07-04-2020 - 13:23

Tác giả NGUYỄN VĂN TỊNH

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Nguyễn Văn Tịnh, Hội viên chuyên ngành Lý luận phê bình, Hội LHVHNT Hà Tĩnh

Bút danh:   Hà Phú

Ngày tháng năm sinh: 18 - 07 -1965

Quê quán: Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

Nơi công tác: Tiến sỹ, Viện sỹ thông tấn Viện hàn lâm khoa học sư phạm giáo dục quốc tế (MANPO), Giảng viên chính, Trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Nơi thường trú: Tổ dân phố Hợp Tiến, Phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh

Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành:  LLPB      Năm kết nạp: 2015

 

Địa chỉ liên lạc: Bộ môn Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Hà Tĩnh.  Điện thoại: 0916955505       Email: tinh.nguyenvan@htu.edu.vn

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: - Độc đáo chữ “hồn” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, (In chung  Vọng mãi lời quê, Tuyển sách kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, 2015).

- Tấm lòng cô giáo Nga và hành trình tìm trò Việt (Đài tiếng nói nước Nga, 2014)

Giải thưởng:  Giải 3 cuộc thi “Nước Nga trong trái tim tôi” của Đài tiếng nói nước Nga (2014)   

 

  Tác phẩm tự chọn:

VĂN HÓA NGÔN NGỮ  VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

NGÔN NGỮ VĂN HÓA HIỆN NAY

         Ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ này có thể được biểu hiện ra bên ngoài như những phương tiện vật chất cụ thể, nhưng cũng có thể biểu hiện qua mối quan hệ bên trong. Mối quan hệ này được hình thành từ một trong những chức năng quan trọng của ngôn ngữ, đó là chức năng tư duy. K. Marx đã từng nói "Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng". Không có ngôn ngữ, con người không thể tư duy. Nói cách khác, mọi hoạt động tư duy của con người đều thực hiện trên chất liệu của ngôn ngữ. Vì vậy, để xem xét nhận thức, tính cách, văn hóa của một con người, chúng ta có thể nhìn vào cách mà người đó sử dụng ngôn ngữ. Hay nói cách khác, bản chất con người chỉ bộc lộ ra trong giao tiếp thông qua phương tiện ngôn ngữ. Năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực giao tiếp được người Việt Nam xem là tiêu chuẩn, thước đo hàng đầu để đánh giá con người. Ca dao có câu:

 

- Vàng thì thử lửa, thử than,

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

- Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên.

 - Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

 Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe...

                                      

         Qua đó cho thấy, lời ăn tiếng nói của con người đối với việc giao tiếp luôn được người xưa coi trọng (học ăn, học nói,... lời nói gói vàng), và hiển nhiên đó là những chuẩn mực đạo đức của con người trong mọi thời đại. Đối với phụ nữ  phương Đông đó là một trong những thành tố quan trọng làm nên “tứ đức” (công - dung - ngôn - hạnh).                        

Như vậy, giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ như thế nào là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc thể hiện văn hóa, hành vi ứng xử của con người trong mọi thời đại. Chúng ta biết, trước đây Nguyễn Công Trứ vốn rất “dị ứng” với những điều khó nghe của “miệng thế gian”, và đến lúc cụ nổi nóng thật:

 “Nghe như chọc ruột, tai làm điếc

 Giận đã căm gan, miệng vẫn cười...”

                                                (Cách đời)

Song điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc sử dụng ngôn ngữ của một người không chỉ là vấn đề liên quan đến văn hóa của người đó, mà còn liên quan đến văn hóa của dân tộc, liên quan đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Một cá nhân không thể thay đổi được bản sắc văn hóa ngôn ngữ của một dân tộc, nhưng một tầng lớp, một thế hệ lại có sự tác động rất lớn đến sự định hướng cho ngôn ngữ đó hình thành, biến đổi và phát triển như thế nào. Nói cách khác, tiếng Việt có giữ được vẻ đẹp trong sáng, phong phú, giàu đẹp mãi hay không là còn phụ thuộc vào ý thức và thái độ các thế hệ mai sau của đất nước. Vì vậy, vấn đề giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho mọi người nói chung, cho giới trẻ nói riêng là một việc làm vô cùng cần thiết. Theo dòng cuốn của tiến trình hội nhập, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế, từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đấy còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt. Đây là vấn đề đã thu hút sự quan tâm, trăn trở của nhiều người. Bài viết của chúng tôi cũng nhằm bày tỏ một cách nhìn của mình về vấn đề này:

