10-05-2024 - 22:13

Giới thiệu Tiểu thuyết HOA TRONG BÃO VÀ ĐÓA HỒNG THỨ 40 của tác giả Vinh Kiu

Vinh Kiu tên thật là Lê Ngọc Thành Vinh, sinh năm 1980 tại Kỳ Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. là con trai của Giáo sư toán học, Nhà thơ Lê Quốc Hán, Vinh Kiu đang bước những sải chân khá vững vào địa hạt văn chương. Anh đã đạt được một số giải thưởng, ra sách, làm giám khảo cho những cuôc thi văn thơ Công giáo. Đam mê, nhiệt tình, chịu viết và nhìn đời đầy thân ái. Ban biên tập xin giới thiệu bài viết về tiểu thuyết HOA TRONG BÃO của Nhà văn Nguyễn Văn Học

Tác giả Vinh Kiu

"HOA TRONG BÃO" CỦA TÁC GIẢ VINH KIU

    “Hoa trong bão” là tác phẩm Vinh Kiu đặt nhiều kỳ vọng. Có lẽ tựa đề đã phần nào diễn tả nội dung của cuốn sách này: câu chuyện về một cô gái Công giáo lấy chồng ngoại đạo và bị cuốn vào cơn bão tình-tiền-tài không thoát ra được. Chỉ có cánh tay của Thiên Chúa là niềm hy vọng dẫn cô đến bến bình an.

      Vinh Kiu đang bước những sải chân khá vững vào địa hạt văn chương Công giáo. Bằng việc liên tục đạt một số giải thưởng, ra sách, làm giám khảo cho một số cuộc thi văn thơ Công giáo, đủ thấy năng lực của anh. Qua tiếp xúc, đọc tác phẩm, thấy anh đang hừng hực khí thế sáng tạo, với một đam mê vô bờ, hứa hẹn sẽ làm đầy thêm số lượng và chất lượng văn thơ Công giáo trẻ. Đặc biệt, ở anh có một ngọn lửa, mà như tôi thấy, có khả năng khơi sáng sự sáng tạo trong lực lượng viết văn trẻ Công giáo. Đam mê, nhiệt tình, chịu viết và nhìn đời đầy thân ái. Đó là những đức tính cần có của một người cầm bút. Vinh Kiu có những yếu tố đó.

“Hoa trong bão” là tác phẩm Vinh Kiu đặt nhiều kỳ vọng. Có lẽ tựa đề đã phần nào diễn tả nội dung của cuốn sách này: câu chuyện về một cô gái Công giáo lấy chồng ngoại đạo và bị cuốn vào cơn bão tình-tiền-tài không thoát ra được. Chỉ có cánh tay của Thiên Chúa là niềm hy vọng dẫn cô đến bến bình an. Dĩ nhiên là với điều kiện cô đưa tay ra để nắm lấy. Tuy thế, không chỉ đơn thuần là kể lại cho bạn bè một câu chuyện đã xảy ra với “những người sống quanh tôi”, tiểu thuyết còn mở ra cho các độc giả thân yêu nhận thấy những “cái hay, cái dở” như nhân vật trong truyện, từ đó nghiệm ra nên làm gì, nên tránh gì, mình thiếu gì, cần bổ sung gì…

   Tiểu thuyết Hoa Trong Bão và Đóa hồng thứ 40, nxb Hồng Đức 

Bạn trẻ, khi đọc tác phẩm, hẳn sẽ thấy gần gũi. Tuy rằng, văn chương có chức năng giáo dục. Giáo dục ở văn chương chính là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho mọi thế hệ công dân, góp phần tạo nên môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, có văn hóa. Bản thân câu chuyện trong tiểu thuyết cũng đã rất có ích cho chính tác giả.

 Giữa cuộc sống hôn nhân đầy phức tạp của các gia đình trẻ ở thành phố, nơi những lo toan vất vả bộn bề, đặc biệt với các bạn trẻ xa quê lập nghiệp, cơn lốc của đô thị hóa, lối sống buông thả, sùng bái vật chất, không ít bạn trẻ đã sa ngã, không ít gia đình đã tan nát. Ngoại tình là một trong những nguyên nhân hàng đầu, thậm chí có thể nói là đứng ở vị trí cao nhất! Tựu trung, ngoại tình là vấn đề nóng bỏng của thời đại, nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm, không phải ai cũng dám nói, dám viết. Đây cũng là vấn nạn gia đình đáng báo động, ngay cả với các gia đình có người theo đạo Công giáo, nơi hôn nhân được xác quyết là “bất khả phân ly”.

