14-04-2024 - 01:04

Tản Đà với danh thắng núi Nam Giới

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Tản Đà với danh thắng núi Nam Giới” của tác giả Phạm Quang Ái

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của dân tộc ta. Trong lịch sử văn học Việt Nam, Tản Đà được xem là ngôi sao sáng trong bầu trời văn học đầu thế kỷ XX, vừa độc đáo vừa giàu năng lực sáng tạo. Trên văn đàn công khai lúc bấy giờ, ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Bước chân lãng tử Tản Đà in dấu khắp mọi miền đất nước và theo đó, ông cũng để lại nhiều áng văn thơ ghi lại những kỷ niệm của mình. Điều thú vị là trên những chuyến hành trình vào Nam ra Bắc đó, ông đã có lần ghé lại Hà Tĩnh, xuống thăm danh thắng núi Nam Giới ở cửa Sót.

Quỳnh Viên góc nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Trong tác phẩm tự truyện Giấc mộng lớn (Tản Đà Thư cục xuất bản năm 1932), khi kể về chuyến Nam du lần thứ nhất vào năm Đinh Mão (1927), ông đã ghi lại lần ghé thăm Hà Tĩnh nói trên. Đó là khi Tản Đà làm An-nam tạp chí được mười tháng (khoảng tháng 6 năm 1926 đến tháng 4 năm 1927) thì phải đình bản vì hết tiền, ông đành phải vào Nam vừa du ngoạn vừa để kiếm tiền làm báo.

Trong Giấc mộng lớn, ông kể: ... “Ngày 13-4-1927, từ Hà-Nội ra đi, tối đến Nghệ-An, sáng hôm sau đến Hà-Tĩnh.

Phân vân xã-hội gia-đình,

Hơi men ướp dạ, giọt tình thấm khăn.

Hai câu đó là cái tình trạng trong lúc uống bữa rượu trưa ở trên hỏa-xa khi đi khỏi Ninh-Bình gần Thanh-Hóa; còn như từ Hà-Tĩnh trở vào, thời bao nhiêu cái hoài-cảm ở Hà-Nội đem đi, dần dần tiêu tán, chỉ một là bận về sự giao-tiếp, hai là mê thiết sự du-quan[1]. Ở Hà-Tĩnh, nghỉ chơi nhà ông chủ giây thép[2], trò chuyện vui cùng các anh em sĩ-phu[3] đến thăm. Rồi hỏi thăm cảnh-thắng quanh miền, đi chơi núi Sót.

Cách tỉnh-lỵ Hà-Tĩnh chừng 15 cây số, có cảnh núi Sót. Núi ở ra ngoài bể, tức là một cái cù-lao con, có đất có đá, có mạch nước hằng tuôn. Dân cư ở gần đấy bắc ống bương lấy nước ăn, cũng như các mỏ nước ở trên mạn ngược ngoài Bắc. Tỉnh thành Hà-Tĩnh cũng ăn nước ở núi ấy, có đường sông vận tải về. Những thuyền đi tải nước, lệ được bán mỗi gánh một đồng xu. Hôm đi chơi núi là ngày 14 tháng 3 ta (15-4-1927), trời mưa dầm, đường khó đi, phải thuê một cái xe hai người cu-ly vừa đẩy vừa kéo. Qua sở muối Hộ-Độ, vào thặm xem, nhưng hôm ấy vì trời mưa cho nên không có phu làm muối, rồi đi luôn ra bãi bể. Để xe ở trên bãi, thuê một chiếc thuyền con bơi ra. Gió to, bay cả phên thuyền xuống nước. Nghĩ đến câu “cơn giông biển lớn, mái chèo thuyền nan”, mới hay thân thế con người ta vần chuyển ra sao, quả-nhiên có tiền-định[4]. Sang tới núi, chèo lên uống chơi mấy khẩu nước[5], rồi đứng xem phong cảnh. Trời lại mưa to dữ, bất-đắc-dĩ phải xuống thuyền quay về. Khi đó ngồi trong thuyền uống rượu, trông lên trên vệ núi, thấy những đứa trẻ con trai gái trạc mười hai mười ba tuổi, lánh mưa gió núp ở dưới cạnh hòn đá to. Hỏi người bơi đò thời đấy là những trẻ con bên xóm[6] sang hái củi. Thuyền đã về tới bến, vào nghỉ chơi nhà người lái đò ở trong một cái thuyền lớn, uống nước, ăn thuốc lào[7]; nhân nói chuyện với chủ-nhân (chồng người bơi đò): muốn cúng ba đồng bạc để nhờ nhà chủ làm một cái lều tranh con, phòng cho những trẻ con sang hái củi có chỗ núp mưa nắng. Người chủ thuyền, trạc chưa tới bốn mươi tuổi, không dám nhận hay không thế nào, chỉ xin mời ông cụ trưởng trong xóm sang nói chuyện. Một lát, thấy một ông cụ đầu bạc phơ, trông đến tám mươi tuổi trở lên, lại một bà cụ đầu bạc, cũng vào bực tuổi ấy, thời là hai vợ chồng ông cụ trưởng trong xóm cùng sang để nghe chuyện, ông cụ bà cụ đã cùng ngồi vào trong khoang, lại thấy đàn ông, đàn bà, trẻ con, kéo đến thật đông, đứng chen chật kín ngoài cửa thuyền, thời cũng là đến để nghe chuyện. Đợi chúng đã yên tĩnh, mình mới thưa chuyện với ông cụ bà cụ, cũng như ý nói với người chủ thuyền. Ông cụ khi mới nghe nói, cũng đáp lại không dám nhận, cho là: một thời sợ rồi việc quan hỏi đến có lỗi, hai nữa là hoặc có những đứa xấu bụng dỡ trộm làm củi thời cũng khồng thể giữ được. Nghe ông cụ nói như thế, mình phải nói kỹ rõ lại để mọi người cùng nghe rằng: về việc quan thời không lo, mình là một ông chủ tòa báo ở ngoài Bắc, nhân đi qua chơi xem phong-cảnh mà cúng ba đồng bạc để làm việc phúc đức, như thế thời người nhận tiền có việc gì mà ngại. Nhân đưa ông cụ một cái danh-thiếp, để có ai hỏi đến thời đưa ra mà nói là của người này cúng. Còn như sợ đứa nào ăn trộm, thời dẫu có như thế, cũng thôi không làm gì; nhưng ông cụ cũng nên nói chuyện qua cho người trong xóm biết là của một người khách đi qua cúng như thế, thời có lẽ cũng không ai nỡ lấy trộm nào. Câu chuyện nói đến thế, rồi ông lão mới vui-vẻ mà nhận lời cầm tiền, rồi bà lão cùng mọi ngưòi cũng mới vui-vẻ, các trẻ con rất vui-vẻ. Khi ấy, trước chỗ mình ngồi chừng có một hào tiền xu, là tiền giả tiền đò còn thừa. Các trẻ con nhà lái đò đến xin, cho mỗi đứa một xu; các trẻ con ngoài đến xin, cho mỗi đứa một xu. Rồi còn lại xu nào, các trẻ tự do tranh đến lấy. Những ông già người lớn thấy vậy, ai nấy đều quở mắng con trẻ. Mình bảo cứ mặc trẻ cho vui; nhân nói chuyện vui rằng: tôi năm nay ba mươi chín tuổi, ở nhà tôi cũng được hai đứa cháu giai, tuổi nó xuýt-xoát như thế này. Nay tôi đi chơi xa mà trông thấy những đứa trẻ đây, cũng coi như những đứa con của tôi ở nhà. Nói đến đây rồi mình ôm lấy một đứa trẻ vào trong lòng, những đứa khác lại cũng tranh nhau sán đến để ngồi vào lòng mình, có đứa quần áo mũi dãi rất bẩn-thỉu, mà trong khi đó cũng không kể sạch hay bẩn, mà yêu thời cứ yêu. Cơn vui đồng chủng đồng bào, tưởng như Ngư-phủ Đào-nguyên[8] chưa hẳn có thú vui như thế vậy. Tan một cuộc vui đó, rồi đứng dậy từ biệt. Đầy thuyền tống tiễn, con cháu tiên rồng, hả cho ai tấm lòng xã hội đã bao lâu; buồn cho ai vô trạng[9] với quốc-dân, chỉ đoái trông con cháu rồng tiên gió mưa trên mặt nước.”[10]

