25-11-2024 - 01:12

Tản văn “Thương nhớ cá đồng” của Đinh Sỹ Minh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu tản văn “Thương nhớ cá đồng” của Đinh Sỹ Minh

Đó là tôi muốn nói đến các loại cá nước ngọt sống ở những cánh đồng làng tôi - Thanh Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh (nay là Thanh Bình Thịnh). Các loại cá tràu (quả), rô, chép, trê… một thời đã nuôi sống tôi và gia đình. Thưở ấy, sau giờ học về đến nhà vứt vội sách vở lên bàn là tôi lao ra đồng, lăn lộn với cuộc mưu sinh: Bắt cá.

Làng tôi có nhiều cánh đồng: Đồng Đeo, đồng Mốt, đồng Vòong, đồng Cuống… nguồn gốc tên gọi có từ ngày xưa. Với tâm thế của người săn cá, tôi chỉ biết hai dạng đồng: Đồng sâu và đồng cạn.

Hàng năm, vào mùa thu hoạch vụ lúa chiêm, tháng Tư, tháng Năm, nắng nóng và gió Lào đã làm khô cạn nguồn nước. Các ruộng sâu, ao hồ đều chạm đáy, là cơ hội cho dân săn cá bọn tôi hành nghề. Các ruộng lúa sắp chín, xung quanh đều khô nứt, nhưng khi chui sâu vào gặp ngay trọt vát (vũng nước nhỏ, nằm chỗ thấp nhất giữa ruộng), cá tập trung về đây, tôi chỉ việc bắt đầy oi (giỏ). Cũng có khi tôi liều mình tát vũng, vào dịp nghỉ hè, tôi và bạn gái cùng xóm khi đó mới 13, 14 tuổi đã ngăn cả một đoạn rào cạn (khúc rào cũ bỏ đi, khi dân khơi một dòng chảy khác cho rào chính). Hai đứa đánh vật với cái gầu dây (khau tát nước) cả ngày, cơm nắm mang theo, tối về vật vã cả rổ cá các loại. Gặp đợt trúng mẻ cá lớn như thế, tôi thường được mẹ cho đem bán lấy tiền mua sách vở năm học mới. Mùa tháng năm, cá tập trung ở các ruộng sâu, các đìa, vũng nước nằm cạnh con rào chảy qua đồng phía tây làng. Ngoài bắt cá, tôi và chúng bạn còn mò cua, bắt hến, trai… nước rào mùa cạn, chúng tôi cứ trần truồng, đầu đội trời, chân lội nước đi mò hến, trai. Hến trai bắt được, đôi khi nhiều ăn không hết lại mang đi đổi gạo. Cả làng tôi nhà nào cũng có người bắt cá, mò hến. Đặc biệt là bọn trẻ trâu như tôi. Không ít lần tôi đi bắt cá trộm.  Đó là bắt cá ruộng lúa sắp chín bị HTX cấm (sợ rụng lúa). Khi lúa vụ chiêm chuẩn bị thu hoạch, tôi thường tranh thủ trưa vắng, chính ngọ là lội ruộng bắt cá, với kinh nghiệm đi đồng nhiều, tôi biết ruộng nào, đồng nào là lắm cá mùa này. Cá bắt được, tôi giấu trong các bao tượng (bao vải) buộc ngang người, ngoài mang áo tơi, về nhà đổ ra cả sảo (rổ), đủ các loại cá. Cá to, đưa đổi gạo, cá nhỏ nhà ăn. Nhờ vụ “bắt cá trộm” mà tôi có thêm thu nhập mua sách vở cho năm học mới.

Minh họa: HÙNG DŨNG

Tôi thích nhất là mùa bắt cá tháng Mười. Mùa này khi lũ lụt bắt đầu rút, để lại cho làng một nguồn lợi thủy sản phong phú: Cá các loại, cua, ếch, lươn, chạch, hến, trai… nhiều nhất vẫn là cá. Vào mùa mưa lũ này, cả làng tôi như ngày hội nước. Nhà nào cũng có người ra đồng bắt cá. Các món cá rán, cá lẩu, cá nướng… ăn xổi là thứ xa xỉ với nông dân quê tôi thời bấy giờ. Đa số là cá được kho nghệ để ăn dài ngày. Dân sành ăn thường nướng cá lên lửa than (củi) để thịt cá thơm. Gia vị gồm nghệ tươi, hành nén, ớt tươi, mật mía và mỡ, mắm (thời đó, không có nước mắm thường dùng nước cua, cáy hay nước muối cà)…, cho nước chè xanh (chát) lấp xấp, giảm lửa sôi liu riu đến khi nước sắp cạn thì tắt lửa. Hồi xưa không có tủ lạnh và lò vi sóng như bây giờ, nên sáng nào bê nồi cá ra ăn đều phải hâm sôi lại. Cá kho kiểu này, càng hâm càng ngon. Đó là công thức kho cá đồng truyền thống của dân quê tôi, đến giờ nghĩ đến vẫn còn thơm.

Những năm đầu về quê dưỡng già, tôi háo hức với món cá đồng kho nghệ. Giờ không còn sức khỏe để ra đồng bắt cá. Nhưng thấy các cháu tát vũng, hay đi câu, thả lừ có cá là tôi tìm mua. Cá đồng bây giờ rất hiếm. Tôi không còn thấy các cháu đi bắt cá theo truyền thống như: Câu, nơm, thả lừ… là rất ít. Nổi lên là bắt cá bằng lưới Bát quái của những vị “đại ca” làng. Chỉ với vài ba trăm ngàn đồng là có tấm lưới Bát quái dài 8 mét. Họ thả thính bằng cám gạo rang thơm dụ con mồi. Con mồi vào thì dễ, ra thì không được. Nghe nói lưới này xuất xứ Trung Quốc. Bắt bằng lưới này cả đỉa cũng không thoát. Ngoài ra, có cháu còn bắt cá bằng xung điện, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Các kiểu bắt cá này đều tận diệt. Cá bắt được cũng không nhiều vì cá bây giờ làm gì có? Một vài lần tôi mua được cá đồng của các cháu, nhưng không lần nào gặp cá to. Cá đồng bây giờ thường nhỏ, gầy, đầu to… Cá mua về, tôi vẫn kho nghệ truyền thống (bây giờ có điều kiện nên nhiều gia vị và kỹ hơn xưa nhiều) nhưng khi ăn tôi thấy vẫn nhạt, không phải nhạt muối mà nhạt nhẽo vị cá đồng. Điều chắc chắn là cá đồng bây giờ hiếm, ít. Nguyên nhân chính là nông dân dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ, thuốc diệt chuột. Nước ô nhiễm cứ quanh quẩn từ đồng sâu sang đồng cạn, từ đồng đông xuống đồng tây. Cá không còn một nhẽ, đất cũng nhiễm hóa chất đang cằn cỗi bạc màu dần.

 Ngày nay, các loại cá đồng vào các chợ quê, hay siêu thị còn rất nhiều. Cá to, béo, nhìn bắt mắt, nhưng hầu hết đều cá được nuôi trong các hồ nhân tạo, mua về, dù chế biến rất nhiều gia vị, tôi vẫn không ngửi thấy mùi cá đồng, thịt cá nhão nhạt.

Không hiểu tại xưa nghèo khó ăn gì cũng ngon, hay tại cá đồng xưa được sinh sản lớn lên trong môi trường trong sạch, nên vị cá thơm mãi đến tận bây giờ. Có lẽ cả hai!

Thương nhớ cá đồng… cá đồng ơi!

Thanh Lạng, 21/09/2024

Đ.S.M

. . . . .
Loading the player...