nhân vật của mình thực sự là những con người của ruộng đồng, làng mạc, thuộc về ruộng đồng làng mạc... Dù các nhân vật của ông thỉnh thoảng vì lý do, cảnh ngộ nào đó có phải rời làng thì rồi cũng không dứt khỏi được mối liên hệ với làng, hoặc quay trở về làng thật, hoặc vẫn đau đáu một nỗi làng quê, trong thâm căn cốt tủy vẫn thuộc về làng quê. Ông đã từng viết rõ như thế về làng Thổ Sơn quê ông: "Thế đất vòng cung của làng giống hình một con rùa nếu nhìn xa từ trên rú Hống, phía bến Nậy là đầu, mà đuôi là khúc bến Lò. Các cố trong làng hay gọi đó là thế đất hồi quy. Con rùa bò về. Về đâu nhỉ? Về hang hay về bến? Tôi hỏi Mậu - thằng bạn giỏi giang nhất trong nhóm bốn đứa chúng tôi. Nó giải thích hệt giọng cố Chuyên, một cụ già giỏi chữ Nho hãy còn đang sống: không chỉ con rùa đâu, chỉ phận người làng đấy. Người làng kiếm ăn xa xứ, cuối cùng cũng dắt díu nhau về, chẳng cứ thân rùa... Mỗi người một cách trở về. Thế đất hồi quy các cụ nói vậy không sai. Đường đi của đời người như đã uốn theo vạch." (Làng xưa bạn cũ). Cũng viết về nông thôn, về cùng một vùng đất, con người quanh sông Nghèn nhưng làng quê trong truyện ngắn Đức Ban thường chỉ là bối cảnh cho việc tạo dựng, khắc họa số phận, bi kịch cá nhân và hướng người đọc quan tâm đến điều đó. Với truyện ngắn, bút ký của Trần Đắc Túc, người đọc được cùng cái tôi tác giả và các nhân vật thực hiện cuộc hành trình "trở về" thực sự với làng xưa chuyện cũ, sống giữa cảnh quê, nghe chuyện của người quê, cùng ngẫm nghĩ, cùng vui buồn như người trong cuộc.
Và sự trở về trọn vẹn nhất có lẽ là với những trang bút ký. Ký ức làng quê, những nhớ thương hoài niệm về một thời xa vắng được làm sống dậy một cách tha thiết, sâu đằm trong các bút ký. Với thể loại bút ký, chất liệu nông thôn đầy ắp trong hồi ức, trải nghiệm của tác giả được tái hiện một cách chân thực và trọn vẹn nhất. Nếu ở truyện ngắn, người đọc nhận thấy sự sắc sảo trong cách kể chuyện, lựa chọn chi tiết và cách nhìn nhận vấn đề của tác giả thì ở thể loại bút ký người đọc nhận thấy sự hồn hậu, tinh tế, tấm lòng gắn bó tha thiết với những vẻ đẹp bình dị, nhỏ bé trong nếp sống thường ngày và những giá trị của quá khứ. Nếu duy danh định nghĩa, bút ký chính là sự ghi chép về những người, những việc, những cảm nhận, những suy nghĩ của người viết sau những chuyến đi. Bút ký của Trấn Đắc Túc cũng là cảm nhận, ghi chép, trải nghiệm của tác giả trong một cuộc hành trình, đó là hành trình ngược về quá khứ, tìm lại những vẻ đẹp của làng quê, những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Ngó lên dáng núi, Núi Hồng ai đắp là những bút ký dày dặn, công phu viết về văn hóa lịch sử của quê hương. Vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, danh nhân, điều quan trọng hơn là cảm nhận thành kính, trân trọng của người viết đã cấp cho núi sông cái hồn cốt, chiều sâu nhân cách của nó trong cảm nhận của người đọc. "Được làm cư dân núi Hồng, bầu bạn tri kỷ cùng núi Hồng, rồi được núi Hồng đứng chắn gió che mưa, chính là đặc ân của một vùng quê. Dẫu rằng trên đất nước ta nơi nào mà chẳng có sông có núi. Nhưng với núi Hồng thì sự khác biệt đã rõ ràng lắm. Và sự khác biệt này đã làm