04-06-2020 - 09:51

Tản văn GIÓ NÓNG của Nhà văn Nguyễn Thế Tường

       Thường tới tháng năm tháng sáu tây, nhằm cuối tháng tư âm lịch, người dân quê tôi, người dân trên suốt dải đất miền Trung đều như chờ đợi, như e ngại một điều gì không đáng hoan nghênh nhưng cũng không tránh được. Năm nay, mùa xuân “nhóm” muộn, “tan” muộn, nhưng, khi mà hoa phượng đã nở đỏ ối sân trường, học sinh vào mùa thi, thì, khách không mời...cứ lù lù dẫn xác đến: Gió nóng tràn về. Với người dân Bắc miền Trung, khi nói “gió Nam” là gió Tây nam đấy! Tên cúng cơm là “ Gió Lào”, đơn giản vì thổi từ hướng nước Lào sang, vấp dãy Trường Sơn phải trườn lên cao, gặp lạnh tụ thành nước mưa hết về bên kia, sang được miền Trung thì chỉ còn phần xác, khô khốc. Chừng hơn ba mươi năm trước, cánh làm báo chúng tôi ở Huế nghe phổ biến rằng, vì tình hữu nghị anh em cật ruột, từ nay trên văn bản đừng gọi cái ngọn gió khắc nghiệt ấy trùng tên với “người anh em” mình nữa. Danh xưng hiệu ứng Phơn ra đời. Có sao đâu, ngôn ngữ mang tính võ đoán mà! Trong bộ gió Nam (Phơn) có Nam Lửa, thổi như quạt lửa vào mặt, gió Nam Cồ thổi ồ ồ cuồng nộ như xay lúa. Có cả khái niệm “Bão Nam” tức là cơn bão mà gió thổi chỉ một hướng Tây Nam, bão nhưng không hề có một giọt mưa. Trong cơn bão có cả những luồng gió xoáy trôn ốc theo hình đồng tâm từ lớn đên nhỏ, vài phút sau tan ngay để lại nơi rốn gió những thứ vớ vẩn như giẻ rách, lá khô. Bọn trẻ chăn trâu chúng tôi gọi đó là quần áo của cô hồn, ma cụt trốôc (cụt đầu). Thời trước, cấy giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài, khi lúa trổ gặp gió Nam sớm thổi phấn bay lạc hết coi như thất bát.

Vào mùa ( ảnh Lê Thắng) 

      Với đời học trò, nghe gió Nam về là được nghỉ hè, sẽ có “ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ” . Kí ức tuổi thơ tôi thường nghe vọng lại đâu đây, lẫn trong tiếng gió Nam có tiếng chim Cu gù trầm bổng cuối xóm, tiếng Nghé ọ xa xăm. Ba tháng chăn trâu, thả diều, bắt cá thỏa thuê giữa cánh đồng mênh mông bùn lầy năn lác hoang dại. Ba tháng quên làm người để hóa thân thành con trâu, con cá, con chim Cà lơi vui hót trên đồng, như tan vào ngọn gió...nóng.

    Nhớ những ngày hè trong chiến tranh ở miền Bắc. Đêm đêm, cùng với luồng gió nóng đồng lõa, không lực Hoa Kì ném bom Napan, nhà cháy ngút trời, người vọt ra khỏi hầm, bom bi vãi xuống, người thương vong la liệt. Trẻ con từ nơi trú ẩn giữa đồng nhìn vào làng ngùn ngụt lửa. Trong làn gió nóng, khát khô cuống họng, vục nước ruộng uống, thum thủm mùi bùn, mùi tóóc mục, lẫn cả giun, ốc, đỉa. Ôi, cái dải đất miền Trung cằn cỗi lại khô khát thêm bởi những mùa gió nóng.

    Âý vậy nhưng, chính nó, khi mang cái nóng nực khô khát về lại đánh thức một mùa phượng vỹ. Cứ như thể chỉ chờ cành cây lắc lư trong luồng gió nóng là huyết phượng sôi lên thành những bông hoa,chùm hoa, cành hoa...cả trời hoa đỏ. hoa học trò.

    Ngay bến sông nhà tôi nhìn sang bên kia có một cây phượng vỹ cổ thụ rất già nhưng hè nào cũng gắng trổ bông. Dưới gốc phượng già ấy có cô gái nhỏ chiều chiều ra sông chải tóc tha thẩn nhặt những cánh phượng rơi xâu thành chuỗi treo vòng qua cổ, cười một mình. Năm tháng chiến tranh như nước sông trôi. Em dần mảnh mai dáng thiếu nữ nhu mì. Tôi phổng phao thành gã trai rực máu nóng, nhập ngũ một ngày xác phượng rơi đầy mặt nước sông. Tiễn con ra bến nước, Mạ tôi bần thần: -“ Gắng giữ gìn để còn quay về với làng xóm, nghe con!”. Ôi, Mạ ơi! Làm sao con giữ gìn được đây khi mà từ cổ chí kim mười người đi chinh chiến may chăng có một người về. Bên kia sông, dưới gốc phượng già, cô gái ngừng tay giặt áo nói một câu lơ lửng gì nghe không rõ...

    Năm năm sau, từ trại thương binh, tôi cũng về được dẫu chỉ còn báo hiếu Mạ hơn nửa hình hài. Mang niềm vinh quang chiến thắng trên đôi nạng gỗ, tôi qua sông tìm câu nói lửng lơ năm trước. Gốc phượng già rơi rụng vài cánh hoa hè muộn mà người năm tê năm trước đã theo chồng về nơi đâu!?

                                                     *

   Vun vút trôi qua bao mùa gió nóng, phượng nở, ve kêu, bao lớp lá vàng hoài niệm ngổn ngang. Tôi vào lớp người cũ từ bao giờ mà lòng vẫn hí hửng mỗi độ hè về như chờ nghe vẳng đâu đây tiếng gió thổi ồ ồ như xay lúa, như thể lại được nằm úp mặt xuống thảm cỏ khô xác lắng tiếng Cu gù, tiếng chim cà lơi thánh thót, băng ra giữa đồng ì oạp như trâu như cá.

    Ôi, sắp mãn một kiếp người mà chưa ra khỏi lưu vực những cơn gió nóng.

                                                                             N.T.T

 

. . . . .
Loading the player...