1. Văn hóa ngôn ngữ và con người

Cuộc sống của con người không thể thiếu ngôn ngữ, thiếu lời  nói. Như mọi người đều biết, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Song chúng ta thường quên một điều rằng, ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nó và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý, và theo đó là đời sống chung xã hội một cách trực tiếp.

Tóm lại, năng lực ngôn ngữ trở thành một thành tố cơ bản của văn hóa chung ở con người, thiếu ngôn ngữ không thể có hoạt động văn hóa tinh thần của con người. Hoạt động ngôn ngữ theo truyền thống được coi là nền tảng có khả năng rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách, trong nhận thức về chuẩn mực đạo đức của người công dân. Song đáng tiếc là trong giáo dục học hiện đại lại ít chú ý vai trò của ngôn ngữ trong sự hình thành, phát triển nhân cách, trong giáo dục đạo đức, lối sống, xã hội hóa và văn hóa. Hiện trạng xuống cấp trong văn hóa ngôn ngữ xã hội ngày nay đangg là vấn đề rất đáng lo ngại. Thực tế cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề nóng này; các cơ sở giáo dục cũng đã bàn luận thường xuyên về vấn đề văn hóa ngôn ngữ của con người, cũng như ảnh hưởng của nó tới đời sống thế hệ đang lớn lên.

Khoảng 20-30 năm về trước, chuẩn mực tiếng Việt hiện đại chủ yếu được truyền bá bởi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, các nhà nghiên cứu uyên thâm, còn độc giả, thính giả tiếp nhận với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Ngày nay, nó tiếp tục được mở rộng bởi sự tuyên truyền  thường xuyên của người dẫn chương trình có học vấn cao hay các ca sỹ, chính trị gia, nhà báo nổi tiếng… Một số ngôn ngữ được biên tập, được chuyển tải qua kênh phát thanh - truyền hình và trở thành hình mẫu bắt chước của giới trẻ.

2. Đi tìm định nghĩa văn hóa ngôn ngữ

Thuật ngữ “văn hóa ngôn ngữ” có rất nhiều định nghĩa. Các nhà ngôn ngữ phân thành 3 định nghĩa cơ bản sau:

- “Văn hóa ngôn ngữ - toàn bộ kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo, bảo đảm sự thuận lợi kết cấu biểu thị lời nói đối với người phát ngôn nhằm giải quyết các nhiệm vụ giao tiếp tối ưu (G.H. Ivannova- Lukjanova);   

- “Văn hóa ngôn ngữ - toàn bộ hệ thống đặc điểm, chất lượng của lời nói, nói về sự hoàn thiện nó (N.N. Costev);

- “Văn hóa ngôn ngữ” - lĩnh vực tri thức của ngữ âm học về hệ thống phẩm chất lời nói giao tiếp (V.I. Kurbatov).

Những  định nghĩa này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: Nghĩa thứ nhất liên quan những đặc điểm của năng lực cá nhân; thứ hai- đối với sự đánh giá lời nói; thứ ba - đối với môn khoa học nghiên cứu năng lực lời nói và chất lượng lời nói.

Như vậy, “văn hóa ngôn ngữ - đó là sự lựa chọn và tổ chức phương tiện ngôn ngữ mà trong một tình huống cụ thể của giao tiếp khi tuân thủ chuẩn ngôn ngữ hiện đại và nghi thức giao tiếp, đảm bảo hiệu quả cao nhất, nhằm thực hiện được các nhiệm vụ giao tiếp”, - nhà ngôn ngữ học nổi tiếng đương đại Nga E. N. Siraev định nghĩa. Chúng tôi cho rằng đây là định nghĩa hay có tính phổ quát.               