Câu chuyện thăm danh thắng núi Nam Giới của Tản Đà chỉ có thế. Nhưng có hai chi tiết thể hiện rất rõ chất người cao đẹp của ông. Đó là việc thấy tình cảnh những đứa trẻ lam lũ nơi đây đội nắng đội mưa đi hái củi trên núi, động lòng thương xót, Tản Đà đã cúng ba đồng bạc Đông Dương để làm nhà tranh cho chúng trú ẩn mỗi khi gặp nắng lửa mưa giông; hai là sau khi cho bọn trẻ những đồng tiền xu còn thừa khi trả tiền đò, ông đã ôm chầm, vuốt ve, vui vẻ với những đứa trẻ ấy, dẫu chúng rất rách rưới, bẩn thỉu. Nên biết là lúc chuẩn bị Nam du, phần trước đoạn trích trên, ông đã nói rõ là lộ phí của ông chỉ có 7 đồng bạc Đông Dương. Với 7 đồng bạc nhưng nào là tiền thuê xe kéo, tiền thuê đò, tiền cúng làm nhà trú mưa nắng cho lũ trẻ, lưng vốn của ông trong chặng đường dài vào Sài Gòn chắc chỉ còn hơn 3 đồng. Hơn thế, chúng ta cũng nên biết là vào khoảng thời gian này, đồng bạc Đông Dương rất giá trị, mỗi đồng có thể mua được 4,5 tạ gạo. Tư tưởng yêu nước thương dân của Tản Đà quả là rất sâu sắc. Tư tưởng đó không chỉ thể hiện qua sự cảm khái trước cảnh vật, con người nơi đây mà còn thể hiện một cách đầy cảm động trong mọi hành động, việc làm và sáng tác văn chương của ông từ khi vào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

P.Q.A

________________

[1]. Du-quan: du lịch, tham quan thắng cảnh;

[2]. Nhà giây thép: nhà bưu điện;

[3]. Sĩ-phu: chỉ tầng lớp trí thức thời phong kiến;

[4). Tiền-định: đã được tạo hóa định sẵn trước;

[5]. Khẩu nước: ngụm nước;                                                            

[6]. Trẻ con bên xóm: xóm làm nghề chài lưới, ở Bắc gọi là xóm vạn (nguyên chú);         

[7]. Ăn thuốc lào: Ngoài việc dùng để hút, thuốc lào còn dùng để nhai khi ăn trầu hoặc nhai riêng thì gọi là thuốc xỉa và người "ăn" ngậm một nhúm thuốc lào khô trong miệng, kẹp giữa răng và má, thỉnh thoảng nhai để chắt lấy nước chứ không nuốt phần bã thuốc;

[8]. Ngư- phủ Đào-nguyên: Ngư phủ là ông chài, đào nguyên là nguồn đào, động đào. Điển tích này có nghĩa là người trần lạc vào cõi tiên;

[9]. Vô trạng: thờ ơ, vô cảm;

[10]. Nguyễn Khắc Hiếu, Giấc mộng lớn, Tản Đà thư cục, 1932; tr. 17-19.

. . . . .
Loading the player...