19-10-2023 - 07:56

Tản văn Gặt lúa mùa thu của tác giả Lê Thị Xuân

Mùa gặt là mùa đẹp nhất của lúa, không chỉ bởi bức tranh vàng rực tô đẹp cả trời quê, mà đây còn là mùa mà người dân lao động được tận hưởng thành quả của mình sau những tháng ngày dày công chăm sóc. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Gặt lúa mùa thu của tác giả Lê Thị Xuân, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Trỗi – Lộc Hà – Hà Tĩnh.

      GẶT LÚA MÙA THU

                                         Lê Thị Xuân

 

 

   Mùa gặt là mùa vui, mùa dệt ước mơ cho những đứa con sinh ra nơi miền quê dầm mưa dải nắng. Mùa ươm lên những hạt mầm niềm tin hy vọng về những yêu thương ấm áp ngọt ngào. Mùa làm nên những con người biết nâng niu giữ gìn giá trị thiêng liêng của giọt mồ hôi mẹ cha từng ngày đổ xuống để sống làm sao cho tốt đời, đẹp đạo, cho vẹn tròn tình nghĩa trước sau.

    Tôi đã lớn lên nơi miền quê thanh bình, yên ả, nơi có cánh đồng thẳng cánh cò bay, với thảm lúa mênh mông mà cứ mỗi độ thu sang lại ngập ngời sắc nắng.

     Lặng lẽ gieo vào kí ức tuổi thơ những mùa gặt ân tình.

    Thu về, tiết trời quê tôi chẳng mấy khi mưa thuận gió hoà nên vào mùa gặt là tất thảy mọi người đều ngủ ngồi, ăn đứng. Khi cánh đồng lúa bắt đầu ngả sang màu nắng là lòng người hồi hộp lo âu. Sáng sáng, ai nấy vội vã ra thăm đồng rồi ngước nhìn lên khuôn mặt của bầu trời và dõi theo sắc màu của những đám mây, đêm đêm thấp thỏm chờ nghe dự báo thời tiết của những ngày sắp tới. Cơm áo của đàn con chưa ở trong bồ thì làm sao yên tâm cho được! Họ đã tảo tần, mong đợi từ lâu....

   Mùa gặt mùa thu, người quê tôi thường bảo: “xanh nhà hơn già đồng”. Nghĩa là chỉ cần bông lúa chín già hơn một nửa thì phải khẩn trương thu hoạch phòng khi tiết trời mưa tuôn, bão nổi. Bố mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng công cụ như liềm hái, quang gánh, xe cộ bao bì từ trước. Lúa vừa độ chín là cả nhà đưa nhau lục tục ra đồng từ khi mặt trời chưa ló rạng. Bước chân vội vã, đôi tay thoăn thoắt và mồ hôi rơi lã chã như mưa.  Bữa cơm tạm bợ trên bờ mà sao ngon đến thế. Mẹ thường ngày nhắc chúng tôi ăn chậm, nhai kĩ, ăn xong phải nghỉ ngơi một lúc rồi mới hoạt động. Thế nhưng, những bữa cơm này mẹ nuốt cho mau lẹ và lao ngay xuống ruộng rồi khom lưng gặt tiếp. Bố con tôi cũng vội vàng bước theo.

    Ánh nắng mùa thu chẳng oi nồng, gay gắt  như mùa hạ mà mắt tôi vẫn nhìn thấy lốm đốm bay vờn trước mặt, da tôi đỏ lừ, miệng thở dốc như bị hụt hơi, toàn thân ướt sũng, lén liếc mắt nhìn anh chị cạnh bên thì thấy ai cũng thế. Lòng tôi dâng lên niềm xúc động khi nghĩ về bát cơm đầy mẹ xới cho tôi, nghĩ về những bộ quần áo mới và sách vở thơm được chuẩn bị sẵn sàng khi tôi bước vào năm học. Nghĩ đến những lúc chẳng may trong nhà ai đó ốm đau. Tất cả mọi thứ đều từ hạt lúa mà ra. Và bố mẹ tôi phải tưới biết bao mồ hôi lên cánh đồng này.