Phát triển ngôn ngữ thường xuyên hướng tới sự hoàn thiện chuẩn văn hóa ngôn ngữ giúp ngôn ngữ văn chương gìn giữ tính toàn vẹn và dễ hiểu, bảo vệ ngôn ngữ văn học từ dòng chảy phương ngữ, tiếng lóng xã hội và nghề nghiệp, ngôn nữ tầm thường.

Vì vậy, trong giai đoạn cải cách xã hội một trong những nhiệm vụ có tính định hướng quan trọng là phải duy trì tính kế thừa của các thế hệ dựa trên nền tảng truyền thống dân tộc, và trước hết là quan niệm về một hình mẫu tiếng mẹ đẻ của mình.

3. Tiêu chí của văn hóa ngôn ngữ

Theo B.N. Golobin một chuyên gia có tiếng về lĩnh vực văn hóa lời nói thì có 4 tiêu chí đánh giá văn hóa ngôn ngữ, đó là:     

a) Tính nội dung - chiều sâu và giới hạn của tính thông tin biểu thị; sự chân thực của ngôn ngữ hùng biện là ở chỗ khi nói tất cả những gì liên quan, nhưng không vượt quá.

b) Tính minh chứng- độ tin cậy, dễ hiểu và tính luận cứ của các nguyên cớ mà cần phải thể hiện một cách trực quan cho người đối thoại về những gì mình được nói; tồn tại trong hoạt động thực tiễn và mang tính khách quan;

c) Tính khẳng định - năng lực tạo niềm tin cho người đối thoại và đạt được điều là niềm tin củng cố vững chắc trong nhận thức; các mục đích đặt ra đòi hỏi phải tính đến đặc điểm tâm lý người đối thoại, minh họa được các luận điểm của mình bằng các ví dụ rõ ràng;

d) Tính tường minh - mỗi một biểu thị cần phải rõ ràng và minh bạch; lời nói quá nhanh làm khó cho người nghe, quá chậm - tạo nên sự ức chế; thô ráp và vô cảm lời nói có thể giết chết chính những ý tưởng sâu sắc;

e) Tính dễ hiểu - việc sử dụng từ ngữ và thuật ngữ mà người đối thoại hiểu được; lưu ý không sử dụng tùy tiện tiếng nước ngoài và đôi khi sử dụng các từ và biểu thị.[3, 264]

B.Golobin cũng lưu ý rằng, sự hình thành văn hóa lời nói và văn hóa đạo đức của giới trẻ hiện đại chịu ảnh hưởng rất nhiều nhân tố:

- Một là, môi trường văn hóa xã hội xung quanh (gia đình, bạn bè, đồng trang lứa).

- Hai là, truyền hình, các tạp chí mốt, âm nhạc, xã hội nói chung.

Ngoài ra, theo chúng tôi, một số sách giáo khoa, kể cả một vài cuốn từ điển xuất bản gần đây ở Việt Nam không đảm bảo chuẩn văn hóa ngôn ngữ cũng ảnh hưởng nhiều đến độc giả, người học, nhất là đối với giới trẻ.

4. Thực trạng văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ hiện nay

Xu hướng hiện đại của phát triển ngôn ngữ, nói một cách không lên gân là đang gây nên sự lo lắng cho xã hội ở các nước nói chung, ở Việt Nam nói riêng.  Qua những nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy: sự suy giảm, thậm chí làm méo mó chóng mặt về phương diện chuẩn văn hóa ngôn ngữ mẹ đẻ trong toàn xã hội đặc biệt là ở giới trẻ. Trước hết phải kể đến một số chương trình của các làng giải trí, truyền hình quốc gia rồi đến các tin nhắn qua điện thoại, Facebook của giới trẻ. Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới các dạng:

- Lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài của một số tờ báo.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay có không ít tờ báo, đặc biệt là những tờ báo viết cho đối tượng tuổi mới lớn lại bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay nói chuyện với nhau vào ngôn ngữ báo chí để làm tăng tính biểu cảm, sinh động cho bài viết của tác giả và gây được ấn tượng đối với độc giả.

