17-12-2019 - 06:07

Tản văn THÂN THƯƠNG RAU ĐẮNG... của Nguyễn Văn Chiến

Thân thương rau đắng

Không biết bây giờ có còn ai ăn rau đắng nữa không? Hôm qua khi ngồi một mình nhớ quê, nhớ mẹ câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại mãi ở trong đầu của tôi. Tôi cứ bần thần nhung nhớ mãi đám rau đắng sau nhà. Rau đắng mà chỉ có quê nghèo mới mọc, ngày xưa mẹ thường nói như vậy. Kể ra thì mẹ nói cũng đúng ấy chứ. Đi khắp bốn phương trời, phố thị in chằng chịt dấu chân, tôi chẳng thấy bóng dáng của một cụm rau đắng nào, mà chỉ quê nghèo mới thấy chúng mọc. Rau đắng với quê nghèo hệt như một bộ đôi mà tạo hóa đã sinh ra, gắn liền không thể tách rời.

Mỗi năm đôi bận tôi vẫn trở về quê thăm nhà, loanh quanh ra khu vườn phía sau tìm kiếm những cụm rau đắng thân thương. Dường như vết ký ức năm xưa vẫn còn vẹn nguyên, tôi bỗng thấy mình như nhỏ lại thành cậu bé lên bảy, lên tám chân trần, tóc khét nắng, lon ton cắp cái rổ tre be bé ngang hông theo mẹ ra vườn hái rau đắng. Rau đắng là thứ rau được mọi người xếp ngang hàng với họ rau dại, rau tập tàng. Chúng là thứ rau tự mọc, chẳng cần người chăm sóc, tưới tắm cũng vươn lên mãnh mẽ xanh tốt, bất kể là mùa hè nắng nóng hay mùa đông lạnh giá. Tôi thích ăn rau đắng vào những mùa mưa hơn cả. Vì sau mưa rau đắng rất non, vị đắng thanh mát hơn so với những ngày nắng gắt.

Rau đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Rau đắng xắt nhỏ nấu canh lẫn với tép đồng hoặc đơn giản hơn thì luộc lên chấm với nước tương. Nhưng tôi lại nhớ và ấn tượng hơn cả là món nộm từ rau đắng. Nhưng phải tự tay mẹ làm tôi mới ưng. Mẹ làm nộm rau đắng ngon lắm. Thật ra thì cũng từ nguyên liệu rau đắng là chính cộng thêm ít gia vị sẵn có trong nhà, chứ chẳng thêm nếm loại gì khác. Nhà nghèo mẹ làm nộm theo kiểu nhà nghèo. Rau đắng sau khi hái vào mẹ rửa thật sạch, chần một lượt qua nước sôi chừng ba phút để vừa sạch rau vừa giảm bớt độ đắng trong rau. Xong mẹ cho ra rổ chờ ráo nước. Sau khi rau đã ráo hẳn nước, nhanh tay thoăn thoắt mẹ lấy đũa gắp ra một chiếc dĩa lớn và bắt đầu nêm nếm gia vị trộn đều. Một chút muối, một chút đường, nước mắm, tiêu, tỏi, ớt băm nhỏ tùy vào sở thích ăn cay của mỗi người mà cho nhiều hay ít. Công đoạn cuối cùng mẹ vắt nửa trái chanh lấy nước rưới thật đều vào rau và trộn lẫn lạc rang đã dã nhỏ nhạt đậu. Có hôm bố tôi đụng được ít cân thịt lợn ba chỉ trong xóm, thì món nộm rau đắng trở nên “cao cấp” hơn. Cũng từng ấy công đoạn chỉ có khác thêm thịt lợn mẹ thái hạt lựu ướp sẵn gia vị xào nấu cho chín rồi trộn vào đĩa nộm. 

Mâm cơm dọn ra dĩa nộm rau đắng làm chủ đạo thức ăn chính cho cả nhà. Hương vị nộm rau đắng đặc biệt không thể lẫn vào đâu được. Rau đắng có vị nhân nhẩ đắng, giòn giòn hòa quyện với vị chua, mặn, ngọt và một chút nồng của ớt khiến tôi không thể cưỡng lại nổi, ăn một miếng lại muốn miếng thứ hai. Có lần trong bữa ăn khi bốn anh em tôi cứ châm đũa mãi vào dĩa rau đắng tôi thấy mắt mẹ ngân ngấn lệ. Không nói ra nhưng mẹ thương đàn con quanh năm suốt tháng phải ăn rau đắng, thiếu chất nên mẹ buồn. Mấy anh em biết phận nhà nghèo cũng chẳng bao giờ dám đòi hỏi gì thêm, ngoan ngoãn để mẹ khỏi phải bận tâm.

Thời gian quả thật là thứ khắc nghiệt trên thế gian này. Cái ngày xưa ấy đến bây giờ cũng đã gần hai mươi năm trôi qua. Mẹ tôi cũng đã từ bỏ trần gian mà về với cát bụi. Bốn anh em ở bốn phương trời tha phương, mưu sinh, mỗi dịp đến giỗ mẹ anh em cố gắng đoàn tụ trở về thắp cho mẹ nén hương. Theo nguyện ước của mẹ khi xưa, trong mâm cỗ cúng luôn có một dĩa nộm rau đắng. Ngồi tỉ mẩn làm món nộm rau đắng, nghĩ về mẹ, về ngày xưa mà nước mắt tôi không ngừng rơi…

                                                                                     Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

. . . . .
Loading the player...