Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Tản văn THƯ GỬI MÙA THU của Tác giả ĐÀO AN DUYÊN
đào an duyên
thư gửi mùa thu
Tản văn
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”…
Bài học đã bắt đầu như vậy, trong buổi mai đầy sương thu và gió lạnh ấy.
Tôi muốn viết thư cho mùa thu ở phía đã rời xa.
Chúng tôi tha thẩn chơi ở đầu ngõ và hóng lên phía đầu đường. Mẹ đi chợ về, sẽ xuất hiện từ hướng ấy. Trong chiếc thúng buộc phía sau xe, bao giờ cũng có một thức quà gì đấy. Mùa này, sẽ luôn là những quả thị hươm vàng như gom hết sắc nắng thu nằm dưới tấm vỉ đậy tròn mắt nhìn mùa trôi đi trong man mác hơi sương. Lật cái tấm vỉ lên, tưởng như mở ra cả một bầu trời văn vắt dưới vòm lá treo lơ lửng những con mắt thị dịu vàng. Hương của thức quả mỗi năm một mùa như còn lơ lửng mãi ở một nơi nào đó, mà hễ cứ mùa về, lại nhưng nhức thơm dậy lên. Đứa trẻ nào thời ấy chẳng có một chiếc túi mắt lưới lưa thưa được kết bằng sợi len, sợi cước để cất giữ hương mùa thu cho tuổi thơ mình. Những quả thị cứ treo đung đưa suốt dọc mùa thu chiu chắt những yêu thương từ tấm lòng của bà, của mẹ. Tôi đã từng thốt lên “Những mắt lưới không nhốt được mùa thu”. Chính là khi nhớ về những quả thị lơ lửng trong những chiếc túi, mà hương thơm thì lan xa mãi.
Mùa thu ở phía đã rời xa có lẽ hiểu được, con đường đến trường không phải luôn đầy sương thu và gió lạnh đẹp đẽ thơ mộng như trong sách vở. Mùa thu cũng là mùa mưa bão. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải bíu lấy nhau trong những ngày gió như muốn cuốn phăng đi những gì nó gặp phải trên đường. Cái miền quê nằm giữa sông và biển, cảm giác quanh năm sũng nước. Đêm bão về, cây đèn bão leo lét giữa bốn bề mưa gió. Mẹ khoác manh áo tơi lui cui che chắn cho cái ổ gà sắp nở. Đàn gà còn nằm trong ổ trứng kia sẽ là áo quần Tết, là thịt mỡ dưa hành, là những hi vọng và dự định ở phía tương lai… Người có thể ướt, nhưng gà thì phải khô ráo ấm áp. Mẹ thật giống con gà mái mẹ, cả cuộc đời dùng đôi cánh mà ôm ấp chở che những đứa con của mình. Đến giờ tôi vẫn lơ mơ không hiểu tại sao những cơn bão lại thường đến vào lúc giữa đêm. Mẹ dựa vào sức gió, bằng kinh nghiệm của người một đời sống bên cạnh biển mà đoán độ lớn nhỏ của bão. Có đêm, mẹ phải đưa chúng tôi đi tránh bão ở nơi an toàn hơn. Mẹ cõng em tôi, tấm áo tơi như cánh con cào cào mới trổ cũn cỡn chỉ đủ che cho em, còn mẹ thì ướt run lập cập. Một tay mẹ giữ em, tay còn lại nắm chặt tay tôi, lò dò từng bước. Cây đèn bão trong tay tôi có lúc bị xoay tít mù trong gió. Tôi bấm chặt những ngón chân xuống đường, cố giữ chặt tay mẹ và cả cây đèn, tưởng chừng như gió có thể nuốt chửng chúng tôi bất cứ lúc nào. Mẹ gửi chúng tôi an toàn ở nhà người quen rồi lại tất tả trở về, trong đêm, lo chằng chỗ nọ, buộc chỗ kia chống chọi lại với bão gió. Có năm còn phải tranh thủ đi vớt đám lúa chín ngoài đồng đã bị ngập trong nước. Tôi ở nhà người khác, thường chẳng bao giờ ngủ. Tôi ngồi nhìn màn mưa mịt mùng trong đêm, vẩn vơ lo mẹ tôi trở về, liệu có gặp lúc nước sông dâng ngập đường không? Lòng tôi chỉ hết vẩn lên nỗi lo khi thấy bóng dáng thân thuộc của mẹ xuất hiện ngoài ngõ để đón chúng tôi về.
Mùa thu ở phía đã rời xa có lẽ hiểu được, con đường trở về nhà luôn là con đường đẹp nhất trong lòng mỗi người. Dẫu con đường ấy không có hoa nở. Con đường sau bão, khi nắng đã non nhẹ hừng lên khu vườn bị mưa gió quật tả tơi. Mẹ trở về gom những tàn dư, chúng tôi cùng thu dọn những đổ nát. Có gì đó xa xót trong ánh mắt sau bão của mẹ, nhưng rồi mẹ lại lụi cụi chắt chiu. Cuộc sống vẫn lại tiếp diễn, như nắng hừng lên sau bão. Khu vườn dần xanh trở lại, trái chín mùa thu lại dậy hương lan ra những khoảng trời văn vắt và hơi thu đườm đượm.
Tôi vẫn lơ mơ không hiểu tại sao những cơn bão thường ập đến giữa đêm. Và càng không hiểu sao mẹ tôi, và cả hàng vạn hàng triệu những người mẹ trên đời này có thể bình thản mà đối mặt, chống chọi lại bão giông, dù chúng thường ập đến giữa đêm như thế. Tôi đã đi đến những chân trời xa, không đếm xuể bao nhiêu cơn bão đã ngang qua tôi, đã để lại những dư chấn bám riết lấy tâm trí mình. Nhưng tôi cũng đã học được cách bình thản đối mặt, chờ bão tan, thu dọn tàn dư, đợi màu xanh trở lại trên cây lá, và hi vọng mùa trái chín thơm lành…
Mùa thu ở phía đã rời xa, chắc sẽ hiểu được, khi tôi gửi lá thư này.
Đ.A.D
chờ mẹ đi chợ về (ảnh nguồn ITN)