03-08-2024 - 01:11

Tản văn Cây cà rem của ba của Kim Vi

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu tản văn “Cây cà rem của ba” của Kim Vi

Một buổi chiều hè, tan làm về nhà, tôi bắt gặp một ông cụ còng lưng đạp chiếc xe đạp đã cũ, sau lưng ông là thùng kem kèm theo tiếng leng…keng…leng…keng phát ra từ cái chuông gắn phía trước ghi đông xe. Bóng lưng ông lướt qua tôi trong cái nắng chiều sắp tắt cùng tiếng chuông xa dần, lạc lõng giữa dòng người xe cộ ngược xuôi. Chợt mắt cay xè chẳng phải vì khói bụi đường phố mà bởi hình ảnh đó, tiếng chuông đó gợi lại trong tôi về một ký ức tuổi thơ bên ba bình yên đến lạ…

Hồi đó cứ mỗi dịp nghỉ hè, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi ước ao được rong chơi đây đó. Nhưng chuyến phiêu lưu của tôi đặc biệt hơn, không phải đi bằng xe khách, tàu thuyền hay máy bay mà là được ngồi trên chiếc xe bán cà rem của ba đi qua bao con ngõ, mang niềm vui đến với những đứa trẻ quê.

Tôi nhớ chiếc xe cà rem (kem) của ba thời đó là loại xe thanh ngang, có màu đen, vài chỗ bị tróc sơn, rỉ sắt nhìn không ra màu mè gì. Ấy vậy mà con “chiến mã sắt” đó đã oai dũng, hiên ngang cùng ba chinh chiến qua bao mùa mưa nắng để lo cho tôi cái ăn cái mặc và cả một con đường học vấn dài phía trước. Còn cả cái thùng kem nữa, nó cao lắm! Ba cột nó thấp xuống bên hông gạc ba - ga, cũng cũ mèm chẳng kém gì chiếc xe. Trông cái thùng kem bên ngoài như làm bằng gỗ, nhưng bên trong toàn là xốp trắng, xếp kín chục que kem. Khi mở nắp thùng, khói lạnh từ những que kem tỏa ra nghi ngút. Và dĩ nhiên chiếc xe của ba không thể thiếu một bảo bối quan trọng đó là chiếc chuông đồng treo trước ghi-đông xe để mời gọi khách.

Buổi sáng tầm 8 giờ, ba đèo tôi ngồi trước trên thanh ngang chiếc xe đến lò kem lấy hàng rồi hai cho con đi lòng vòng từ xóm dưới đến làng trên, có khi đi xa hơn qua các xã khác. Thuở ấy đường xá quanh co, ổ gà, ổ chó gập ghềnh chứ có được trơn tru, bằng phẳng như bây giờ. Đôi khi phải đi qua những con đường toàn bờ ruộng, chỉ sơ sẩy một tí là rớt xuống ruộng như chơi. Đôi tay non nớt, tôi bám chặt cánh tay ba nhưng lòng không sợ hãi bởi tôi biết tay lái của ba chắc lắm.

Trên những con đường trải đầy nắng, ba miệt mài những vòng đạp, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đẫm ướt cả chiếc mũ tai bèo trên đầu tôi. Thỉnh thoảng ba sẽ đưa tay lắc chiếc chuông đồng kêu “leng keng” báo hiệu có xe cà rem đến, nhưng dường như chỉ tiếng chuông thôi chưa đủ, ba còn gân cổ với tiếng rao hết sức mời gọi “Cà rem đây! Cà rem đậu đen, đậu xanh đây… Ai dép rách, rổ nhôm, nhựa đổi cà rem đê..ê.. ê”. Ấy vậy là lũ trẻ nháo nhào hú gọi nhau, tụi nó mừng rỡ, háo hức xúm lại, quay quanh xe kem của ba như bắt gặp mẹ đi chợ mua quà về. Có đứa chạy lại trên tay còn cầm vài ba đôi dép nhựa đã mòn rách đai. Chắc cũng phải tích góp lâu lắm mới đợi được cái ngày có xe cà rem ngang qua. Trên gương mặt lấm lem của tụi nhỏ lộ rõ sự hân hoan có và cả những thèm thuồng cũng có.