          Ví dụ: gần đây, trên trang viết của một tờ báo có đăng nội dung: tiền thành xiền, tình yêu thành tình iu, ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay.com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính), 2 (hi-chào), 4U (For you - cho bạn), 2NT (Tonight - tối nay), G92U (Good night to you)…nếu quan tâm đọc chắc nhức hết cả đầu, hoa cả mắt.

- Lạm dụng ngôn ngữ tiếng lóng, ngôn ngữ thời @ trong thời đại công nghệ thông tin ở giới trẻ.

Dùng tiếng lóng để giao tiếp, trò chuyện, trao đổi hay “chat” với nhau qua điện thoại, mạng xã hội ở thế hệ 9x (chủ yếu là thanh thiếu niên, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là học sinh, sinh viên, đang có chiều xâm nhập sang người lớn)  đã đến mức báo động.

Những coments về một bức ảnh thời trang của một cô gái mới đây nhất trên facebook là một ví dụ:

“Dep ngon com wa”; “anh mà lấy được vk sinh như em thì anh chỉ vk anh ăn song tắm dửa sạch sẽ mặc đồ ngủ thật mỏng cho vào lồng kính rồi mở cửa bán vé chiêm ngưỡng ngắm nhìn; “cj vân nany.xjnh gái”; “Em là Vẫn chứ đéo phải là Vân”; “E yêu cki”…

Vận dụng “sáng tạo” tiếng Anh khá kỳ cục trong các tình huống giao tiếp.

Ví dụ: “Ugly tiger” nghĩa là “xấu hổ”  (Tiếng Anh: Ugly - xấu; tiger - con hổ). Đôi khi nghe giới trẻ đối thoại: “Mày thật “Ugly tiger!” hay “: “Mày không  “Ugly tiger à?”, cảm thấy buồn cười, nhưng cũng vui tai. 

Chúng tôi rất đồng tình với chia sẻ của một bạn đọc:

“Có rất nhiều dẫn chứng về việc lạm dụng quá nhiều tiếng lóng làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó, mất giá trị văn hóa của tiếng Việt mà tôi có dịp được đọc, chẳng hạn như: “bùn wá mài nhỉ, lẹi gần hít nem lép 12 roài… thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”.

          Với đoạn đối thoại trên, nếu không phải là dân “chat” chuyên nghiệp chắc hẳn bạn sẽ không thể hiểu nổi “đoạn văn” đó nói cái gì?”. [5]

- Tiếng Việt đang bị nhiễm bẩn bởi nói tục, chửi bậy

Trong bài viết “Khi Hà Nội …nói tục” tác giả Nguyễn Triều bộc bạch: “Không biết ở đâu, khi nào, có ai tìm hiểu, nghiên cứu, điều tra về chuyện nói tục hay không, tôi không biết. Một lần ông Đức Uy (chuyên gia tâm lý học), một người bạn của tôi gửi cho tôi kết quả một cuộc thăm dò hay điều tra gì đó về chuyện Hà Nội có nói tục hay không? Tôi không biết sử dụng như thế nào cả nhưng từ đó để ý và nhận thấy sự nói tục của người Hà Nội không giảm xuống mà ngày một tăng hơn, một dã man hơn. Theo kết quả điều tra ấy thì số người khẳng định mình không nói tục chỉ có 14%, số chắc chắn nói tục là 62%. Còn lại tùy thuộc…Tôi biết rằng, với người Việt trong nhiều trường hợp đúng là phải văng tục ra mới hả. Hả cơn giận. Hả nỗi buồn. Hả niềm vui. Hả cả tính cách”. Chưa hết, tác giả tiếp tục: “Các nhà nghiên cứu tìm hiểu và nhận thấy người ta nói tục chủ yếu vì nhận thức kém, vì hoàn cảnh tác động, vì bắt chước, vì thói quen, vì cáu giận, vì vui đùa, vì nhiều lý do khác nữa. Nhưng tôi dám chắc rằng, thói quen nói tục “phần nhiều do giáo dục mà nên”. [1; 371,372, 374]          

