16-03-2024 - 05:32

Sự giao thoa giữa ảnh đơn và ảnh bộ

Gần đây, ảnh bộ hình như đang được "lên ngôi", chiếm lợi thế trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật, đươc nhiều nhà nhiếp ảnh, cả một số ban giám khảo quan tâm… Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Sự giao thoa giữa ảnh đơn và ảnh bộ" của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa.

Những năm gần đây, giới ảnh trong nước đã quen với khái niệm, rằng “ảnh bộ” bao gồm một cơ số từ năm đến tám tấm ảnh và “ảnh đơn” là chỉ một tấm duy nhất mà thôi. Vẻ ngoài của ảnh bộ nếu gói gọn ở những con số trong khi nhẩm đếm còn chưa gập hết ngón của hai bàn tay, thì đến người mù chữ cũng biết. Nhưng nếu hỏi một nghệ sỹ nhiếp ảnh ở lứa tuổi năm mươi hoặc sáu mươi (cái tuổi mà theo NSNA Hoàng Kim Đáng vẫn cho là “lớp trẻ”), cái hay về chiều sâu giữa một bộ ảnh và một bức ảnh đơn nằm ở đâu? Thì chắc chắn người hỏi sẽ nhận được hàng ngàn câu trả lời không giống nhau. Trong nghệ thuật, thì thường thứ gì có cấu trúc vẻ ngoài đơn giản, mà hàm chứa nội dung phong phú ở bên trong, như thế được coi là cô đọng. Còn khi tác phẩm chạm đến ranh giới 3/7 của giá trị thẩm mỹ (ba phần hình thức, bảy phần nội dung) thì người đời sẽ cho là phong phú, là gợi mở. Sự khác biệt nằm sâu trong quan niệm từng cá nhân, hay nhận thức của những người cầm máy nếu không bổ xung hữu ích cho nhiếp ảnh nghệ thuật, thì sẽ thành sự lãng phí vô nghĩa cả về thời gian lẫn vật chất cho cộng đồng những người yêu nhiếp ảnh. Còn khi những tranh luận trở nên rối rắm, phức tạp, rồi dắt díu nhau lạc bước vào ngõ cụt - thì nên chăng người ta cần phải cải tiến cách làm, thậm chí dũng cảm để kịp thời biết dừng lại.

Cây số 3 trong nạn đói Ất Dậu 1945. Ảnh: Võ An Ninh

1. Vài ví dụ điển hình của ảnh đơn

Để nhớ về những năm khốn khó bi ai của dân tộc, người Việt hôm nay chắc hẳn ai cũng phải rùng mình, khi đứng trước những bức ảnh của cố Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp về nạn đói năm 45 ở thế kỉ hai mươi. Tuy ảnh nào cũng ấn tượng vì nó gây nên những xúc cảm quặn thắt khi nghĩ đó là những người thân của mình ở vài thế hệ trước… Nhưng tại sao sau sáu tháng hay một năm, bức ảnh đọng lại trong mạch nhớ của người xem bao giờ đứng đầu cũng vẫn lại là “Thai Binh 3km”(?). Thái Bình là một địa danh của Việt Nam, nhưng người Việt từ cổ xưa đã có thói quen khi đặt tên cho người hay cho đất luôn gửi gắm vào đó sự kì vọng sâu thẳm trong nội tâm. Tên địa danh trên mốc giới hướng cận kề tới một vùng quê thanh bình, nơi ấy ẩn dụ về cái nôi dung dưỡng bao bọc cho con người ta sống, lao động và sinh con đẻ cái. Những đứa trẻ đói khát trong ảnh không thể đồng hành với tâm nguyện về lẽ sống “Thai Binh”. Thực tế và ước mơ ở đây tương phản khác xa nhau như chốn thiên đường và địa ngục.

Còn khi xem bức ảnh “Từ thần sấm xuống xe trâu” của cố NSNA Văn Bảo. Cận cảnh là người tù binh cùng những trang bị cá nhân hiện đại, đang ngồi duỗi chân trên xe trâu chậm rãi trên đường quê, vẻ ngoài co ro của tên lính chỉ thu được ánh nhìn thảm bại. Người xem ảnh không còn thấy cái dáng dấp tự tin khi hắn bước lên chiếc B52 chứa trong mình tới 33 tấn bom đạn. Hậu cảnh phía xa bức ảnh là những bụi tre, những áng mây điểm xuyết trên nền trời toát lên cảnh sắc yên bình. Người dân quân dắt trâu đi trước, vai khoác súng nhưng không biểu lộ một thái độ hận thù… Cái dáng cúi đầu đầy vẻ ân hận của tên lính như đang tự cật vấn lương tâm: Sao mình lại đem bom đến phá hoại quang cảnh này và sát hại những con người như thế(?)…
Bức ảnh đắt giá, bởi nó nêu bật sự đối nghịch giữa một bên là sắt thép, là bom đạn, là dã tâm “đưa miền Bắc trở về thời kì đồ đá”. Với một bên gồm những con người mộc mạc, hiền hòa trên tay chỉ sở hữu những vật dụng thô sơ… Nội dung bức ảnh gợi mở, khi nó có bối cảnh độc đáo làm nền tảng

Rồi tại sao chỉ một bức ảnh “Em bé Napal” của Nick Út xuất hiện trên mặt báo, nó đã kéo thêm được hàng vạn người Mĩ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam?

