04-05-2024 - 07:16

Tản văn CHỢ QUÊ của Tác giả LÊ THỊ XUÂN

Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu Tản văn CHỢ QUÊ của Tác giả LÊ THỊ XUÂN

LÊ THỊ XUÂN

CHỢ QUÊ

                                                                                                       Tản văn

 

Cái chợ nhỏ quê tôi chẳng biết có từ bao giờ mà gắn bó thân thương với con người nơi đây như máu thịt. Đó là mảnh đất trống đầu thôn được họp tạm bợ vào những buổi cuối chiều hoàng hôn đổ bóng. Thế mà ngày này qua ngày khác, nó là chốn mưu sinh, là hạnh phúc của bao người.

Chợ không có tên, không có lều bạt, gian hàng, không có người quản lí, không có những mặt hàng tiêu dùng công nghiệp hay xa xỉ mà chỉ có những loại thực phẩm giản đơn như thịt cá cuối ngày của thương nhân bán buôn nhỏ lẻ và những sản phẩm của người quê mang ra bán. Chiều chiều, các bà các chị lọ mọ quang gánh thúng mủng ra chợ, chọn cho mình một vị trí ưng ý rồi trải chiếc thảm nilon hay chiếc bàn nho nhỏ, sau cùng họ bày ra những mặt hàng để bán. Có thể chỉ dăm miếng thịt, vài con gà con vịt, mớ cá mớ rau, rổ trứng, thùng dưa hay ít khuôn đậu hũ. Nhưng tôi thấy ánh lên trong nỗi niềm của họ là sự lo lắng, trông mong và cả niềm vui, niềm hy vọng thật nhiều..

Những sản vật từ nơi đây nuôi trồng hay bắt được trên đồng, dưới sông đều nhìn rất tươi ngon, sạch sẽ. Họ xởi lởi bán mua hay biếu tặng với người bà con lối xóm. Có khi là người bán tặng cho hàng, có khi là người mua cho thêm tiền người bán. Hàng hoá không tuân theo một mức giá nhất định mà tùy ở tấm lòng thơm thảo của kẻ bán người mua, tình làng nghĩa xóm. Nhưng tôi biết, từ trong thâm tâm mỗi người, người mua quý trọng đồng tiền vì đó là mồ hôi nước mắt, còn người bán quý trọng sản vật của mình vì bao tháng ròng đứng dưới trời mưa nắng chăm cây. Dẫu vậy, trước giá trị của tình người, tình quê thì sự thiệt hơn không còn quan trọng nữa. Đó là nét đẹp hồn quê, là văn hoá bao đời  

Khác biệt với những sản vật người dân sản xuất, những mặt hàng bán buôn được cân đong đo đếm rõ ràng, giá cả tuân theo quy định của thị trường. Người bán cũng từ những nơi khác đến, có chút manh nha, khôn khéo khi chào mời, tiếp thị, còn người mua cũng đắn đo về chất lượng, giá thành nên có sự mặc cả qua lại giữa đôi bên rồi nâng lên, đặt xuống. Nhưng có vẻ như thế mới là văn hoá chợ. Người ta có thể cho nhau một món đồ quý giá, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn khó khăn nhưng làm sao có thể để mình bị chê bai là khờ, là dại đâu cơ chứ. Nhưng rồi sau tất cả họ vẫn dành cho nhau nụ cười tin tưởng, sự sẻ chia và thông cảm thật nhiều.

Tôi đã thấy, cứ mỗi buổi chiều, các bà, các chị hầu như ai cũng dành chút thời gian đi đến chợ, có khi không vì mục đích bán mua gì cả mà đơn giản chỉ là đến xem chợ hôm ấy có đông người, có điều gì  buồn vui, mới lạ,  tình hình trong thôn có gì đặc biệt hay không hoặc đến chỉ để chào nhau và hỏi han lặt vặt. Với những người già mà gia cảnh neo đơn, quạnh quẽ thì chợ chính là nơi giúp họ tìm thấy niềm vui sống. Một mớ rau chỉ có mấy ngàn đồng nhưng hôm nào các cụ cũng dành cả buổi chiều lọ mọ cắt hái rồi lỉnh kỉnh bưng ra ngồi bán. Có hôm trời mưa rét, tôi hỏi một người, tiền bán được có bao nhiêu sao cụ không ở nhà nhóm bếp lên mà sưởi cho ấm, lại ra đây dầm gió thế này. Bà xuýt xoa dấu đôi tay vào trước ngực, miệng vẫn mỉm cười và đáp lại tôi: ra đây ngồi nói chuyện tếu với mọi người vui hơn cháu ạ, được nhìn thấy gương mặt đám trẻ tụi bây bà như được gặp con, gặp cháu nên đỡ suốt ngày vò võ nhớ mong. Bà già rồi nên là tỷ phú của thời gian, biết làm chi ngoài bầu bạn với nương vườn, trồng lấy đám rau cho non cho sạch, trước là cảnh đẹp, sau là kiếm thêm chút đỉnh mua trầu mua cau và bán rẻ phục vụ những người bận việc cơ quan như các con vậy đó. Với lại, rau ở đâu về chẳng biết sạch hay không, các con ăn vào lỡ bệnh tật ốm đau thì khổ. Thôi thì những người già như bà chịu khó, trước là nuôi mình, sau ích nước, lợi dân. Những câu nói chân thành, hồn hậu ấy đã khiến tôi thêm gắn bó với nơi này. Hôm nào bận việc không ra chợ được là tôi cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì quan trọng lắm nên cứ nôn nao, hụt hẫng trong lòng.