Hiện tượng nói tục, chửi bậy thì ở quốc gia nào cũng có. Ở một vài nơi trên thế giới, nếu ai đó mở mồm ra chửi tục nơi đông người và bị bắt được thì xác định là phải nộp phạt là 100%, thậm chí nặng hơn có thể bị tử hình. Theo đó, cảnh sát sẽ quy tội là tội phạm cấp 4 và mức phạt có thể lên đến 500 USD! Theo khảo sát, ở nước ta tỷ lệ người nói tục, chửi bậy chiếm tỷ lệ khá cao,  và dường như trở thành thói quen, nhu cầu, “khoái khẩu” ở mọi đối tượng, trừ trẻ chưa biết nói. Các câu thường trực cửa miệng: “Đ.M” ở quán sá, ngoài đường, bến xe, bến tàu, công trường … Có người mở miệng ra là chửi rủa, không có câu chửi tục là không sướng. Ông bà ta dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Một lời nói uốn lưỡi bảy lần”; “Sa chân còn cứu được, sa lời khó cứu” nên “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, v.v... Những hiện tượng kể trên chắc chăn làm xấu đi hình ảnh tiếng Việt rất vốn rất giàu và đẹp. Tác giả Chu Giang nói rất có lý là “Trong đời sống, phải văng tục ra, ấy là kẻ nghèo lời, đuối lý hay là bị ngọng câu đầu lưỡi”. [2, 276].          

          Như vậy, trước trào lưu sử dụng tiếng lóng, lạm dụng tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ, tiếng Việt đang có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc sử dụng tiếng lóng cũng có tác dụng nhất định đối với giới trẻ như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo…làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.

         5. Nguyên nhân và  một số giải pháp

5.1. Nguyên nhân

- Các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là truyền hình là loại phương tiện phổ biến nhất trong xã hội, ảnh hưởng lớn nhất đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ. Có lúc biểu hiện lệch chuẩn trong việc dùng từ phổ biến như: tối ưu thì đọc thành  tối ưu nhất; lẫn lộn giữa điểm yếu và yếu điểm; không ít trường hợp đọc sai các đoạn trích trong diễn văn các lễ trọng đại của dân tộc; đập vào mắt những lời đối thoại trần trụi, thô thiển khó chấp nhận trước những thành phần ngồi trước màn ảnh nhỏ gồm nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở tuổi hay bắt chước, làm theo các nhân vật trên truyền hình.   

- Một số báo cũng đang ra sức cổ súy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. 

- Đặc biệt các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát có khả năng gây sosk ở bất kỳ một người có học vấn nào. Ví dụ: “Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra” (lời một bài hát Việt ) là hoàn toàn đi ngược với đạo lý dân tộc: “Thương người như thể thương thân”.

- Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội và các thông tin quảng cáo. Tình trạng chung: người tham gia không cần biết người đối thoại là ai vẫn sẵn sàng văng lời tục tĩu, thô thiển để thóa mạ hay xúc phạm người khác. 

- Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại...).

- Trào lưu, “mốt” sử dụng tiếng lóng, ngoại ngữ, ngôn ngữ @ để giao tiếp trở thành yếu tố muốn tự khẳng định đẳng cấp của mình đang xâm nhập và lan tỏa trong giới trẻ hiện nay.      