Võ An Ninh, Văn Bảo, Nick Út… Đã là những bậc thầy tâm lý khi sử dụng thành công góc nhìn cô đọng của nhiếp ảnh, để dẫn dắt người xem phải bày tỏ thái độ của cá nhân trước những diễn biến cụ thể trong cuộc sống hiện thực khách quan.

2. Ảnh bộ: Nhiều thành bất lợi 

a. Vụn vặt chiều kích cơ học.

Vào bất kì một cuộc triển lãm ảnh nào ở Việt Nam hiện nay, người xem vừa mới được chiêm ngưỡng một bức ảnh đơn có kích cỡ (50x75)cm. Tuy với khổ ảnh như vậy dù chưa phải là lớn, nhưng chất lượng hình ảnh đã thể hiện được tương đối chi tiết, tách bạch rõ các mảng khối, màu sắc của một bức ảnh được chụp với file raw có dung lượng có thể từ 10Mb đến 40Mb. Rồi cảm giác bỗng như bị “vấp mắt” khi ngay liền cạnh là một “ảnh bộ” gồm 8 hình ghép chung vào một khổ giấy (50x75)cm. Nó khiến người ta nhớ lại những tờ báo tường của học sinh cấp hai thời bao cấp, ở giai đoạn cuối thập niên tám mươi của thế kỉ trước. Hình ảnh từ một file dữ liệu gốc 40Mb, nếu chỉnh sửa photoshop trên hệ màu 16 bit, thì kết quả file ảnh có thể lên đến vài trăm Mb, vậy mà khi in, người ta nén vào một khổ ảnh thậm chí còn nhỏ hơn (20x25)cm. Chất lượng của màu sắc sẽ hao phí đi bao nhiêu phần trăm và sự “lép vế” của từng bức ảnh trong một bộ có khiến tác giả ngậm ngùi và các nhà tổ chức đã để tâm đến hay chưa?

Trên thị trường hiện nay, các thiết bị ghi hình và các phương tiện hỗ trợ để làm hậu kì cho nhiếp ảnh ngày một cải tiến với xu thế có được sản phẩm chất lượng hơn và lớn hơn. Nó xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, chứ không phải do sự áp đặt của người sản xuất. Khi thu nhỏ hình ảnh trong một “ảnh bộ” là đi ngược với tâm lý chung của người xem ảnh, tạo ra sự bất bình đẳng cho con mắt khi thưởng lãm nghệ thuật và làm lãng phí sức lao động của hàng ngàn những chuyên gia vẫn miệt mài cải tiến, nâng cấp cho nhiếp ảnh.

b.  Chung chiêng ảnh bộ 

Trong thực tế, không ít những bức ảnh ghép trong một bộ, nếu để nó đứng tách ra một mình thì lại được người xem đánh giá cao hơn là ép nó phải gánh theo một đám ảnh ăn theo. Khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nhiếp ảnh, thông thường người ta hay dựa vào các thông số: Bố cục, ánh sáng, thời cơ; rồi đề tài, tính sáng tạo…vv và vv. Yêu thích, người ta sẽ nói vào, trái lại không ưa thì người ta khoét sâu xuống những nhược điểm.   
Về lý thuyết, một tác phẩm nhiếp ảnh khi soi xét độc lập sẽ thấy n số lỗi, thì 08 tác phẩm ghép vào chung một tổ hợp sẽ nhân tám lần số lỗi (8xn số lỗi). Bộ ảnh được đánh giá cao, được trao giải, đôi khi chỉ tại người ta dùng phép đồng quy gom góp ưu điểm để tạo nên sức mạnh cho một “ảnh bộ”. Cùng thời điểm đó, giám khảo lại làm mờ, thậm chí còn không nhận ra những mảng tối được giao thoa của cả bộ ảnh. Kết quả tất yếu khi đại đa số những tổ hợp nhiếp ảnh kiểu ấy nhanh chóng bị thời gian làm rã đám, bởi nó tản mạn và chẳng có gì đáng nhớ để hằn thành vết vào não bộ người xem.

c. Diễn giải lòng thòng – bịt mối cảm xúc 

Để bày tỏ một nhãn quan, nhà nhiếp ảnh dẫn dắt người xem đi từ hình ảnh này qua hình ảnh khác trong bộ ảnh. Một chu kì khép kín giúp người ta biết được chi tiết cả quá trình xảy ra của sự việc. Điều đó thật hữu ích trong những bài báo điều tra, hay trong công tác hình sự của ngành công an nhằm mục đích cho những cơ quan có trách nhiệm lấy đó làm cơ sở để kết luận xác đáng một vấn đề. Nhưng trong nghệ thuật, phàm những thứ đã được bày ra, mà lại bịt kín trí tưởng tượng của người xem, thì đó là… Phản nghệ thuật!

