17-08-2024 - 07:14

Nhấp nhô “đồng bằng” và giai điệu lặp

Khi vào trang tạp chí điện tử “Nhiếp ảnh và đời sống” của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi chú ý đến những bức hình vừa đoạt giải của liên hoan nhiếp ảnh hai khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long trong năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các khu vực liên kết tổ chức.

Chủ đề của cuộc liên hoan vùng ĐBSH là “Khát vọng Sông Hồng”, còn của vùng ĐBSCL là “…Hội nhập và phát triển”. Tôi chợt nghĩ: Nếu Việt Nam được coi là một cường quốc nhiếp ảnh, thì hẳn bắt đầu phải bằng những cái tên cho các cuộc triển lãm. Nó chắc chắn rằng phải hay nhất thế giới, mỗi khi người ta đọc lên, đều thấy cứ mênh mang, mênh mang và âm hưởng của niềm lạc quan vốn dễ được lây truyền. Nó không những nhanh chóng tãi mỏng như gió lướt đều trên thảm lúa đồng bằng - nó còn ròn tan, phấn chấn và độc đáo tựa nhịp reo của cái điếu bát mà một lão nông ở xứ Vĩnh Bảo (Hải Phòng) rít thuốc lào vào những buổi bình minh…

Khai mạc và Trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng lần thứ XXIV năm 2022 - Ảnh: nhiepanhdoisong.vn

Điều đầu tiên người ta nhận ra ngay: Giữa hai vùng đồng bằng, đã có sự khác biệt ở chỗ, là mỗi vùng có một hệ thống giải thưởng khác nhau. Khi mà khu vực Đồng bằng Sông Hồng chỉ duy nhất có một bộ giải thưởng, thì khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có hai bộ giải cho ảnh màu và ảnh đen trắng riêng biệt. Tuy rằng số ảnh gửi về Ban tổ chức lại không chênh lệch nhau là mấy. (ĐBSH: 1817 ảnh, ĐBSCL: 2056 ảnh).

Vì chưa có đủ sự thẩm thấu, đồng điệu, rung cảm và hiểu biết về từng bức ảnh đoạt giải, nên trong bài viết ngắn này, tôi xin tránh gọi theo Ban Tổ chức về những bức ảnh được họ gắn nơ và tuyên bố đó là “những tác phẩm xuất sắc”. Cũng bởi sở dĩ tôi thuộc nhóm người bảo thủ - quen nhìn những thứ như: “Suối tóc” (Phạm Văn Mùi), “ Mẹ con ngày gặp mặt” (Lâm Hồng Long), “Bạn của Mẹ” (Đoàn Đức), hay những bức ảnh hừng hực khí thế: “Xé khẩu hiệu địch” (Đỗ Huân), “Từ thần sấm xuống xe trâu” (Văn Bảo), “Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị” (Đoàn Công Tính)… mới là TÁC PHẨM đích thực của nhiếp ảnh nghệ thuật(?)

Quả thật, xem hàng chục bức ảnh đặt liền kề nhau, đôi khi người ta lại dựa vào con mắt hồn nhiên và một chút nông nổi của cô gái mới lớn lần đầu nhận được thư tình. Để rồi giữa bộn bề sắc phục của chốn ba quân, cô chợt thấy dáng vẻ một cậu trai như được phủ lớp hào quang, mơ hồ cảm nhận một sức cuốn hút khiến cô cứ muốn sán lại gần - cô bị say, bị sốc mà còn chưa biết ngọn nguồn thứ cảm xúc đó là gì. Thứ tình cảm trên, người đời chả hiểu sao lại gắn thành một căn nguyên sát liền với tai hoạ: Bị “sét đánh”! Hay một nỗi, những vị giám khảo đôi khi cũng bị dính nhiễm, có người sau đó chẳng hiểu tại sao, ở thời điếm bỏ phiếu mình lại u mê như thế(?)…      

