12-08-2024 - 07:48

Tản văn Đường về nhà của tác giả Lê Thị Xuân

Những cơn mưa ngâu nhẹ nhàng rơi như khúc dạo đầu báo hiệu mùa Vu Lan đang đến gần. Trên khắp phố phường và thôn xóm, người người tạm gác lại những lo toan, vất vả của đời sống thường ngày để đến chùa, cầu mong bình an và sức khỏe dài lâu cho cha mẹ, người thân yêu. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Đường về nhà của tác giả Lê Thị Xuân, GV trường THPT Nguyễn Văn Trỗi- Lộc Hà - Hà Tĩnh

Đường về nhà

                                                                    

   Ngày tôi đi lấy chồng, bác tôi vỗ vỗ lên vai vừa cười vừa bảo. Con gái mà lấy chồng xa/ giống như con lợn khái tha lên rừng. Tôi không hiểu sao bác nói ra câu đó trong khi nhà chồng chỉ cách nhà tôi chừng mươi cây số.

 

   Những ngày đầu, hôm nào tôi cũng tìm mọi cách để về nhà vì nhớ. Nhưng càng về sau thì ngày một thưa dần, nhất là từ khi các con tôi lần lượt ra đời, quỹ thời gian dường như không còn nữa. Sáng lo dậy sớm nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ cho con rồi đến cơ quan, chiều tan giờ làm vội vã phi nhanh về nhà để kịp lo bữa tối cho gia đình và chăm con nhỏ.  Cứ thế tôi lần lữa chuyện về nhà thăm bố mẹ, người thân. Lòng tôi tự nhủ, tối nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ, động viên,  thỉnh thoảng chuyển qua ngân hàng cho mẹ mấy đồng, mẹ thích mua gì thì mua, tiêu gì thì tiêu chứ tay xách nách mang cái này cái kia làm gì cho cực. Vậy là có thể yên tâm lo việc của mình rồi. Đợi sau này con cái lớn khôn, mọi thứ ổn định, lúc ấy sẽ dành thời gian về thăm nhà, thăm bố mẹ nhiều hơn.

 

   Quảng đường về nhà vì thế ngày một xa dần, lúc thì trời mưa lạnh, lúc thì nắng chang chang, lúc thì đường người ta đang thi công nên gồ ghề trơn trượt. Nhưng hơn hết là sự ái ngại về thời gian, tôi cần dành nó để chăm con, để làm thêm kiếm tiền xây nhà, mua xe, mua đất, để chăm sóc tổ ấm của mình cho trong ấm ngoài êm. Có những lúc ngồi ôm con nhớ mẹ, tôi lại ngẫm về câu nói của bác tôi sao mà đúng thế. Sự xa cách không phải vì địa lý mà còn vì hàng trăm lí do cho mình đổ lỗi. Sự tham lam của con người không bao giờ là giới hạn và tôi không ngoại lệ. Vì thế, cái ngày ổn định và thư thái mà người ta hay nói đến, trước mắt tôi cứ xa vợi, xa vời.

Đường về nhà (Tranh: Đức Linh)

   Hơn hai mươi năm xa vòng tay mẹ, vật lộn với mưu sinh, cuộc đời tôi đã ở phía bên kia triền con dốc. Nay trở về nhà trên con đường quen thuộc, tôi dong xe chậm rãi qua những cánh đồng, chợt chạnh lòng khi thấy những bác nông dân ướt đẫm mồ hôi trong nắng chiều oi bức. Hình ảnh mẹ cha hôm nào dải nắng dầm sương lại hiện về trong cõi nhớ. Phải rồi,  ngày ấy để có bát cơm cho chúng tôi ăn, có áo quần và sách vở cho chúng tôi đi học, cha có quản chi nhọc nhằn, gian khó, mẹ có ngại chi miệng người đời dè bửu, khinh khi vì rách nát. Chiếc áo tơi dải dầu quanh năm trên đồng sâu ruộng cạn, bươn bã chợ gần, chợ xa  như hứng trọn bão giông đời.

 

   Khi vệt nắng chiều xuyên qua ô cửa rọi vào tóc mẹ, tôi giật mình thảng thốt. Trời ơi! Tóc mẹ đã bạc đến thế rồi sao? Bạc đến nôn nao như nỗi lòng từng chiều mẹ đứng trông con đầu ngõ. Tôi tự trách mình sao quá đỗi vô tâm. Trên đời này chẳng có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, chẳng có con đường về nhà xa xôi, cách trở mà chỉ có lòng con chưa trọn hiếu với người. Giờ đây, khi nhận ra điều đó thì liệu còn bao nhiêu thời gian nữa cho tôi về thăm mẹ, thăm mái nhà yên ấm ngày xưa. Khoé mắt tôi cay xè khi nhớ về câu hát: Còn mẹ còn lối đi về/ Mất mẹ cả lối về quê cũng mờ/ còn mẹ ngày đợi đêm chờ/ Mất mẹ ngay cả giấc mơ cũng buồn.

 

L.T.X

 

. . . . .
Loading the player...