nên một vùng quê không thể lẫn với bất cứ địa phương nào. Đó chính là những con người lớn lên dưới chân núi Hồng. Uống nước từ núi Hồng chảy ra như uống dòng sữa mẹ mà lớn lên. Mỗi người một thân phận, một nhân cách, một tài năng. Tất cả chung nhau trong một niềm vinh hạnh: những người con của núi Hồng..." (Núi Hồng ai đắp). Tác giả đã viết về núi Hồng, nơi hun đúc khí thiêng của sông núi xứ Nghệ, biểu tượng của những giá trị văn hóa trầm tích qua thời gian của mảnh đất Hà Tĩnh với một niềm cảm khái sâu xa như thế. Nếp sống, sinh hoạt thường ngày bình dị rất đặc trưng ở làng quê giờ chỉ còn trong ký ức. Bằng vào ký ức về làng quê của mình, bút ký của Trần Đắc Túc đã đánh thức được hồn quê, nỗi niềm làng quê trong tâm hồn của những ai đã từng sống gắn bó với làng quê một thuở. Làng xưa bạn cũ, Mưa chuyển mùa, Nước chè xanh xứ Nghệ, Lửa trấu, Tiếng chợ, Chuồn chuồn ơi, Mẹ ... là nỗi nhớ thương, bâng khuâng về những ngày xưa cũ, là sự hoài niệm, tiếc nuối về những gì đẹp đẽ đã không còn trong hiện tại. "Tiếng gì? Như tiếng giã gạo? Tiếng động biển? Ở đây biển xa lắm. Thôi, phải rồi. Tiếng chợ! Tiếng từ miền trẻ thơ xa vời mà day dứt... Nhà tôi không quá gần chợ Nghèn, cũng không quá xa, đủ để biết khi đông, khi vãn. Ngồi trên lưng trâu, tôi không cần giỏng tai lên vẫn nghe u u, rền âm âm như động bể..." (Tiếng chợ). "Những năm tha phương cầu thực, tôi đã qua những dòng sông nổi danh trong lịch sử, những khúc sông không tên, rồi qua những vùng miền từng một thời là sông, là biển.... nhưng sông Nghèn, con sông nước mặn thắp lửa lân tinh hằng đêm, con sông của cua cáy, bần lác, sú vẹt, của những ngày lặn hụp đêm ngủ vùi trẻ thơ thì vẫn nguyên vẹn hình hài. Cứ là đêm đêm lửa sông lấp loáng, dẫu buổi mai thức dậy, thấy sông nhỏ hẹp hơn, vóc dáng cạn hẹp hơn và những con thuyền máy có rõ ràng hơn, máy nổ to hơn thì cũng chẳng thể xóa đi trong tôi một dòng sông lặng chảy giữa lòng mình. Hằng đêm lấp lánh"... Trong hành trình trở về với ký ức làng quê cùng với tác giả, người đọc được thấy lại những gì ngỡ như đã quên, tìm lại được những gì đã mất, nhận ra những gì vẫn cảm thấy trong lòng mà không thể gọi thành tên. Tôi nghĩ Trần Đắc Túc có lẽ sở trường hơn ở thể loại bút ký. Ở thể loại này, tác giả được trực tiếp thể hiện vốn tri thức, hiểu biết, được thoải mái bộc lộ những cảm xúc, ấn tượng của mình.Bút ký Trần Đắc Túc thấm đẫm chất văn, thấm đẫm tiếng lòng tha thiết, trân trọng những vẻ đẹp bình dị trong đời sống, cũng như những giá trị văn hóa của quê hương, làng mạc. Chất văn chương, sự hồn hậu, tinh tế, cũng như độ lịch duyệt được hòa quyện làm nên dư âm trong những trang viết của ông.
Mỗi nhà văn thường có một vùng đất văn học của riêng mình. Trần Đắc Túc viết văn như một nhu cầu được viết ra sự hiểu, sự gắn bó, ngẫm nghĩ về làng quê của mình, mảnh đất quê hương của mình. Không gian, thời gian, con người trong truyện, ký của ông không đi quá đường biên của mảnh đất mà ông đã sinh sống và gắn bó. Chính mối quan tâm, am hiểu sâu sắc đến đời sống cụ thể của làng quê, những người dân quê đã đem lại cho những trang văn của ông niềm đồng cảm sâu xa trong lòng người đọc.
Nguyễn Thị Nguyệt