Khi xem cả ba bộ ảnh đoạt giải (vì ở ĐBSCL có hai bộ giải cho màu và đen trắng), thì tôi không gợn thấy chút gì mà ta vẫn gọi là “sốc”. Cũng không thấy thứ cảm giác ghen tị thường có của một người làm nghề đồng bóng, khi bị ai đó đoạt mất “con hương”. Nhưng lại thấy củng cố một điều từ lâu đã được khẳng định, rằng “thằng tây” nó giỏi thật! “nó” làm sao mà sản xuất ra những loại ống kính chụp thứ gì cũng nét? “Nó” tạo ra những filter và phần mềm lọc ảnh cứ trong như khi chụp ở ngoài chân không? Nó còn “cầm tay chỉ việc” để biến người ta thành “con chip sáng tạo”… Tuy vậy sự khác biệt về gu ảnh của hai vùng đồng bằng, người ta vẫn nhận ra như khi nghe chất giọng của hai miền Nam – Bắc: Vùng Đồng bằng Sông Hồng thì nặng gắt như đất phèn, còn vũng Đồng bằng Sông Cửu Long lại cứ nhẹ êm như tiếng con thuyền lướt xuôi dòng nước…

Khi trộn những ảnh có cùng thứ bậc giải thưởng của hai vùng để xem, để ngắm. Thì thấy hắt lên một cảm nhận rằng, cả ba bức đoạt huy chương vàng năm nay đều cứng như cái dải phân cách trên đường cao tốc. Bức “Xi măng Hà Tiên” của Trương Minh Điền (Kiên Giang) chỉn chu về bố cục, ánh sáng mạnh, con người lao động được trang bị bảo hộ tới từng chi tiết nhỏ. Nó hẳn thuyết phục được Hội đồng giám khảo bởi đã đi sát chủ đề “Hội nhập và phát triển”. Nhưng chính sự cầu toàn, sạch sẽ của tổng thể khuôn hình, lại làm người xem thấy nó lạ lẫm với thực tế cuộc sống thường nhật và thiện cảm về bức ảnh có thể vì thế đã bị giảm đi. Bức “Vươn cao” của Đỗ Bá Hưng (Hải Phòng) thì cũng có bố cục khoẻ, vững chãi. Người chụp đã có sự quan sát kĩ, nắm được quy luật của những chuyến bay qua vùng và khéo tìm ra cách thể hiện ý tưởng, khi mượn hình ảnh của chiếc máy bay dân dụng sải cánh trên trời cao, để nói về khát vọng bay xa của con người. Một điều hơi buồn cho tác giả, là khi xem bức ảnh của anh, người ta không tránh khỏi việc liên tưởng đến những trang: webnhiepanh.com hay lavenderstudio.com.vn, ở đó người ta dạy các thủ thuật chụp ảnh, cùng với những ví dụ minh chứng rõ ràng của những người đi trước. Nếu bảo đó là những ý tưởng lớn đã gặp nhau thì có phải lẽ không nhỉ(?) Cuối cùng là bức ảnh đen trắng “Vũ điệu của tôm” của Phan Thanh Cường ( Bạc Liêu) chụp những con tôm nhảy lên khỏi mặt nước, nhưng hai người sậm chắc đôi bên thẳng đứng như hai trụ cổng, nên đã lấn át đi vẻ mềm mại của lũ tôm lao xao… Hai bức ảnh đoạt huy chương bạc của vùng ĐBSH thì có vẻ chưa tới bức “Tranh bóng” của Nguyễn Tuấn Anh (Quảng Ninh) chụp đá cầu thì kém sắc độ, đề tài và cách thể hiện không được mới. Bộ ảnh “Ngọt ngào mật ong long nhãn” Của Lê Hào lại hỏng ngay từ cái tít ảnh. Bởi mật ong là sản phẩm của hoa nhãn, còn long nhãn là thứ sản phẩm từ quả nhãn mới có được. Khoảng cách của hai loại hàng hoá ấy còn là lê thê những mấy tháng trời mưa nắng và sự sinh trưởng nhọc nhằn của tự nhiên. Tám bức ảnh chụp về khai thác mật ong giữa mùa hoa, song có thể bỏ đi một, hai tấm vẫn được và bức ảnh cuối chụp đặc tả một cầu ong giữa mùa mật mà chỉ có những ngăn chứa phấn hoa – thứ mà người nuôi ong có thể thấy ở ngay cả vào những ngày khan hiếm mật. Một số bức ảnh đoạt giải (của cả hai khu vực) có ý đặc tả nhằm ngợi ca về những hoạt động của bộ đội, thanh niên xung phong đang giúp dân chữa bệnh, trồng cây… Ai cũng thấy, đó là những mô típ quá cũ và quá sáo mòn. Bởi đất nước hoà bình đã được mấy chục năm, việc bảo vệ Tổ quốc, sản xuất kinh doanh của đất nước đã được cải thiện ở mức chuyên nghiệp hoá cao. Không lẽ giữa lúc đất nước đang “sóng yên biển lặng” mà người dân vẫn còn cứ phải cậy nhờ vào sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang? Người xem ảnh sẽ đặt câu hỏi ngược, rằng xã hội dân sự đang làm gì(?) Chỉ khi xem bức ảnh “Nắng chiều trên sông Ngô Đồng” của Trương Công Hiệp là người ta thấy dịu lại: Một khoảnh khắc hiếm hoi, có vẻ đẹp mềm mại, chụp tự nhiên giữa ngày vắng vẻ mà vẫn quyến rũ lạ lùng. Tuy việc sử lý hậu kì, tác giả còn chưa quan tâm đúng mức.

