" Trong những ngày này cả nước và cả thế giới đang gồng mình lên để chống dịch covid thì hình ảnh người lương y như là hạt nhân trung tâm, điểm tựa tình người"...Nhân kỉ niệm Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2021) Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu Tản văn của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Nguyễn Ngọc Phú
LƯƠNG Y – NHỮNG THIÊN THẦN ÁO TRẮNG
(Tản văn)
Có lẽ không có hình ảnh nào so sánh hay và đúng về người thầy thuốc “ Những thiên thần áo trắng” bằng câu nói của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Bác còn dặn thêm: Người thầy thuốc phải “Nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Người nói: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ ủy thác cho các cô , các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào, đó là nhiệm vụ vẻ vang”. Người còn nhấn mạnh: “Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Suốt cuộc đời Bác cũng đã dành nhiều tình cảm cho những người thầy thuốc, Bác là người bạn thân thiết với các bác sỹ: Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ .... đó là những giáo sư ngành y nổi tiếng . Danh y Hải Thượng Lãn Ông cũng chú trọng xây dựng y đức của người thầy thuốc. Ông dạy: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cho người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công”....
Từ xưa tới nay người thầy thuốc luôn được mọi người kính trọng. Người thầy thuốc theo ta đi suốt cuộc đời từ khi cất tiếng khóc oa oa đã được bàn tay người hộ sinh nâng đỡ. Đó chính là bệ phóng đầu tiên để đưa ta vào đời, bằng nhịp cầu là mười ngón tay dịu mềm với tấm lòng nhân ái. Nhát cắt rốn đầu tiên trong cái đau cắt rời ấy lại vỡ òa niềm vui của người mẹ của người lương y với sự mong mỏi “Mẹ tròn, con vuông” sau thời gian “Chín tháng mười ngày”. Tôi đã có câu thơ viết về sự mong mỏi sinh thành này:“ Mười ngày dài hơn chín tháng”. Đó là sự khao khát mong đợi tính ngày của thời gian tâm lý khác với chín tháng ban đầu dằng dặc của thời gian vật lý. Và nhiều khi tôi hình dung : cái kéo, mũi tiêm là điều xoa dịu nhất và màu áo trắng Bluoe chính là màu nắng ấm áp tình người trong đêm, cũng như có lần tôi hình dung dấu chữ thập đỏ chính là dấu cộng: Cộng thêm tình thương, cộng thêm tình nhân ái, tính cộng đồng xã hội để bù đắp thiếu hụt mất mát .....
Trong những ngày này cả nước và cả thế giới đang gồng mình lên để chống dịch covid thì hình ảnh người lương y như là hạt nhân trung tâm, điểm tựa tình người. Mặc dù bên cạnh những thiên thần áo trắng còn có những sắc xanh quân phục bộ đội, công an và bao màu áo tình nguyện khác. Nhưng nổi trội và quyết định quan trọng nhất vẫn là trí tuệ và lòng nhiệt huyết của các thầy thuốc. Họ là người tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân sau những tấm áo phòng hộ, những khẩu trang và mũ bảo hiểm che chắn như là bộ áo giáp trong những ngày nóng nực, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi hình dung họ như những phi công vũ trụ từ ngoài hành tinh bước vào để mang đến ngọn gió lành xua đi ám ảnh những cơn lốc dịch bệnh vô hình cướp đi bao sinh mạng, làm đảo lộn cả trật tự đời sống thường ngày của cả nhân loại. Giản cách xã hội là một hành động thường trực thiết thực để ngăn chặn dịch bệnh nhưng không thể cách ly được tình thương nhân ái của lương y và người bệnh. Những ngày nếu không có dịch bệnh thì chiếc khẩu trang vẫn là người bạn đồng hành của người thầy thuốc. Nhưng bây giờ chính chiếc khẩu trang che chắn là vật bất ly thân “tấm lá chắn” mền mại nhưng có hiệu quả tốt nhất của toàn cộng đồng xã hội để chống lại đại dịch đang chực len lỏi gieo rắc cái chết hơn cả thảm họa chiến tranh. Chính trong những thời điểm nhạy cảm và nóng bỏng này thì thước đo nhiệt kế tình người của các thầy thuốc càng được thể hiện rõ nhất. Quên sao được những giấc ngủ ngắn ngủi chập chờn giữa hai ca trực sau những đêm hỏm mắt chống dịch. Quên sao được người thầy thuốc ăn vội tấm bánh mỳ, chiêu vội một ngụm nước lọc tinh khiết để kịp thời thay phiên nhau lắng nghe hơi thở, nhịp tim của người bệnh . Và chính những thiên thần áo trắng này lại chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ tinh thần cho những người đang trong thời gian cách ly mà con số lên đến hàng vạn. Quên sao được hình ảnh người mẹ điều dưỡng gọi điện về cho con dặn dò những điều thiết yếu vì hàng tuần chưa kịp về nhà để lo “Chống dịch như chống giặc”. Đất nước Việt Nam ta có thiên nhiên tươi đẹp với những cánh rừng bạt ngàn mang trong đó bao vị cỏ cây quý hiếm. Những cây thuốc cắm rễ sâu trong lòng đất hút hết mọi tinh hoa tinh túy của đất đai, linh khí giang sơn đất nươc để chiết ra những vị thuốc mang bao cái tên đọc lên đã thấy cả tình người thơm thảo: Sâm quy, quế hồi, hoài sơn, đậu trọng ....Ngoài các bệnh viện lớn thì hình như làng xã nào cũng có những ông lang thầy thuốc bắt mạch và kê đơn với những thang thuốc truyền lại bao đời – Đó cũng là một trong những điểm tựa tình người dân dã. Một thầy thuốc châm cứu nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Tài Thu vừa mới qua đời, ông cũng là người học từ các phương pháp dân gian để rồi chắt lọc và nâng cao thành đôi bàn tay vàng kỳ diệu. Tôi mới hiểu vì sao để đào tạo được một bác sỹ cần phải thời gian 5- 6 năm và cũng phải sau 3 – 4 năm mới bước đầu tương đối thành thạo nghề nghiệp. Nhưng tôi tin tưởng rằng khi họ bước vào ngưỡng cửa đại học y thì tinh thần y đức như một thứ y văn đã được khẳng định và bồi đắp thêm, nảy nở thêm để trở thành một điểm tựa niềm tin sẽ chia với người bệnh. Và tôi vẫn còn nghe vang vọng lời thề Hippocrates khi tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp trong đó có đoạn: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh, tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. Vâng, chính sự bình đẳng bác ái này là một trong những điểm tựa tình người của “ Những thiên thần áo trắng”.
Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 2 năm 2021
ảnh nguồn internet