ĐI QUA NHỮNG MÙA SEN TUỔI THƠ
Tản văn
Thấm thoát vậy mà đã gần chục năm có lẻ tôi xa quê hương, rời xa mảnh đầm phá ở đầu làng, nơi mỗi mùa hè tới hoa sen nở toả hương thơm ngát. Sống ở nơi làng quê ấy suốt cả quãng thời gian ấu thơ, chính vì vậy mà có biết bao những kỷ niệm vui, buồn về mảnh đất đầy gian nan, nghèo khó với những con người quê chân chất ấy, đã theo tôi suốt hành trang vào đời. Ngày còn nhỏ xíu, khi mùa hè tới, ngoài thời gian cắp sách tới trường, hay giúp bố mẹ một số công việc nhà lặt vặt là bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau ra ven đàm phá đầu làng để ngắm sen, thưởng ngoạn vẻ đẹp cũng như hương thơm ngất ngây của những bông sen đang mùa đua sắc. Có những hôm, do trời nắng nóng quá, ở ngoài bờ đầm phá có những hàng cây xà cừ cổ thụ rợp bóng mát mẻ, nên cả hội mải chơi, mải ngắm sen quên cả việc về nhà ăn cơm tối. Khu đầm phá trồng sen ở làng tôi rộng mênh mông, có lẽ nó phải rộng tới hàng chục héc ta, và việc trồng sen, thả cá do một vài gia đình trong xã đấu thầu. Cây hoa sen được trồng ở đây từ mấy chục năm trước, khi nội tôi kể rằng, ngày bà còn nhỏ người ta mang giống sen quý từ nơi khác về nhân giống trồng. Chỉ sau vài ba năm, những dây sen đã lan kín cả đầm phá và mỗi năm người ta lại mang sen từ đây đi nhân giống để trồng ở những ao, đầm nhỏ trong vùng.
Sống và gắn bó với loài hoa thanh cao đẹp đẽ này nên không chỉ riêng tôi mà tất cả bọn trẻ trong xóm, thậm chí cả những người lớn ở đây đều thích hoa sen. Khi mùa hoa tới, hầu như nhà ai cũng vẫn thường không thể thiếu được bình hoa sen để trên bàn thờ. Nhà tôi thì cứ hết bình này tàn, tôi lại ra đầm phá mua chục bông để cắm bình mới. Vì là người làng đấu thầu trồng sen nên khi người trong xóm mua cắm chơi họ lấy giá rất rẻ, thậm chí là nhiều khi sen nở rộ họ biếu không mà không lấy tiền. Tôi vẫn nhớ ông Đàn ngoài 60 tuổi trông sen ngày ấy. Hàng ngày ông ngủ trên căn lều nhỏ cắm bằng mấy cái cọc tre trên mặt hồ để bao quát cả đầm sen. hễ thấy bọn trẻ lội xuống hái sen trộm là ông quát. Đứa nào cũng sợ ông bằng phép, nhưng riêng tôi thì không thấy sợ ông, mà ngược lại ông còn quý tôi lắm khi thi thoảng vẫn dúi vào tay tôi, khi thì chục bông sen, lúc thì mấy chiếc ngó sen trắng nõn ngọt ngào. Ngày ấy nhà tôi trồng rất nhiều khoai lang và đến mùa do ăn không hết nên mẹ thường thái nhỏ phơi khô để chum sành ăn dần. Lá sen xanh là thứ mang phơi khô lót lên miệng chum, vại khoai khô có tác dụng rất tốt trong việc giữ khô cũng như làm cho các miếng khoai ngấm đượm hương sen thơm ngát. Chính vì thế mà những khi nhà có khoai khô bỏ chum tôi lại tất tưởi chạy ra đầm phá xin ông Đàn mấy chục chiếc lá sen xanh to nhất mang về nhà để mẹ đậy khoai.
Sen hồng (ảnh Quỳnh Vũ)
Ngoài thú chơi hoa ra thì bọn nhỏ chúng tôi cũng khoái cái trò lội xuống ven đầm phá để nhổ trộm ngó sen ăn. Ban ngày thường là lúc ông Đàn cũng như mấy người trông coi gắt gao nhất nên bọn chúng tôi thường tranh thủ buổi tối để “hoạt động” trộm ngó sen. Khi cơm tối xong, vừa học qua quýt là đứa này gọi đứa kia ra đầm sen để chơi đùa và nhổ ngó sen. Đứa nào cao lớn hơn thường bị phái xuống đầm để nhổ. Ngó sen là những cuộng thân lá còn non và phần trắng nõn còn ngâm ở dưới bùn ăn rất ngon ngọt. Khi việc nhổ ngó được độ vài chục chiếc là cả nhóm lại “liên hoan” với sự vui sướng vô bờ.Khi mùa hoa sen tàn, đó cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi được no nê thoả thích trong những bữa tiệc thưởng thức hạt sen, củ sen…
Sau bao năm xa cách, hôm nay tôi có dịp trở lại với mảnh đất quê hương. Ra đầu làng, ngắm lại đầm phá thì vẫn thấy một màu xanh biêng biếc của lá sen, của những bông hoa sen hồng đang mùa trổ hoa. Lúc này tâm hồn tôi dịu lại và kỷ niệm của những ngày ấu thơ xua cũ lại ùa về đủ đầy như một thước phim quay chầm chậm…
Thạch Bích Ngọc
(ĐHQG-TP.Hồ Chí Minh)