5.2. Một số giải pháp

Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Chu Giang khẳng định: “Ngôn ngữ là sản phẩm của con người. Cuộc sống luôn phát triển và ngôn ngữ theo đó cũng luôn phát triển, trong đó có những bộ phận ổn định lâu dài và những bộ phận vừa mới phát triển, những từ cổ nay ít hay không dùng nữa, thay vào đó những từ mới xuất hiện…Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt từ bắt đầu đến nay phát triển theo quy luật đó… Sự sáng tạo nào phù hợp thì được nhập vào. Còn không thì không” .

Chúng tôi cho rằng, ngăn cấm cá nhân sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ @, ngoại ngữ nhất là tiếng Anh để giao tiếp trên diễn đàn, mạng xã hội, điện thoại là điều không thể. Điều quan trọng là cần có sự định hướng cho mọi người, nhất là cho giới trẻ về việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp làm sao đáp ứng chuẩn văn hóa ngôn ngữ, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn sự  trong sáng của tiếng Việt như Bác Hồ, sau này là Thủ tướng Phạm Văn Đồng mong muốn. Muốn làm được điều đó, theo chúng tôi cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội.   

- Đối với gia đình

Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài; những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) trẻ tiếp thu, bắt chước rất nhanh. 

- Đối với nhà trường

Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, qua mạng xã hội; ý thức  tự trau dồi và làm phong phú vốn ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy; dạy đúng chuẩn tiếng Việt, không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh,…Không sử dụng sách giáo khoa, từ điển kém chất lượng và có nhiều sai sót; nghiêm cấm các hành vi nói bậy, chửi tục trong nhà trường.  

-  Đối với xã hội

Về phía Nhà nước, trước hết ngành Giáo dục và Đào tạo phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Như chúng ta đã biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng, “mỗi bước đường, mỗi bước hi sinh” (Nguyễn Đình Thi), năm 1966, thay mặt Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề ra yêu cầu tiến hành việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Và ngay cả nước Nga, một đất nước có vị thế  trên trường quốc tế cũng luôn đặt vấn đề giữ gìn bản sắc ngôn ngữ là vấn đề vô cùng quan trọng. Cụ thể là Chính phủ Liên Bang Nga đã đưa ra những chủ trương, giải pháp nhằm cứu nguy cơ phá vỡ chuẩn tiếng Nga (“Chỉ thị về việc nâng vị trí của tiếng Nga, Luật “Về bảo vệ tiếng Nga”; Thông điệp của Tổng thống Nga lấy năm 2007 là năm tiếng Nga có sức lan tỏa lớn).

-  Đối với cá nhân

Tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng, chuẩn mực có thể coi là mệnh lệnh của trái tim. Tất nhiên, nói như nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ thì bản thân “nó cũng điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch, nhưng trước hết nó phải giải thích với đầy đủ sức thuyết phục”. (Hoàng Tuệ (2013), Cuộc sống ở trong ngôn từ)

Như vậy, vấn đề văn hóa ngôn ngữ và giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho thế hệ trẻ, nhất là cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, rất cần sự chung tay của các lực lượng xã hội, trong đó bản thân giới trẻ - chủ thể của nhận thức và hành động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…Rộng tay tiếp thu những thành quả ưu tú của văn hóa thế giới nhưng không Tây hóa”. [3]  

                                         Bài đã in ở Tạp chí Hồng Lĩnh, 2015, bổ sung 2020.     

                                                                   Xuân Canh Tý 2020             

                                                                      Nguyễn Văn Tịnh

 

                      

                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 1. Nguyễn Thanh Bình (2009),  Hà Nội 36 + góc nhìn, NXB Thanh niên

 2. Chu Giang (2015), Luận chiến văn chương, NXB Văn học.

 3. Đình  Quang (1999), Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia.

 4. Rezannova L. Văn hóa lời nói và vấn đề giáo dục đạo đức giới trẻ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Châu Âu và Nga hiện đại “Chức năng tích hợp khoa học giáo dục trong một không gian giáo dục”, Moskva - Paris, 2010 (tác giả dịch từ tiếng Nga). 

5. Www. Thuvientructuyen.vn. 

         

                          

       

. . . . .
Loading the player...