Gặt lúa mùa thu (ST)

 

      Nỗi đáng sợ nhất của những ngày gặt lúa mùa thu là trời xường xuyên đổ mưa vào mỗi ban chiều. Lúc ấy, dù già trẻ, gái trai dường như đều dồn hết thảy sức lực để chạy đua với trời mà bảo vệ thành quả lao động bấy lâu. Tôi nhớ như in những lần chạy mưa tất tưởi, hối hả, dở khóc dở cười của cha mẹ, khi chẳng kịp thu vào nhà nên lúa ào ạt trôi theo dòng nước. Ánh mắt mẹ thẩn thờ tiếc của và nén tiếng thở dài nặng trịch vào trong.

         Còn tôi, có hôm được giao nhiệm vụ ở nhà trông chừng sân lúa cho cả nhà đi gặt đồng xa, vì mải chơi nhảy dây với cái Hoan, cái Phố dưới vòm cây mà chẳng biết trên cao bầu trời đang bắt đầu nổi cơn giông gió. Một tiếng quát thật lớn của sấm đã gọi tôi nhớ về công việc. Đôi chân phi thật nhanh, lòng thì run run sợ hãi. Bao nhiêu sức lực tôi đổ dồn ra để cào quét , dồn lúa vào bao nhưng hình như chẳng kịp nữa rồi, vài giọt nước bắt đầu nhỏ lên da thịt, nhịp tim tôi như nhịp trống dồn. Bác Thiêm nhà bên vừa chạy đến vừa hô to gọi mọi người xung quanh giúp đỡ. Chỉ một loáng thì cuốc cào loảng xoảng, chổi quét rào rào. Ai cũng chạy hết tốc lực để cứu lúa nhà tôi. Khi bố mẹ tôi vừa về đến ngõ thì sân bãi cũng đã gọn gàng và mưa bắt đầu ào ào trút xuống. Ai nấy gương mặt đỏ lừ, thở dốc và mồ hôi chảy tràn ra ướt sũng.

         Bấy giờ, tôi mới tĩnh tâm và nhẹ nhõm trong lòng. Mọi người khen tôi khoẻ và nhanh nhẹn khi còn bé mà hì hục xúc rồi bưng từng thúng lúa đầy ăm ắp chạy phăng phăng vào đổ trong nhà. Quả thật lúc ấy, tôi có biết nặng nhọc gì nữa đâu mà chỉ nghĩ làm sao đưa hết lúa vào cho kịp. Hoá ra, trước nguy cơ mất đi thứ gì quý giá, con người ta sức mạnh thật phi thường. Tôi hiểu được giá trị thiêng liêng và trân quý biết bao hạt lúa quê mình, thầm biết ơn những người bà con chòm xóm, cảm phục tấm lòng tận tụy, bao dung. Thậm chí, ngay cả những người thường ngày xảy ra xích mích, hờn giận với bố mẹ tôi thì hôm nay họ đều bỏ qua cả. Câu nói của bà tôi lại văng vẳng bên tai "bán chị em xa, mua láng giềng gần". Bà vẫn dạy chúng tôi điều ấy qua lời ăn tiếng nói, qua hành động sẻ chia thường ngày với mọi người trong cuộc sống. Bài học nhân sinh từ kỉ niệm những lần chạy mưa như thế đã cho tôi  bao hành trang bước vào cuộc sống, để hôm nay tôi được vững vàng.

       Xã hội bây giờ phát triển, hiện đại hoá nông thôn nên những người nông dân chẳng còn vất vả như xưa. Nhưng câu chuyện sẻ chia trong mùa gặt sẽ còn nguyên vẹn mãi. Bởi để làm nên hạt thóc không bao giờ là dễ và không ai có thể độc bước thành công trên cuộc đời này. Cây lúa bên nhau, tựa vào nhau mà đứng thẳng, mà vượt qua mưa gió. Con người bên nhau mà thấm đẫm nghĩa tình, khó khăn hoạn nạn lại càng kết đoàn, san sẻ, yêu thương!

 

L.T.X

 

. . . . .
Loading the player...