Quê tôi thuộc địa bàn vùng núi, nên đất rộng và thoáng đãng. Cây nhận được nhiều nắng gió nên quang hợp tốt, ít sâu bệnh đã cho các loại rau quả đều rất ngon và sạch. Những mặt hàng rau củ không chỉ phục vụ trong thôn mà nhiều người còn mua để gửi đi cho con cháu, anh em trên thành phố, thậm chí là ra bắc, vào nam. Tôi cũng thỉnh thoảng mua làm quà quê cho những người bạn ở xa mà tôi yêu quý. Ai nhận được cũng đều khen làm tôi càng thêm đỗi tự hào vì được sống nơi đây. Chính sự tuyệt vời của sản vật đã thu hút lớp trẻ làm công chức như chúng tôi sống ở địa phương và những vùng lân cận tìm đến chợ. Để rồi, khi được chứng kiến sự tảo tần,  cực khổ của người quê mới làm ra từng đồng xu bé mọn, chúng tôi thêm biết nâng niu, trân quý giá trị của đồng tiền mà chi tiêu hợp lý, biết sẻ chia những thương mến trong đời. 

Tôi đã chứng kiến bao cuộc đời khốn khó, ngày ngày chẳng biết làm gì hơn để kiếm cái ăn qua ngày, qua bữa. Họ bám lấy chợ quê như là điểm tựa cả về tinh thần và vật chất để mưu sinh. Dù ít ỏi thôi nhưng đến cuối ngày họ cũng được vuốt ve những đồng tiền bé mọn để nháo nhác tìm mua cho con cháu chút gì. Hình ảnh ấy đã thức dậy trong trái tim lớp trẻ chúng tôi những niềm xót xa thương cảm, biết sống ngày càng lương thiện, bao dung, biết nghĩ đến mẹ cha mà báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Tôi càng ngày càng yêu mến chợ quê.

Mấy năm nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm phong cảnh, diện mạo của quê tôi sáng bừng như nắng hạ. Những con đường rộng rãi thênh thang được điểm tô thêm sắc màu hoa tươi rực rỡ. Nhà cửa, sân vườn hiện đại, khang trang. Đô thị hoá nông thôn đã từng ngày làm mất đi nhiều nét quê bình dị. Thế nhưng, khu chợ nhỏ bình yên vẫn được bảo tồn, nâng niu, gìn giữ, không xây dựng kiến thiết hay cơi nới thêm diện tích, bởi đó là ước mong là nguyện vọng của dân làng. Chợ chẳng tấp nập, khang trang, xô bồ, hiện đại nhưng ở đó chứa đựng niềm vui, hạnh phúc của bao người. Mỗi một đứa con trên mảnh đất này khi lớn lên rời quê hương đi xa lập nghiệp, ở một góc tâm hồn luôn nhớ chợ quê, nhớ những mớ tép, mớ cua cha lặn lội bắt trên đồng sâu ruộng cạn, nhớ gánh rau mẹ vất vả ươm trồng rồi mỗi cuối chiều tề tựu nơi đây để bán mua, đổi chác, nhớ chốn giao thương mà bình yên, thanh thản, không lo toan bị gian dối, lọc lừa. Mỗi khi bước chân đến chợ, tôi lại bâng khuâng nhớ đến câu thơ trong bài Chợ quê của tác giả Lê Hồng Phúc

"Chợ quê vẫn lắm thật thà/ Lời quê vẫn để làm quà tặng nhau"

                                                                                                   L.T.X

Chợ quê (ảnh Thanh Thanh)

. . . . .
Loading the player...