d. Gây khó cho giám khảo

Khi chấm ảnh, hiện nay nhiều ban giám khảo đã nghiêng điểm cho ảnh bộ. Một số cuộc thi, liên hoan ảnh có tiêu đề “nghệ thuật” đã trao giải cho những ảnh bộ mà chất lượng của từng ảnh trong bộ đó không đạt, thậm chí chẳng dính dáng chút nào đến ảnh nghệ thuật. Thực tế có không ít những bộ ảnh mà người chụp đã “nhại lại” những góc nhìn cũ mà người khác đã chụp. Tại một cuộc thi ảnh nọ, có một bộ ảnh và một ảnh đơn đạt số điểm ngang nhau. Theo yêu cầu của BTC cuộc thi, BGK chỉ được đưa một tác phẩm vào vòng giải thưởng. Tranh cãi nảy sinh, khi có ý kiến khẳng định công sức làm một bộ ảnh lớn hơn là chụp một ảnh đơn… Cuối cùng bức ảnh đơn được trao giải, bởi một giám khảo khác cho rằng ảnh đơn sẽ khiến người xem dễ nhớ hơn.

3. Để dàn đồng ca cùng hát.   

Giá trị của nhiếp ảnh, phải là sự khác biệt và sự khác biệt tạo chiều kích cùng chỗ đứng độc lập cho tác phẩm trong môi trường nghệ thuật. Một bức ảnh đơn - một bộ ảnh gồm tám tấm - một triển lãm chuyên đề treo bốn chục bức ảnh: Khi cùng diễn giải về một sự kiện, chưa chắc số nhiều đã “ăn đứt” được số ít. Những luận điểm ở không gian văn hóa, người ta cũng sẽ không so sánh về sự nhiều ít khác nhau, cũng bởi sự khác biệt mới tạo nên văn hóa.

Lịch sử ở Việt Nam luôn tồn tại một xã hội thi cử. Cái dở thì đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến, nhưng cái hay thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Ở một bữa tối trong gia đình ông bố trẻ hò hét lấn át cả tiếng ti vi, ấy là khi thi ăn với đứa con gái đang tập cầm đũa. Đứa trẻ lớn lên rồi trưởng thành, phấn đấu được học hàm của một giáo sư, thì cũng phải trải qua không biết bao nhiêu lần thi đua hay thi cử… Hội NSNA Việt Nam tổ chức và đỡ đầu các cuộc thi ảnh, qua đó mới chắt lọc được một đội ngũ hội viên cả ngàn người. Ảnh bộ chỉ mới rộ lên trong các cuộc thi ảnh ở mọi cấp của Việt Nam tại một số năm gần đây. Tuy cái hay, cái dở đang được lộ dần qua mỗi cuộc thi ảnh chung như thế. Riêng những cảm nhận về sự công bằng, thì người ta không nhìn thấy vì nó lặn mất tăm ở đâu đó. Người viết bài này có gọi điện hỏi NSNA Vũ Hải (một kỉ lục gia về số giải thưởng quốc tế của Việt Nam) về các cuộc thi ảnh ở nước ngoài có chung ảnh đơn và ảnh bộ… Ông Vũ Hải đã khẳng định đại thể: Các cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật chấm chung giữa ảnh đơn và ảnh bộ, chưa hề thấy xuất hiện ở các cuộc thi ảnh quốc tế. 

Để chuyển một cách làm của ảnh thời sự, báo chí thành lối đi hay con lộ cho nhiếp ảnh nghệ thuật, coi nó như phát kiến cụ thể trong một giai đoạn phát triển của lịch sử nhiếp ảnh nước nhà. Thì bắt buộc cả giới cầm máy sáng tạo ảnh nghệ thuật cần phải cân nhắc, thận trọng từng bước đi. Trước mắt nên tách ảnh bộ và ảnh đơn thành những cuộc thi riêng biệt. Đồng thời phải không ngừng rút kinh nghiệm, cải tiến, xây dựng nền tảng minh triết cho lý luận phê bình song hành phát triển. Những niêm luật về nhiếp ảnh từ ngoài biên giới khi du nhập vào Việt Nam phải được sàng lọc kĩ càng. Ngoài ra còn phải tích cực gây dựng, thay đổi cả thói quen thưởng lãm của đại đa số người xem ảnh. Nghệ thuật cũng được o bế trong cơ chế thị trường, chỉ người tiêu dùng mới đóng vai trò quyết định tuổi đời của một dòng sản phẩm. 

                                                                        Thái Nguyên, tháng 3 năm 2024.
 

. . . . .
Loading the player...