Nhìn chung sự khác biệt nhìn thấy rõ rệt nhất của hai vùng, là ở ĐBSH thì đại đa số các tay máy đi “săn ảnh”. Tại vùng ĐBSCL các tay máy chú tâm đi “sáng tác ảnh”… Một số người đang tạo ra lối đi riêng, có phong cách, (mong rằng một ngày kia sẽ hình thành nên cả một trường phái nhiếp ảnh). Và cũng không khó để nhận ra, có một số tác giả đang nỗ lực đi “săn giải” một cách đoàng hoàng, không hề che giấu. Cũng may là các cuộc thi ở Việt Nam luôn được kết nối hết năm này sang năm khác. Hy vọng những phần thưởng bằng vật chất đủ tiếp sức cho những đôi chân của họ mãi dẻo dai và ánh kim toả ra từ những tấm huy chương đủ quyến rũ cho sức sáng tạo của họ được bền bỉ.

Câu nói cổ của người Việt: “Miệng ăn núi lở” vừa như sự đúc kết, lại vừa như một điều răn, rằng chúng ta cũng phải biết dè sẻn “của Giời”. Khi biết rằng một mỏ than, một giếng dầu, nó đều có trữ lượng cụ thể - nếu cứ khai thác mãi rồi cũng đến ngày cạn kiệt. Và các nhà nhiếp ảnh của hai vựa lúa, ở hai miền đất nước, luôn nghĩ mình chẳng thể thiếu cái ăn cho sự tồn tại. Nhưng bắt đầu thấy có biểu hiện đói đề tài sáng tạo cho mình. Quả thật, chẳng biết nên khen, hay nên trách các bạn, đã làm cho những người quan tâm đến nhiếp ảnh thấy no, thấy ngấy những cảnh vá lưới! Thấy màu tím của hoa súng thành mối liên tưởng đến sự bầm dập của vết thương. Thứ gì đã khiến cho người ta ngồi trên boong thuyền lướt qua vịnh Lan Hạ, mà chán chẳng còn muốn ngẩng đầu ngắm núi? Đừng để hễ cứ thấy ảnh chụp mũi tàu, hay ảnh chụp luồng tia sáng văng ra từ đuôi cái “chân vịt”, là người ta nghĩ ngay rằng sẽ có huy chương và ẩn sau đó là những nụ cười chiến thắng…   

ĐBSCL là nơi khai sinh ra liên hoan ảnh khu vực (giờ thực chất là thi khu vực). Mỗi lần tổ chức đều rất quy cách và bài bản: Có Ban Tổ chức; Ban điều hành; Hội đồng giám khảo. Cả nước vẫn luôn học tập cách đi tiên phong của ĐBSCL... Ấy vậy mà Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL năm 2022 vừa trao Huy chương Bạc cho một tác phẩm đã từng xuất hiện trong Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ XXIII – 2008. Sự lặp lại đề tài, người ta còn chấp nhân được, do ít nhiều người đi sau đã biết làm mới cho tác phẩm sinh muộn. Nhưng để người xem phải thấy lặp lại một bức ảnh rất cũ, trong một cuộc liên hoan nhiếp ảnh mới. Thì cảm giác nhàm chán sẽ bị đẩy lên đến đỉnh điểm và uy tín của cuộc liên hoan trong khu vực sẽ bị giảm thiểu đi rất nhiều. Phải chăng đã đến lúc giới cầm máy cần có một cuộc thay đổi tận gốc cho các Liên hoan ảnh khu vực(?)   

Vũ Kim Khoa

. . . . .
Loading the player...