Nhạc sĩ Doãn Nho vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đây là sự ghi nhận những đóng góp với nền âm nhạc cách mạng bằng các tác phẩm xuất sắc của một nhạc sĩ - chiến sĩ đã dành trọn cuộc đời “Tiến bước dưới quân kỳ”.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), ông vừa hoàn thành bản hợp xướng Lau trắng Khe Sanh về các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Những tưởng nhạc sĩ Doãn Nho đã có thể nghỉ ngơi ở tuổi 84 khi phía sau ông là cả một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, đa dạng. Thế nhưng, điều thú vị là càng nhiều tuổi, ông lại càng say mê sáng tác và đêm đêm vẫn thức bên cây đàn viết khí nhạc và ca khúc. Gần đây nhất, nhạc sĩ Doãn Nho đã hoàn thành hợp xướng Lau trắng Khe Sanh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Bản hợp xướng dành cho bốn giọng để tưởng nhớ về những người lính Đường 9 - Khe Sanh đã ngã xuống trên chiến trường đầu năm 1968 nói chung và những người bạn của ông trong đoàn sĩ quan Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã hy sinh trong một đợt rải thảm của B52 nói riêng.
Bản hợp xướng Lau trắng Khe Sanh da diết với những khoảng lặng mênh mang của hoài ức và kỷ niệm: Tôi về đây với Đường 9 - Khe Sanh/“Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”/Hoa lau trắng đến chân trời trắng thế/Trắng mây bay và lau trắng quanh tôi... Nhạc sĩ Doãn Nho vốn thiên về chất tráng ca, hùng ca; nhưng khi chạm vào những tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm như tình cảm với những người đã khuất, thì trở nên day dứt, xót xa lạ thường, như bóp nghẹt trái tim mỗi người...
Nghe Lau trắng Khe Sanh, không ít người, cả những cựu chiến binh và những người lính trẻ đều dâng trào cảm xúc trên khóe mắt... Cách đây chưa lâu khi nhạc sĩ Doãn Nho cùng bạn là đạo diễn Khắc Tuế, nguyên Đoàn trưởng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị đã đứng cúi đầu trang nghiêm tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong buổi lễ tưởng niệm, rất nhiều người được chứng kiến trên gò má các ông chảy dài những dòng nước mắt nhớ thương... Cảm xúc chan chứa từ những kỷ niệm, từ những đau thương mất mát và tự hào đã giúp nhạc sĩ Doãn Nho nhanh chóng sáng tác thành công tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người.
Khi được nghe bản Lau trắng Khe Sanh, tôi đã nhớ tới nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho viết về đề tài này, liên tục từ hàng chục năm qua, như trái tim ông luôn hướng về những người đã khuất. Đó là kịch múa ba-lê Một thời và mãi mãi ông viết cùng con trai, nhạc sĩ Doãn Nguyên, dựa trên xúc cảm về hình tượng hai liệt sĩ trẻ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm. Đó còn là bài hát Người con gái sông La được nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác vào một ngày chiến tranh tháng 10-1970 khi ông cùng đơn vị hành quân qua Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Xúc động trước hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, ông đã phổ nhạc trên lời thơ Phương Thúy để làm nên một ca khúc nằm lòng của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ và nhiều người yêu âm nhạc nước nhà. Một tác phẩm khí nhạc khác của ông, Khúc tưởng niệm chính là một trong những tác phẩm tạo nên cụm tác phẩm xuất sắc được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vừa qua.
Và một lần nữa, với hợp xướng Lau trắng Khe Sanh, nhạc sĩ Doãn Nho lại làm xúc động trái tim bao người, thể hiện những tình cảm thương nhớ biết ơn với các Anh hùng, liệt sĩ Đường 9 - Khe Sanh và khơi dậy niềm tự hào với thế hệ trẻ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Đó là tình cảm, là tâm hồn của người nhạc sĩ quân đội lão thành, như trái tim âm nhạc của ông bao năm qua luôn hướng về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc.
Theo nhandan.com.vn