 

Mỗi nhân vật chính có hoàn cảnh sống riêng nhưng chung số phận - số phận của những kẻ ngoại tình. Đáng thương hay đáng giận? Điều đó, hẳn mỗi bạn đọc sẽ có cách đánh giá. Tất nhiên, kẻ sai trái sẽ phải trả giá, dù cho đó là Thảo Mai, người có thể nói là tội nghiệp nhất trong các nhân vật và chuyện ngoại tình chủ yếu do hoàn cảnh xô đẩy, song cũng là do cô đã nương theo và trượt dài. Nhưng nghĩ mà xem, nếu người vợ ly hôn đi lấy chồng khác, con gái ở với bố dượng có nguy cơ bị lạm dụng không, con trai có thể bị đánh đến tan xương nát thịt như những câu chuyện đầy rẫy đăng trên mạng không? Người chồng kết hôn với người đàn bà khác, con riêng sống với dì ghẻ có thể rơi vào thảm cảnh thế nào? Biết bao câu hỏi không có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng nạn nhân của ngoại tình không phải người lớn mà đáng thương thay lại chính là trẻ thơ.

 Vì vậy, đã yêu thật lòng thì hẵng nghĩ đến chuyện cưới. Đã sống đời sống hôn nhân thì phải luôn sẻ chia, nâng đỡ nhau và chớ có ngoại tình, dù chỉ là trong tư tưởng, bởi kết cục luôn là sự chia ly trong đau đớn. Đó là tư tưởng của tiểu thuyết này. Đó cũng là một cách tiếp cận của Vinh Kiu, khi anh nhìn đời với con mắt nhân ái. Anh tôn sùng đời sống hôn nhân Công giáo. Sự chung thủy bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.

Tác giả Vinh Kiu giàu vốn sống và đang muốn khẳng định mình bằng tiểu thuyết. Một thể loại có sức mạnh của mỗi nền văn chương. Ở mỗi chương, mỗi trang viết, Vinh Kiu đã dồn tâm sức vào đó. Chương nào cũng thấy hiện thực được hiện lên ngồn ngộn, rõ nét. Có những cảnh được đặc tả, như thể máy quay tâm hồn Vinh Kiu đang cận cảnh rọi vào những số phận, những góc khuất của cuộc sống. Từ đó mang đến cho bạn đọc những nhân vật được hiện hữu trên trang giấy. Dù rằng, với xã hội hiện đại, những góc khuất ấy đã diễn ra nhiều, và không ít tác giả đã khai thác rồi. Song, khai thác bằng một chất giọng thân ái cũng có những cái thú vị riêng. Vinh Kiu là người cầu thị, đọc lại bản thảo và chỉnh sửa để tác phẩm đạt chất lượng tốt hơn. Đó cũng là đức tính cần thiết của mỗi người cầm bút.

 

Ai cũng có thể viết lên những câu chuyện của mình. Vinh Kiu đã viết câu chuyện tâm hồn của mình, bằng cách nhìn vào đời sống Công giáo, với những tín hữu, giáo dân trong cộng đoàn anh chứng kiến. Anh cùng trải nghiệm trong bầu sinh quyển với họ. Và các cảnh huống, nhân vật, được tinh lọc từ đời sống, để bước vào văn chương với một dáng vẻ hoàn chỉnh, là những “hình hài” chuyển tải ước vọng và tư tưởng của tác giả. Mến chúc độc giả luôn được hạnh phúc, có nhiều thời gian để đọc các câu chuyện cuộc đời. Hy vọng cuốn tiểu thuyết này có ích cho mỗi chúng ta. Tôi biết, đây không phải tiểu thuyết cuối cùng. Vinh Kiu sẽ tự tin viết tiếp.
 

Giới thiệu sách
Nguyễn Văn Học

 

. . . . .
Loading the player...