Minh họa: LÊ ANH

Ba lấy ra những que kem ngọt ngào, mát lạnh giữa trưa hè oi bức. Thời đó que kem đá giá chỉ 200 đồng với đủ màu sắc, có hình tròn hoặc vuông khá đơn điệu được tạo bởi khối đá đông đặc. Tuy chẳng có bao bì, thương hiệu như thời bấy giờ nhưng vị ngọt thanh mát, dịu dàng của chúng cũng đủ in sâu vào miền ký ức của phần đông trẻ con miền Trung xơ xác đó. Chỉ cần một que thôi là mút nguyên cả ngày. Xưa ba cũng hay bỏ que kem vào chiếc ca nhựa bé tí cho tôi  cầm, mút một hồi còn nguyên que đá, rồi cứ mút hết lớp đá đến khi còn cái lõi que tre, nước đá mút không kịp đọng lại trong ca mát lạnh, một hơi tôi nốc sạch mà vẫn thấy thèm. Thế mới nói tụi nhỏ mê “ông ba bán cà rem” thần thánh của tôi phải biết.

Thế rồi chiếc xe đạp cà tàng của cha con tôi tiếp tục thong dong dưới con đường làng đến những thôn xóm mới. Trong khung cảnh vắng vẻ của buổi trưa hè, nhà cửa thưa thớt buồn hiu, tiếng kêu leng keng từ chiếc chuông đồng của ba nghe vang xa lắm, xa đến nỗi như đủ thời gian để mấy đứa trẻ đang rong chơi kịp chạy về nhà xin tiền mẹ mua cà rem. Thế mà bọn trẻ quê hồi đó thật nghịch ngợm, lắm lúc chúng thấy xe cà rem đi qua liền hô to “cà rem, cà rem”. Vậy mà ba tôi chưa kịp quay đầu xe lại chúng nó đã bỏ chạy mất tiêu. Đạp xe mỏi cả giò, nắng nóng đến ù tai, mệt thở chẳng ra hơi… tôi nghĩ mà xị mặt tức thay cho ba bởi sự ngỗ nghịch của tụi nhỏ. Nhưng ba chỉ dừng lại dưới bóng cây bên vệ đường nở nụ cười đôn hậu, lấy chiếc khăn lau mồ hôi nhễ nhại khắp đầu và cổ. Ba bảo nghĩ cũng thương bởi ai biết được đằng sau màn đùa nghịch ấy còn là niềm ước ao có được cây kem mát dịu, ngọt ngào, được xin tiền mẹ để có thể cất tiếng gọi “cà rem! cà rem” của bọn trẻ khi có xe cà rem đi ngang qua ngõ.

Dưới cái nắng chang chang, nhìn tấm lưng ba hao gầy đã ướt đẫm mồ hôi tự lúc nào chẳng hay. Mỗi lần như vậy, lòng tôi lại bồi hồi rung lên những cảm xúc khó gọi tên rõ ràng. Một chút thương cảm, chút xót xa. Một thứ gì đó thôi thúc tôi khát khao được trưởng thành nhanh hơn, được đi xa hơn, xa hơn cả những con đường quanh co, xóm nhỏ ba từng chở tôi qua, tôi sẽ kiếm nhiều tiền để ba không phải vất vả, chạy đôn chạy đáo phơi mình dưới nắng nữa.

20 năm trôi qua, gia đình tôi có cuộc sống khá ổn, tôi cũng có việc làm, được đi đây đó bằng những phương tiện hiện đại. Tôi có thể ăn cả chục que kem ngon lành trong một cửa tiệm view đẹp, nhưng trong ký ức của tôi chiếc xe thoải mái nhất vẫn là xe cà rem của ba và cây kem ngon nhất vẫn mãi là cây kem đá có vị mặn mồ hôi ba.

Tất tả, bon chen bao năm giữa dòng đời. Thời gian vô tình tôi cứ ngỡ như xóa nhòa, nhưng ký ức về chiếc xe cà rem của ba lại tìm về trong tôi vào một buổi chiều tà, khi hoa phượng rực một góc trời, từng tán lá rợp thẫm cả khoảng xanh, khi những ấp ủ của năm tháng xưa nhờ nắng, nhờ gió gửi về một miền nhớ, thắp lên từng ước mơ.

Tiếng leng keng… leng keng xa dần, xa dần rồi lặng hẳn sau bao con ngõ, bóng hình ba vẫn mãi nằm lại nơi đó, chỉ còn trong nỗi nhớ những giấc mơ xưa…

K.V

. . . . .
Loading the player...